Cảm hứng giống như nhặt được của rơi

Chủ nhật - 03/04/2011 04:24 3.477 0

Cảm hứng giống như nhặt được của rơi

Cảm hứng đến từ đâu và có vị trí như thế nào với người sáng tác văn học dường như là câu hỏi không mới. Nhưng thử đặt ngược lại vấn đề, có thể sáng tác mà không cần cảm hứng không? Dưới đây là cuộc trao đổi với nhà văn Đặng Ái và nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh.
PV: Trong chặng đường đến với văn chương của mình, cảm hứng sáng tác thường đến với nhà văn, nhà thơ từ đâu?

Nhà văn Đặng Ái: Không có cảm hứng làm sao viết được những dòng chữ tử tế! Nhưng nó đến từ đâu thì chỉ có trời biết! Có lúc nó mơ hồ hiển hiện trên một mái nhà, một gốc cây, một làn khói… hoặc một ánh mắt, một lời nói của người thân hoặc kẻ thù… có khi là một mẩu tin vô tình trên báo. Nghĩa là vô số lối nó đến. Nó đến, chích vào ta một liều thuốc, và cỗ máy sáng tạo khốn khổ của ta bắt đầu chạy loạn lên!

Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh: Cảm hứng sáng tác có thể đến từ mọi nơi, mọi lúc trong cuộc sống. Một cảnh đẹp mông lung. Một con người tao nhã. Một số phận đoạ đày… Có lúc cầm bút viết cả tiếng đồng hồ không thấy cảm hứng đến, bèn buồn bã dẹp bút. Nhưng khi ngủ, trong một giấc mơ nào đó, chợt nghe cảm xúc cất tiếng kêu gọi. Cảm hứng như một mặt khác của tâm linh, thoắt ẩn thoắt hiện. Có khi không định sáng tác gì thì cảm hứng vụt đến thình lình, phải hẹn với nó “tí nữa sẽ viết lại nha!” - Những khi hẹn mà không ghi lại bằng chữ viết ấy thì cảm hứng “tự ái” vù bay mất tiêu, dẫu sau đó có tiếc nuối mà cố tìm lại cũng không gặp !

Cảm hứng ban cho ta kỳ lạ lắm. Giống như khi nhặt được của rơi. Mà của rơi thì hiếm. Cho nên người viết phải chủ động tìm cảm hứng trong đời sống bằng cách đọc sách, xem phim, gặp một người thú vị, đi tham quan, du lịch... Nói tóm lại, đã gọi là “hứng” thì nó đến bất tử, đi bất tử không theo quy luật nào cả.

Và một điều tôi nghiệm ra rằng, có cảm hứng dào dạt rồi… mà không có tài năng để biến thành tác phẩm, thì cảm hứng ấy cũng bằng không…

PV: Cảm hứng sáng tác có quyết định hình thức thể hiện không?

Nhà văn Đặng Ái: Có chứ. Có lúc cảm hứng xui ta viết một truyện ngắn, hoặc một bút ký. Có lúc nó thúc viết một bài thơ, thậm chí thơ lục bát, thơ ngũ ngôn hay thơ tự do là do nó định đoạt ngay từ đầu. Cưỡng lại sự định đoạt ấy thường chỉ được những tác phẩm loại hai.

Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh: Cảm hứng vừa có “quyết định hình thức thể hiện”. Và vừa không. Hình thức thể hiện đôi khi được chọn trước cảm hứng. Có thể ví như như thửa ruộng cày rồi đang chờ mưa… hoặc mưa đã nhiều ngày mà ruộng chưa cày ải xong…

PV: Có ý kiến cho rằng: Một tác phẩm ra đời, ngoài cảm hứng sáng tạo - yếu tố vô thức, còn cần cả yếu tố ý thức - lý trí. Vậy hai yếu tố đó, cái nào nhiều hơn? Theo nhà văn thì vì sao?

Nhà văn Đặng Ái: Chỉ có cảm hứng thì làm sao thành tác phẩm. Lý trí rất quan trọng, nó đón bắt, nuôi nấng, dẫn dắt, định hình cảm hứng, bắt cảm hứng hiện thành con chữ. Không thể nói cảm hứng và lý trí điều nào quan trọng hơn. Nhưng trong một tác phẩm cụ thể, có khi ta cảm thấy điều gì đóng vai trò chính yếu. 

Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh: Trong sáng tạo nghệ thuật, thường khi ý thức và vô thức nhập vào với nhau, không thể tách bạch ra một cách thô thiển được. Cũng như một tác phẩm hay thì nội dung và nghệ thuật hoà trộn vô nhau như máu hòa trong da thịt. Phâm tâm học bảo : dường như vô thức điều khiển ý thức. Nhưng theo tôi, nếu vô thức là một vùng tối tăm chìm khuất làm sao con người nhận biết ? Lại phải cần dùng ánh đèn pin của ý thức rọi vào vùng tăm tối vô thức kia thì ta mới nhận ra hình dạng của nó. Khi đó vô thức đã bị ý thức hóa mất rồi… Thường là, khi cảm hứng đến nhà văn ào lên viết, tranh thủ mà viết, nào có thời gian để phân biệt cái nào là vô thức cái nào là ý thức đang ám ảnh mình như kia…

PV: Khi đặt bút viết tác phẩm, nhà văn, nhà thơ có bị chi phối bởi yếu tố khác? Ví dụ như độc giả, trào lưu đương đại… ?

Nhà văn Đặng Ái: Rất nhiều yếu tố chi phối nhà văn. Có khi là chi phối công khai, có lúc lại ngấm ngầm, nó nằm trong “vô thức” nhà văn. Những nhà văn tuyên bố là không bị chi phối lại là người bị chi phối nhiều nhất, vì anh ta không biết (hoặc giả vờ không biết) mình bị chi phối. Chắc chắn là các nhà văn mọi thời đại đều như vậy. Mỗi nhà văn là một biên tập viên kiểm soát tác phẩm của mình. Các nhà văn Việt Nam trong mấy chục năm vừa qua thường hay đóng vai một biên tập viên tư tưởng, thời cuộc chứ ít khi nghĩ đến chất lượng nghệ thuật và những giá trị phổ quát… .

Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh: Nếu một nhà văn sáng tác mà còn nghĩ đến độc giả có thích thứ này hay không, thứ mình viết có hợp thời không, thì chỉ là… nhà văn hạng hai. Tác giả trước hết là viết cho cõi lòng mình, viết những gì không thể không viết, vì những thôi thúc, những dồn nén nội tâm của chính mình.

PVCó khi nào nhà văn, nhà thơ bị cảm hứng sáng tạo ập đến trong những hoành cảnh “đặc biệt” mà lại không có bút, giấy, máy vi tính… và lúc đó, nhà văn thường làm gì?

Nhà văn Đặng Ái: Chuyện đó thường xuyên. Còn làm gì ư? Cố mà ghi nhớ trong đầu một chút gì đấy, rồi tìm cách khôi phục lại sau. Như nhà khảo cổ với một mảnh xương mong vẽ lại chân dung người xưa ấy mà. Nhưng nhà văn thường là thất bại. Có đêm tôi nằm cố nhớ một câu thơ chợt loé lên, nghĩ là hay kinh khủng. Sáng mai chép lại y hệt những gì mình đã nhớ. Nhưng đó chỉ là một mảnh xương thôi.

Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh: Nếu khi cảm hứng sáng tác ập đến mà không có điều kiện viết thì tôi thường gút lại cho mình một vài chữ quan trọng nhất của cái nội dung cảm hứng đó, lặp đi lặp lại và dặn mình là “nhớ đó nghen !” rồi khi có điều kiện thì viết lại. - Nhưng nếu không gút lại được, không có giấy bút gì, mà cũng không ghi khắc được vào trí não của mình… thì phải đành “để cho gió cuốn đi… ” như lời một bài hát của Trịnh Công Sơn vậy thôi.

PV: Nếu nhà văn, nhà thơ viết tác phẩm theo đơn đặt hàng và ấn định thời gian nộp tác phẩm thì áp lực đó có nảy sinh “cảm hứng sáng tạo” không, hay những nhà văn “thương hiệu” - thường được đặt bài, họ biết cách tạo ra cảm hứng sáng tạo?.

Nhà văn Đặng Ái: Tôi viết theo đơn đặt hàng không ít. Có những đơn hàng rất ngặt nghèo. Viết về vấn đề này nhé, ca ngợi ông A bà B nhé, tài liệu đây, nhớ trích dẫn cho câu này, câu này, số chữ ngần này… ngày này… có bài… Đôi khi người đặt bài lại ấn định cả “tít” bài hoặc yêu cầu ký tên gì, tên gì cơ. Đó là một cuộc tra tấn. Nhưng vẫn phải nhận làm, vì nhiều lẽ! Đóng cửa lại mà vò đầu bứt tai mà thương vay khóc mướn, vỗ tay thuê chứ sao? Mắm muối màu mè sao cho vừa mắt, vừa miệng người đặt hàng là được. Các ông chủ đâu có cần nghệ thuật. Hoặc cái nghệ thuật họ cần là thứ đem lại cho họ thứ lợi ích cụ thể nào đó.

Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh: Một nhà văn có tài vẫn biết cách tìm ra cảm hứng sáng tác trong những đơn đặt hàng. Balzac, Doztoiepxki… và nhiều thiên tài văn học khác đã từng viết theo đơn đặt hàng là gì ?

PV: Nhà văn có thể viết mà không cần cảm hứng sáng tạo không? Vì sao?

Nhà văn Đặng Ái: Đến như trả lời mấy câu này cũng cần cảm hứng mới tiếp tục được. Nhưng có nhiều loại cảm hứng, có cảm hứng thánh thiện thôi thúc ta sáng tạo nghệ thuật, lại có cảm hứng làm hàng! Nhà văn có kinh nghiệm phải biết mình đang trong trạng thái cảm hứng nào, không được nhầm lẫn.

Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh: Có những nhà văn viết mà không cần cảm hứng sáng tạo… Đó là hai thiên tài văn học thế giới thế kỷ thứ XIX vừa kể trên. Họ ngồi viết như chẻ củi và tự nhiên cảm hứng ào ạt đến sau khi họ đã cày được cả chục trang giấy… Đây là dạng cảm hứng đến sau. Tôi nghĩ là đến sau thôi, chứ nếu viết mà không cần cảm hứng, thì cái viết ra không tạo thành tác phẩm có giá trị được.

PV: Theo nhà văn thì có thể nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo được không? Nếu có bằng cách nào?

Nhà văn Đặng Ái: Phải biết nuôi dưỡng cảm hứng. Nếu không nuôi được cảm hứng sáng tạo thì văn học chỉ toàn thơ 2 câu hoặc nhiều nhất là 4 câu. Người ta khuyên viết liên tục, viết hàng ngày, không có hứng viết… cũng cứ viết. Đó là một cuộc hành xác trường kỳ, một cuộc tử vì đạo hàng ngày. Ít có nhà văn chuyên nghiệp nào thoát được cảnh này. Nhưng kinh nghiệm riêng cho tôi thấy ép xác quá thì không có văn hay. Không gì bằng viết lúc cảm hứng dồi dào.

Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh: Nuôi được. Và nuôi tốt. Ấy là bản thân phải tạo điều kiện sống cho mình thoải mái, đỡ bị nhếch nhác quá. Nghèo khổ dày vò quá, áp lực quá, thiếu sinh khí tự do quá… thì cảm hứng sáng tạo cũng sẽ chết yểu ! Hoặc khó mà sinh thành ra. Vì vậy, muốn dưỡng nuôi cảm hứng sáng tạo cho lâu dài thì phải có những điều kiện tinh thần và vật chất nhất định.

Khi Doztoiepxki cho nhân vật của mình là Ivan Caramadop thốt lên “Cả trái đất từ vỏ đến ruột đều ướt đẫm nước mắt con người” thì có nghĩa ông đã chứng kiến tường tận nhân loại khổ đau thế nào rồi, và đã chọn cho mình một thái độ chống lại cái ác mãnh liệt như thế nào rồi…

Việc nâng cao trình độ, học vấn, trải nghiệm cuộc sống… cũng là một cách nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo. Còn một điều quan trọng bậc nhất, tôi cho là như vậy, ấy là người viết phải có một trái tim ngay thẳng, biết cách ứng xử tử tế với đồng loại, biết gìn giữ tâm hồn đa cảm, nhân hậu…

* Xin cảm ơn nhà văn, nhà thơ!

Hiền Nguyễn (thực hiện)
Nguồn: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây