Từ nhỏ, hằng ngày Hợp vẫn đi đến trường trên đôi chân khập khiễng, viết bằng cánh tay ngày càng co rút, teo tóp. Vậy mà chữ của Hợp rất đẹp. Dù năm học nào Hợp cũng là học sinh tiên tiến, song đến lớp 11 (năm 2002) thì việc học buộc phải ngừng lại - lúc này Hợp đã bị teo cơ toàn thân.
“Thơ chắp cánh nâng đời tôi dậy”
Từ đó đến nay, Hợp chỉ biết làm bạn với bốn bức tường của căn phòng nhỏ, và rồi anh làm thơ - để không tiêu tốn thời gian một cách vô bổ và cũng để giãi bày tâm sự với những cung bậc tình cảm khác nhau, dù rằng để viết được một hàng chữ là rất đỗi khó khăn: “Đã có lúc tôi rơi vào tuyệt vọng/Nhìn đời chỉ thấy một màu đen/Đời hoang phí hao mòn trên giường bệnh/Chẳng tương lai khi thân thể tật nguyền... Chẳng bạn bè chẳng người chia sẻ/Chiếc giường đơn lạnh lẽo một mình thôi/Làm chăn gối cũng lây sầu một nửa/Những nỗi niềm dồn nén chửa nguội vơi... Tôi chẳng nhớ từ khi nào nữa/Thơ trở thành máu thịt trong tôi/Thơ chắp cánh nâng đời tôi dậy/Tôi dần tìm lại những nguồn vui...” (Thơ và tôi).
Nằm một chỗ, trong lòng Hợp luôn canh cánh những nỗi niềm khi nghĩ về người mẹ thân yêu - những câu thơ của Hợp khiến ai đọc cũng phải thắt lòng: “Mẹ vẫn cõng con như ngày xưa/Hai mươi bốn tuổi mà như còn bé nhỏ/Chỉ vì con nên đời mẹ khổ/Căn bệnh quái ác này có thương mẹ con đâu... Trên lưng mẹ già con nghẹn nuốt thương đau/Lòng thầm trách những ngược đời khó hiểu/Ở tuổi con/Đã chẳng đỡ đần khi mẹ già yếu/Lại ngày ngày nhõng nhẹo trên lưng... Con biết mẹ thường khóc thầm mỗi đêm/Vì mỗi sáng mắt thâm quầng, hốc hác/Thương mẹ nhiều, con biết làm gì khác/Ngoài việc sống vui để mẹ bớt phiền lòng” (Mẹ).
Mọi liên hệ với thế giới bên ngoài của Hợp
đều thông qua chiếc máy tính do một nhà hảo tâm trao tặng.
Là một chàng trai tuổi thanh xuân, Hợp cũng có những xuyến xao, rung động như bao chàng trai khác khi đứng trước một người con gái: “Vô tình cuốn vào đời tôi/ Cho tôi biết con tim cháy bỏng/Là em - ngọn gió xuân nồng... Như men say, như bùa ngải/Cho tôi ngây dại/Là em - một nụ cười...” (Là em). Nhưng rồi chính nỗi tự ti, mặc cảm về bệnh tật đã chắn ngang những cảm xúc yêu thương chân thành ấy: “Đã bao lần/Anh muốn nói/Lời yêu thương/Từ trái tim nồng nàn cháy bỏng... Và lần này cũng như bao lần khác/Đối diện em, anh bối rối lạ thường/Chỉ biết nhìn em trong im lặng/Dẫu tim mình thôi thúc nói lời thương...” (Muộn).
Thơ của Hợp từng đoạt giải C - Giải thưởng văn học nghệ thuật Chư Yang Sin tỉnh Đắk Lắk năm 2007. Nằm trên giường bệnh nhưng Hợp vẫn hát nhạc Nguyễn Cường, nhạc Trịnh Công Sơn.
3 nguyện ước
Trong bức thư gửi chị Nguyễn Thị Lý vào ngày 24.6.2010 (kèm theo bản thảo tập thơ), Hợp viết: “Dù biết rằng cuộc đời em sẽ chẳng kéo dài được bao lâu nữa, khi sức khỏe của em mỗi ngày một yếu thêm. Tuy nhiên em vẫn cố gắng sống thật tốt, thật ý nghĩa cho đến những giây phút cuối cùng. Em có 3 nguyện vọng rất muốn thực hiện được trước lúc đi xa, gồm: hiến giác mạc, hiến xác cho khoa học và in được một tập thơ để lại cho đời.
Hiến giác mạc, em đã thực hiện được khi đăng ký thành công với Hội Chữ thập đỏ trung ương vào cuối năm 2009. Hiến xác cho khoa học thì em vẫn chưa thực hiện xong thủ tục đăng ký. Còn việc in thơ, em đã đạt được 50% khi đang có trong tay tập bản thảo này. 50% còn lại phụ thuộc vào kinh phí in. Hoàn cảnh của em rất khó khăn, em không phải là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật nên không được tài trợ kinh phí in. Gia đình em thì nghèo quá, bố mẹ không có tiền để cho em in...”.
Mong rằng sẽ có nhiều mạnh thường quân quan tâm đến ước nguyện của chàng trai - nhà thơ bất hạnh này để tập thơ Thơ và tôi sớm ra đời. Hơn nữa, hoàn cảnh của Hợp hiện vẫn hết sức khó khăn, nên mọi sự giúp đỡ đều rất cần thiết.
Tác giả: Hà Đình Nguyên
Nguồn tin: Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc