Khi người đẹp viết

Thứ hai - 29/03/2010 20:08 1.919 0

Khi người đẹp viết

Điều gì sẽ xảy ra khi các người đẹp từ sân khấu, màn ảnh nhảy sang lĩnh vực sáng tác văn chương? Đây có phải là một trào lưu cần được ủng hộ? ThoTre.Com mời bạn đọc tham gia bàn luận

Có vẻ nhiều người sẽ cười ha ha khi biết tin một cô đẹp đẹp nào đấy của làng giải trí, chứ không chỉ là Lê Kiều Như, viết sách. Cũng sẽ có một số người miệng có gang có thép dùng những lời lẽ có thép có gang để chỉ trích. Một vài người khác thì tò mò tìm đọc. Nhưng rốt cuộc thì ai cũng nhanh chóng quên đi.

Viết lách là một công việc. Nếu sống bằng viết lách thì gọi là viết chuyên nghiệp. Viết cho vui đời, để tung tẩy sự tài hoa thì gọi là viết tài tử. Tuy vậy, không phải quyển sách nào viết ra cũng thành tác phẩm.

Người đẹp viết thì cũng chẳng sao

Thú thật là người viết bài này cũng có đọc một vài bài báo đả kích dữ dội dành cho quyển sách mới in, mà không được phát hành, của ca sĩ (?) Lê Kiều Như. Không đọc, nên không thể có ý kiến gì về quyển sách ấy cả. Cũng hy vọng là những người viết bài chỉ trích quyển sách này thực sự cũng có đọc nó. Bởi nếu không, thì sẽ là chuyện té nước theo mưa.

Những trích dẫn trên báo chí cho thấy vấn đề lớn nhất không phải là ở bản thân quyển sách, mà ở chỗ nó đã được xuất bản. Quả thực, nếu đấy là một quyển sách không nên in, thì việc in là không thể biện minh.

Nhiều người cũng tỏ ra ngạc nhiên, vì nó lại được in bởi Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Người ta kỳ vọng rằng đã mang tên như thế, nhà xuất bản cũng phải cho ra đời những tác phẩm ngon lành. Hoặc nếu quyển sách dẫu không hay thì cũng phải sạch sẽ, đàng hoàng. Kỳ vọng như một sự mặc nhiên thì càng dễ thất vọng.

Cũng khó mà mong rằng một người lần đầu viết sách, mà vốn kiếm sống bằng một nghề chủ yếu là thể hiện bề nổi, lại có thể viết hay. Viết non nớt, ngây ngô, hoặc không có chút giá trị văn học - nhân bản, không "sạch sẽ" theo đúng thuần phong mỹ tục, có lẽ cũng là điều bình thường, dễ hiểu.

Người đẹp Lê Kiều Như tỏ ra tự hào về điều mình đã làm được. Với cô, qua những gì báo chí trích dẫn nội dung trả lời trong họp báo giới thiệu sách, thì đó là điều khiến cô thêm nổi tiếng. Chỉ vậy thôi. Dư luận có thể nhận xét gay gắt rằng đó là cách được nổi tiếng không đáng được vỗ tay. Nhưng nếu xét về phương diện mục đích được nổi tiếng, người đẹp nói trên đã thỏa nguyện.

Ở phương diện người đọc, một người đẹp hay một chục người đẹp viết sách thì cũng chẳng sao cả. Bởi người đọc phải bỏ tiền mua sách, đương nhiên phải chọn lựa. Sách nào không đáng để mua, họ sẽ lật lật xem bìa rồi cho qua. Phần đông có thể tò mò ngó mắt, nhưng mua thì chắc là rất ít. Vì mua sách dở thì phí tiền, mất thời gian.

Sẽ có nhiều người đẹp nữa viết sách?

Phải trở lại vài năm trước, khi một loạt người đẹp trong làng biểu diễn thời trang chuyển sân qua ca hát. Sau ca hát là đóng phim. Cũng có người chỉ đóng phim, hoặc chỉ ca hát. Về mặt kết quả, nhìn chung là họ được chú ý. Vài người trong số họ cũng trở nên nổi tiếng, dẫu rằng hát không hay lắm, giọng yếu, âm vực hẹp và nông. Nhưng bây giờ, có những sân khấu ca nhạc, nghe chỉ là phụ so với xem. Bắt mắt, xinh đẹp, biết chiều thị hiếu khán giả có thể còn quan trọng hơn là hát hay.

Người đẹp biểu diễn thời trang, làm ca sĩ, rồi đóng phim thì đa phần cũng nhàn nhạt kiểu như thế. Hiếm có ai chịu trầy vi tróc vảy để làm diễn viên thực thụ, và thành công, như Ngô Thanh Vân. Nhiều người đẹp tìm thêm một khoảnh đất, cũng chỉ để “diễn” thêm khá dễ dãi.

Cũng có người thán phục rằng người đẹp đa tài, “kênh nào cũng có nước”. Nhưng cũng không ít người mỉm cười đánh giá một cách hài hước: “Không biết gì về điện mà đòi đi sửa... nước”!

Sẽ là không lạ, khi sẽ có thêm những người đẹp lấy chuyện vừa xảy ra như một ví dụ đáng vận dụng. Và nếu chỉ có mục đích thêm nổi tiếng, thì họ sẽ có nhiều sự thôi thúc để viết. Không nên hồ nghi rằng họ tự viết, hay thuê người khác viết. Bởi tài năng cũng giống sắc đẹp là ở chỗ, không thể giả vờ có được. Có tài thì sẽ bật ra, giống như Susan Boyle, cô ca sĩ không xinh đẹp mà có giọng hát vàng ròng.

Giật gân và sự quên lãng

Giật gân là thuộc tính quan trọng hàng đầu của giải trí. Viết, nếu tạo ra được sự giật gân, thì cũng được hơn một người sẵn sàng coi như cơ hội để thể hiện mình. Tuy vậy, viết lách cũng như mọi lĩnh vực khác, để thành công thì phải vất vả. Khó để mà tin được rằng người đẹp viết sách lại coi đấy là một nghề để đeo đuổi. Và chắc càng khó tin, nếu người đẹp viết thực sự hiểu về ý niệm “cày trên luống chữ”. Phải có nhiều chữ mới có luống; và cày thì bao giờ cũng lao lực.

Có thể, viết sách theo ý nghĩa “viết chơi cho vui, sợ gì”, với họ chỉ chủ yếu là chiêu để cạnh tranh nghề nghiệp trong phạm vi lĩnh vực giải trí, nhằm tìm kiếm sự nổi tiếng. Nhưng sau sự kiện Lê Kiều Như, hẳn rằng sự chú  ý, quan tâm của dư luận cũng như cơ quan quản lý xuất bản, sẽ trở nên khắt khe hơn. Sẽ có những người viết - người đẹp bị gạt phắt bản thảo, chỉ vì không đạt yêu cầu “sạch và xanh”.

Những ồn ào do hiếu kỳ thường nhanh kết thúc. Với thế giới sách, cảm xúc và trí nhớ của người đọc không giống như khán giả trong thế giới biểu diễn. Vì vậy, nếu có những quyển kiểu như “Sợi xích”, thì về phương diện đọc, nó sẽ nhanh chóng bị quên lãng.

Tác giả: Bách Vũ

Nguồn tin: Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây