Khi trình bày ca khúc Dư âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí, Mỹ Linh đã sửa từ “đàn” trong câu “Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên đàn” thành “muôn kiếp bên nàng”.
“Diva” Thanh Lam trước đó đã từng có lần chuyển Này em có nhớ, ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thành “Này anh có nhớ” làm thay đổi tính chất tự sự trong ca khúc. Nhiều ca khúc khác cứ nam thì hát “anh-em”, còn nữ thì “em-anh” bất chấp nhạc sĩ đang viết cho nam hay nữ. Bài Em và tôi của nhạc sĩ Thanh Tùng từng bị ca sĩ đổi thành "Anh và tôi".
Nhạc Trịnh có kỷ lục bị hát sai lời
Là một người mê nhạc và cũng hay hát, nhà văn T.T.D cho rằng một người không phải ca sĩ hát sai lời, phăng lời, thậm chí chế lời, mà trước đó hay có câu “xin lỗi tác giả” thì không sao nhưng một ca sĩ chuyên nghiệp, thì không bao giờ nên phạm lỗi đó. Vì khán giả không chỉ không bằng lòng mà còn có khi thất vọng, còn tác giả thì sẽ tức giận vì thấy tác phẩm của mình không được tôn trọng.
Khi họ nghe một giọng ca cỡ Mỹ Linh hát, họ đã hoàn toàn yên tâm đặt mọi hy vọng rằng đó sẽ là một ca khúc hoàn hảo, vì thế, khi giọng ca vàng ấy hát sai sẽ khiến khán giả cảm giác như đang thưởng thức món ăn ngon mà cắn phải sạn vậy, sẽ ê ẩm lắm.
Các nhạc phẩm Trịnh Công Sơn đang chiếm kỷ lục bị các ca sĩ hát sai lời nhiều nhất, dù là ca sĩ mới hay đã có tên tuổi. Trần Thu Hà vì "lỡ" hát sai lời một câu trong bài Nắng thủy tinh (chương trình Đêm thần thoại) mà bị khán giả “nhắc nhớ” hoài. Một phần vì ca từ nhạc Trịnh có ngữ nghĩa “cao siêu” so với mặt bằng ca từ nhạc trẻ, một phần vì những dị bản in ấn ca khúc và bản thu của các ca sĩ thế hệ trước.
Ca khúc Diễm xưa thường bị hát là: “Chiều nay còn mưa sao em không lại, nhớ mãi trong cơn đau vùi...”. Trong khi lời hát đúng là “nhỡ mai” chứ không phải là “nhớ mãi”, dù khi hát trong cao độ của hai nốt ấy, hai chữ trên rất khó phân biệt.
Giới nhạc sĩ bức xúc
NS Trần Tiến bức xúc: "Một câu hát của tôi hay bị các ca sĩ hát sai là "Nhớ chiếc hôn đầu tiên em chưa dành cho anh", trở thành "Nhớ chiếc hôn đầu tiên em không dành cho anh". Chỉ sai một từ, là sai cả nội dung lẫn cảm xúc của bài hát. Mỗi một ca từ là một giọt mồ hôi của người nhạc sĩ. Cả đời sáng tác đôi khi chỉ chắt lọc được một vài ca từ rất “đắt”, thế mà nhiều ca sĩ lên biểu diễn lại hồn nhiên hát sai lời, quên lời. Một số trường hợp còn “sáng tác” lời mới lấp vào, với tôi đó là một sự chua xót".
Một nhạc sĩ khi nghe chuyện này đã thẳng thắn: “Tôi nghĩ chỉ có hai yếu tố làm cho một ca sĩ “dám” làm điều đó. Thứ nhất đẳng cấp của họ không ngang bằng nhạc sĩ sáng tác (nên không hiểu nhạc sĩ đó viết gì), thứ hai ca sĩ hát vì bị ép hát bài họ không thích. Khi không thích việc thuộc nằm lòng cũng khó, cho nên hát đại cho xong. Khi nhận lời hát một bài mà không thuộc sở trường của họ, làm sao họ đủ tình cảm cho bài hát đó?”.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh thì cau mày, anh nói: “Chuyện này giờ chẳng có gì lạ. Đó là vấn đề văn hóa chứ không phải chuyện thuộc hay không thuộc lời”.
Danh ca Tuấn Ngọc chia sẻ: “Mỗi lần nhận hát show tại phòng trà, tôi rất hồi hộp. Vì có hai loại ca khúc: một là những bài tôi thích hát nhưng khán giả không thích; hai là những ca khúc khán giả thích nhưng tôi lại không thuộc lời. Bài nào không thuộc lời, tôi đành cáo lỗi và xin đổi bài khác, chứ không dám vừa hát vừa đặt lời mới, vì muốn tôn trọng tác phẩm của nhạc sĩ. Bản thân tôi đã rút “kinh nghiệm thương đau” từ lần hát ca khúc Em ơi, Hà Nội phố mà… không thuộc bài trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 17.
Trường hợp hát quên lời hình như không ca sĩ nào tránh khỏi trong quá trình đi hát. Nhưng có người khi quên lời, họ liền hát ngay… lời khác mà họ tự chế. Còn tôi bị gọi là “lộ liễu” vì không hát được lời khác. Chuyện quên lời xảy ra có khi vì trí nhớ của ca sĩ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khách quan. Tất nhiên, tôi tránh hết mức để xảy ra sai sót này”.
Dù vậy, vẫn có cái nhìn “độ lượng” hơn. NS Phạm Duy nói: “Có lẽ do áp lực tâm lý nên các ca sĩ trẻ bị khớp, hát sai lời... khi hát nhạc của tôi trong một chương trình có dàn dựng quy mô. Mặc dù vậy, tôi hài lòng vì âm nhạc của mình đã được khoác lên một diện mạo mới với những giọng ca của thế hệ sau. Chỉ cần các ca sĩ trẻ chịu khó để ý, học thuộc lời hơn là họ đã có được tiết mục đặc sắc, trọn vẹn”.
Ý kiến bạn đọc