Để giải thưởng văn chương bớt tai tiếng

Chủ nhật - 20/01/2013 20:26 1.806 0
Năm 2012 tôi xuất bản tập thơ Đi tìm đi giấc mơ (NXB Hội Nhà Văn). Nhiều bạn thơ khi đọc xong có nhắc gửi dự thi giải thưởng hàng năm của hội, tôi cảm ơn. Tôi đã không gửi dự thi vì tôi không đủ niềm tin vào cuộc thi.

>> 2 tác giả cùng từ chối bằng khen của Hội Nhà văn

Nhà thơ Bùi Kim Anh.

Tôi là một cô giáo dạy văn, là người rất yêu văn chương, làm thơ và là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam nên việc quan tâm đến giải thưởng văn chương hàng năm là lẽ tất nhiên. Một bài thơ, một tập thơ được độc giả yêu mến với tôi là niềm vui lớn. Thơ được in trên báo và nhất là được trao giải thưởng hàng năm của Hội địa phương, trung ương hay ngành, nghề đều trở thành vinh dự lớn.

Nhiều năm nay, tôi rất buồn khi thấy giải thưởng văn chương để lại nhiều điều không hay trong dư luận. Nhìn vào năm nay, hai thư ngỏ của hai nhà văn từ chối nhận bằng khen của giải, kèm theo đó là hàng loạt lời bàn không hay về cách chấm giải khiến tôi bỗng muốn chia sẻ thêm đôi điều suy tư:

1. Cuộc thi, dù thi văn chương cũng là cuộc chơi. Cuộc chơi nào cũng có luật của nó, kể cả những trò chơi của trẻ nhỏ. Nhà văn đã tham gia vào cuộc thi văn chương cũng phải tôn trọng luật. Và cũng như bao cuộc thi nghệ thuật, thể thao, phát minh, sáng kiến khoa học, cuộc thi văn chương phải là tác giả tự tham dự với tác phẩm của mình. Theo tôi cần chấm dứt việc NXB, các tờ báo văn chương gửi dự thi tác phẩm. Nếu có thể hãy có cuộc thi riêng cho các NXB. Tác phẩm phải do nhà văn tự đăng ký thi, tự trách nhiệm về tác phẩm của mình và tuân thủ theo luật của cuộc thi. Như vậy tránh được những rắc rối không đáng có.

2. Cuộc thi văn chương là cuộc thi của những tác phẩm văn học. Những tác phẩm dự thi phải được cọ sát nhau một cách công bằng. Nói đến Tâm, đến Tầm gì đó thì cái gốc của sự việc vẫn phải là cuộc thi của các tác phẩm văn học. Vậy nên:
- Chỉ chấm tác phẩm văn học
- Loại trừ những yếu tố ngoài văn chương. Cụ thể như tác giả, quan hệ, vùng miền, giới tính, trẻ già… và cả những yếu tố nhạy cảm khác…
- Nếu Hội nhà văn cảm thấy cần khuyến khích các hoạt động văn học quần chúng thì có thể tự xét và cấp bằng khen cho các tác giả, theo các loại tiêu chí phong trào tùy mỗi năm.

3. Cuộc thi là có nhất nhì, có thắng thua, có được mất… Mọi sự trong cuộc đời cũng là như vậy. Theo tôi, việc chấm giải văn chương cũng cần có ít nhất mấy yếu tố sau:
- Minh bạch về thành phần giám khảo từ sơ khảo tới chung khảo. Công bố số phiếu của những tác phẩm lọt qua vòng sơ khảo tới chung khảo của Hội đồng chuyên môn, tới Ban chấp hành. Việc lớn như bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, bỏ phiếu tín nhiệm các cấp lãnh đạo còn công khai số phiếu, số phần trăm phiếu.
- Kịp thời công bố  kết quả với số phiếu bầu cụ thể, không để lâu, còn lễ trao giải thì tùy kế hoạch, thời gian. Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, việc công bố minh bạch và kịp thời có nhiều tác dụng tích cực, những dư luận thị phi có sẽ được giảm thiểu.
- Trách nhiệm của Hội Nhà Văn về việc xét và trao giải thưởng hàng năm chính là trách nhiệm với tác phẩm văn học nước nhà, với hội viên, với công chúng yêu văn học, với thế hệ trẻ và cụ thể nhất là trách nhiệm với chính mình - Hội  Nhà Văn Việt Nam.

Trách nhiệm ở đây còn cần tính tới mỗi thành viên trong ban giám khảo. Không thể chấp nhận bất cứ một thành viên nào không đủ thời gian đọc tác phẩm mà lại nhận lời tham gia ban giám khảo. Chuyện không hề đọc tác phẩm mà lại bỏ phiếu thẩm định tác phẩm thì bi hài không bằng Thày bói xem voi - Thày bói tự biết mình mù nên phải sờ.
- Can đảm để dám minh bạch chọn lựa những tác phẩm xứng đáng để trao giải thưởng văn học hàng năm.

Vì sao năm nào cũng có nhiều ý kiến về giải thưởng Hội Nhà Văn mà số lượng tác phẩm dự thi vẫn nhiều. Ban sơ khảo đưa danh sách các tác phẩm đề cử của giải thưởng Hội Nhà văn VN 2012 từ giới thiệu của các NXB, các tờ báo về văn chương, hội viên hội nhà văn. Số lượng tác phẩm đề cử năm nay khoảng 90 tập thơ, gần 100 tác phẩm văn xuôi, 25 tác phẩm lý luận phê bình và một số tác phẩm dịch thuật. 

Điều đó nói lên - dẫu có nhiều ý kiến lùm xùm, các nhà văn vẫn mong muốn được thẩm định đúng đắn, được đánh giá công khai công bằng tác phẩm của mình. Vậy mới biết trách nhiệm, sự công tâm và cả sự can đảm của Hội Nhà Văn cần thiết biết bao nhiêu!

Tác giả: Bùi Kim Anh

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây