- Có khi nào bạn nghĩ rằng, văn chương chẳng qua là một cuộc chơi, giống như cảm giác có những cuốn kích thích bạn viết ra một cuốn sách khác? Hay với bạn, văn chương là hành trình sâu nặng?
+ Tôi biết trả lời với anh thế nào đây. Tôi ghét các thể loại mắm. Nhưng một ngày kia khi về quê mẹ ở Huế, bị mời mọc quá, tôi thử ăn thịt luộc mắm tôm chua. Tôi dè dặt chấm một miếng nhỏ. Rồi tôi mạnh dạn hơn, gắp một miếng lớn hơn. Rồi dần dần, mỗi tuần tôi phải ăn đều đặn hai bữa cơm thịt luộc mắm tôm chua.
Tôi bắt đầu học luộc thịt, gọt vả, chọn loại mắm ngon, biết đặt mua mắm chỗ nào thì đúng kiểu. Người yêu tôi dần cũng bắt đầu biết đòi ăn món này… Vậy đó, hành trình văn chương với tôi cũng giản dị, tự nhiên như hành trình mắm tôm chua. Vậy anh nghĩ nó có sâu nặng không?
- Đọc "Những chuyển điệu", có cảm giác bạn viết nó khi vừa thoát khỏi cảm giác sững sờ khi đọc "Rừng Na Uy", với đủ những bày biện trong đó về tình dục, về tình yêu đồng giới, về "ai cũng chỉ có một tuổi 23 để sống"… và cả những rắc rối phức tạp của cuộc sống hiện tại. Bạn có nghĩ là bạn bị ảnh hưởng?
+ Tôi đọc "Rừng Na Uy" lâu rồi, và đây là quyển tôi ít thích nhất. Nhưng đúng vậy, tôi coi H.Murakami là một người thầy tinh thần của mình, và không phủ nhận là tôi bị ảnh hưởng từ ông rất lớn. Tôi nghĩ tôi sẽ tự hào biết chừng nào nếu viết được một cái gì như "A Wild Sheep Chase" hay "Dance Dance Dance". Còn về "Những chuyển điệu", có một sự thật thế này: tuổi trẻ nào cũng có một số những "bày biện" nhất định. Anh sẽ luôn tìm thấy những "bày biện" như thế trong mọi cuốn sách viết về tuổi trẻ, hay viết bởi một tác giả trẻ.
- Dẫu bạn có bị ảnh hưởng, tôi vẫn đánh giá cao bạn. Bởi thực sự, bạn làm được nhiều thứ mà ở tuổi ấy nhiều người viết còn rất loay hoay. Bạn định viết những trang tiếp trong lý lịch văn học của bạn thế nào?
+ Viết gì tiếp trong lý lịch văn học của tôi ư? Tôi muốn đó là nơi để ghi lại hành trình của tôi, chứ không phải là nơi phác thảo những kế hoạch. Kế hoạch, tôi viết ở chỗ khác, mình tôi biết thôi.
- Đọc văn chương của Nguyễn Thiên Ngân, tôi cảm giác thoạt tiên thì thấy bạn rất đắm say, nhưng đọc kỹ thì thấy bạn thông minh và tỉnh táo. Bạn có nghĩ rằng, đó là phẩm chất cần thiết của một nhà văn thời đại số?
+ Tôi chưa từng có ý nghĩ phân biệt thời đại số với thời đại chưa số. Tôi chỉ nghĩ về phẩm chất cần thiết của người cầm bút nói chung. Vừa rồi đọc "Những bức thư đầm ấm" của Nguyễn Hiến Lê và Quách Tấn, thấy thương và kính hai cụ quá. Thời chưa số, hai cụ đã xây dựng những tượng đài thật đẹp của người cầm bút, thì thời đại số, chỉ cần trang bị thêm kỹ năng đánh máy, lưu file và post lên mạng là chuẩn quá rồi!
- Chúng ta có quá nhiều lựa chọn để đọc ở thời điểm này. Chính vì thế những gì thế hệ của bạn viết ra sẽ phải chịu sức thử của thời gian và công nghệ nữa. Bạn có nghĩ rằng, bạn và những người cùng thời phải viết khác xưa và quan niệm về văn chương cũng phải khác xưa?
+ Theo tôi, văn chương và nhiều thứ khác nữa ở thời đại nào mà chẳng phải chịu sức thử của thời gian. Tìm được cá tính riêng có nghĩa mình là chính mình, chứ không phải là cố gắng khác đi với người khác và những cái đã có.
- Ở TP HCM thường có xu hướng những người viết văn đi làm quảng cáo, làm báo và bị guồng quay của nó nuốt chửng, đến mức về sau họ thường chỉ thi thoảng viết những cái ngăn ngắn cho riêng mình mà thôi. Bạn có phải là trường hợp như vậy?
+ Tôi đi làm rồi, ít có thời gian viết. Như anh nói, một cách nào đấy tôi đang bị "nuốt chửng". Tôi cũng đang chờ xem mình cư xử thế nào với "những khốn khó cuộc đời" đó. Nhưng tôi nghĩ cuộc sống vốn đã nhiều ngả, văn chương cũng là một con đường mà thôi. Chỉ biết là tôi và viết lách có mối tình sâu nặng lắm, như kiểu thịt luộc tôm chua mà tôi vừa nói với anh ở trên đấy.
Hoài Phố (thực hiện)
Nguồn: CAND
Ý kiến bạn đọc