Hà Tiên, mảnh đất đầu ngọn gió

Thứ sáu - 05/11/2010 08:38 1.958 0

Bức tranh quê hương. Ảnh: Nguyễn Vy.

Bức tranh quê hương. Ảnh: Nguyễn Vy.
Nếu có dịp hành hương về vía Bà, tham quan vùng Bảy Núi, đi chợ biên giới ở Châu Đốc, An Giang, bạn hãy thử một lần theo kênh Vĩnh Tế xuôi về Hà Tiên, mảnh đất “đầu ngọn gió” để hiểu và yêu thêm vùng đất cực nam của tổ quốc. Bạn Nguyễn Vy viết.

Chúng tôi xuôi dòng Vĩnh Tế trùng thời điểm vụ gặt lúa hè thu cuối tháng 7. Dọc dòng kênh Vĩnh Tế hiện lên một bức tranh đồng quê đầy màu sắc với những chiếc ghe thuyền tấp nập chở đầy lúa ngược xuôi và những cánh đồng lúa vàng trải dài tới tận biên giới. Trong đoàn có ai đó “tức cảnh sinh tình” ngâm câu ca dao:

"Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên
Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu".

Mải ngắm kênh Vĩnh Tế, đoạn đường từ Châu Đốc đến Hà Tiên như ngắn hơn. Nhà thơ Đông Hồ đã dành cho quê hương Hà Tiên những lời văn thật bóng bẩy:

“Có một ít hang sâu động hiểm của Lạng Sơn. Có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long, có một ít núi vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất sơn môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Một ít chùa chiền của Bắc Ninh, lăng tẩm của Thuận Hoá. Có một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, có một ít Nha Trang, Long Hải. Ở đây không có một cảnh nào to lớn đầy đủ; ở đây chỉ nhỏ nhắn xinh xinh mà cảnh nào cũng có.Phân tích được điều đó rồi mới biết vì sao, ai đến thăm Hà Tiên, thoạt nhìn, không thấy có cảnh nào đặc sắc, mà sao lòng cứ như lưu luyến dễ say lòng”.

Điểm đến đầu tiên của chuyến hành hương về miền đất Hà Tiên là chùa Sắc Tứ Tam Bảo. Đây là ngôi chùa do Khai trấn Cửu Lộc Hầu Mạc Cửu cho xây dựng để mẹ ngài tu hành. Chùa Tam Bảo từng được ca ngợi qua bài vịnh Tiêu tự thần chung của Mạc Thiên Tích. Ngày nay, chùa tuy không còn giữ được lối kiến trúc ban đầu, nhưng vẫn mang dáng vẻ thanh u, tĩnh mịch của chốn tu hành.

Đã đến Hà Tiên không thể nào không ghé thăm từ đường của dòng họ Mạc. Nằm trên đường Mạc Cửu dưới chân núi Bình San, khu di tích lăng Mạc Cửu thờ dòng họ Mạc mà khởi đầu là Mạc Cửu, người đã có công khai phá mảnh đất Hà Tiên hơn 300 năm trước. Con đường dẫn vào khu di tích có hai hồ chứa nước ngọt có cách đây trên 200 năm. Xưa, hồ là nguồn nước dự trữ cho sinh hoạt của người dân Hà Tiên trong mùa khô hạn, nay hồ trồng đầy sen. Bên trong cổng là một khoảng sân rộng, tạo cho không gian lăng mộ lúc nào cũng yên tĩnh và trầm mặc. Từ đây, phóng tầm mắt ra xa là mặt hồ đầy sen. Khung cảnh thật yên bình, tĩnh lặng. Đối diện cổng là đền thờ Mạc Cửu, cột vuông, có hoành phi và liễn đối...

Hòn Phụ Tử. Ảnh: Nguyễn Vy.

Hà Tiên còn có Thạch Động (còn gọi là Vân Sơn). Chẳng biết tự bao giờ mà người dân Hà Tiên tự hào: Thạch Động chính là nơi khởi nguồn của câu chuyện cổ tích Thạch Sanh chém chằn trong ký ức tuổi thơ. Bước lên những bậc đá rêu phong đã nhuốm màu thời gian vào trong động, du khách gặp một ngôi chùa nằm trong lòng núi, bên trong có nhiều tượng Phật lớn nhỏ. Trong hang, lồng lộng gió mát lạnh. Thạch Động còn có những thạch nhũ hình thù lạ mắt như con chằn, một phụ nữ tóc dài mà dân gian quen gọi là Phật Bà Quan Âm... Ra phía sau động, du khách sẽ choáng ngợp với cảnh vách đá cheo leo và toàn cảnh thôn Vân, xa xa là mũi Nai. Từ đây, đi bộ thêm vài bước chân là tới cửa khẩu Xà Xía, bên kia là đất nước Chùa Tháp.

 

 

Dọc theo biển, xuôi về hướng nam, du khách sẽ đến một cụm thắng cảnh nổi tiếng của Hà Tiên là Hòn Chông. Điểm nhấn ở Hòn Chông là hòn Phụ Tử ngày đêm sóng vỗ với những huyền thoại thắm đượm tính nhân văn của người dân Việt: hai cha con đã tiêu diệt thủy quái; người cha cứ mỗi chiều dẫn đứa con bé bỏng ra trước biển ngóng về miền quê xa với nỗi nhớ khôn nguôi... Ngày này, do sự khắc nghiệt của tạo hóa, hòn “cha” đã biến mất trong làn nước biển, chỉ còn lại hòn “con”. Người dân lại có dịp tưởng tượng thêu dệt nên huyền thoại về người con chờ cha đi biển mãi không về nên hóa đá...

Theo truyền thuyết, Hà Tiên đã là nơi hội tụ của các nàng tiên. Thực tế, Hà Tiên còn là vùng du lịch sinh thái biển "đệ nhất miền Tây" vì nó đã hội đủ 3 điều kiện: sinh thái tự nhiên, nền kinh tế đặc thù và tính nhân văn đa dạng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sự, Hà Tiên vẫn nằm đó, lặng lẽ và trầm kính.

“Dù cho đi khắp trăm miền
Vẫn thương vẫn nhớ Hà Tiên ruột rà”.

Nếu có thời gian, hãy dành một buổi chiều, ở biển Hòn Chông, ngồi trên những tảng đá với hình thù kỳ dị, ngâm chân mình trong sóng biển. Nhìn những đợt sóng biển, cuốn vào chân rồi tan ra bất tận, ta thấy lòng mình bình yên lạ...

Tác giả: Nguyễn Vy

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây