Hôm sau vợ mua cá linh non và bông điên điển về. Vậy là lấy bếp từ trong hộp giấy ra. Cá linh non đã làm sạch ruột, rửa vài ba nước cho vô nồi nước dừa, nấu sôi với mấy cọng hành gốc. Điên điển đầu mùa vừa ngon vừa không có sâu, rửa mấy lượt nước cùng bông súng tước vỏ, ngắt khúc, để ráo. Nồi cá sôi, vợ nêm nếm. Đâm nhúm muối hột với ớt hiểm xanh. Nặn miếng chanh vô nồi lẩu, bữa ngon đã sẵn sàng. Cả nhà quây quần bên nhau vừa ăn vừa nhắc chuyện đời xưa.
Đời xưa cách đây chưa đầy chục năm, cá linh non kho lạt ăn với bông điên điển và bông súng đã trở thành đặc sản độc quyền vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Dân cuối nguồn sông Cửu Long có muốn thưởng thức món ngon này phải ngược đường lên biên cương. Nhưng, ngày nay, con cá vừa lên khỏi mặt nước đã chết này được ướp muối hoặc ướp nước đá, theo chân thương lái lên xe đến với bữa ăn của nhiều gia đình cuối nguồn đại giang Nam bộ.
Xa xưa nữa, chừng nửa thế kỷ, tới mùa, khoảng mồng 5 tháng 5 Âm lịch, cá linh đặc lừ cả khúc sông. Ông Nguyễn Văn Hầu, học giả nổi tiếng vùng năm non bảy núi, đã viết trong quyển “Nửa tháng trong miền Thất Sơn” rằng người ta gọi con nước đổ là vì “nước chỉ từ nguồn đổ xuống biển, không chảy lên”.
Đặc biệt, “mỗi năm, khi nước bắt đầu đổ thì trứng cá (linh) nở thành con. Chúng bị làn nước “giang hồ phiêu bạt”, lênh đênh vượt biên thùy. Ven Đồng Tháp Mười về phía Tiền Giang cũng như các vùng đồng bằng Cỏ Lau, Bắc Đai, Láng Linh, miền Hậu Giang, là những nơi trú ẩn tốt cho chúng”. Vậy là cá linh bắt đầu cuộc sống mới, là cơ hội để người dân đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền đua nhau đánh bắt.
Để đánh bắt cá linh non, đơn giản nhất là người ta dùng một chiếc mùng vải thô kéo căng trên một khúc sông. Nếu có điều kiện dùng một chiếc xuồng cùng một chiếc vợt lớn thọc sâu xuống mặt nước. Khi các phương tiện đánh bắt này được kéo lên, người ta thấy đặc ngừ những con cá linh non, lớn cỡ mút đũa, giãy giụa, vảy bạc ánh lên lấp lánh.
Đến con nước ngày 10 tháng 11 và con nước ngày 10 tháng Chạp Âm lịch, cá linh trộng hơn đổ về nhoi trắng đầu cả khúc sông Khánh An (An Phú, An Giang). Ngư dân vùng này hãnh diện khoe: “Chỉ cần thò vợt xuống sông, dỡ lên là nặng một tay cá!”. Cá đánh bắt được, người ta chỉ dùng nấu dầu thắp đèn và làm nước mắm - gọi là nước mắm đồng. Vì được làm từ những con cá không có giá trị kinh tế, nên số phận loại nước mắm này cũng rất hẩm hiu.
Thuở ấy người ta không dùng nó làm nước chấm mà chỉ dùng làm chất mặn để kho. Vì thân phận chỉ có giá trị “tới” dầu thắp sáng và nước mắm kho nên con cá linh đâu thể “trôi dạt” xuống tận hạ lưu sông Cửu Long phục vụ bữa ăn của cư dân nơi này. Từ vài chục năm qua, cá linh đã trở thành món ngon không đâu có được. Ai đi miệt Châu Đốc, Long Xuyên... (An Giang), Hồng Ngự, Tam Nông... (Đồng Tháp) khi vào mùa, lại không đắm đuối thần hồn trước món cá linh non kho lạt nặn chanh hoặc giằm me chấm bông điên điển lẫn bông súng ngon thấu trời.
Và người ta cũng đâu quên trên đời này còn có món cá linh nướng càng ăn càng bắt mê. Những con cá linh cuối mùa bự cỡ ngón tay cái nướng ăn mê ly cái thần khẩu làm sao thì những con cá linh lạc vô hầm sống lâu hai ba năm bụng đầy trứng vàng hượm mới là món ăn số dách. Loại cá linh này, sau khi làm sạch, cho vô nồi cứ một lớp cá thì sắp một lớp mía, đổ nước dừa xiêm ngập, nấu trên ngọn lửa lớn, khi sôi thì để lửa liu riu. Nước dừa cạn, cho thêm đợt nước dừa nữa. Nấu như vậy hai ngày hai đêm sẽ có món cá linh kho rim bảo đảm chỉ cần ăn với dưa leo mới hái sẽ biết cuộc đời này thú vị đến dường nào.
Rồi, với cái đầu nhạy cảm chuyện làm ăn, người ta đã làm mắm cá linh. Làm mắm nguyên con ăn khoái khẩu bao nhiêu thì mắm cá linh xay nhuyễn phục vụ gọn gàng cho cái lẩu mắm độc đáo của dân Nam bộ bấy nhiêu. Cũng đáp ứng sự nhanh nhạy như vậy, mắm cá linh xay nhuyễn trộn với hột vịt đánh đều tay chưng cách thủy, khi chín, “quệt” dưa leo tươi non thì phải biết!
Nhiều năm qua, mùa nước nổi đã thành mùa lũ. Các món ngon cá linh rồi cũng dần thành món khó, vì con cá đang ngày một ít đi và có lẽ sẽ vắng bóng trên mấy khúc sông Cửu Long “tràn ngập” dư lượng thuốc trừ sâu cùng nhiều thứ ô nhiễm khác. Khi đó nói tới mùa nước nổi lũ trẻ sẽ ngơ ngác như khi nghe đề cập tới con cá linh... lạ hoắc!
Tác giả: Phù Sa Lộc
Nguồn tin: Thời báo kinh tế Sài Gòn
Ý kiến bạn đọc