Thành phố ấy tôi chỉ biết còn có T. ở đó. Gọi điện hỏi T. về anh Bảy. T. nói anh Bảy qua đời nay hơn mười năm rồi. Vậy là điều tôi chiêm bao là đúng.
Tôi bảo T.: Mình sẽ đến thành phố, T. làm ơn chở mình đi một vòng những con đường cũ rồi quành lại ngang nhà xưa 254, xong mình sẽ quay về. Cam đoan không làm phiền, không quấy nhiễu ai. T. đồng ý. May mà còn có T.!
Nhà 254 nơi ngày xưa anh Bảy thường đến chơi. Tôi đứng lơ ngơ ngoài hàng rào nhìn vào để tưởng nhớ một người anh khả kính dẫu muộn màng - quá muộn màng. T. có vẻ buồn, còn tôi cố ghìm lại để khỏi bật khóc.
Ngày tháng vời vợi xa. Tôi đứng đây, trong tôi vẫn là cô bé trong veo, khờ khạo, dễ tổn thương và có cả một con người nếm trải bao nhiêu quăng quật của cuộc đời, có thừa khổ đau đến chai đá, trơ khấc.
Năm 1979 vừa ra trường, thủ trưởng giao nhiệm vụ tôi phải đi hết 4 cái Bình (Bình Phú, Bình Tịnh…) của huyện Cai Lậy để nói sao cho dân tự nguyện vào hợp tác xã nông nghiệp, vận động dân bán lúa giá rẻ cho Nhà nước rồi viết bài cho tạp chí. Ba nhiệm vụ song song. Cái mặt lơ ngơ non choẹt của tôi ngày ấy chẳng làm gì nên trò. May sao anh Bảy cũng là cán bộ tỉnh cử về công tác chung với tôi. Tài thuyết phục, nói năng của anh thì khỏi chê, có lẽ nhờ vốn làm chính trị viên ở bộ đội. Có anh tôi yên tâm. Chỉ tiêu cụ thể dân hứa bán lúa đã đạt được dù họ nhăn nhó đau khổ, trần tình đủ bề về giá phân thuốc cao ngất ngưởng, làm ra hạt lúa không dễ, bán giá ấy là… lỗ nặng. Còn hướng vào hợp tác xã để tiến về một tương lai làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, ai không làm không được hưởng, xóa bỏ bất công, chống tệ ngồi mát ăn bát vàng… Những ngôn từ kêu rổn rảng thắp sáng một tương lai hồng xa tít tắp. Tôi không đủ cảm hứng để hình thành một tác phẩm văn học theo yêu cầu của thủ trưởng. Nhưng được chỉ tiêu mua lương thực nhờ anh Bảy, coi như tôi chỉ hoàn thành phân nửa công tác.
Tôi thấy buồn. Có lẽ nhìn cái mặt rầu rầu, khờ khờ của tôi nên anh Bảy quý mến tôi như đứa em đáng thương. Những lúc rảnh anh thường đến nhà 254 chơi để nói chuyện thời chiến tranh, chuyện công tác với đủ thứ nhọc nhằn. Tôi không có anh trai nên cũng quý anh như người anh cả. Anh Bảy có cha già và vợ con ở Nhị Quí. Nhà anh có vườn nhãn ngon nổi tiếng. Thỉnh thoảng anh đem vài chùm biếu tôi. Biết vậy chứ tôi chưa có dịp đến thăm gia đình anh.
Tôi đứng nhìn vào khoảng sân, hành lang lạnh lùng cửa đóng. Cái hành lang mà nhiều lần trong chiêm bao tôi về đứng lặng lẽ, nghe tiếng vọng của tấm dal xi măng phát ra phía lối vào cổng sau (nhà 254 có hai lối vào trước và sau). Không biết ai đang ở đây. Nhà cả hai bên đều đổi chủ, chẳng ai biết mình.
Xưa kia, khoảng sân có trồng một cây dừa, trái nhỏ nhưng sai lắm. Sân bên của Phượng trồng một cây mận hồng đào cành nhánh nghiêng qua bên này. Đi vắng chừng vài ngày là sân ngập đầy lá. Lá rơi hàng xóm lá bay sang. Tôi hay nói với Phượng vậy lúc cầm chổi quét lá. Giờ thì cả dãy nhà không có một cây gì trước sân. Trống trải lắm. Còn cái ao rau muống to đùng phía trước người ta đã san lấp bằng phẳng. Tôi chỉ tưởng nhớ những gì của ba mươi năm về trước. Nhớ những người đã khuất, nhớ những người còn sống không thể nào gặp được. Nhớ những gì một đi không trở lại. Mọi thứ đã biến dịch, thay đổi đến bàng hoàng. Lẽ dĩ nhiên, thời gian gần một phần ba thế kỷ kia mà. Mình có quyền gì vòi vĩnh để thấy lại ngày xưa.
Trong thẳm sâu lòng mình, tôi thầm gọi hồn con ểnh ương kêu rền vang ngày ấy, gọi hồn những bông hoa sậy mỏng manh, nghiêng ngả theo gió chiều. Ngày ấy con đường Pasteur hãy còn những khoảng đất trống xen giữa phố nhà mọc đầy cỏ dại và sậy. Ngày bốn lượt đi về. Chiều mưa thế nào ểnh ương cũng rền vang.
Nhìn những bông sậy nở trắng xóa trong tôi thường lởn vởn câu Gió đưa bông sậy bỏ buồn cho ai. Giờ đây con đường xưa thành dãy nhà đẹp san sát. Bông sậy đã bay về trời.
T. bảo: Mình đi chơi đâu một chút đi, chị.
Tôi nói: Tùy T., đưa mình đi đâu cũng được, kể cả địa ngục.
T. cười: Bà khùng quá!
Ngồi với T. ở quán nước bên bờ giếng. Cái giếng bây giờ khác xưa nhìn lạ đến ngỡ ngàng. T. nhắc đến Ngọc Thúy. Ngưỡng mộ tấm lòng hiếu thảo và mối tình miên viễn dù không trọn vẹn từ hai phía. Vì chữ hiếu Thúy phải rời bỏ quê hương, bỏ nghề vẽ để làm công việc mưu sinh khác. Mối tình chớm nở ngày ấy không bao giờ tàn phai. Tôi nói: Mình ghen với anh H. của Thúy đó nghe. Anh có mối tình đẹp quá. Giá mà ai dành cho mình một tình yêu cỡ vậy, có chết cũng vui. Cảm động lắm cái đêm tôi ở nhà một mình ở quê, trời mưa lớn lại cúp điện. Nghe điện thoại Thúy gọi về từ nước Pháp. Chị khỏe không, đừng bệnh gì nghe, chờ em về em sẽ đến quê chị, ba “thằng” mình sẽ uống say một bữa. Nhớ lần tôi rời Tiền Giang, T., Thúy và tôi uống một bữa say thừa sống thiếu chết. Dại quá, mà lúc ấy mình đã uống rượu bao giờ đâu. Không ngờ giờ Thúy còn nhắc nhớ.
Cứ nghĩ rằng về đây để tưởng nhớ anh Bảy nhưng rồi sao mình thấy nhớ, thấy hiện về nhiều người, nhiều hình ảnh thân thuộc của ngày xưa. Hai năm đi học, hai năm đi làm. Thời gian vỏn vẹn bốn năm nào có nhiều nhặn gì so với đời người nhưng đó là bốn năm của tuổi trẻ, của thời gian đẹp nhất đời, của những gì hằn sâu không quên được.
Nơi ấy tôi đã từng đưa ba đến khám bệnh. Bác sĩ bảo ông cụ bệnh nan y, sống không quá bốn tháng nữa. Ra trường chưa đầy năm, tin ấy đến với tôi như sét đánh. Đau đớn đến tê dại, nhưng tôi giấu ba, nói ba ráng uống thuốc, tịnh dưỡng một thời gian sẽ khỏi. Những lúc ba ngủ tôi ra nhà sau ngồi khóc một mình, khóc không kìm nén. Nghe tiếng tấm dal phát ra: người bạn trẻ đến. Thấy tôi khóc bạn ấy luống cuống rồi cũng khóc theo. Tôi lau nước mắt và nói: Không nên vậy. Có gì đâu nào. Nếu phải khóc chỉ nên khóc một mình. Có hai người thì phải cười lên chứ.
Mặt đầm đìa nước mắt, bạn lại cười. Khuôn mặt có nụ cười lẫn nước mắt của bạn sao mà trong trẻo thánh thiện đến buốt lòng. Mãi mãi về sau không bao giờ tôi còn được thấy khoảnh khắc ấy. Đưa ba về quê. Bác sĩ nói không sai. Ba đã hết bệnh trong một chuyến viễn du vĩnh cửu.
Ngày ấy tôi từng bị kẻ trộm dọn nhà trong một đêm tôi đi vắng, trộm nhà người nghèo nhất thời bao cấp. Những vật dụng mà bây giờ không ai thèm lấy: gạo, áo quần, một tháng lương còm.
Còn lại một ít tiền tôi ra chợ trời mua vải may vài bộ mặc đi làm.
Suốt ngày tôi không nấu cơm. Vì tự trọng tôi không hỏi mượn ai. Người bạn trẻ lại đến, một giờ trưa vẫn chưa thấy cơm nước gì. Bạn lục lọi nhà bếp thấy không còn hột gạo, nhìn garde-manger không có gì ăn được bèn khóc sướt mướt. Lúc ấy tôi mới hơn hai mươi sức lực tràn trề, có thể nhịn ăn để uống nước lã vài ngày là chuyện bình thường. Người bạn trẻ ấy đã từng chia sẻ với tôi những khúc bánh mì thay cơm, chia những đồng bạc cuối cùng trong túi. Cũng có lần cùng ngồi ăn chén cao lương nguội ngắt. Ngày ấy người ta bán cao lương thay gạo. Tôi hỏi ngon không. Không chút do dự bạn bảo ngon lắm.
Có bạn tôi thấy được cảm thông và một chút ấm áp. Nhưng sao bạn hay khóc quá. Gì cũng khóc. Tôi nói đời người có một quỹ nước mắt nhất định. Đừng phung phí, để dành khóc mai sau.
Chia tay bạn ngần ấy năm, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ đến bạn với bao nhiêu ngọt ngào và đắng đót. Vâng, ngọt ngào và đắng đót. Biết làm sao.
Ký ức tôi lại hiện về hình ảnh chú P. Chú làm chung cơ quan với chuyên môn là viết văn. Người đàn ông đã đi qua chiến tranh bằng cả tuổi trẻ, lúc này chú khoảng trên bốn mươi. Chú buồn và lạc lõng nơi đông người kể cả ở cơ quan. Tôi nói khi nào buồn chú cứ đến nhà cháu chơi. Chú nói: Tao có bao giờ vui.
Và rồi thỉnh thoảng chú đến nhà 254. Chú có vẻ chán chường. Cái cười đẹp của người đàn ông luống tuổi lúc nào cũng ẩn chứa sự uể oải, ngạo mạn và bất cần. Chú ít nói về chính mình nhưng nói nhiều về sự đời. Mỗi điều chú nói ra là sự thật như cái tát vào mặt ngây thơ của tôi, giúp tôi mở mắt to ra và bớt khờ ngu một chút.
Tôi hỏi chú P. có thích uống rượu không. Chú nói có, tao nghiện mà. Nhưng không khi nào uống say bất biết đâu. Trạng thái ấy dành cho cái chết. Uống khoảng già nửa ly thôi, mình sẽ ở trạng thái lâng lâng, nhìn đời vừa thực vừa hư, thấy bớt đi một chút ô trọc và mình dễ chấp nhận nó hơn. Chú nói thì tôi hay vậy. Tôi không dám hỏi về nỗi buồn hay chuyện riêng tư của chú mà tôi đoán là rất “khủng khiếp”. Chú bảo rằng đã tự vẫn nhiều lần mà không thành. Có lần uống thuốc trừ sâu, uống vào tự nôn thốc, nôn tháo bằng hết. Không chết. Lần khác tự cắt mạch máu trong nhà tắm với ý định máu sẽ chảy mãi rồi xong đời. Chẳng may có người phát hiện đưa đi cấp cứu kịp. Chết không dễ, nhưng chú sống cũng không dễ chút nào. Chú cứ mãi là một thực thể cô đơn và buồn bã giữa đám đông.
Sau này không còn ở nơi ấy, tôi nghe nói chú qua đời vì bệnh nan y. Thôi thì dẫu sao chú cũng được toại nguyện: xa rời cõi nhân gian mà chú luôn tìm cách vượt thoát. Tôi không buồn, không vui khi nghe chú đã về cõi vĩnh hằng, nhưng hình ảnh một người nhiều lần phăm phăm tự hủy diệt chính mình giữa cõi người có quá nhiều kẻ tranh danh đoạt lợi, giẫm đạp nhau để thăng tiến và tồn tại, hình ảnh chú P. ám ảnh tôi mãi. Tôi chưa bao giờ có ý định tự vẫn, nhưng những lúc tuyệt vọng, chán chường tôi cũng bắt chước chú P. ngồi một mình uống già nửa ly rượu trong veo và thấy điều chú nói không phải là vô lý. Đôi khi rót rượu ra ly tôi muốn khấn vái mời chú P. nhưng nghĩ lại cái cõi đời chú luôn muốn vượt thoát, liệu ly rượu trần ai này có đáng để chú nếm môi?
*
Đi hết bốn cái Bình của Cai Lậy, xong một đợt công tác. Ba đứa T., Thúy và tôi đi thực tế ở biên giới Tây Nam và chiến trường K nơi đơn vị 514 chiến đấu. Bộ đội rất thích cánh văn nghệ. Chúng tôi đi qua dãy núi Tượng Lăng và những phum, sóc của Tà Keo. Hãy còn chứng tích của cuộc tàn sát tập thể, man rợ như thời Trung cổ. Xương người chất đầy một gian nhà rộng, áo quần, xà rông đủ màu sắc của người chết vương vãi khắp nơi. Hãy còn những dụng cụ hành quyết con người như dao, rựa, cuốc, cưa… dính đầy máu và tóc. Lòng tôi cứ băn khoăn câu hỏi không lời đáp: Vì sao người ta phải giết hàng loạt chính dân tộc mình? Ai đã đạo diễn và sáng tác ra hình thức giết người hãi hùng này?
Cái ấn tượng sâu đậm nhất đối với tôi là bộ đội Việt Nam cũng hy sinh nhiều. Trẻ quá và chóng vánh quá. Mới vừa ăn uống, nói cười với nhau, đi công tác vài giờ sau thành liệt sĩ. Tôi nhớ anh bộ đội tên Kiểng quê ở Gò Công, lúc tôi khen một nhánh bông vàng đẹp tuyệt mọc ra từ vách đá. Anh không nói gì, đi thẳng đến bẻ cả cành tặng tôi. Anh ít lời đến cảm động. Nghe nói các anh chuẩn bị đi công tác. Lúc đó khoảng ba giờ chiều. Đến năm giờ người ta khiêng những liệt sĩ về, trong đó có anh Kiểng. Hôm ấy đồng đội đặt các anh trên một tấm poncho rộng cạnh cái ao lớn mọc đầy bông súng, rồi tắm cho các anh. Đồng đội mặc cho các anh bộ quân phục mới, rồi quấn cuộn lại bằng tấm vải mủ trong suốt. Tôi đến bên xác anh Kiểng, đặt lên ngực anh những bông hoa vàng mà anh vừa bẻ tặng tôi trước đây mấy giờ. Người tôi cứ nôn nao, choáng váng như đang bệnh.
Chúng tôi về nước trong đêm trên chiếc GMC mui trần, có bốn liệt sĩ nằm trên sàn xe. Trăng non mờ mờ trên đầu, tôi ngồi cứ mãi nhìn các anh nằm trên sàn xe cho đến khi gần sáng về tới Long Định, người ta chuyển các anh vào nhà xác.
Những ngày sau đó, cánh thư biên giới “không tem” cứ liên tục bay về Hội Văn nghệ để thăm ba đứa chúng tôi. Hễ có chuyến về phép hay công tác ở thành phố Mỹ Tho, thế nào các anh cũng ghé nhà tập thể chợ Giồng Nhỏ chỗ Thúy và T., hoặc đến nhà 254. Khi về nhiều anh tỏ ra đau khổ vì không biết đường ra bến xe hoặc bến phà. Chỉ dẫn thế nào cũng không hiểu. Tôi bảo đi xe đạp nghen. Trả lời rằng: Tôi không biết đi xe đạp, mà đàn ông ngồi cho con gái chở, thiên hạ chửi cho trùn đầu. Tôi nói vậy thì gọi xích lô. Lại trả lời: Bộ đội cấm đi xích lô. Tôi bật cười, có điều cấm kỳ cục vậy. Thôi thì đi bộ. Hồi ấy đi bộ ngần ấy quãng đường vẫn thấy vui. Còn sống về gặp nhau là vui rồi, có đọa đày chút cũng chẳng sao.
Còn nhớ lần ấy gặp anh Giang ở nhà tập thể chợ Giồng Nhỏ, tôi hỏi trinh sát là sao. Anh nói là mình đến một mục tiêu để quan sát, nắm tình hình hay làm việc gì đó mà không ai biết được. Phải học và rèn luyện nhiều. Một lát sau tôi vừa về nhà 254 đã thấy anh Giang xuất hiện, tay cầm bức tranh treo tường ở nhà tập thể đưa cho tôi. Bức tranh nào có nhỏ bé gì, dài 1 mét, rộng 0,8 mét. Tôi vừa sợ, vừa ngạc nhiên. Anh lấy có ai thấy không? Anh nói lấy mà để người ta thấy thì lấy làm chi. Tôi nói: Anh giỏi quá chừng, thôi đem trả về chỗ cũ đi. Anh nói: Giờ khuya quá, mai anh về đơn vị sớm, treo tường ở đây một bữa rồi đem trả giùm anh.
Anh Giang về rồi, nhìn bức tranh thấy cũng hay hay, vui vui tôi để ngắm thêm vài ngày nữa. Có kẻ mách lẻo, hót với thủ trưởng về bức tranh không cánh mà bay đến nhà 254. Hôm ấy vừa bước chân đến cơ quan, thủ trưởng đang đứng chình ình giữa sân tập thể dục, nhác thấy tôi đi ngang, ông hét lớn: “Cháu bán bức tranh ở nhà tập thể cơ quan mà ăn rồi hả?”. Cho đến bây giờ nhớ lại, tôi vẫn nghe rất rõ giọng nói từ ngày ấy vọng về.
Tôi đã từng không ăn gì nhiều ngày, đã từng đói lả, mắt thấy hoa cà hoa cải, nhưng lòng tôi tràn đầy lãng mạn và tôn sùng nghệ thuật. Có giết chết tôi cũng không nghĩ ra cái ăn như thủ trưởng nói. Lòng tôi ngao ngán cùng cực: Người ta sống đến ngần ấy tuổi, bạc ngần ấy tóc trên đầu để nghĩ ra cái ăn như vậy ư?
- Cháu không bán bức tranh. Chỉ vì anh bộ đội trinh sát đùa thôi, anh ấy mang đến nhà cháu. Để rồi cháu sẽ đem trả.
Ông chuyển hướng: À, thêm chuyện nam nữ nhăng nhít nữa đây.
Tôi im lặng bước đi, cố ghìm cơn buồn nôn chực vỡ òa. Đến trưa tôi mang bức tranh đặt vào chỗ cũ. Lòng chạnh buồn. Anh Giang đã về mặt trận biên giới, nơi ấy gian nan và máu lửa, là cái sống, chết cách nhau tấc gang. Biết rồi đây anh có về lại nữa không?
*
T. đưa tôi đến cái quán tĩnh lặng và rất thơ mộng nhờ một phần thiên nhiên được đưa vào. Quán nằm trên đường Pasteur cũ, tôi vẫn thích gọi tên ấy vì lý do riêng, dù đường mới mang tên vị tướng đáng kính.
Ngồi đây tôi nhớ đến V., người bạn bên trời lận đận, xưa thường đến nhà 254 chơi khoảng một tuần một lần. V. buồn. U uất. Đau đời. V. đến ngồi thinh lặng không nói gì. Tôi thường bảo, V. nói chuyện gì nghe đi. V. cười, tôi thích nghe hơn nói. Có cây đàn ghi ta của anh Đế treo trên tường, V. hay ngồi đàn hát ngoài hiên tối. Toàn những bài nhạc buồn. Tôi hỏi tại sao. V. bảo tôi thích nhạc thất tình hơn. Vậy thì có nhạc đặng tình sao? V. nghiêm nghị, có chứ. Khi người ta yêu, dù đơn phương hay song phương mà phải chia lìa nhau thì gọi là thất tình. Còn yêu mà lấy được nhau thì gọi là đặng tình. Cái tạng tôi nó không hợp với nhạc ấy. Ca nghe vô duyên, nhạt nhẽo, cứ muốn tát vào mặt mình.
V. ca không hay lắm nhưng tôi vẫn thích nghe “... Tóc mai sợi vắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm…”; “Hôm nay tình cờ đi lại đường xưa… Ai mang bụi đỏ đi rồi…”; “Chờ nhau hoài cố nhân ơi… Biết bao giờ thấy nhau lần nữa...”.
Chiều mưa, tiếng ểnh ương lại rền vang ngoài ao rau muống. Tôi bảo nó kêu buồn quá. V. đùa: Để tôi đàn hát cho nó ngại mà không kêu nữa. Nhưng V. đàn cứ đàn, nó kêu cứ kêu. Nó hòa quyện với tiếng đàn thành thứ hòa âm mà không đời nào tôi quên được.
Một chiều, V. rủ tôi đi chơi. Chúng tôi đi bộ loanh quanh mấy con đường quen thuộc có nhiều cây xanh to và cao. Đi xuống phà ngồi tầng trên cho phà chạy sang bờ Tân Thạch, rồi quay về. Phà chót. Bóng đêm tràn đen thẳm trên sông. Gió lồng lộng thổi. Chúng tôi ngồi lặng im bên nhau. Im lặng là vốn của V. thay vì đàn hát. Lên bờ, chúng tôi ghé quán uống cà phê. V. bảo hình như mọi cánh cửa đã đóng lại trước mặt mình rồi. Tôi an ủi V. và nói cái điều tôi cũng không
tin lắm.
- V. đừng buồn, người ta vẫn bảo “Non cao cũng có lối trèo / Đường dẫu hiểm nghèo cũng có lối đi”.
Vòng qua giếng nước V. đưa tôi về đến đầu ngõ dừng lại và nói: Tạm biệt nghe.
Mở cửa vào nhà tôi thấy cuốn sách “Hãy để ngày ấy lụi tàn” mà V. để trên bàn từ lúc nào. Sách còn mới toanh, không lời đề tặng, không ký tên. Trang giấy trắng cuối quyển sách vẫn là nét chữ chân phương quen thuộc của V. ghi những câu thơ của Lưu Quang Vũ: “Em nông nổi như một dòng suối cạn / Tin bình minh nhưng chỉ thấy sương chiều…”.
Có lẽ V. bỏ quên quyển sách chứ đâu phải tặng tôi. Định lần sau V. đến tôi sẽ đưa lại. Nhưng rồi không có lần sau. V. không bao giờ đến nữa. Chiều mưa, ểnh ương vẫn kêu đơn chiếc ngoài ao. Kêu không ngại ngùng. Cây đàn im lìm, bụi bặm trên tường.
Thôi thì hợp tan là lẽ thường trong đời. Chấp nhận nó như một điều không thể khác. Nhưng sao V. không nói với tôi một lời nào. Phải chăng “hãy để ngày ấy lụi tàn”?
V. đi nửa năm sau tôi cũng rời xa 254 cho đến bây giờ. Bây giờ đã là ba mươi năm. Ngần ấy thời gian tôi không được tin gì về V. Biết hỏi ai? Ngần ấy năm V. sống ở đâu, vui buồn ra sao? Đã đàn hát cho bao người nghe? Có già lắm không? Rồi vợ con, người tình ra sao? Có cánh cửa nào dù rất hẹp mở ra cho V.?
Càng sống tôi càng tin vào số phận. Có những điều tôi cố vẫy vùng nhưng không thoát được sự an bài. Dù sao tôi cũng cám ơn số phận đã cho tôi những kỷ niệm đẹp với những bài hát buồn.
Đôi lúc tôi cũng mơ hão huyền một chút, nơi chân trời xa xôi nào đó V. còn sống, có một ngày trở về. Gặp nhau tôi chỉ yêu cầu duy nhất một điều V. hát cho tôi nghe một trong những bài hát ngày ấy. Còn nếu như V. đã về với cát bụi thì xin một lần được gặp trong chiêm bao, một V. của tuổi trẻ dẫu là trong mờ ảo, lãng đãng khói sương.
*
T. đưa tôi ra bến xe về bên này. Chiều xuống rồi, tôi ngồi trên xe sang sông. Cầu xây xong đã lâu. Người ta không cần những chuyến phà nữa. Gió lồng lộng thổi. Tê lạnh. Dòng sông vẫn gió nhưng gió bây giờ đâu phải gió ngày xưa!
Tác giả: Phạm Thị Ngọc Điệp
Ý kiến bạn đọc