Nhiệm vụ sướng nhỉ. Không đâu. Đó là việc không dễ, cả nhà ai cũng lánh trút nên bà Đảnh buộc chồng phải gánh. Bà khẳng định: “Ông ấy chịu được, ông ấy có cái tài ấy”.
Lúc này, ông Đảnh thòng chân đạp nền nhà để đưa võng. Háng của hai ông cháu đâu vào nhau, cháu Danh cứ loay hoay nhỏm lên nhích xuống như bị vướng...
Ông Đảnh vất điếu thuốc ra cửa, ngáp một cái lê thê, ngáp như chưa bao giờ được ngáp. Ngáp xong, ông e hèm vài cái, rồi kể:
- Ngày xửa... ngày xưa... có con Khủng Long...
- Con Khủng Long là con gì, hả ông “dại”?
(Cháu Danh nói đặc sệt tiếng Nam Trung Bộ, lại ngọng nữa, nên mới ra thế!)
- Ồ, con Khủng Long như con Tắc Kè.
- Con Tắc Kè là con gì, hả ông “dại”?
- À, nó như con Khủng Long.
Nghe thế, cháu Danh đã rõ, không hỏi nữa, mắt chớp chớp nhìn trần nhà, nơi có con Nhện giăng tơ. Cái lưới tơ rung rinh trước gió trông thật đẹp mắt. Ồ, trong bụng nó ra tơ nữa kìa. Cháu Danh căng mắt nhìn...
Ông Đảnh liếc trộm cháu ngoại, ông cười cười, nghĩ bụng: “Như vậy cái thằng Danh này, không những biết được con Khủng Long, mà còn biết thêm con Tắc Kè. Còn ta, ông ngoại nó, không những biết con Tắc Kè mà còn biết thêm con Khủng Long. Tốt. Ngược chiều nhưng lại đâu vào đấy”. Tay xoa bụng, ông lại đạp chân xuống nền nhà, đưa võng mạnh hơn. Bữa cơm lúa mới thơm lừng, có thêm vài con mực muối nướng nhấm rượu, đã đẩy tiến độ cơn buồn ngủ trong ông nhanh hơn. Ông Đảnh nhướng mắt hết lên, mí cứ cụp xuống.
Giọng trong veo, ríu rít của cháu Danh lại vang lên:
- Ngày xửa ngày xưa là ngày nào, hả ông “dại”?
- Là trưa nay, cháu ạ.
Cháu Danh giật thót, cháu dớn dác ngó lên nhìn xuống, Lấm lét đảo mắt quanh quất... Đột ngột, giọng cháu nhỏ lại:
- Con Khủng Long... dữ dằn không? Hả, ông “dại”?
- Đứa nào không ngủ, nó nhai nghếu xương. Nào, cháu ngủ đi.
Thấy cháu đã nhắm nghiền mắt, miệng mím lại, ông cũng lập tức ngắm nghiền mắt, miệng há ra “kéo đờn cò”! Ông Đảnh đã rớt ngay vào “công thức” ngủ kinh điển: “Bụng căng cơm rượu + võng đu đưa + gió thổi mát + trẻ nhỏ líu lo lung tung = Ngủ khò!”
Cháu Danh lật đật mở mắt khi nghe tiếng “ngáy” của ông ngoại. Cháu nằm yên, quan sát mấy con ruồi bay ra bay vô nơi miệng ông ngoại. Nó nhẹ nhàng len lén chồm dậy, cẩn thận xoè hai bàn tay nhỏ nhắn... và “bốp” thật mạnh. Con ruồi vút bay, nhưng trong lòng hai bàn tay lại có “cái mũi cà chua” của ông ngoại. Ông Đảnh giật nảy người:
- Cái gì thế?
- Kể chuyện con Khủng Long nữa đi, ông “dại”?
Ông Đảnh xoa xoa nơi mũi, rồi nhìn vào bàn tay mình: Không có chảy máu mũi, rất tốt. Ông thở xì:
- À, con Khủng Long vì ăn no quá, ngủ rồi. Phải chờ nó dậy đã, mới biết nó làm gì mà kể chứ? Nào, cháu ngủ đi.
- Ông “dại”, ông “dại”... Con Khủng Long thức dậy chưa?
- Thức rồi, nhưng lại ngủ tiếp... Chờ đã.
- Con Khủng Long có ngủ chung với con Tắc Kè không, hả ông “dại”?
- Có
- Tụi nó ngủ chỗ nào hả ông “dại”
- Võng
Cháu Danh dớn dác nhìn vào võng. Dĩ nhiên, cháu chỉ thấy mỗi một thù lù ông ngoại. Nó kéo tóc ông ngoại:
- Nói láo. Ông “dại” nói láo. Nói láo. Con Khủng Long mấy tuổi, hả ông “dại”?
- Sáu hai
- Còn con Tắc Kè?
- Năm
Cháu Danh không hỏi nữa, khuôn mặt đột ngột nghiêm trang. Cháu thọc ngón tay ngoáy lỗ mũi liên hồi. Ngoáy xong, cháu chùi lên ngực ông ngoại. Chùi gì thì chùi. Mắt ông Đảnh đã ríu lại, miệng lại há ra, lập tức “kéo đờn cò”...
Bực quá, cháu Danh liền bốc dái ông ngoại, ông ngoại “cắn răng chịu đau”, ông ngoại vẫn ngoan cố ngủ. Cháu Danh lại “thọc lét” ông ngoại, ông ngoại vẫn rán không nhột, vẫn ngoan cố ngủ. Cháu Danh lại chồm lên vạch mí mắt ông ngoại, ông ngoại cũng không thấy nó, vẫn ngoan cố ngủ.... Nằm yên như chết, ông Đảnh cười thầm: “Kịch bản đến đây là hết lời thoại. Phải ngủ. Duyệt rồi, không lôi thôi gì nữa. Phải ngủ. Ngủ để làm gương mà noi theo. Cháu ạ”.
Cháu Danh bất lực trước một ông ngoại ngủ. Cháu thở xì xì, ngã người xuống võng, nhìn con Nhện giăng tơ trong lúc chờ đợi con Khủng Long thức dậy... Và, chỉ một chặp sau, cháu Danh dụi mắt, dụi mắt, rồi chìm sâu vào giấc ngủ trẻ thơ... Ông Đảnh lén mở mắt, ngắm thằng cháu; khuôn mặt ông rạng rỡ như ngắm một thiên thần!... Chỉ một chút thế thôi, mắt ông lập tức ríu lại, mồm há ra “kéo đờn cò”...
Bà Đảnh cắp cái rổ hái rau heo đi ngang qua, mỉm cười nhìn hai ông cháu ngủ vùi trên võng. Bà nhẹ nhàng đỡ cánh tay cháu Danh đang thòng xuống đất, đặt lên võng, đoạn bà khép cánh cửa lại cho bớt hanh nắng. Bà biết rằng Trời sinh ra cái buổi trưa này là dành riêng cho hai ông cháu ngủ đấy. Bà nén tiếng ho, rồi thoăn thoắt đi nhanh ra ngoài... Ho xong, bà lại trở vào, khẽ rút chiếc câu liêm giắt nơi mái ngói, bà nhìn vào võng lần nữa, lại mỉm cười, nói rất khẽ: “Kiểu ngủ con Tắc Kè y hệt con Khủng Long”. Rồi bà lại nhẹ nhàng đi ra...
Căn nhà lại chìm trong cái im vắng cực kỳ của buổi trưa giờ ngọ. Căn nhà cũng ngủ say. Xa lắm, văng vẳng tiếng chó tru lênh đênh trong gió, nghe buồn như sự bất lực trước những bất công...
Khoảng hai giờ, cháu Danh đã no ngủ. Vừa thức giấc, cháu cuống quít đập đập thùm thụp vào ông ngoại.
- Khủng Long. Khủng Long.... Ông “dại” thức dậy chưa?
Ông Đảnh bừng mắt:
- Thức dậy rồi. Thức dậy rồi.
Nói xong, ông bốc “chim” thằng cháu, cho vào miệng nhai xạp xạp. Cháu Danh phóng ra khỏi võng, tránh bị bốc lần hai, tế ra vườn tìm bà ngoại. Thấy thế, bà Đảnh quát lên:
- Tắc Kè chạy đi đâu? Nón đâu?
Cháu Danh khựng lại, dáo dác nhìn quanh:
- Khủng Long đâu, hả bà “dại”?
- Đi cày rồi.
Trông khuôn mặt ngơ ngác, thộn ra của đứa cháu, bà Đảnh bỏ chiếc liềm xuống, tiến lại bồng cháu, hôn chụt chụt, rồi cười như nắc nẻ...
Tác giả: Ngô Phan Lưu
Ý kiến bạn đọc