Nhà văn Di Li: ‘Hãy sống như bạn đang… hấp hối’

Chủ nhật - 03/04/2011 04:41 3.503 0

Nhà văn Di Li.

Nhà văn Di Li.
Nổi tiếng làm nhiều và chơi cũng nhiều, Di Li vẫn luôn chăm chút ngoại hình mỗi khi xuất hiện. Cô lại thích xê dịch, trong đầu luôn nghĩ về một vùng đất mới. Bí quyết của “người đẹp trinh thám kinh dị” là luôn nghĩ mình đang… hấp hối.

Không muốn tạo scandal

- Cơ hội dành cho các tác giả trẻ vào Hội Nhà văn không nhiều, thế mà khi có tên trong “bảng vàng” hội viên mới đầu năm nay chị đã không đến dự lễ kết nạp. Tại sao vậy?

- Hôm đó cha mẹ chồng tôi kỷ niệm 40 năm ngày cưới. Cùng ngày tôi cũng có một lời mời giao lưu, nhưng đã phải bỏ tất cả để lo việc nhà. Dù ngại nhưng đôi khi tôi cũng đành hy sinh vậy. Tôi nghe nói hôm đó cũng nhiều người có việc đột xuất không đến được, chứ nào có phải tôi muốn gây scandal gì đâu.

- Việc trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với những người viết trẻ khá chật vật. Theo chị họ phải làm gì để mở cánh cửa dường như không tưởng ấy?

- Tôi mới biết thông tin rằng những người trẻ như tôi trong Hội thực ra rất ít. Nhưng để làm hồ sơ thì có mất nhiều công sức gì đâu. Trên thực tế người ta cảm thấy mình có đủ điều kiện thì đâm đơn chứ không mấy ai nỗ lực viết, in sách, lĩnh giải thưởng chỉ nhằm mục đích để… được vào Hội nhà văn. Cứ nộp hồ sơ đấy rồi tạm quên nó đi, lúc nào vào được thì vào. Mà sau 3 năm tôi cũng quên đi thật, đến lúc không còn nhớ đến lá đơn ấy nữa thì lại được kết nạp.

- Sáng tác, dịch thuật, viết sách dạy PR, cộng tác với báo chí, nghề chính là giảng viên đại học, tốc độ làm việc chóng mặt của chị khiến nhiều đồng nghiệp cũng… chóng mặt theo?

- Không, tôi vốn dĩ vẫn thế mà. Hồi đại học, tôi học song song hai bằng một lúc. Lại học thêm ngoại ngữ thứ ba, đi làm thêm đủ mọi nghề để cố gắng tự trang trải phần nào chi phí cho cuộc sống. Nuôi con nhỏ thì cũng kịp có luôn bằng cao học. Một phần vì tôi là người ham hoạt động, thích sự đa dạng của kiến thức và công việc, nhưng điều quan trọng nhất là tôi luôn thích câu nói “Hãy sống như ngày mai ta phải chết”. Từ nhỏ tôi đã ý thức được điều này. Nhà văn Anne Enright nói rằng “Hãy tưởng tượng rằng bạn đang hấp hối. Nếu bạn mắc một căn bệnh nào đó ở giai đoạn cuối, bạn có muốn hoàn thành cuốn sách không?”. Không hiểu sao tôi luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng đời người là hữu hạn và ngắn ngủi lắm, và thiên đường thì ở ngay mặt đất này. Tôi không thích thời gian trôi đi vô ích. Ngoài công việc, tôi cũng cố gắng tận hưởng hết cuộc sống bằng những niềm đam mê khác của mình.

Chẳng lẽ nhà văn cứ phải “úi xùi”?

- Chị thích khám phá các vùng đất mới và có điều kiện để thực hiện sở thích đó, có vẻ như chị đang xây dựng một hình ảnh Di Li - công dân thế giới?

- Đi cũng là sự tận hưởng cuộc sống. So với thiên hạ tôi đi cũng không nhiều nhưng hễ đi về là viết liến láu đủ mọi chuyện nên có vẻ được tiếng vậy thôi. Một trong những mục tiêu lớn nhất của cuộc đời là tôi sẽ cố gắng đến những nơi mà tôi được đọc trong sách. Trong đầu tôi lúc nào cũng đầy ắp hình ảnh của những vùng đất tưởng tượng ấy.

- Khi có dịp đến một vùng đất nào đó, chị có thấy nó khác so với mình tưởng tượng không?

- Khác nhiều. Chẳng mấy khi giống những gì tôi hình dung cả. Tôi có thất vọng ở một số nơi, chẳng hạn Paris và Saint Peterburg. Khi chưa đến, tôi cứ hình dung nó như thiên đường. Tôi ngỡ như Puskin còn đứng trên cầu sông Neva giữa đêm trắng và Nhà thờ Đức Bà lộng lẫy như trong phim. Thế rồi khi thấy những cỗ xe xập xệ chạy trên đường phố khấp khểnh ở nơi trước đây từng là Leningrad và rác thải ngập đầy những bến xe điện ngầm ở Paris, tôi lại chán chường một cách vô lý. Chuyện đó xảy ra cách đây 10 năm. Giờ thì tôi cho rằng chính những cái khác đó mới hấp dẫn, còn nếu đã giống thì chẳng cần phải khám phá nữa.

Nhà văn nữ tự nhận mình đang có những sản phẩm chất lượng, nhưng chưa có đỉnh cao.

- Nghe nói mỗi năm chị lại ăn Tết ở một vùng đất mới?

- Hai năm nay tôi bắt đầu thực hiện điều đó. Tôi tự tạo ra kiểu ăn Tết cho riêng mình. Năm kia ở Sapa còn năm ngoái ở Myanmar. Hy vọng năm sau tôi sẽ đón giao thừa trên một bãi biển nhiệt đới nào đó. Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc với những tưởng tượng như vậy.

- Chị từng nói không phải cứ lên báo nhiều là tốt, nhưng tại sao chị vẫn lên báo rất nhiều?

- Chính xác thì tôi nói rằng không phải cứ lên báo nhiều là PR tốt, mà nội dung của nó mới là quan trọng, nội dung gây scandal thì thậm chí còn gây phản cảm. Thực ra tôi từ chối báo chí cũng nhiều, nếu thấy không phù hợp. Hơn nữa mỗi báo đều có độc giả riêng của nó, không mấy ai đọc hết các loại báo trên đời đâu. Còn nếu rủi mình gặp đúng người như vậy, họ chăm đọc hết các loại báo, mở báo nào ra cũng thấy mặt mình trên ấy thì đúng là cũng ngại thật. Riêng điều này tôi cũng rất cẩn thận. Tôi không hề muốn làm độc giả phải phát chán chỉ vì nhìn thấy mình nhiều quá.

- Để ý cách chị xuất hiện trước công chúng, người ta dễ liên tưởng đến một nhân vật của giới giải trí nhiều hơn là giới văn chương?

- Có bận một MC buột miệng bảo tôi “Em hình dung nhà văn khác cơ”. Tôi hỏi khác thế nào. Cô ấy nói cứ nghĩ nhà văn trông phải lụi cụi khổ khổ thế nào cơ. Rồi thì vừa ngày hôm qua, có chị giám đốc công ty sách nhờ tôi tìm gia sư cho con, mới tâm sự rằng “Chị nói thật em đừng giận, con gái chị muốn thi chuyên văn nhưng chị sợ nó lại thành hâm hấp nên bảo nó học chuyên ngữ thôi”. Chẳng nhẽ tôi lại cứ phải giữ đúng hình ảnh như trong đầu thiên hạ thì mới ra là nhà văn.

- Tại sao chị luôn chăm chút và kiểm soát hình ảnh của mình chặt chẽ đến từng… centimet khi đưa ra trước công chúng?

- Tôi là người duy mỹ. Tôi thích sự hoàn hảo. Không phải bây giờ mà tôi vốn đã là người cẩn trọng với hành vi, lời nói và cách phục sức. Đối với người khác cũng vậy. Nếu tôi phỏng vấn nhân vật, họ đưa cho tôi một cái ảnh không đẹp lắm, tôi sẽ đề nghị họ phải gửi lại ảnh khác, nếu không tôi sẽ tự đến chụp. Ngay cả ảnh của các nhân vật mà tôi đưa lên website riêng cũng rất cầu kỳ. Còn nhớ có hôm trước khi tôi ra mắt sách, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên dẫn chương trình, tôi bảo anh mặc áo ấy không được, mai phải thay áo khác. Anh Nguyên đáp “Thôi cô đến nhà tôi tự mở tủ quần áo ra mà chọn, tôi chẳng biết mặc thế nào cho vừa ý cô đâu”. Nhưng hôm sau thấy MC ăn mặc rất trịnh trọng, lại còn cẩn thận hỏi thêm “Thế đôi giày này đã được chưa?”.

Trong công việc, tôi yêu cầu văn bản không được sai một lỗi chính tả, một dấu chấm, dấu phẩy. Cách trình bày in ấn và thiết kế đều phải đạt thẩm mỹ. Lẵng hoa đặt tại sự kiện cũng phải phù hợp với màu sắc tổng thể. Cũng may đó là một trong những yêu cầu vô cùng khắt khe của nghề PR và quảng cáo. Khi dạy học trò chuyên ngành PR, ngày nào lên lớp tôi cũng nhắc “Các em phải nhớ một điều nằm lòng rằng nghề của chúng ta cái gì cũng phải làm cho đẹp, đẹp từ tờ giấy in trở đi”. Ai cũng yêu cái đẹp mà, chẳng lẽ nhà văn là cứ phải úi xùi, xấu xí thì mới viết văn hay.

Di Li luôn xuất hiện với hình ảnh đẹp, lên báo một cách chuyên nghiệp và bài bản nhưng không phải là giả tạo.

Nhà văn chuyên nghiệp là phải sáng tác nhiều và có tác phẩm đỉnh cao

- Theo chị, thế nào là hình ảnh hiện đại của nữ nhà văn Việt Nam?

- Các nhà văn, nhà thơ nữ bây giờ rất đẹp và hiện đại. Tôi rất ngưỡng mộ hình ảnh lịch lãm của các nhà thơ Dạ Thảo Phương và Nguyễn Phan Quế Mai. Tôi chỉ là một phụ nữ bình thường có óc thẩm mỹ và biết làm đẹp thôi. Tôi mong người ta nhìn vào những gì tôi viết hơn.

- Có thế mạnh dịch thuật và quan hệ với các đối tác ngoại, chị có nghĩ đến việc dịch các tác phẩm của mình ra tiếng nước ngoài?

- Tôi có 15 truyện được dịch ra tiếng Anh rồi, vẫn cứ tiếp thị ra nước ngoài đấy, nhưng công việc lu bu nên tôi làm cũng chưa bài bản. Nhiều khi bận đến nỗi không có thời gian sửa bản thảo tiếng Anh nữa. Thôi thì công việc ấy là của nhà xuất bản, mình là người viết, dịch, giờ lại kiêm luôn cả tiếp thị nữa thì cực thân quá.

- Chị từng nói về cuốn tiểu thuyết thứ hai “Câu lạc bộ số 7”, khá lâu rồi vẫn chưa thấy ra mắt, kế hoạch ấy đang ở công đoạn nào rồi?

- Bản thảo của tôi vẫn còn rất nhiều trong máy nên tôi cứ cho xuất bản dần dần. “Câu lạc bộ số 7” vẫn đang ở chương thứ 6, nghĩa là mới được một phần ba câu chuyện. Tôi sẽ hoàn thành nó vào cuối năm nay.

- Chị và Phương Đông Books chuẩn bị phát hành tập “Hồi ký học đường” gắn với một cuộc thi dành cho sinh viên, phải chăng Di Li muốn chinh phục bạn đọc trẻ?

- Phía công ty Phương Đông muốn nhân ngày ra mắt tập sách của tôi phát động cuộc thi “Hồi ức học đường”. Tôi cũng muốn làm điều gì đó có ý nghĩa hơn là chỉ đơn thuần viết sách. Hàng ngày các em vẫn viết blog, tại sao không chăm chút chính những mẩu văn sống động đó để trở thành bài dự thi? Tôi muốn góp phần phát triển văn hóa đọc và kỹ năng viết của các em. Đừng nghĩ rằng chỉ những người chuyên nghiệp mới viết văn.

- Theo chị thế nào là một người viết chuyên nghiệp?

- Jack London nói rằng “Bạn cứ việc chờ cảm hứng. Rồi sẽ đến lúc bạn phải chống gậy mà đi”. Nhà văn chuyên nghiệp trước hết phải là người có những tác phẩm chất lượng, điều thứ hai là phải viết đều đặn, dù chưa công bố thì vẫn cứ viết, không cần chờ cảm hứng. Tôi thấy các nhà văn lớn thường sáng tác rất đều, khối lượng tác phẩm đồ sộ. Tuy nhiên, sáng tác ít mà có những đỉnh cao thì vẫn cứ là chuyên nghiệp. Chỉ sợ không có cả hai mà thôi.

Nhưng đấy mới chỉ là quan niệm của riêng tôi. Còn tôi thấy có người bảo phải là hội viên Hội Nhà văn mới được coi là chuyên nghiệp, có người lại bảo phải có giải thưởng hoặc sách bán chạy mới là chuyên nghiệp. Có thể mỗi người sẽ tìm ra cho mình một con đường riêng.

- Thế bản thân chị đã đi được bao xa trên con đường chuyên nghiệp của mình?

- Tôi đang có những sản phẩm chất lượng, nhưng chưa có đỉnh cao. Đỉnh cao trong nghệ thuật là gì ư? Là khi bạn đọc một điều gì đó rồi phải lắc đầu nghĩ “Mình chịu không làm được thế này”. Tôi thì cứ treo cái đỉnh núi ấy ở trước mặt để còn nỗ lực leo lên.

 

Nhà văn Di Li là tác giả của các tập sách: Tầng thứ nhất, Điệu Valse địa ngục, 7 ngày trên sa mạc, Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng, Đôi khi tình yêu vẫn hay đi lạc đường, Chiếc gương đồng, Trại Hoa Đỏ, Cocktail thị thành, Đảo thiên đường.

Chị đã từng được giải truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2006. Đầu năm 2011, tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ của Di Li đoạt giải C cuộc thi tiểu thuyết, truyện, và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” 2007-2010 do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn tổ chức.

Hiện Di Li là giảng viên của Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội. Chị cũng tham gia giảng dạy tại một số trường Đại học trên địa bàn Hà Nội.

Tác giả: Dương Tử Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây