Xuân Hương giải thích về thời gian 'chết lâm sàng'

Thứ tư - 02/02/2011 20:35 4.438 0

Xuân Hương giải thích về thời gian 'chết lâm sàng'

Trình làng show diễn "Những người thích đùa" thành công trong nhiều năm, từng nhận giải Cù Nèo Vàng, nhưng gần đây, diễn viên Xuân Hương khá im ắng, không ít người đồn rằng chị đã rút khỏi kịch trường TP HCM.

- Chị giải thích như thế nào về sự “im hơi lặng tiếng” của mình thời gian qua?

- Nhiều người thường nghĩ đến tôi là nghĩ đến “chất lửa” vì lòng nhiệt tình và máu nghề nghiệp luôn cháy rừng rực trong tôi. Nhưng mấy năm gần đây tôi bị “chết lâm sàng”, không dám làm nghề nữa mặc dù kịch bản đã được viết xong. Tôi vẫn viết kịch bản vì điều đó như một món nợ tôi phải đeo mang suốt cuộc đời này. Tôi không thể không viết vì đó là cách duy nhất để tôi bày tỏ những suy nghĩ của mình trước những vấn nạn của xã hội. Thế nhưng kịch bản viết xong rồi lại cất vào ngăn tủ vì sợ những khó khăn khi bắt tay vào việc.

Để cho chương trình được đến với khán giả thì tôi phải kiêm nhiệm rất nhiều việc từ viết kịch bản đến tổ chức chương trình, chuyện nào cũng phải tốn nhiều tim óc và công sức. Nhưng những điều đó không đáng ngại bằng khi làm xong rồi thì cách tính thuế mới làm tôi nản chí. Đủ thứ thuế đè lên số tiền bán vé. Nghệ sĩ kiêm luôn nhà sản xuất nên buộc lòng phải đắn đo xót thương cho những sáng tạo của bản thân.

- Dẫu có những chuyện này nọ như chị nói, thì sân khấu vẫn cứ phải sáng đèn hằng đêm. Chị có đi xem không và nhận xét thế nào về sân khấu hài kịch thời gian qua?

- Hài kịch cũng nằm trong cái chung của bức tranh nghệ thuật màu xám trong hoàn cảnh hiện nay. Thừa về lượng và thiếu về chất, thừa vở diễn nhưng thiếu tác phẩm hay, thừa những giải thưởng nhưng thiếu những tài năng thực sự để chúng ta tôn vinh, thừa những quy định nhưng thiếu những yếu tố để phát triển sự sáng tạo và nhân tài. … Và còn nhiều nữa những cái thừa và thiếu khác rất cần đến một cuộc đại phẫu của ngành chức năng và của những người trong cuộc để đem lại “vùng trời bình yên” cho nghệ thuật.

- Vậy còn với tư cách một diễn viên được xem là gạo cội, chị có nhận xét như thế nào về thế hệ diễn viên hài bây giờ?

- Tôi là người rất sợ những câu hỏi nhận xét về người khác vì ngại những phiền toái không đáng có. Nhưng mận đã hỏi thì đào cũng ráng xin thưa. Ngày xưa khi vào học trường Nghệ thuật Sân Khấu chúng tôi may mắn được học trong một môi trường nghệ thuật lý tưởng vì thầy cô là những người có kiến thức rộng, đạo đức và yêu nghề.

Ngoài ra chúng tôi còn phải tuân thủ theo nội quy rất nghiêm khắc của nhà trường, không được phép nhận lời đóng phim hoặc diễn trước khi tốt nghiệp vì nhà trường muốn cho sinh viên phải “đủ lông đủ cánh” rồi mới “bay”.

Ngày nay, vì nhiều lý do khác nhau nên môi trường đào tạo không được như xưa, sinh viên vừa mới học năm thứ nhất đã đi tấu hài. Một số khác bỗng dưng được “nhảy” lên phim và được khán giả biết mặt (tôi chưa dùng chữ nổi tiếng) đã tạo ra nhiều ảo tưởng và sự ngộ nhận.

Họ chưa được chuẩn bị đầy đủ “hành trang” để có thể làm nghề một cách vững vàng và họ cũng ít chịu khó nghiên cứu tìm tòi học hỏi cái mới nên khó có được một thế hệ diễn viên (cả diễn viên hài và diễn viên của thể loại khác) vượt trội để có thể phù hợp với khuynh hướng nghệ thuật trong thời đại mới mặc dù chúng ta có rất nhiều tài năng.

- Nhưng cảnh bây giờ khác xưa, ngoài tài năng, các diễn viên vẫn cần thêm nhiều thứ để tỏa sáng, không loại trừ những biện pháp hơi “rẻ tiền”. Đó là khó khăn của họ. Chị có lời khuyên gì để họ không đạp phải gai của hoa hồng, trên đường đi tới đích thành công?

- Càng lúc bạn càng “truy” tôi vào bước đường cùng đấy nhé (cười) vì không ai dám lấy kinh nghiệm và suy nghĩ của mình để áp đặt cho người khác, nhất là đôi khi có nhiều người lại thích dẫm trên gai hoa hồng để được tiến thân.

Hầu hết những người làm nghệ thuật của thế hệ trước đều thành công bằng tài năng và rèn luyện một cách nghiêm túc, cùng với nhân cách của họ đã tạo nên những “tượng đài” trong làng nghệ thuật. Ngày nay cuộc sống đã đổi khác nên quan niệm của con người cũng thay đổi theo, chính vì vậy những chuẩn mực về đạo đức cũng bị đảo lộn.

Chúng ta rất đau lòng khi chứng kiến cái thấp hèn đã dần chiếm ngôi cái cao thượng trong nhiều lãnh vực. Tôi nghĩ tự mỗi con người đã tự chọn lựa cho mình một con đường riêng, tùy theo trình độ văn hóa, nhận thức và nền giáo dục (từ gia đình và nhà trường), và cũng tùy theo mục đích khi người đó bước vào nghệ thuật mà họ có cách chọn lựa riêng cho mình.

- Như chị nói ở trên, nhiều sinh viên kịch tham gia tấu hài sớm, rồi “nhảy” cả lên phim… liệu có phải vì bây giờ người ta khó mà sống được với chỉ riêng một nghề?

- Bạn nghĩ sao về khái niệm “sống được với nghề”? Có lẽ bạn nghĩ rằng sống được với nghề là sống được bằng chính đồng lương của nghề đó. Còn tôi có suy nghĩ “thoáng” hơn bạn nên tôi cho rằng sống được với nghề là sử dụng thế mạnh nghề nghiệp của mình để có thể sống “khỏe” hơn. Nếu chấp nhận hiểu theo cách của tôi thì có khối người sống “khỏe’ với nghề của mình, bạn sẽ thấy có nhiều người chỉ cần nhờ vào việc làm một vài phim rồi họ bán vai cho những người muốn bước lên “nấc thang danh vọng” là họ có được cả tình lẫn tiền.

Kịch bản càng có nhiều vai thì “lợi nhuận” càng lớn, càng được nhiều người bám vào săn đón, bán được càng nhiều tiền bất kể người mua vai có khả năng diễn xuất hay không. Người mua vai được lên phim là coi như đương nhiên được nổi tiếng, nổi tiếng rồi sẽ có điều kiện để làm “chuyện khác”, lúc đó lo gì không lấy lại được vốn và biết đâu nhờ trời họ lại sống khỏe hơn. Biết đâu chừng?! Tuy nhiên cũng có không ít người sống được bằng nghề của mình dù là sống nghèo.

- Lại nói về những người sống được bằng nghề dù là sống nghèo đó, tôi nghĩ họ cũng phải đối diện với những khó khăn của riêng họ, đó là phải sáng tạo không ngừng, không lặp lại người khác và không lặp lại chính mình, phải liên tục vượt qua những thành tựu của bản thân. Chị có cảm thấy thế không hay chị hài lòng với những gì mình đã có?

- Đúng là không lặp lại người khác và không lặp lại chính mình là điều khó khăn và đầy thách thức. Nhưng điều khó khăn hơn là phải chịu đựng trước những chuyện “lặp lại người khác” một cách cố tình của một số người rồi lại chối tội một cách hùng hồn khi bị phát hiện. Tôi tạm hài lòng với chính mình về chuyện tôi im lặng thở dài hiện nay.

Nguồn tin: Đất Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây