Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Viết văn phải có hứng và tập trung

Thứ tư - 05/08/2009 23:06 2.826 0

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (giữa) tại buổi giao lưu.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (giữa) tại buổi giao lưu.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cùng con trai của mình là đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã có buổi trao đổi về sách với độc giả tại Café Báo chí vào chiều 02/8/2009, trong chương trình “Sống với Sách” do Sachhay.com tổ chức.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã chia sẻ về nghiệp viết văn và quan điểm sáng tác của mình một cách rất chân thành và tâm huyết. Ông chia sẻ một kỷ niệm vui về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm “Chiếc lược ngà”: Năm 1966, từ Hà Nội, ông cùng với một nhóm văn nghệ sĩ vượt Trường Sơn về chiến trường miền Nam. Về miền Nam, ông tự nhủ phải viết cái gì miền Bắc không tưởng tượng ra được. Tới đồng bằng, ông gặp một cô giao liên tên Thu (khoảng 17-18 tuổi) đưa ông xuống chiến trường và cô chính là hình mẫu cho nhân vật cô bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà”. Nguyễn Quang Sáng kể ông đã viết “Chiếc lược ngà” trong một buổi sáng, ngồi viết ở trên xuồng, kê giấy lên đầu gối mà viết, vừa viết vừa thả cần câu xuống sông câu cá rất lãng mạn.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng luôn đặt cao yếu tố thực tế, tính trung thực khi viết văn. Ông viết truyện ngắn “Bài học tuổi thơ” từ thực tế một học sinh bị điểm không bài văn với đề bài “Tả buổi làm việc ban đêm của bố em”. Vì em học sinh đó không có bố nên để giấy trắng, không làm bài. Ông nhấn mạnh: “Viết văn phải viết từ gan ruột, viết bằng máu thịt của mình viết ra. Khi mình viết về những gì mình biết thì mới có thể viết trơn tru được. Còn nếu ép buộc viết về những điều mình không nắm rõ thì rất khó viết hay. Cái gì tôi từng trải thì tôi mới viết”. Khi viết văn tôi không nghĩ ngợi nhiều về tiền bạc hay sự nổi tiếng mà viết một cách tự nhiên, viết theo hứng. Hứng ở đây là thời điểm chín muồi của quá trình tư duy. Có như thế, tác phẩm viết ra mới tạo dấu ấn đặc sắc đi sâu vào tâm hồn độc giả. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho biết ông viết kịch bản phim “Cánh đồng hoang” chỉ trong một tuần, còn với kịch bản phim “Chim bay về núi” viết nhân dịp Lễ kỷ niệm1.000 năm Thăng Long - Hà Nội ông viết trong 10 ngày.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng có một sự tập trung rất cao khi viết văn. Ông cho biết luôn tập trung viết trong đầu ngay cả khi đang nói chuyện, ngồi nhậu với bạn bè. Khi đang sáng tác, ông thường chìm đắm trong thế giới các nhân vật do mình tạo ra, “nhập” vào trong tác phẩm đến nỗi gọi tên, đối thoại với các nhân vật trong truyện mình đang viết. Nhà văn chia sẻ bí quyết viết văn của mình một cách hết sức súc tích bằng câu: “Không tập trung là thua!”.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng có cậu con trai thứ là đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Ông cho biết không hề ép buộc con cái phải đọc sách, học văn hay theo nghiệp văn của mình. Tuy vậy, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thích đọc sách từ rất sớm (từ hồi học lớp 8). Anh thích đọc các tác giả như Nam Cao, Tản Đà… Nguyễn Quang Dũng cho biết do sách ở nhà mình rất nhiều nên anh tiếp xúc với sách như một cách giải trí. Anh tìm thấy nhiều niềm vui trong khi đọc sách. Theo anh, một trong những vai trò quan trọng nhất của sách đó là giải trí. Việc đọc sách và theo dõi mọi người đang đọc gì, quan tâm đến vấn đề gì cũng giúp anh nhận thấy nhu cầu của công chúng để làm phim phục vụ họ.

Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng thừa nhận một điều là sách hay hơn phim. Bởi vì những tác phẩm hay khi được chuyển thể sang phim thì không hấp dẫn bằng. Thế giới tưởng tượng trong sách phong phú hơn, trong khi chuyển thể sang phim thì bị chi phối, giới hạn của người làm phim, của màu sắc, hình ảnh khung cảnh… Anh cho biết cuốn sách thích đọc nhất là Harry Potter của J.K.Rowling, nhưng khi dựng phim thì không hay bằng truyện. “Nàng Kiều trong trí tưởng tượng của mỗi người khi đọc sách sẽ thật đẹp, nhưng nàng Kiều trong phim thì lại bị giới hạn bởi người diễn viên. Sẽ có người khen, người chê nhan sắc của nàng. Còn trong trí tưởng tượng thì mỗi người sẽ vẽ ra một hình ảnh khác nhau về nàng Kiều và ai nấy đều hài lòng về nó” - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận xét.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng không bắt ép Nguyễn Quang Dũng đọc sách vì ông cho rằng cái gì không thích mà bị bắt ép sẽ là một sự hành hạ. Nhưng ông vẫn luôn bí mật theo sát việc đọc của con trai. Ông thường quan tâm xem sách gối đầu giường của  Dũng là cuốn gì, Dũng đọc đến trang nào… Cuốn sách đầu tiên nhà văn gợi ý con trai mình đọc là cuốn “Ngón tay chỉ đường” - nguyên tác “Pointing The Way”. Đó là một bộ sưu tập hàng trăm những mẫu đối thoại, thơ cho bạn, những sự kiện và những bài thuyết giảng ngắn của Rajneesh. Ông là một giáo sư, một giảng sư, một triết gia và tác giả của hàng trăm cuốn sách nổi tiếng tại Ấn Ðộ và ngoại quốc… Trong cuốn “Ngón tay chỉ đường” do Tỳ Khưu Ni Thích Nữ Minh Tâm dịch sang tiếng Việt có một chương rất hay thể hiện một triết lý sâu sắc đó là mỗi người phải biết mình là ai. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng luôn ý thức rất rõ về bản thân mình: “Tôi biết mình là người viết văn, thích hợp với chuyện văn chương nên đi theo nghiệp văn”. Dẫu phải gặp nhiều khó khăn nhưng ông luôn nhủ lòng phải “tử vì đạo” cho nghiệp văn.

Trong thời buổi xã hội thực dụng như hiện nay, có mấy ai dám hết lòng “tử vì đạo” cho nghiệp văn như ông?

 

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (Năm 1966 đi B làm báo Văn nghệ Giải phóng, mang bút danh: Nguyễn Sáng)

Sinh ngày 12/01/1932 tại Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang. Ông là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1957. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã được tặng nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000.

Những tác phẩm chính của Nguyễn Quang Sáng gồm: Con chim vàng (truyện ngắn, NXB Kim Đồng, 1958); Người quê hương (truyện ngắn, NXB Văn hóa, 1958); Nhật ký người ở lại (tiểu thuyết, NXB Văn học, 1962); Đất lửa (tiểu thuyết, NXB Văn học,1963); Câu chuyện bên trận địa pháo (truyện vừa, NXB Văn học,1966); Chiếc lược ngà (truyện ngắn, NXB Giải phóng, 1968); Bông Cẩm thạch (truyện ngắn, NXB Giải phóng, 1969); Cái áo thằng hình rơm (truyện vừa, NXB Giải phóng 1973); Mùa gió chướng (tiểu thuyết, NXB Giải phóng, 1975); Người con đi xa (truyện ngắn, NXB Tác phẩm mới, 1977); Dòng sông thơ ấu (tiểu thuyết, NXB Kim Đồng, 1985); Bàn thờ tổ của một cô đào (truyện ngắn, NXBVăn nghệ Tp HCM, 1985); Tôi thích làm vua (truyện ngắn, NXBVăn nghệ TP. HCM, 1988); 25 truyện ngắn (NXB Văn hóa Thông tin, 1990); Paris tiếng hát Trịnh Công Sơn (NXB Tác phẩm mới, 1990); Con mèo Fujita (truyện ngắn, NXBVăn nghệ TP. HCM, 1991). Nguyễn Quang Sáng, tác phẩm Giải thưởng Hồ Chí Minh (NXB Văn học, tuyển, 2007); Nhà văn về làng (NXB Văn nghệ TP. HCM, 2008)…

Ông còn viết nhiều kịch bản phim nổi tiếng như: Mùa gió chướng (1977);  Cánh đồng hoang (1978); Pho tượng (1981); Cho đến bao giờ (1982); Mùa nước nổi (1986); Dòng sông hát (1988); Câu nói dối đầu tiên (1988); Thời thơ ấu (1995); Giữa dòng (1995); Như một huyền thoại (1995)… 

Tác giả: Sỹ Hoàng

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây