Lão đúng là một chiếc lá xanh ngon ngật ngưỡng, giữa muôn vàn lá trên đỉnh Hoàng Liên vời vợi. Giờ này lão đang bạn bầu với bốn mùa mây trắng, nắng vàng và mật ong dịu ngọt. Từ ngày được nghỉ hưu, lão gắn bó khăng khít với mảnh đất này rồi, bởi tuổi trẻ đã đi khá nhiều nơi trên trái đất. Lão từng du học ở Tiệp Khắc. Từng sang Mạc-tư-khoa vào những năm 70 của thế kỷ trước. Lão thông thạo tiếng Tây hơn tiếng Việt. Thông thạo mọi trò đời nghịch ngợm của riêng cánh mày râu, trên cõi nhân gian này. Bao giờ lão cũng là một chiếc lá lành. Chiếc lá không quá đắng và cũng không quá chát. Thơ lão như sa nhân. Nó có khả năng chữa trị những cơn mỏi cơn đau trong tâm hồn con người. Có lần lão dùng hai ngón tay kéo con gió độc ra khỏi người tôi. Khi đó tôi bị píu xè cảm mạo rất nặng. Con gió độc đi khỏi, trên da thịt tôi đầy những vệt tím bầm như vừa bị bàn tay con gấu nó cào. Tôi vã mồ hôi rồi khỏi hẳn. Chẳng ngờ lão còn là ông lang nhà.
Bất kể đông hay hè, lão rất hay phanh ngực áo. Chiếc áo trạch săn của người dân tộc thiểu số hay dùng. Vắt áo chàm lên vai, lão chỏm chẻm đi như nắng trên đường Hà Nội. Có lúc lão nhớ nhà quá, lão bèn vừa đi vừa múa quyền. Hai tay lão liên tiếp ra đòn. Khiến những chiếc lá vàng rơi không sao tiếp đất. Tay trái chém, tay phải gạt, cả người lão vù vù như cái rốn gió. Làm lá lá rách nát bay bay ngược mãi lên trời xanh.
Từ ngày biết và chơi với nhau đến nay, tôi thấy trên người lão hình như lúc nào cũng lên men. Thứ men đồng rừng dù chỉ uống một lần mà ngọt mãi. Ai cũng bảo hễ được gặp là không sao quên hình bóng lão được. Cái người hồn nhiên cười. Hồn nhiên nói. Hồn nhiên uống. Hồn nhiên yêu. Bụng dạ cứ phơi trắng ra như bánh. Thơ của lão cũng vậy, đọc một lần mà ám ảnh quanh năm: “Con trai người Pa Dí. Không hận thù và ghét bỏ cùng ai. Đến chín phương đất là chín phương bè bạn. Tới mười phương trời là mươi phương thương nhớ”. Vì một con người như thế, nên: “Đã lên yên không bao giờ ngã ngựa. Đã lên yên trên đường thiên lý. Cứ thế phi bay” . Lão là nhà thơ Pờ Sảo Mìn, sinh ngày 1 tháng 10 năm 1946 tại thôn Na Khui xã Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Tên lão đọc theo âm chữ Hán là Bạch Thiếu Minh. Một cái tên nghe vừa sang vừa sáng. Nhà thơ Phạm Tiến Duật thường trêu đùa rằng phải gọi là Thiếu Minh Bạch thì mới đúng chứ. Chỉ chờ có thế, hai lão cùng ngả ngớn ra cười. Cười chảy tràn nước mắt. Thế mới sướng!
Song thân Pờ Sảo Mìn đều là người Pa Dí, nhà ở dưới chân núi Dì Thàng. Mường Khương quê hương lão có tên cổ là Mưng Khản. Tiếng địa phương nghĩa là vùng đất này có gang có thép. Pa Dí là một trong những tộc người thuộc ngữ hệ Tày - Thái. Từ bao đời nay ông cha họ từng cần lao lập nghiệp và sinh sống trên rẻo Mường Khương nhấp nhô này. “Dân tôi chỉ có hai ngàn người. Như cái cây hai ngàn chiếc lá”. Hai ngàn chiếc lá trên một cái cây giữa bạt ngàn rừng. Nó quý biết chừng nào và đáng được nâng niu xiết bao cho đủ. Hai ngàn người có một nhà thơ. Một nhà thơ sừng sững!
Vậy mà nhà thơ chúng ta sớm có một cuộc đời chìm nổi. Ngày ấy lão như măng mọc lên từ kẽ đá. Như chú chim nộc vèn vừa mới ra ràng đã phải tự tìm sâu bắt mồi nuôi thân. Như con dao quắm vừa mới ra khỏi lò than hồng rực đã phải mang đi chặt củi. Khi cậu bé Pờ Sảo Mìn lên ba, thì người cha hy sinh ngay trên đường tuần tra tiễu phỉ. Và khi chú lên 10 thì người mẹ thân yêu cũng từ giã cõi đời. Không anh em ruột thịt. Lão cô đơn như cây đàn một dây: “Mẹ sinh ra tôi trên đỉnh đá tai mèo. Uống nước nguồn trong veo”. Nên: “Con trai người Pa Dí . Mắt một mí, tóc đen, mũi tẹt, da vàng. Dáng ngang tàng vẻ quẫy đạp trần gian...” Người mẹ đã chọn đỉnh đá tai mèo làm nơi cho con mình chào đời. Chọn nước nguồn trong veo để con mình uống. Rằng con người này có một cuộc đời không bình thường như bao đứa trẻ sơ sinh khác. Tôi nghĩ đây là một sự lựa chọn. Cái cứng rắn của đá đi liền với cái mềm mỏng của nước. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa âm và dương, cương và nhu, động và tĩnh, trong và ngoài. Số phận chàng trai Pờ Sảo Mìn được báo trước. Trí tuệ minh mẫn và tinh thần sảng khoái là lẽ kết hợp tự nhiên mà trời đất Mường Khương ban cho chàng. Đúng như vậy, càng về sau này bạn bè đã nhận thấy ở lão có một nghị lực hiếm có để vượt lên số phận: “Là cây rừng hãy cứ vi vu. Chẳng quản bão táp, ngại gì mưa”. Nghị lực ấy là gì nhỉ? Nó ở ngoài hay bên trong ta? Nếu không phải hai chữ vi vu? Hai chữ vi vu là câu nói cửa miệng của Pờ mỗi khi trong đời gặp điều gì trắc trở. Hai chữ vi vu là lời tự động viên mình, cũng chính đó là bài ca tự do hiểu theo nghĩa nôm na của người miền núi. Một con người an nhiên tự tại và tự tin đến mức bão táp với mưa sa không làm lão mảy may nhụt chí hay lo toan.
Cuộc đời lão như rượu. Lão từng vui với bạn bè rằng: Tao nói không giỏi bằng uống rượu! “Đã uống không biết say. Chỉ âm thầm trong quay cuồng gió bão”. Gió bão trong một con người. Trông lão hiền khô vậy thôi nhưng trong lòng chứa đầy giông bão. Người Tày nói: Làm ăn không giỏi bằng người Hán. Nói năng không trôi chảy bằng người Kinh. Làm cái tỉnh tình tinh không giỏi bằng người Mán. Nói như thế không có ý tự ti đâu nhé. Dân tộc ít người chúng tôi luôn tự biết mình. Và họ thường hay rượu nhưng không nghiện không nát rượu. Rượu chỉ là con thiên lý mã đưa chúng tôi đến với bạn bè năm châu bốn biển. Cuối năm 1984, đang học năm thứ hai trường viết văn Nguyễn Du, nhà trường phân công tôi cùng Pờ Sảo Mìn đi Mường Khương tìm hiểu thực tế và sáng tác. Tôi là dân miền núi chính hiệu. Nay lại ngược lên miền núi thì có gì lạ đâu. Nơi nào chả giống nhau. Đất thì đếm hạt, đá nhiều đến mức không muốn nhìn. Người thì vắng teo heo. Lá rừng đông hơn ma dưới âm phủ. Cây lá hoa rừng ồn ào rền rĩ như sóng biển. Những gì thừa thãi thì chẳng quý. Dân miền núi chúng tôi ở đâu cũng thế, chỉ quý người. Quý người hơn kim cương vàng bạc. Nhìn thấy người ở đâu là chúng tôi vui lên, sáng đầy hai con mắt.
Kỳ này được đi cùng Pờ Sảo Mìn về thăm quê của bạn, còn gì háo hức bằng. Vừa chân ướt chân ráo xuống tàu, bất ngờ Pờ đưa tôi đến thăm một người đồng hương Cao Bằng. Nhà anh ấy ở ngay gần ga Lào Cai. Pờ nói chúng mình cần phải nghỉ ở đây một đêm, sáng mai mới ngược Mường Khương được. Dù chưa biết anh ấy là ai, nhưng nghe hai tiếng đồng hương, làm tôi sướng muốn phát khóc. Đêm ấy, mừng gặp được người cùng quê, rượu chủ nhà chảy tràn ra như suối, làm ướt nhẹp cả tiếng nói. Tiếng nói dính chặt vào nhau. Ánh mắt áp chặt vào nhau. Hơi thở bện chặt vào nhau. Hình như những ai từng tắm nước sông người Tày, từng ăn gạo người Tày, thì làn da sẽ bốc mùi người Tày. Cái mùi thơm của người Tày lâng lâng kỳ diệu. Kỳ diệu đến mức không một thứ nước thơm nào trên trái đất có thể sánh được.
Không ngờ đây là một chuyến đi thật thú vị. Vốn ngày thường tôi thấy Pờ Sảo Mìn là người vui nhộn nhất lớp. Nhưng khi về đến quê núi, cái linh hoạt sống động như con nhện nước của lão, tự dưng biến đâu mất. Từ tóc tai đến da thịt tươi lên màu lửa cháy. Khi chạm tay vào đá núi, tôi thấy đôi mắt một mí của lão rấn rấn ra hai ngấn nước. Miệng môi lão lắp bắp nói những gì mà không rõ lời. Đá núi ấm lên. Đá núi chẳng nói năng chi. Đá núi bần thần như người cha lâu ngày gặp lại con. Từ lòng đôi tay dầy chắc của Pờ, khe khẽ bay lên mùi thơm săm pết. Đó là thứ thuốc nổ do những người dân nơi đây tự tạo, dùng để nhồi súng kíp đi săn bắn.
Pờ lặng lẽ ngồi xuống. Tay bật nắp bầu rượu, thành kính rót cho đá một miếng. Rót cho mình một miếng. Cứ như thế, Pờ và quê hương đối ẩm, từ giờ thìn của ngày hôm trước, kéo sang tận giờ mùi của ngày hôm sau. Đến khi mặt trời đằng Tây như quả hồng lừ lừ rơi rơi xuống vực. Tiếng khèn Mông đâu đó lập lòe ánh lửa. Lúc bấy giờ, tôi thấy Pờ lừng lững tan biến vào đất trời Lào Cai hùng vĩ: “Con trai người Pa Dí. Đã đi là đến. Đã đến là ở. Đã ở là ở rất lâu. Đã yêu là yêu nhiều yêu mãi”. Tôi chưa biết lão có bao nhiêu mối tình. Có bao nhiêu người con gái cả Tây lẫn ta phải lòng lão. Nhưng tôi yêu quý lão từ hồi còn là học trò nghèo cùng ngồi một bàn. Tôi nhớ mãi cái vẻ mặt hơn hớn của lão xách con cá mè ranh từ chợ Thành Công về. Rồi lão la hét gọi năm sáu thằng cởi trần quần đùi cùng nhau xì xụp. Nói đến Pờ Sảo Mìn thường mọi người chỉ nhắc tới rượu là e chưa đủ. Theo tôi, nói đến Pờ phải cộng thêm ớt, cộng mác khén, cộng hạt dổi, sẽ bằng thơ. Thơ của lão hầu như có rất ít cơm, nhưng có vị cay, vị ngọt, vị chua, vị chát và đặc biệt ngọt rất lâu trong lòng người đọc.
Mấy chục năm xa nhau. Tôi Cao Bằng - lão Lào Cai. Bất chợt ở đâu đó ai cất lên tiếng hát kìa con ếch xanh, là tôi cồn cào nhớ lão. Nhớ giọng nam trầm và ấm của lão. Nhìn lão đứng hát. Tôi thấy lão đẹp, và bừng sáng một cách thánh thiện. Đặc biệt là đôi mắt. Đôi mắt ấy hầu như cười ấm cả ngày. Cười ngay cả khi lão khò khứt nằm ngủ.
Có ngờ đâu lão Pờ gồ ghề củ khoai mà đàn hay hát giỏi. Ngẫm ra trời đất mới thật công bằng. Mít xù xì mà bên trong cho thơm ngọt. Chanh tươi ngon mà ruột chua lè. Nếu có ai gọi mít ơi thì lập tức lão lừ mắt. Tao mà là mít à! Tao là cây thuổng chứ. Cây thuổng còn mang đi đào củ mài. Lại một tràng cười ràn rụa nước mắt. Thế mới sướng!