Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

Thứ hai - 14/06/2010 15:36 1.891 0

Ông Hồng Vinh

Ông Hồng Vinh
Dưới ánh sáng của công cuộc Ðổi mới, văn học, nghệ thuật nước ta "đã có những bước phát triển mới, có những biến đổi sâu sắc, những đặc điểm mới, đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém đan xen nhau" như Nghị quyết 23 năm 2008 của Bộ Chính trị nhận định.

Những hạn chế yếu kém đó biểu hiện trong sáng tác, biểu diễn, đặc biệt là trên lĩnh vực lý luận, phê bình. Lý luận, phê bình đã tỏ ra chậm tổng kết thực tiễn, chưa làm tốt vai trò chỉ đường cho sáng tác. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VH, NT) Trung ương về vấn đề này.

PV:Thưa đồng chí, trên cơ sở quan niệm VH, NT là một mặt trận, người nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy; VH, NT nước ta đã làm tròn sứ mệnh cao cả của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, để lại cho đời sau nhiều giá trị tinh thần quý giá. Ngày nay, đất nước bước vào thời kỳ CNH, HÐH trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chúng ta cần phải khẳng định vai trò của VH, NT như thế nào cho chính xác hơn, thích hợp hơn khi trên thực tế có khá nhiều ý kiến trái ngược nhau?

Ðồng chí Hồng Vinh: Như chúng ta đều biết, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã đánh giá cao tác dụng của VH, NT và khẳng định rõ: "Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người"; là "một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa - tinh thần ngày càng cao của nhân dân".

Tôi muốn nói thêm rằng, đây là vấn đề thời sự, lớn lao. Trên thực tế, theo cách tiếp cận của từng người, có nhiều ý kiến đa chiều, thậm chí trái ngược. Trong một cuộc gặp mặt giữa Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (sau đây gọi tắt là Hội đồng) với một cơ quan nghiên cứu văn học có thẩm quyền, có ý kiến cho rằng, việc coi VH,NT là "một mặt trận", người nghệ sĩ là "chiến sĩ", đã lỗi thời. Nếu cứ nói VH,NT là "mặt trận", thì sẽ hạn chế sức phản ánh của nghệ thuật, dễ thành rào cản của hội nhập.

Chúng ta thừa nhận rằng, trong phát triển có quy luật phủ định của phủ định. Không chỉ kinh tế, chính trị, mà tư tưởng cũng chịu tác động của quy luật này. Cái hôm qua là hay, hôm nay có thể là sự cản trở, không còn thích hợp nữa, cần điều chỉnh. Ta cần nhìn nhận các hiện tượng VH, NT một cách bình tĩnh, không cực đoan, phải có thái độ trân trọng, cầu thị, khắc phục các thái độ quy chụp, miệt thị. Cái ta đã tìm đúng, cần phải khẳng định, phát huy.

Vừa qua, Liên hiệp hội các Hội VH, NT thành phố Hồ Chí Minh có tổ chức một hội thảo với tiêu đề: Văn nghệ sĩ với lời của Bác: "Văn hóa - nghệ thuật cũng là một mặt trận". Cuộc hội thảo này đã giúp cho Hội đồng có cách nhìn, toàn diện hơn về vấn đề này. Có 200 người dự, 50 tham luận (dự kiến lúc đầu là 100 người dự, 23 tham luận). Có rất nhiều công chúng văn học trẻ đến dự, bày tỏ lòng biết ơn đối với nền văn nghệ có tính chiến đấu và tính nhân văn cao cả trong thời kỳ kháng chiến với những tên tuổi lớn, như Tố Hữu, Nguyễn Ðình Thi, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... Có bạn trẻ khẳng định, "ngày nay, tác phẩm của họ vẫn là một suối nguồn tinh thần, giúp cho chúng tôi biết định hướng trong cuộc sống"...

Nếu hiểu "mặt trận" của văn nghệ theo nghĩa rộng thì chúng ta vẫn nên giữ. Nó còn có một ý nghĩa thực tế khác: Trên các mạng in-tơ-nét, blog hiện nay, có rất nhiều bài viết thông qua VH, NT để truyền bá những quan điểm sai trái, phản động, nhằm bôi nhọ dân tộc; vì vậy chúng ta không thể làm ngơ, cần phải phê phán đấu tranh để làm rõ chân lý.

Hôm đó, tôi được dự họp và phát biểu một ý kiến ngắn được nhiều đại biểu tán đồng: VH, NT hôm qua và hiện nay, chưa bao giờ đứng ngoài kinh tế, chính trị. Trong một cuốn sách của Ních-xơn, nguyên Tổng thống Mỹ "Năm 1999 - chiến thắng không cần chiến tranh" có đoạn "Toàn bộ những hoạt động của chúng ta (Mỹ) từ viện trợ, kinh tế đến mậu dịch thương mại, giáo dục... sẽ không đi đến đâu, nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng". Họ khẳng định tư tưởng, trong đó có VH, NT là một mặt trận, lẽ nào chúng ta lại phủ nhận thực tế đó?

PV:Vâng, thưa đồng chí, sự xem nhẹ vai trò của công tác tư tưởng, của VH,NT nhiều khi có thể dẫn đến những hiểm họa khôn lường... Bây giờ xin hỏi đồng chí một vấn đề có tính chuyên môn hơn và cũng rất thời sự: Rất nhiều người cho rằng, Phương pháp sáng tác hiện thực XHCN đã lỗi thời... Vậy phương pháp nào, lý luận nào thay thế nó? Trong khi chúng ta xây dựng đất nước theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, vì sao trong văn nghệ chúng ta lại ngại nói đến tính chất XHCN?

Ðồng chí Hồng Vinh: Quan điểm của tôi là, trong tình hình hiện nay, không nên khoanh lại một phương pháp sáng tác nào là chủ đạo nhưng phủ nhận hoàn toàn Phương pháp sáng tác hiện thực XHCN là không nên. Cần tiếp tục hoàn thiện nó, khai thác tối đa những yếu tố tích cực; đồng thời mở rộng các cách tiếp cận khác để tạo nên một sự phát triển phong phú hơn, mới mẻ hơn trong lĩnh vực lý luận, phê bình

PV: Trong kháng chiến, dù có những hạn chế nhất định, nền lý luận, phê bình văn nghệ của chúng ta tỏ ra khá vững vàng, có tác động tích cực đến sáng tác nói riêng và đời sống văn nghệ nói chung. Phê bình, lý luận hiện nay tỏ ra lúng túng, yếu kém, thậm chí có người nói quá yếu kém. Xin được hỏi nguyên nhân vì đâu và cách khắc phục?

Ðồng chí Hồng Vinh: Ban Bí thư T.Ư Ðảng khóa X quyết định thành lập Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương là nhằm tư vấn, tham mưu cho Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Thường trực Chính phủ về các vấn đề cơ bản trong đường lối phát triển văn học, nghệ thuật, một mặt tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trên lĩnh vực này; mặt khác nhằm tìm ra những giải pháp chủ yếu để khắc phục những hạn chế, yếu kém hiện nay.

Ngoài việc tập hợp đội ngũ, Hội đồng có các nhiệm vụ chủ yếu như tập trung lý giải các hiện tượng văn nghệ; chọn và giải quyết một số vấn đề trọng tâm, trọng điểm; làm công tác tham mưu về định hướng; góp phần đào tạo bồi dưỡng đội ngũ lý luận, phê bình; đấu tranh chống các quan điểm và khuynh hướng lệch lạc trong văn nghệ, nhằm xây dựng đời sống văn hóa, nghệ thuật lành mạnh.

Những năm vừa qua, mỗi năm Hội đồng đều tổ chức được một hội thảo chuyên đề. Thí dụ, năm 2008 là Hội thảo "Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập". Từ kết quả của Hội thảo, Hội đồng đã đưa ra một số kiến nghị về cơ chế, chính sách, khẳng định một nhận thức chung: Sản phẩm văn nghệ là một loại hàng hóa nhưng là hàng hóa đặc biệt vì hoạt động VH, NT là một hoạt động đặc thù, đáp ứng yêu cầu giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ là hàng đầu. Ðồng thời Hội thảo cũng khẳng định một trong những vấn đề rất quan trọng là, đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động văn nghệ là cần thiết, nhưng không bỏ quên vai trò của Nhà nước, đặc biệt là vai trò định hướng, quản lý, tổ chức, xây dựng lực lượng...

Năm 2009 là hội thảo "Tính dân tộc và tính hiện đại trong VH,NT hiện nay".

Ðầu năm 2010, chúng ta có một hội nghị quốc tế về quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, đó là một thành công lớn trên lĩnh vực đối ngoại.

Tháng 7 tới đây, Hội đồng sẽ tổ chức Hội thảo "Văn học, nghệ thuật với hiện thực đất nước hôm nay" tại Ðà Lạt. Ðây là một vấn đề phong phú và chắc sẽ rất thú vị...

Như vậy, các vấn đề về lý luận do thực tiễn cuộc sống đặt ra sẽ dần dần được lý giải khoa học với cách tiếp cận đa chiều. Ðể có ngay một cái gì đó thần diệu, tuyệt đối đúng là chưa thể mà phải được tổng kết từng bước từ thực tiễn. Hội đồng nhận thức rõ trách nhiệm của mình, nhưng như Bác Hồ nói, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, cần tin tưởng ở sự sáng tạo, góp công của từng cá nhân nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ có tài năng và tâm huyết.

PV:Vừa qua, Hội đồng có mở một lớp tập huấn cho các phóng viên chuyên theo dõi văn nghệ của các báo, đài, chứng tỏ Hội đồng rất coi trọng lực lượng này?

Ðồng chí Hồng Vinh: Báo chí có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển VH, NT. Song cũng có một thực tế đáng quan tâm là, một số bài viết đưa ra nhưng nhận định phiến diện, tác động tiêu cực tới dư luận xã hội. Vì vậy, lớp tập huấn vừa qua cũng như các lớp tiếp theo nhằm làm cho những người tham gia chỉ đạo, quản lý VH, NT từ trung ương đến địa phương; những người trực tiếp chủ trì chuyên trang văn nghệ trên các báo và chương trình phát thanh trên các đài nắm được một cách cơ bản tình hình văn nghệ hiện nay; quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết 23; trên cơ sở đó có cái nhìn hệ thống về đường lối, quan điểm của Ðảng ta về văn nghệ. Ðồng thời, từ nhận thức về các thành tựu, hạn chế của tình hình văn nghệ hiện nay để nâng cao trách nhiệm cá nhân trên cương vị công tác của mình. Các lớp tập huấn cũng là nơi Hội đồng lắng nghe, thu thập ý kiến, đề xuất của các học viên, gợi mở những giải pháp...

PV: Những giải pháp cho sự phát triển chung quả là rất cần thiết.. Vậy có giải pháp nào để biến Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thành một địa chỉ tin cậy, một mái nhà chung của đội ngũ văn nghệ sĩ nước ta hiện nay khi mà có rất nhiều hội, cơ quan nghiên cứu, chỉ đạo, lãnh đạo về VH, NT?

Ðồng chí Hồng Vinh: Cái gì cũng phải đến từ hai phía. Hội đồng chúng tôi đã và sẽ là nơi thường xuyên đón tiếp và trân trọng các văn nghệ sĩ tâm huyết, lắng nghe ý kiến của họ, cùng họ giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn từ thông tin, tư tưởng đến cơ chế, chính sách... Nhận thấy chế độ nhuận bút hiện nay quá thấp, Hội đồng đang có một đề án khoa học, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Hội đồng cũng tổ chức gặp mặt thường xuyên các cộng tác viên của Bản tin, tới đây là Tạp chí Lý luận, phê bình của Hội đồng... Tình cảm, trách nhiệm và quyền lợi, đó là những thứ mà Hội đồng cố gắng phấn đấu góp phần thúc đẩy sự nghiệp lý luận, phê bình VH, NT phát triển.

PV:Xin chúc mừng những hoạt động có hiệu quả của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Xin cảm ơn  đồng chí về cuộc trò chuyện này.

Nguyễn Sĩ Ðại (thực hiện)
Nguồn: Nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây