"Bi, đừng sợ!" được LHP Cannes chọn vì “giày vò và quyến rũ”

Thứ tư - 28/04/2010 02:07 1.447 0

Cảnh trong phim

Cảnh trong phim
Việc bộ phim Bi, đừng sợ! của đạo diễn Phan Đăng Di được hội đồng tuyển lựa của Liên hoan phim Cannes (Pháp) chọn vào “thi đấu” tại hạng mục Tuần phê bình quốc tế được xem là “sự kiện” của điện ảnh Việt Nam.

Lần đầu tiên một phim truyện VN tham gia thi đấu chính thức tại giải thưởng điện ảnh uy tín này. Từ Pháp - nơi bộ phim đang hoàn thiện phần hậu kỳ và in tráng, đạo diễn Phan Đăng Di đã trao đổi với báo Thể thao & Văn Hóa.

* Được chọn từ 900 phim

* Được biết hội đồng tuyển lựa đã chọn Bi, đừng sợ! sau khi xem bản dựng cuối khi còn chưa hòa âm và chỉnh màu. Xin anh cho biết kỹ hơn về sự lựa chọn này của hội đồng tuyển lựa?

Đạo diễn Phan Đăng Di: - Tuần lễ phê bình là hạng mục được Hiệp hội Phê bình phim của Pháp sáng lập từ năm 1962 nằm trong khuôn khổ của LHP Cannes, với mục đích phát hiện những gương mặt làm phim trẻ tài năng. Với tiêu chí đó, hội đồng tuyển lựa chỉ chọn vào danh sách dự thi các phim đầu tay và phim thứ 2.

Theo thông báo từ hội đồng này, năm nay có 7 phim truyện được chọn vào vòng dự thi từ 900 bộ phim gửi về. Một điều thú vị là cả 7 phim được chọn đều là phim đầu tay. Việc các hội đồng tuyển lựa của Cannes chọn phim qua các bản phim chưa thật sự hoàn thành cũng rất bình thường.

Lý do là Cannes (và các LHP lớn khác như Venise hay Berlin) chỉ xem xét các phim chưa được phổ biến hay tham dự bất kỳ LHP nào trước đó. Vì vậy, rất nhiều phim gửi đến vẫn trong quá trình hậu kỳ. Theo cam kết, các phim được chọn chỉ cần hoàn chỉnh một tuần trước khi diễn ra LHP là hợp lệ.

* Hội đồng tuyển lựa của Cannes đã đánh giá như thế nào về Bi, đừng sợ!?

- Bản chưa hoàn thiện của Bi, đừng sợ! được nhà sản xuất gửi đến hội đồng tuyển lựa theo một quy trình thông thường. Tôi không biết rõ ý kiến đánh giá của hội đồng về phim, nhưng trong thông cáo báo chí có đưa ra một bình luận ngắn gọn: Đây là một bộ phim giày vò và quyến rũ (tiếng Anh trong nguyên văn là a tortured and captivating film).

* Triết lý “nấu cháo rìu” trong làm phim

* Để hoàn thành bộ phim, dự án phim Bi, đừng sợ! đã phải đi một chặng đường khá dài vòng quanh các nước để xin hỗ trợ kinh phí. Đây là một dự án phim độc lập mà đạo diễn và các nhà làm phim khá vất vả để tìm kiếm kinh phí cho đứa con của mình. Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc thuyết phục các đối tác hỗ trợ kinh phí?

- Làm phim độc lập cũng tương tự như chuyện nấu một nồi “cháo rìu”. Khởi đầu anh chỉ có trong tay một cái rìu mà lại muốn nấu một nồi cháo, nếu anh nghĩ cái rìu sao thành cháo được anh chắc chắn sẽ dừng lại, và như thế thì chẳng bao giờ có bộ phim nào hết.

Nhưng nếu anh lạc quan hơn một chút, anh cứ bắc nồi lên và cho cái rìu vào, rồi châm lửa. Sẽ có người đến và hỏi anh nấu cái gì đấy, lúc đó anh sẽ nói tôi đang nấu cháo, nhưng đang thiếu một chút gạo, anh có gạo thì cho vào đi, cháo chín thì ta ăn chung. Nếu người đó cho gạo vào là ta có được đối tác đầu tiên, ta và người đó lại tiếp tục nấu và chờ người có mắm muối đến, khi có thêm mắm muối, nồi cháo đã có chút hương vị rồi lúc đấy ta tiếp tục nghĩ đến chút thịt, chút xương, cứ thế…

Kinh nghiệm nấu cháo rìu cho thấy không nên mơ chuyện ngay lập tức có đủ nguyên liệu cho nồi cháo, mọi thứ sẽ đến lần lượt nếu ta kiên nhẫn. Và tất nhiên, trước tiên phải nổi lửa lên. Như với Bi, đừng sợ!thoạt đầu chúng tôi chỉ có đúng 10.000 USD để bắt đầu…

Cảnh trong phim

* Và nồi cháo rìu của phim này đã được nấu như thế nào?

- Chúng tôi khởi động dự án này với một êkip hoàn toàn Việt Nam, nguồn đầu tư chủ yếu cho việc quay phim cũng từ Việt Nam (Công ty Sud-est, Công ty BHD, Quỹ hỗ trợ sản xuất phim của Bộ VH-TT&DL, nhà hàng La Cantine Ha Noi Opera). Chính vì quen với thực tế làm phim là luôn phải đối mặt với thiếu thốn của Việt Nam mà các thành viên trong đoàn chẳng ai kêu ca phàn nàn, dù quả thật điều kiện của chúng tôi cũng chẳng dư giả gì.

Việc phim được làm hậu kỳ ở Pháp cũng là một may mắn nằm ngoài dự kiến, khi quay xong phim, chúng tôi cũng tiêu sạch cả tiền rồi, tôi đang tính sẽ phải dừng một thời gian để tiếp tục tìm tài chính bổ sung cho hậu kỳ thì nhận được tin phim được Quỹ Fond SUD và kênh truyền hình Arte của Pháp đồng ý tài trợ.

Trước đó rất lâu chúng tôi có gửi hồ sơ đến hai nơi này nhưng gần như quên bẵng đi vì nghĩ là khó. Đặc biệt là Quỹ Fond SUD, vốn đã tài trợ cho dự án Chơi vơi mà tôi đứng tên kịch bản, và tôi không nghĩ họ lại tài trợ hai lần cho cùng một người viết.

Sẽ gửi phim về nước duyệt trước khi đi Cannes

* Với những gì đã làm được, anh có bằng lòng về Bi, đừng sợ!? So với ý tưởng ban đầu, bộ phim đạt được bao nhiêu phần trăm điều anh muốn nói, muốn thể hiện?

- Sau ba năm theo đuổi bộ phim, điều quan trọng nhất là tôi đã học được cách chấp nhận nó, tôi không còn buồn bực mỗi khi thấy nó vụng về, xấu xí, cũng không xúc động mạnh khi ai đó khen nó có nét hay, nó đơn giản là con mình, đã được sinh ra, mọi bình luận đều không thay đổi được sự thật cốt yếu đó, rằng nó đã được sinh ra…

* Anh chuẩn bị những gì cho Bi, đừng sợ! ở LHP Cannes tới?

- Hiện tại tôi đang chờ nhà quay phim Phạm Quang Minh sang để hoàn thiện nốt việc chỉnh màu trên 35mm. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến cuối tháng 4 này phim sẽ hoàn thành, tôi sẽ gửi phim về nước duyệt trước khi đi Cannes. Việc chuẩn bị ở Cannes, nhà sản xuất sẽ lo, về phần mình tôi sẽ đến đấy như một vị khách được mời.

* Cảm ơn anh về cuộc trao đổi!

Theo Nguyệt Anh - báo Thể Thao & Văn Hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây