Phim và đời: Đi tìm mẫu số chung - Bài 1: Khi phim không giống... đời!

Thứ hai - 03/08/2009 11:00 2.448 0

Cảnh trong phim Những ngày hè xanh

Cảnh trong phim Những ngày hè xanh
Sau khi 5 trong tổng số 27 tập phim "Những ngày hè xanh" lên sóng (21 giờ 30 từ thứ tư đến chủ nhật hàng tuần trên HTV7), phim đã nhận nhiều ý kiến phản ứng từ khán giả, đặc biệt là những người đã tham gia chiến dịch thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh (MHX) và một số cơ quan, đơn vị có liên quan đến chiến dịch này. Không chỉ lên tiếng qua báo chí, cả ba bên: HTV, Hãng phim Lasta và Thành đoàn TPHCM đã ngồi với nhau để “bàn thảo”. Tiếp thu những ý kiến góp ý, nhà sản xuất đã cắt 20 phút trong tập 6 là những cảnh hài không phù hợp hoặc “hơi gợn” và các cảnh tương tự sẽ được “tỉa” ở những tập sau. 5 tập đã phát sóng cũng được chỉnh sửa để có thể phát lại phim này vào dịp khác.

Nhìn lại “sự cố” Những ngày hè xanh...

Vì sao một bộ phim truyện truyền hình lại có số phận không mấy vui vẻ như vậy? MHX là chiến dịch thanh niên tình nguyện do Thành đoàn TPHCM khởi xướng và tổ chức suốt 15 năm nay, được đông đảo thanh niên, sinh viên hưởng ứng và tạo hiệu ứng xã hội rộng lớn, tích cực. Nhà sản xuất cũng như đạo diễn đã bày tỏ thiện ý “tôn vinh một chiến dịch, một lý tưởng cao cả của người trẻ”. Tuy nhiên, không ít người lại không đồng tình với một số chi tiết trên phim: cách thức chuẩn bị MHX sơ sài, có chiến sĩ MHX say rượu, nói tục, trốn về... 

Ai cũng hiểu, phim truyện được quyền hư cấu chứ không phải phim tài liệu để đặt sự thật lên hàng đầu. Nhà làm phim có thể dựng nhân vật “tai to mặt lớn” hay đụng đến những vĩ nhân trong lịch sử... Vấn đề là khi đưa vào tác phẩm những tên tuổi, địa danh cụ thể cần lưu ý sự thật khách quan và không được làm méo mó đi bản chất vốn có của sự việc và hiện tượng, nhất là khi phản ánh những gì đang diễn ra. Sự sáng tạo hay hư cấu của các nhà làm phim phải trên cơ sở hiện thực với tỷ lệ hợp lý để những gì được tái hiện trên phim không đi quá xa hay làm sai lệch hình mẫu nhân vật hay hoàn cảnh ngoài đời. Không riêng phim ảnh mà văn chương hay nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác thường phải tôn trọng nguyên tắc này. 

Là phim truyện nhưng Những ngày hè xanh thuộc dòng phim “người thật, việc thật”, đúng hơn là phim phản ánh lịch sử ở thời hiện tại. Trong phim còn có những “nhân chứng, vật chứng” hiện rõ trên khuôn hình: bảng hiệu Trường Đại học Bách khoa; tên Thành đoàn TPHCM; logo của Hội Sinh viên VN... Vậy nên không ai muốn chấp nhận khi gắn những tên tuổi cụ thể này với những hình ảnh chưa đẹp… Nhà làm phim đã thừa nhận những sai sót này và cho rằng, nếu đặt một tên gọi khác, sử dụng trang phục khác, không nói về 30 ngày của 11 thành viên đội 9 trường ĐH Kinh tế thì đây là bộ phim hư cấu hoàn toàn, sẽ ít bị góp ý hơn.

Một bộ phim truyền hình dài tập thường phát sóng kéo dài cả tháng, thậm chí nhiều năm. Vì vậy, các nhà làm phim nên cân nhắc thể hiện nội dung để khi phát riêng từng tập không gây nên những “sự cố” đáng tiếc, ngoài ý muốn. Vì thông thường, diễn biến câu chuyện hay số phận nhân vật càng về sau mới càng bộc lộ rõ; dụng ý của nhà làm phim là xây dựng nhân vật có quá trình phát triển tính cách, và hoàn thiện dần trong cuộc sống... Trong khi người xem thấy bắt đầu của nhân vật có cá tính “bất thường” là lên tiếng ngay, chẳng chờ xem các tập sau cho rõ. Khá nhiều bộ phim truyền hình chịu chung “số phận” bị khán giả “mắng” như vậy khi đài phát những tập đầu. 

Nhìn lại những phim bị phản ứng vì “không giống ngoài đời” 

Khi khán giả và nhà báo đều nhiệt tình… bắt lỗi thì cái lỗi lớn nhất và được tập trung “mổ xẻ” nhiều nhất là… phim không giống ngoài đời. “Ngoài đời” thường “được” gắn với những gì phổ biến và thiên về chiều hướng tích cực. 

Ví dụ, phim Vòng nguyệt quế (24 tập), hàng chục chi tiết bị gắn mác “thiếu thực tế”, như: anh công an yêu thơ nên tha lỗi cho Thái khi Thái vi phạm luật giao thông, nhuận bút một tập thơ lên tới 11 triệu đồng… Nhân vật chính trong phim này bị kêu ca nhiều nhất: nhà văn gì mà ăn nói xấc xược với bố mẹ, yêu hết người này đến người kia... 

Người xem thường chăm chăm xem phim có giống mình không (vậy nên khi nhân vật làm nghề của mình bị bôi xấu, nhiều trường hợp đã bị đơn kiện tập thể). Dân “IT” (công nghệ thông tin) ngoài đời bảo nhân viên “IT” trong Lập trình cho trái tim chả ra chất “IT”. Phim về nhà báo hay có nhân vật nhà báo dễ bị... nhà báo “soi” nhiều nhất. Nghề báo (đạo diễn Phi Tiến Sơn) đến Phóng viên tập sự (đạo diễn Quốc Trọng) đều bị nhiều bài báo chê, theo kiểu “nhân vật nhà báo lên phim mà nhà báo thứ thiệt ngoài đời xem xong không nhận ra hình ảnh mình”. 


Phim Những vòng nguyệt quế bị khán giả và truyền thông chê tơi bời

“Không giống ngoài đời” phổ biến hơn cả là những quy định, khuôn mẫu mang tính pháp lý nhưng lên phim… chả phải thế. Bộ phim đang phát sóng trong chương trình Rubic 8 vào chiều thứ Bảy và chiều Chủ nhật trên VTV3 13 nữ tù nhân có đến hàng loạt “lỗi” do báo chí và độc giả thi nhau chỉ ra: áp tải tù nhân mà chỉ có một chiếc xe duy nhất, nữ tù nhân lái xe nhưng có bằng lái và qua mặt cảnh sát giao thông, 13 nữ tù nhân rượt đuổi người trên phố một cách ngang nhiên... Rồi có người nhận ra, ngay từ khi mở màn, các nhà làm phim đã thông báo: “chuyện phim không có thật”! 

Khổ nhất là khi phim có những câu thoại hay một số chi tiết khiến người có liên quan “động lòng” vì làm xấu hình ảnh của họ, dù rằng không ai xa lạ với những loại người như vậy ngoài đời. Nhiều thanh niên tình nguyện đã tham gia chiến dịch MHX cho rằng, ý thức kỷ luật là yêu cầu hàng đầu nên không có chuyện những người tham gia chiến dịch này say rượu hay bỏ về... như trong mấy tập đầu của phim Những ngày hè xanh. Chi tiết công an nhận phong bì trong Cổ cồn trắng cũng bị phản ứng. Nhà văn trẻ Đông Bích cùng nhóm bạn trongVòng nguyệt quế nói về các nhà văn già rồi cùng nhau phá lên cười ở quán cà phê: “Các bố ấy nghe đến tình dục là run như cầy sấy thì còn viết lách gì được nữa” khiến nhiều “bố” giận tím mặt. Giám đốc một bệnh viện lớn ở TPHCM còn gửi đơn kiện tới cơ quan hữu quan vì cho rằng phim Blouse trắng xúc phạm ngành y… 

>> Phim và đời: Đi tìm mẫu số chung - Bài 2: Trước sóng gió dư luận

Tác giả: Hải Đông

Nguồn tin: TTVH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây