Tuy nhiên số lượng khán giả không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với chất lượng. “Tôi đi xem phim này chủ yếu là để coi nó tệ tới cỡ nào mà bị chê dữ vậy. Đã chuẩn bị tâm lý trước, vậy mà vẫn phải ngạc nhiên trước trình độ… dở của bộ phim. Đây là bộ phim dở nhất từ trước đến giờ mà tôi từng coi. Không có gì để nói ngoài một chữ: Nhảm!”, Hoàng Khánh (sinh viên Đại học Bách Khoa TP.HCM) thẳng thừng nhận xét.
Nhảm cỡ nào?
Có lẽ chưa phim nào ở Việt Nam mà sự cẩu thả lẫn yếu kém lại… “đồng bộ” như phim này, từ đạo diễn, kịch bản, lời thoại, quay phim, dựng phim, chọn diễn viên, chỉ đạo diễn xuất, chỉ đạo hành động, thiết kế bối cảnh, âm nhạc… Và lỗi nghề có thể chỉ ra hàng loạt: quay phim thường xuyên mất nét, đặt ánh sáng kiểu “sáng mặt ăn tiền”, phô rắc-co, phi logic trong nhiều cảnh quay… Một sinh viên học điện ảnh năm thứ nhất cũng không thể làm một bộ phim tệ và mắc quá nhiều lỗi như vậy!
Và mặc dù là phim Việt nhưng tiếng Việt trong phim thật sự “có vấn đề”. Việc sử dụng tiếng thật của các diễn viên là điều rất đáng khích lệ, nhưng cảm giác đạo diễn không (hay không biết?) chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên, để mặc họ nói năng loạn xạ, không trau chuốt lời thoại cũng không cả kiểm soát giọng nói của các diễn viên. Điều này có thể thấy rất rõ ở Siu Black với kiểu thoại sinh hoạt, không có trong kịch bản. Giọng nói nửa Nam nửa Bắc của chị tạm chấp nhận vì đây là vai hài, nhưng kiểu diễn xuất cường điệu theo bản năng, chủ yếu khai thác ngoại hình quá khứ được bê từ phim này sang phim khác, đã bắt đầu làm khán giả… thấy oải! Hai nhân vật mà giọng nói gây phản cảm nhất là cô cảnh sát điều tra từ đầu đến cuối phim ăn mặc như… cave, giọng nói “chua như dấm”, và bà ma-sơ trưởng có giọng nói nửa nạc nửa mỡ cộng thêm diễn xuất căng cứng của bà khiến mỗi lần cất tiếng nói là bà gây ức chế cho người xem.
Cũng kiểu diễn căng cứng, cường điệu của hàng chục năm trước, giờ tái hiện lại trong phim này là vai diễn đồng tính của Trấn Thành. Lại là đồng tính. Thêm vai diễn này khiến phim không chỉ dở mà còn…dơ.
Kinh khủng nhất là sự xuất hiện của người mẫu Anh Thư trong vai ni cô Tịnh Đức. Đạo diễn yếu kém hay do cô không hiểu vai, mà lại xây dựng một nhân vật mang đầy tính côn đồ bạo lực như vậy. Cô mở miệng ra là tu ở chùa từ nhỏ, mới bước ra đời còn nhiều ngơ ngác… vậy mà khi đụng chuyện, không cần nói nửa lời, không cần biết ai phải trái đúng sai, ni cô Tịnh Đức đã xuất thủ đánh người, động tác võ thuật lại không hề nữ tính, mà chỉ thấy sặc mùi… cascadeur. Từ đầu đến cuối phim, người xem chỉ thấy tính cách nổi bật nhất của ni cô Tịnh Đức là… đánh nhau. Đó là hành vi của côn đồ xã hội đen, chứ đâu phải của người xuất gia nơi cửa Phật. Anh Thư càng tô đậm tính cách nhân vật côn đồ đội lốt ni cô của mình, bằng gương mặt… lạnh như trà đá kiểu xã hội đen. Diễn xuất tẻ nhạt rất “hợp” với một giọng nói vô hồn không một chút biểu cảm của cô trong suốt phim.
Cười kiểu gì cũng tốt?
Đạo diễn kiêm biên kịch, kiêm chủ đầu tư phim Em hiền như ma sơ cho hay hàng ngày ông đều cử 20 nhân viên công ty của mình, thuê thêm mười mấy người khác và bản thân đích thân tới rạp coi phim cùng khán giả để xem phản ứng của họ thế nào. Ông Hoàng Thiên Trụ ngạc nhiên không hiểu vì sao báo chí lại… chê phim gay gắt như vậy, vì theo ông thì “khán giả đến xem rất đông, họ ngồi gần như chật rạp, chỉ chừa 2 hàng ghế đầu”, và “thấy khán giả rất vui, rất thích bộ phim, họ cười vì thỏa thích chứ không phải châm biếm”. Thực tế thì ngay cả các nhà báo đã “chê phim gay gắt” ngay từ khi nó vừa ra mắt cũng cười ngả nghiêng trong rạp khi xem phim này. Họ cười vì sự…ngô nghê, vụng về buồn cười của bộ phim từ kịch bản đến diễn viên.
Giải thích cho sự ngô nghê, vụng về này, đạo diễn Thiên Trụ cho rằng Em hiền như ma sơ được làm “hướng theo trường phái “không có thật” (crazy movie), nội dung toàn những chuyện không có thật, phim thuần túy giải trí, tạo nụ cười bằng sự phi logic và những tình huống không có thật, không hợp lý”.
Ông giải thích trong những cảnh hành động, hai nhân vật Emme Tien và ni cô Tịnh Đức (Siu Black và Anh Thư thủ vai) dù chạy xe dưới làn đạn rơi như mưa, thậm chí bị cả đại bác bắn mà vẫn không hề sứt mẻ, vẫn sạch sẽ bước ra từ khói lửa, là điều được đạo diễn cố tình làm và mục đích cuối cùng là để gây cười.
Ông cũng cho biết cảnh trực thăng làm với kỹ xảo đã làm thành 2 bản, một bản giống như thật và một bản thì giả như thấy trên phim và quyết định sử dụng bản giả để tạo tiếng cười!
“Tôi có nghiên cứu thị trường khi làm bộ phim này đấy. Tôi thấy rằng người mình sau khi phải lao động vất vả thì muốn giải tỏa căng thẳng bằng việc uống cà phê, nhậu và xem phim hài, kịch hài, vì thế tôi mới làm bộ phim theo phong cách như vậy. Làm xong phim mà phải giải thích cho người xem hiểu được ý của mình tôi chẳng vui chút nào” - ông Trụ tâm sự.
Quả là chẳng vui gì khi lại phải “giải thích” với khán giả rằng, những phim hài kiểu “crazy movie” (điển hình là bộ phim cùng tên của ngôi sao Harold Lloyd) thực ra rất tỉnh trong “bộ dạng” có vẻ “điên khùng”, nụ cười được bật lên từ những tình huống hài hước chứ không phải từ sự bóp méo tình huống một cách tự nhiên chủ nghĩa để gây cười theo kiểu “thọc lét” khán giả như Em hiền như ma sơ đã làm…
Tương tự khi đề cập tới khả năng “copy” bộ phim Mỹ Sister Act (Các bà sơ hành động) của Em hiền như ma sơ, đạo diễn cho rằng đã “sử dụng mô-típ ca sĩ hết thời trốn xã hội đen trong tu viện đã có ở nhiều bộ phim khác và khai thác nó một cách hợp pháp chứ không phải copy, giống như mô-típ câu chuyện mà các bộ phim về khiêu vũ như Street dance, Step up, Vũ điệu đam mê… được sử dụng đi sử dụng lại vậy”.
Thử làm phép đối chiếu, có thể thấy đường dây chính của Sister Act là cô ca sĩ hết thời có ngoại hình thô kệch xấu xí (do Whoopi Goldberg đóng) trốn xã hội đen vào tu viện, thì Em hiền như ma sơ cũng y chang với Siu Black. Cảnh cuối rất nổi tiếng của Sister Act, khi bà sơ bất đắc dĩ điều khiển dàn đồng ca nhà thờ hát bài I Will Follow Him, với tiết tấu và nhún nhảy theo phong cách hiện đại thì ma sơ Siu Black và dàn đồng ca cũng làm y hệt như thế với bài hát của nhạc sĩ Đức Huy.
Đó là còn chưa nói đến việc cảnh Siu Black tiếc nuối giằng co với Anh Thư cái phong bì có tấm séc 10 tỷ đồng, giống hệt cảnh Whoopi Goldberg tiếc nuối giằng co với bà xơ tấm ngân phiếu 4 triệu USD trong phim Ghost (Oan hồn)!
Với những người làm phim chuyên nghiệp, ai cũng biết rằng dù lấy mô-típ hay cảm hứng gì gì đó… thì phải mua lại ý tưởng, hoặc ít nhất phải ghi “dựa theo…” hoặc “lấy cảm hứng từ…” trên credit của phim. Phim Em hiền như ma sơ chẳng có một dòng chữ nào như vậy.
Cũng phải nói thêm, công ty Sallywood của đạo diễn Hoàng Thiên Trụ hiện đứng nhất nhì ở VN về kỹ xảo trong quảng cáo. Nhưng làm kỹ xảo cầu kỳ cho một clip quảng cáo từ 30 giây đến 1 phút cũng phải mất tối thiểu là 2 tuần.
Cả một trường đoạn hành động trực thăng rượt đuổi xe máy, bắn giết đùng đùng như Em hiền như ma sơ, nếu làm ở Hollywood cũng phải mất ít nhất 4 tháng. Song công ty Sallywood cũng chỉ mất 4 tháng… nhưng làm cả một bộ phim hoàn chỉnh. Bởi vậy có lẽ nó mới phải khoác tấm áo “crazy movie” chăng?
Nói đi thì cũng phải nói lại. Đi xem phim với tâm lý “để coi nó tệ tới cỡ nào mà bị chê dữ vậy” thì đúng là khó có gì để nói ngoài một chữ: “Nhảm!”.
Tác giả: Vũ Tuyết Anh
Nguồn tin: TT&VH
Ý kiến bạn đọc