Annie Leibovitz được coi là một bậc thầy về ảnh nhân vật, tác giả của các bức ảnh từng “gây sốc” nổi tiếng thế giới như tấm hình John Lennon lõa thể quấn lấy Yoko Ono vào đúng ngày ông bị ám sát, Demi Moore nude toàn thân với chiếc bụng bầu 8 tháng hay Whoopi Goldberg trong bồn tắm đầy sữa… Nữ nhiếp ảnh gia người Mỹ này trò chuyện với báo giới về nghệ thuật của ánh sáng, Helmut Newton và cơ thể phụ nữ trong các tác phẩm nhiếp ảnh...
* Thưa bà Leibovitz, bà đã sống ở San Francisco, Paris và New York. Vậy bà thấy Berlin thế nào?
- Năm 1969, lần đầu tiên tôi tới nước Đức, hết thảy khi ấy rất tối tăm và bí hiểm. Lần này thì mọi thứ đều tuyệt. Tuyết phủ trên phố như một lớp đường kính mỏng. Tôi yêu thứ ánh sáng hòa trộn với bóng tối ấy. Tối hôm qua, khi ngồi trong khách sạn, tôi chỉ muốn lao ra ngoài ngay lập tức để chụp ảnh. Tuyết sáng trên nền đất, phía trên là bầu trời âm u - cứ như thể đất trời hoán đổi vị trí cho nhau vậy. Tại đây, ở Berlin, người ta còn nhìn thấy trời, chứ ở New York thì chỉ thấy nhà.
* Bà hiếm khi chụp ảnh các công trình kiến trúc. Tuy nhiên, bức ảnh chụp bảo tàng Guggenheim ở Bilbao lại thuộc số những tác phẩm đẹp nhất của bà.
- Tôi yêu những ngôi nhà, cảnh vật, kiến trúc. Nếu có thể theo đuổi một nghề thứ hai, có lẽ tôi muốn trở thành kiến trúc sư. Bảo tàng Guggenheim rất... “gợi tình”, một công trình bậc thầy, đặc biệt “bắt sáng” và có duyên với ống kính. Vào một ngày mây u ám, nó thẩm thấu hết ánh sáng vào mình theo một cách thức không gì sánh nổi.
* So với vẻ “gợi tình” của bảo tàng Guggenheim thì bức ảnh Scarlett Johansson trong chiếc “áo giáp” kết đá giống như một hình ảnh tưởng tượng tiêu biểu của nam giới. Là người chuyên chụp ảnh cho các tạp chí, bà không gặp vấn đề với những “góc nhìn đàn ông” kiểu như vậy sao?
Scarlett Johansson trong chiếc “áo giáp” kết đá
- Lúc đầu tôi cảm thấy buồn cười. Tôi nhớ tới lần chụp ảnh bìa cho tạp chíRolling Stonevới Carly Simon. Tôi thấy phản cảm thế nào đó, vậy là Giám đốc nghệ thuật của tạp chí đã tới và tự tay chụp. Khi nhìn các bản in, tôi đã nghĩ rằng lẽ ra mình có thể làm tốt hơn. Kể từ đó, tôi đã tự chụp tất cả những người mẫu nữ. Là phụ nữ, ta không được sợ ngắm nhìn người cùng phái. Những gì người ta nhìn thấy và thể hiện ở đây cũng là một phần của bản thân họ. Ở các diễn viên thì điều này có liên quan nhiều tới những dự án nghề nghiệp. Bản thân họ cũng muốn gửi gắm chút gì đó về dự định của mình vào bức ảnh. Ở góc độ này, Scarlett rất đặc biệt. Các anh đã xem phimLost In Translationchưa? Những gì mà đạo diễn Sofia Coppola đã khai thác được từ Scarlett ở bộ phim này là quá tuyệt vời. Kể từ đó, tôi đã không bao giờ nhìn thấy những chiều kích phong phú như vậy nữa ở Scarlett. Nhưng để chụp một bức ảnh của cô ấy thì không khó. Scarlett vốn có sẵn sự cuốn hút. Anh chỉ cần dàn dựng sân khấu cho cô ấy thể hiện thôi.
* Đối với Helmut Newton, mọi thân thể phụ nữ đều là một phần trong thế giới tưởng tượng riêng của ông ấy. Bà thì trái lại, để cho người mẫu hiện diện như chính họ vẫn thế.
- Helmut là một thiên tài. Những bức ảnh chân dung của ông ấy vẫn chưa được nhìn nhận đúng với giá trị thực. Helmut có một cái nhìn rất chính xác, nhấn mạnh hết thảy những gì ông ấy làm. Tôi thì tiếp cận từ một góc độ khác hẳn. Tôi rất dè dặt, e ngại, tới mức phải cầu mong sao cho người mẫu thể hiện được chút gì đó để mình có thể chụp ảnh. Ngược lại, Helmut như một đạo diễn lớn, ông ấy luôn biết chính xác mình muốn gì. Khi tới những buổi hẹn để chụp ảnh, tôi không biết chính xác mình muốn gì và sẽ thu nhận được những gì...
Các nữ ngôi sao Hollywood quy tụ trước ống kính của Leibovitz
* Các bức ảnh của bà nom cứ như thể tác giả đã luôn biết chính xác mình mong muốn những gì đấy chứ. Bà nổi tiếng là người luôn chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước khi chính thức bắt đầu tác nghiệp.
- Tôi thường làm những gì mà mọi người cần phải làm: Tôi thực hiện những “bài tập về nhà” của mình. Tôi thường muốn biết rõ một chút về người mà mình sẽ chụp hình, và thế là tôi đọc hoặc quan sát xem họ đã làm những gì. Thế nhưng sau đó, khi bắt đầu buổi chụp ảnh, vẫn luôn còn xuất hiện nhiều khía cạnh chưa được khám phá.
* Trong cuốn sáchAnnie Leibovitz At Workcủa mình, chính bà lại chê bức ảnh chụp Demi Moore đang mang bụng bầu 8 tháng. “Đó không phải là một tác phẩm ảnh chân dung đích thực”, bà viết như thế, vì nữ diễn viên đã lấy tay che ngực và nhìn thẳng vào ống kính. Ấy vậy mà tư thế “nghệ thuật” này đã khiến cho bức ảnh trở nên nổi tiếng khắp thế giới.
- Tôi chỉ muốn nói rằng đấy không phải là một tác phẩm nhiếp ảnh thực sự tốt. Đúng hơn: Nó là một bức ảnh bìa rất đẹp. Điều đó tạo ra một khác biệt lớn. Nếu là một tác phẩm nhiếp ảnh thì Demi có lẽ sẽ không mang chiếc nhẫn kim cương mà một người tạo phong cách đã đeo vào cho cô. Có một bức ảnh đen trắng chụp Demi mang bụng bầu, để ngực trần và đôi tay Bruce Willis, chồng cũ của cô ấy. Đối với tôi, bức ảnh này có giá trị hơn nhiều.
* Như vậy là một tác phẩm nhiếp ảnh đích thực có thể “kể” nhiều hơn về cuộc sống bên trong, về tâm hồn của người làm mẫu?
- Tôi có vấn đề với từ “tâm hồn” này. Trong công việc có tính chất nghĩa vụ hàng ngày, ta không thể nhìn thấy “tâm hồn”. Không phải vì người ta không thể nhận ra nó. Nếu sống với bạn một năm, chắc chắn tôi sẽ nắm bắt được tâm hồn bạn. Nói chung, tâm hồn là gì? Đấy là một từ ngữ to tát khi người ta cho thấy khía cạnh bị che giấu của ai đó. Điều này đa phần là xảy ra khi bạn làm việc với những người mà mình hiểu và yêu quý.
* Vậy thì thay vì những người nổi tiếng, bà chỉ còn thích được chụp ảnh bạn bè và gia đình mình sao?
- Có thể. Tôi thích những tác phẩm nhiếp ảnh của Sally Mann, Nan Goldin và các bức ảnh những người tình của Edward Weston...
*Những thứ mà giờ đây là đã quá cũ rồi?
- Không, đó là những thứ gắn bó với cả đời người. Tôi sẽ chụp ảnh cho tới lúc ngã xuống. Tôi may mắn có một sự nghiệp dài lâu đến vậy và cảm thấy có trách nhiệm với những người mình đã chụp ảnh.
* Các ngôi sao tỏ ra tin cậy bà.
- Không ai nên tin ai cả (cười)! Tôi đã kết bạn với một vài ngôi sao, chẳng hạn như Nicole Kidman. Công việc có những giá trị của nó. Đơn giản là tôi luôn muốn được tiếp tục làm công việc của mình.
TH.A(lược dịch)
Annie Leibovitz, sinh năm 1949 tại Waterbury, Connecticut (Mỹ), là nữ nhiếp ảnh gia lừng danh với nhiều bức ảnh chân dung về các nhân vật nổi tiếng. Bà thường gây sốc với những bức ảnh bìa báo của mình, trong đó đáng kể có tấm ảnh cuối cùng chụp John Lennon với Yoko Ono, chỉ vài giờ trước khi cựu thành viên của nhóm The Beatles bị ám sát. Năm 1970, Leibovitz bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh gia của mình với tạp chíRolling Stone. Năm 1983, bà đến làm việc ở tạp chíVanity Fair, chụp ảnh cho rất nhiều diễn viên, ca sĩ, nhà văn và những người nổi tiếng khác.
TT&VH xin giới thiệu với bạn đọc những tác phẩm của Annie Leibovitz