Khi nhà phê bình ủng hộ văn học viết về cái Ác

Chủ nhật - 20/01/2013 00:56 1.662 0
Công trình nghiên cứu của Georges Bataille đưa ra cách tiếp cận táo bạo nhưng đầy nhân văn trước những chủ đề như bạo dâm, sắc dục, luân lý trong văn học.

Đạo đức xã hội quy định hai phạm trù Thiện và Ác. Văn học xưa nay vẫn mang chức năng là hướng con người ta tới Chân, Thiện, Mỹ. Thế nên, nói văn học đứng về cái Ác dường như là vô lý? Và thứ văn học viết về cái Ác đáng bị lên án, bài trừ? Điều đó không đúng với Georges Bataille. Bởi cái Ác ở đây, theo ông, vượt lên trên khái niệm đạo đức học thông thường để thuộc về một hệ quy chiếu khác. Georges Bataille cho rằng, một khi con người vi phạm những quy định và điều cấm được hình thành trong xã hội có tổ chức, ít nhiều đều bị coi là mang dấu ấn của cái Ác. Nhà văn viết về những thứ nằm ngoài khuôn phép của thế giới lý trí, thứ văn chương đó được coi là viết về cái Ác.

Cuốn sách “Văn học và cái Ác” của Georges Bataille được xuất bản ở Pháp năm 1957, tập hợp những bài phê bình của ông, phần lớn đã đăng trên tạp chí Critique của Pháp. Tác giả chọn tám nhà văn nổi tiếng để khảo sát nghiên cứu: Emily Bronte, Baudelaire, Michelet, William Blake, Sade, Proust, Kafka, Genet. Những tên tuổi này có phần xa lạ với độc giả Việt Nam (ngoại trừ Emily Bronte, F. Kafka hay một chút Marcel Proust). Các tác giả đều là những người vượt qua ranh giới, sự "được phép" để viết bằng những giấc mơ, tưởng tượng của họ. Sự khác thường, gạt bỏ mọi trở ngại, rào cản đạo đức xã hội quy định lên ý nghĩ và hành động để viết khiến họ không thuộc phe Thiện. Những tác giả này, kẻ ít người nhiều, đều chịu điều tiếng và bị lên án vì những gì họ viết trong tác phẩm. Georges Bataille, bằng lý lẽ của mình, biện hộ cho họ, cũng là để giải trình thứ văn học đứng về phía cái Ác.

vh4-jpg-1358404425-1358404507_500x0.jpg
Bìa cuốn sách "Văn học và cái Ác" xuất bản tại Việt Nam.

Tác giả đầu tiên được Georges Bataille khảo cứu, vốn không xa lạ với độc giả thế giới và Việt Nam qua cuốn tiểu thuyết "Đồi gió hú" - nữ nhà văn Emily Bronte. Vì tác phẩm này, Emily Bronte từng chịu nguyền rủa vì đã viết về sự trả thù đến tận cùng. "Đồi gió hú" là câu chuyện tình dữ dội nhưng cũng đầy bi kịch giữa Catherine và Heathcliff. Heathcliff vốn là đứa trẻ bị bỏ rơi lạc vào vùng đồng cỏ hoang dã nơi có ngôi nhà mang tên "Đồi gió hú" của gia đình Catherine và được bố cô nhận nuôi. Cả hai cùng trải qua tuổi thơ hoang dã. Không có quy ước nào ràng buộc mối tình thơ trẻ, những giấc mơ tuổi trẻ liều lĩnh của họ. Georges Bataille phân tích, vương quốc tuổi thơ tối cao đó vĩnh viễn thuộc về hai đứa trẻ, đặc biệt là trong tâm hồn Heathcliff. Cho tới khi Catherine đột ngột rời bỏ thế giới đó, chấp nhận sống với đúng chuẩn mực xã hội bấy giờ là cưới chàng quý tộc có học thức, trẻ trung, giàu có Edgar Linton, Heathcliff như phát cuồng trước cảm giác bị phản bội và làm mọi cách để hành hạ, trả thù. Thậm chí, khi Catherine đã chết đi, Heathcliff còn cưới chị của Edgar Linton để đánh đập, dày vò người phụ nữ này, nối dài những cơn trả thù tuyệt vọng của "ông vua" nhìn thấy vương quốc sụp đổ dưới chân mình.

Theo nhà nghiên cứu, ý nghĩa của "Đồi gió hú" trước hết là sự thách thức với thứ đạo đức được thừa nhận chung, mà cơ sở của nó là một thứ "siêu đạo đức". Mục đích tối cao của Heathcliff là đòi lại thế giới đã mất mà với anh đó là vĩnh cửu. Con đường của vương quốc tuổi thơ được tìm lại bằng cái chết của cả hai khi họ vẫn còn yêu nhau thắm thiết mà thời khắc cái chết cũng chính là lúc hồi sinh vĩnh hằng của tình yêu. Georges cho rằng, hành động của Heathcliff giống như cơn say của thần thánh, khi không thể chịu nổi cái thế giới lý trí của sự vị lợi mà nghe theo sự điều khiển của tâm hồn. "Heathcliff là hiện thân cho chân lý sơ đẳng, chân lý của một đứa trẻ nổi loạn chống lại thế giới của cái Thiện, thế giới của người lớn, và bằng sự nổi loạn triệt để đó đã nộp mình cho phe Ác". Còn về phía Catherine, Georges Bataille viết: "Catherine Earnshaw hiển nhiên là một cô gái đức hạnh. Cô hoàn hảo đến mức chết vì không thể nào rứt bỏ được cái kẻ cô yêu là một cậu bé. Nhưng khi biết hắn mang cái Ác trong mình, cô lại còn yêu hắn đến mức phát ra một câu rất quan trọng: I am Heathcliff (Tôi là Heathcliff). Như vậy, cái Ác, xét một cách kỹ lưỡng, không chỉ là giấc mơ của kẻ độc ác, mà còn là giấc mơ của cái Thiện".

Tác giả George Bataille.
Tác giả Georges Bataille.

Cùng quan điểm đó để nhìn nhận bảy tác giả còn lại, Georges mang tới cho độc giả một công trình nghiên cứu thú vị với những luận điểm quan trọng. Nhà nghiên cứu Jacques Red nhận định, trong "Văn học và cái Ác", Bataille “với sự phân tích chính xác và rạch ròi vốn có của mình tiếp tục tìm kiếm những hoàn cảnh kịch tính, ở đó chân lý của thực thể con người được hồi sinh từ đám tro bụi của riêng mình”.

Bản thân Georges viết trong lời mở đầu "Văn học và cái Ác": "Những nghiên cứu này đáp ứng sự nỗ lực tôi đã bỏ ra để truy tìm ý nghĩa của văn học. Văn học là cơ sở của tồn tại hoặc không là gì cả. Nó là hình thức thể hiện rõ nét của cái Ác, một cái Ác theo tôi nghĩ, một giá trị tối thượng. Nhưng quan niệm này không đòi hỏi sự vắng thiếu đạo đức, nó yêu cầu một siêu đạo đức".

Như vậy, không phải Georges, cũng không phải các tác giả mà ông nghiên cứu trong cuốn sách cổ xúy con người ta làm điều ác mà họ thấu hiểu sự vi phạm giới hạn, phạm cái điều cấm để sống bằng tận cùng giấc mơ, tâm hồn nguyên thủy của mình. Văn học viết về cái Ác, hay ủng hộ văn học viết về cái Ác, trên hết cũng là hướng Thiện. Và trên cả hướng Thiện đó là tính nhân văn. Với cách tiếp cận táo bạo, khác thường của Georges, cuốn sách tuyệt nhiên không hề dễ đọc.

Georges Bataille (1897 - 1962) là tiểu thuyết gia, nhà triết học, nhà tiểu luận, nhà thơ, nhà phê bình Pháp. Cuối những năm 1950, ông được coi là một trong những nhân vật quy định nền văn minh châu Âu hiện đai. Triết gia Martin Heidegger từng gọi ông là “bộ óc tư duy xuất sắc của nước Pháp”.

"Văn học và cái Ác" được xuất bản tại Việt Nam nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh và 50 năm ngày mất của Georges Bataille. Sách do Đại sứ quán tại Việt Nam và Viện Pháp tài trợ, mừng 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và mở đầu năm Việt - Pháp (2013 - 2014). Tác phẩm do dịch giả Ngân Xuyên chuyển ngữ, công ty Sao Bắc Media hợp tác với NXB Thế Giới ấn hành, ra mắt hôm 15/1.

Tác giả: Hà An

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây