Phim và đời: Đi tìm mẫu số chung - Bài 2: Trước sóng gió dư luận

Thứ hai - 03/08/2009 11:04 2.823 0

Nhóm "bà tám" trong phim Cô gái xấu xí bị khán giả chê là suốt ngày buôn chuyện không chịu làm việc

Nhóm "bà tám" trong phim Cô gái xấu xí bị khán giả chê là suốt ngày buôn chuyện không chịu làm việc
Phim đầu tư hàng chục triệu “đô” của những đạo diễn tên tuổi mà vẫn có “sạn”, kể cả phim đoạt Oscar đều không tránh được lỗi hết sức ngớ ngẩn. Sai sót về kiến thức chuyên môn một lĩnh vực nào đó dễ được khán giả trên thế giới thông cảm và bỏ qua. Nhưng xem phim Việt, sao khán giả nước mình nhiệt tình bắt lỗi đến thế?

>> Bài 1: Khi phim không giống... đời!

Logic của cuộc sống và logic của nghệ thuật 

Những bộ phim gây tranh cãi thường hình thành hai luồng ý kiến đối lập nhau. Bên cạnh những ý kiến chê bai, kể cả chê theo kiểu “đổ đi” thì không ít người nhận ra rằng, nếu làm phim mà giống ngoài đời thì bảo phim nhạt nhẽo chẳng ai xem, nhìn sự việc tích cực hơn một chút thì bảo phim tô hồng và phản ánh tiêu cực thì bảo bôi đen... 

Trên diễn đàn dienanh.net, bên cạnh những ý kiến chỉ trích phim Việt hay có “sạn”, cũng không ít người lên tiếng bênh vực. Nick “Doanhgia” viết: “Trong phim hành động Mỹ đấy, cảnh sát lúc nào cũng bị miêu tả là lũ vô dụng, đấu súng, rượt đuổi không nổi mà phá án cũng không xong, toàn là các “siêu anh hùng” hoặc nhân vật chính tự giải quyết xong mới thấy các bác cảnh sát đến dọn hậu quả. Nói như các bạn thì cảnh sát Mỹ phải nhảy đong đỏng lên kiện các nhà làm phim rồi, bôi bác họ thế cơ mà, khán giả thế giới xem xong lại tưởng ngoài đời cảnh sát Mỹ cũng vô dụng như thế...”. 

Có người quy kết khán giả nước mình... thường nhận xét hay bình phẩm theo kiểu trực quan, cảm tính. Như hồi Cô gái xấu xí, gần kết tự dưng nhiều người hùa theo Mai Lan, cho rằng cô ấy là người cao thượng, còn Huyền Diệu thì rõ mặt... cướp chồng. Hay nhiều cảnh các nhân viên văn phòng công ty “tám” với nhau lại bảo sao chả thấy họ làm việc gì mà cứ “tám” suốt ngày thế... Cứ thấy chi tiết nào vô lý là... vạch tội mà không thèm đếm xỉa đến việc chi tiết ấy trong hoàn cảnh nào, có gắn với quá trình phát triển tính cách hay tâm lý của nhân vật hay không, ý tứ các nhà làm phim gửi gắm ra sao hay đó chỉ là chi tiết dẫn dắt để chuẩn bị cho cảnh sau, phần tiếp... 

Chưa đến việc, mỗi phim có phong cách riêng hay nhà làm phim muốn thể hiện theo thể loại riêng, ví dụ phim hài thì phải cường điệu để gây cười; phim tâm lý tình cảm thì phải “đẩy” tình cảm nhân vật quá đà để còn lấy nước mắt khán giả... Chẳng hạn, Những ngày Hè xanh hướng tới khán giả trẻ, nhà làm phim muốn thể hiện theo hướng hài hước, trẻ trung, giờ khán giả phản ứng nên phải cắt 20 phút trong tập 6 những cảnh bị cho là “hài nhí nhố” và các tập sau cũng đều bị cắt bớt những cảnh hài. Rõ ràng, mục đích của nhà làm phim chưa đạt được! 

Nhà biên kịch Hà Thủy Nguyên (tác giả KB Vòng nguyệt quế) bày tỏ: “Đánh giá một bộ phim có nhiều yếu tố. Nếu xét chi tiết, tình huống thì phải xem tác giả, đạo diễn đưa ra có phù hợp với hoàn cảnh hay tâm lý nhân vật hay không, chứ đừng nên nói là có phù hợp với bên ngoài xã hội hay không. Logic của cuộc sống và logic của nghệ thuật đâu phải lúc nào cũng giống nhau”. 

Biên kịch, đạo diễn cũng có sai sót 

Đổ lỗi cho khán giả là không nên vì khán giả... hồn nhiên xem phim và góp ý cho phim thể hiện sự yêu mến và quan tâm đến phim Việt. Công bằng mà nói, nhặt ra trong hàng trăm ý kiến của khán giả, cũng có không ít lời phê bình xác đáng. Nhưng quả thật, không nên nhầm lẫn giữa những ý kiến khen chê của khán giả với những lời phê bình điện ảnh có chuyên môn. Kể cả nhà báo viết bài về điện ảnh hay bài được đăng trên báo tên tuổi thì không phải ý kiến nào cũng đều xuất phát từ cái nhìn biện chứng, hay người viết nào cũng có thể “thẩm thấu” được bộ phim dưới góc độ làm nghề điện ảnh. 


Cảnh trong phim Lập trình cho trái tim 

Trong nghệ thuật, việc thể hiện ở mức độ nào và liều lượng “gia giảm” đến đâu cho thấy tài năng của nghệ sĩ đến đó, nhất là khi thể hiện mặt trái hay cái xấu càng đòi hỏi bản lĩnh làm nghề cao của nghệ sĩ. Việc khán giả phản ứng trước hình ảnh nhà thơ nghiện vật vờ trên phố sẽ không xảy ra nếu không có những trường đoạn dài với thời lượng đáng kể trong phim Vòng nguyệt quế. Cũng trong phim này, cách diễn của diễn viên thái quá nên khiến người xem khó chịu khi thể hiện cảnh người bán sách dí đầu khách hàng bắt mua thơ... Ở một bộ phim khác đang phát sóng, khi xem kịch bản một tập phim 45 phút mà có đến 4 -5 cảnh giường chiếu thì quả là biên kịch đã... quá tay, cho dù có rào trước đón sau là phim không có thật. 

Theo đạo diễn Vũ Hồng Sơn, không nên trách khán giả khi họ góp ý cho phim - “Tôi cho rằng khán giả có quan tâm, ưu ái đối với phim nhà thì mới nhiệt tình nhặt sạn và đa số ý kiến khán giả là xác đáng chứ không phải không có cơ sở. Chúng tôi quan tâm đến những lời nhặt sạn của khán giả để điều chỉnh sao cho phim được khán giả chấp nhận. Có lúc nhân vật còn xa rời cuộc sống, chi tiết đưa ra có thể hơi sớm hay tính cách nhân vật ở thời điểm nào đó chưa phù hợp... khiến khán giả phản ứng. Có lẽ khán giả nước mình chưa có thói quen chấp nhận nhân vật cá biệt”. 

Có cố vấn đôi khi vẫn khó hết sai sót! 
Phim thường có cố vấn, chẳng hạn Mùa len trâu thì có nhà văn Sơn Nam, hay loạt phim Cảnh sát hình sự của VTV thì có cố vấn chuyên môn là người của bên công an... Các phim về ngành y: Nữ bác sĩ, Gia tài bác sĩ..., ngoài chuyện đưa kịch bản nhờ các bác sĩ tư vấn chuyên môn, diễn viên còn phải đi thực tế... 

Không có chuyên gia, phim sai sót là một nhẽ. Nhưng không phải có cố vấn là tránh được sai sót. Lập trình cho trái tim cũng có chuyên gia IT hẳn hoi góp ý kịch bản nhưng nhân vật Vũ Vũ vẫn nói sai thuật ngữ. Nhóm viết kịch bản Những ngày Hè xanh có 5 người thì 4 người từng là chiến sĩ tình nguyện. Trước khi bấm máy, đoàn phim đã được Thành đoàn TP.HCM tư vấn và trong suốt quá trình quay đều phối hợp chặt chẽ với Thành đoàn. Trang phục trong phim một phần của Thành đoàn cho mượn, một phần khác được Thành đoàn giới thiệu sang NVH Thanh niên để mua. Trong phim còn có sự góp mặt của một cán bộ Thành đoàn, vào vai Chỉ huy phó... Thế mà... Khi bị dư luận phản ứng, chẳng chuyên gia tư vấn nào xuất đầu lộ diện để giải thích cho những điều bị dư luận phản ứng trong phim...
>> Phim và đời: Đi tìm mẫu số chung - Bài 3: Rốt cục vẫn nguyên là chuyện "nhân vật điển hình"

Tác giả: Hải Đông

Nguồn tin: TTVH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây