Có người bảo Nguyễn Duy dạo này… tịt rồi, bởi bộ ba trường ca Đánh thức tiềm lực, Nhìn từ xa Tổ quốc và Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ đã hút hết tinh lực của anh. Nhưng vẫn còn một Nguyễn Duy khác, ăm ắp nỗi niềm nhân tình thế thái, rong ruổi cùng đoàn làm phim Đi tìm dấu tích ba Vua để viết lời bình, cặm cụi dịch thơ thiền Lý - Trần, thơ Nguyễn Trãi sang lục bát và nhờ người dịch sang cả tiếng Anh, cặm cụi in rõ đẹp, rõ sang, để dành cho con cháu và để đem thơ của tổ tiên đi “gõ” nước người…
Thơ của anh luôn ngập tràn nỗi đau thế sự, với giọng của một nhà thơ tuẫn tiết. Điều gì khiến anh can đảm và nồng nàn như thế khi viết?
Tôi viết bằng trực cảm của người trong cuộc, bằng hồn dân, tình dân, lòng dân và lời dân, với tâm niệm Ta là dân - vậy thì ta tồn tại!... Ngày xưa các cụ có câu “người có cùng thì thơ mới hay”, từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến… không có người nào làm thơ hay lúc đề huề, tung tẩy. Phải sống chung tâm trạng với đám đông, với người đương thời mới làm thơ hay được. Quê tôi ở Thanh Hoá, tôi là thằng nông dân, vừa đi cày, vừa đi học, đói ơi là đói. Còn gì khổ hơn thằng lính trận, nhưng lúc nào cũng nghĩ đến những gì lớn hơn bản thân mình, luôn có tâm sự của người dân, vì bản thân mình là dân, bố mình, bà con họ hàng mình là dân, những người dân ở dưới đáy.
Đời thơ của anh “chữ tài liền với chữ tai một vần”, nhưng chuyện bài thơ Đánh thức tiềm lực được công bố rộng rãi là một bất ngờ lớn với chính anh?
Thời đó (1980), thơ như thế là “gai góc” quá. Khốn nỗi, cũng giống như có ghẻ phải gãi, có thơ không thể không đọc. Oái oăm thay lần đầu tiên tôi công bố bài thơ đó lại là đọc tặng cho ông Sáu Dân, tức Võ Văn Kiệt - uỷ viên bộ Chính trị, bí thư Thành uỷ TP.HCM lúc bấy giờ.
Không ngưng nghỉ, tôi kéo một lèo khoảng mười phút hết bài thơ. Ai nấy ngồi lặng. Ông Sáu cũng im lặng chốc lát, mới chậm rãi: “Nặng lắm. Nhưng chịu được”. Hình như ông vừa trải qua một cuộc tra tấn. Rồi ông tiếp: “Nếu kể về cái tiêu cực thì tôi kể một tuần lễ không hết. Còn kể về cái tích cực thì tôi kể một tháng cũng không hết. Nhưng vấn đề ở đây không phải là chống tiêu cực hay biểu dương tích cực. Vấn đề ở đây là con người, là văn hoá. Con người có thức dậy thì đất đai mới thức dậy được…”
Thì ra những câu thơ “khó chịu” thế kia không phải chờ đến mai sau mới có người lắng nghe và chia sẻ. Cuối năm 1986, sau Đại hội VI đổi mới của Đảng, bài thơ đã được đăng nguyên văn trên báo Tuổi Trẻ, rồi có mặt đàng hoàng trong tập thơ Mẹ và Em năm 1987 và nhiều tập thơ tuyển sau này.
Vì sao anh dành quá nhiều thời gian và bút lực cho việc dịch thơ của tổ tông? Là bậc thầy của thơ lục bát, khi dịch thơ thiền Lý - Trần và thơ Nguyễn Trãi, anh có khó khăn gì không khi chuyển nó qua thể lục bát mà vẫn giữ nguyên được cốt cách, hồn thơ?
... Lời nói thật thà có thể bị xử tội (Thơ Nguyễn Duy - Đánh thức tiềm lực - 1982) |
Cách đây chín năm tôi có dự định làm một tủ sách 12 cuốn, chắt lọc tinh hoa văn hoá Việt Nam. Mở đầu là thơ thiền Lý - Trần, sau đó là Lê, Nguyễn… rồi đến thơ thiền hiện đại thế kỷ 20. Sau đó là các tác giả Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương… Và bộ ba sách ảnh về đình làng, chùa cổ, nhà thờ công giáo… được chọn lựa lại và viết theo cảm xúc của một nhà văn. Tôi muốn làm dạng sách tam ngữ, tứ ngữ, để có thể truyền bá văn hoá Việt ra bên ngoài. Mới tập sách mở đầu thôi đã mất năm năm rồi, thôi cái gì thích thì làm, không theo định mức, chỉ tiêu gì nữa…
Tôi chọn lục bát vì đó là cái giọng của mình, một thể thơ rất cũ, nhưng cũng nhiều cái khó. Khó nhất là làm sao lách khỏi sự vây bọc chật cứng của phiên âm Hán - Việt mà vẫn giữ được ý nghĩa và hồn thơ Hán ngữ trong xác chữ của thể thơ lục bát thuần Việt. Nhưng chính vì cái khó đó mà tôi quyết làm, như là thử vượt qua một thách thức, thích thì làm thôi. Và, tốn sức lắm. Phải làm đi làm lại nhiều lần, một bài thơ, một câu thơ, hoặc một từ nào đó. Thêm vào đó, còn có sự gợi ý, góp ý của nhiều người. Tập Thơ thiền Lý - Trần chọn lọc 30 bài thơ chữ Hán, tôi cùng nhà thơ Nguyễn Bá Chung chia nhau chuyển thể lục bát, từ năm 2000 đến 2005. Riêng 30 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, tôi “đánh vật” mất đứt ba năm trời. Cũng thấy là tạm được, chứ chưa thể và không thể gọi là “được” như mình muốn. Thời gian ngày một hối thúc, vì đình làng, chùa cổ không còn cổ nữa rồi. Lên Yên Tử cũng chẳng còn là Yên Tử, đau lòng lắm.
Làm lịch, làm quán đều khá thành công, dường như anh cũng có máu kinh doanh? Người ta bảo làm doanh nhân thì phải liều, phải không sợ nợ, anh thấy có đúng không?
Tôi có muốn làm doanh nhân, theo lời người xưa “phi thương bất phú”, thì cũng không làm được. Làm quán, rồi làm lịch, với tôi vẫn là tự bán sức lao động của chính mình thôi, lấy công làm lời kiếm sống. Và khi đã đủ sống rồi thì chơi, không làm nữa. “Phải sống được qua cái thời nghiệt ngã/ để khối vàng đây chỉ đổi lấy mây trời” (Bán vàng - 1980).
Anh có từng rơi vào khủng hoảng? Làm thế nào để thoát ra?
Khủng hoảng quá đi chứ. Chung có. Riêng có. Nhiều nhất là trong suy tưởng. “Khủng hoảng thiếu thần linh / khủng hoảng thừa yêu quái” (Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ - 1990). Tôi rất tâm đắc câu nói của cố hoạ sĩ Nguyễn Sáng trong một cuộc kiểm điểm văn nghệ sĩ (do nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể lại): “Tôi không bi quan, tôi cũng không lạc quan, mà tôi hoang mang”. Nhiều khi tôi buồn, thậm chí rất buồn, nói theo cách Nam bộ là “buồn thúi ruột”. Có nỗi buồn tôi tìm cách tẩy rửa đi. Có nỗi buồn tôi tìm cách lưu giữ. Cái buồn đôi khi đồng nghĩa với cái đẹp. Tôi cố gắng để không tuyệt vọng, ít nhất là ở trong thơ.
Làm thế nào để không giết chết con người trực cảm trong anh, khi cuộc đời quá nhiều đổ vỡ? Những đổ vỡ bên trong nào để lại cho anh vết thương không lành được?
Phải sống sao cho tự nhiên, cân bằng, thuận với thiên nhiên và luật làm người. Nhưng làm thế nào để sống được như vậy thì chính tôi cũng đang cần được hướng dẫn.
Còn về sự đổ vỡ ấy à? Quả là có quá nhiều đổ vỡ. Những đổ vỡ đương đại đang “toác toàng toang” trong tôi. Cái vỡ lớn nhất là vỡ mộng, đâu có ứng riêng với một thời nào, Nguyễn Trãi đã nói từ ngày xửa ngày xưa rồi, trong bài thơ Ngẫu thành: “Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư / giác lai vạn sự tổng thành hư…”. Tôi tạm dịch: “Đời như một giấc mơ hoang / tỉnh ra mọi sự chỉ toàn ảo thôi…”. Mà thôi…
Phải chăng vì thế mà anh… tu giữa chợ đời? Anh quan niệm thế nào về thiền?
Phải đi qua tất cả hỗn loạn mới tới được thiền. Để đạt tới sự thanh thản, phải trải qua tất cả mọi nỗi đau đớn. Một người vô cảm, không đau nỗi đau nhân tình, thì làm sao thiền được. Cuộc đời cũng chỉ là một cái chợ, đầy chụp giật, tranh chấp, giằng xé, và mọi người đều phải vật lộn với nó, nhưng khi trong tâm mình có thiền, thì có thể vực được đạo.
Không làm thơ, không bay nhảy, không rượu, đời anh sẽ ra sao?
Con sâu rượu như tôi mà phải kiêng rượu thì khổ lắm, nhưng bệnh tiểu đường không kiêng không được. Nhiều khi buồn quá cũng muốn đi, nhưng lại thương bà vợ già rồi, mà con thì đi xa hết. Ngày xưa mình đi biền biệt cả mấy tháng ròng có sao đâu, giờ nghĩ đi xa chỉ có bà ấy ở nhà với con chó già ngong ngóng chờ, ốm đau chẳng ai chăm, xót lắm.
Anh biết thương vợ từ khi nào vậy? Hai người đàn bà để lại cho anh nhiều day dứt nhất phải chăng là mẹ và vợ anh?
Hồi xưa cũng biết thương, nhưng bây giờ mới là hành động (cười hóm hỉnh). Những bài thơ rưng rưng nhất của tôi là những bài tôi viết về làng quê và người thân của mình, về bà, về cha, mà nhất là về mẹ, về vợ, với tất cả nỗi niềm thương yêu và day dứt. Có hẳn một tập thơ để riêng kính tặng vợ
(Vợ ơi - 1995), chủ yếu là thơ viết vào các dịp tết ta. Tôi luôn thấy tôi là người có lỗi. Trả nợ vợ không biết trả bao giờ cho hết.
Nhà biên kịch Nguyễn Hồ: “Tình yêu cuộc sống và tình yêu trong thơ của Nguyễn Duy là một thứ lập ngôn chỉ Nguyễn Duy có được. Trung thành với những gì mình đã lập ngôn, chất nhân văn của một con người xông xáo trên trận địa văn chương luôn hoà quyện làm một với tình yêu cuộc sống”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: “Nhìn ông Duy chẳng có tí thơ nào cả: chân bè, mặt ngắn, người lùn; nhưng thơ của Duy thì lại… rất thơ”. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Hình hài Nguyễn Duy giống như đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đất hoang đó”. |
Anh còn đóng góp quan trọng cho sự thành công lớn của nghệ sĩ Ea Sola Thuỷ khi cộng tác viết lời bài hát trong hai vở múa đương đại Hạn hán và cơn mưa, Ngày xửa ngày xưa...
Đó là một câu chuyện đẹp. Hạn hán và cơn mưa dựng trên nền nhạc chèo ở Bắc bộ. Ngày xửa ngày xưa dựng trên nền nhạc tài tử ở Nam bộ. Cả hai tác phẩm này đã lưu diễn thành công qua hàng chục quốc gia, tại nhiều liên hoan nghệ thuật quốc tế, góp phần truyền bá tinh hoa văn hoá Việt Nam ra thế giới. Do cái duyên tình cờ mà tôi cộng tác thôi, chứ việc đó không nằm trong sự nghiệp của tôi.
Anh đã tìm được sự yên ắng cho riêng mình chưa?
Cũng có lúc bức xúc quá tôi định nhảy qua hoạt động xã hội, nhưng rồi nghĩ mình sẽ thất bại nên thôi. Trời sinh ra làm nghệ sĩ phải sống cho đến cùng cái đời nghệ sĩ. Nhà văn không thể là cái đuôi của nhà chính trị. Nếu anh biến thành cái đuôi của nhà chính trị, sẽ tự đánh mất mình, và đánh mất luôn cả sự tự do sáng tác. Tôi vẫn có cảm giác mình đang động quá. Cần phải tĩnh lại.
Từng trải qua những lần giáp mặt với cái chết trong cuộc chiến khốc liệt mà không hề sợ hãi, nhưng ở tuổi này, khi đối diện với những bất trắc, những căn bệnh hiểm nghèo, anh có sợ hãi không?
Bây giờ, tôi vẫn không sợ chết mà chỉ sợ ngoắc ngoải. Sợ sống thực vật. Và sợ làm khổ vợ con. Tôi còn nợ mình vài ba cuốn sách viết về chính sự trải nghiệm của mình. Vì thế, chỉ còn mỗi một cách để vượt qua những sợ hãi kia là chúi mũi vào mà viết. “Ta chúi mũi hà hơi lên trang bản thảo / hô hấp nhân tạo những con chữ khó thở”.
Nguồn tin: Sài Gòn tiếp thị
Ý kiến bạn đọc