Chùa Bửu Lâm

Thứ năm - 28/10/2010 10:24 2.213 0

Chùa Bửu Lâm

Nhắc đến chùa chiền ở Mỹ Tho không ai không biết đến chùa Vĩnh Tràng - một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên, ở đây còn có một ngôi chùa, nếu xét về mặt lịch sử, cũng được xếp vào hàng chùa cổ của Tiền Giang, đó là chùa Bửu Lâm. Từ ngã ba Trung Lương đi vào thành phố Mỹ Tho, đi thẳng trên đường Ấp Bắc khoảng 4km, qua cầu Nguyễn Trãi 30m ta sẽ bắt gặp ngôi chùa mang tên Bửu Lâm (hay Bửu Lâm Cổ Tự).
Chùa Bửu Lâm tọa lạc tại số 162B, khu phố 7, đường Anh Giác, phường 3, thành phố Mỹ Tho. Xung quanh chùa là những hàng dừa xanh ngát cùng những vườn cây ăn trái bốn mùa trĩu quả. Phía trước cổng, những cây dầu cao lớn vươn mình thẳng tắp với những tán lá rộng làm mát chốn tôn nghiêm. Nhưng có lẽ nổi bật nhất ở sân trước với các loại hoa kiểng đua nhau khoe sắc mà nhiều nhất là sứ Thái Lan. Theo các vị sư sãi kể lại: Vào những năm cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, Chúa Nguyễn di dân từ các tỉnh miền Trung vào miền Nam khai khẩn đất hoang để lập làng định cư, sinh sống. Trong đoàn người ấy có một vị ni cô (không rõ tên) am hiểu về cây thuốc nam đã đến xóm Dầu (nơi ngày xưa nhân dân sống bằng nghề ép dầu mù u) lập am nhỏ để tu niệm và trồng cây thuốc chữa bệnh cho nhân dân quanh vùng. Sau khi ni cô qua đời, không người kế vị, những cây thuốc quí không người chăm sóc, ngày một sinh sôi, nảy nở. Đến năm 1802, bà Phạm Thị Đạt - một phật tử giàu có và mộ đạo nhất trong vùng - đã rước Hòa thượng Tiên Hiện Từ Lâm về trụ trì. Bà bỏ tiền của ra xây dựng lại ngôi chùa bằng các loại gỗ quí, có qui mô lớn và tồn tại đến ngày nay. Để tưởng nhớ đến công đức của vị ni cô sáng lập ra chùa đầu tiên và thấy nhiều cây thuốc quí mọc quanh chùa, Hòa thượng Tiên Hiện đặt tên chùa là "Bửu Lâm" với ngụ ý "báu vật nhiều như cây trong rừng". Trải qua 10 đời truyền thừa hơn 200 năm tồn tại, nhiều lần trùng tu nhưng chùa Bửu Lâm vẫn còn giữ được nét kiến trúc ban đầu mới xây dựng.

Chùa Bửu Lâm thờ Phật theo phật giáo Đại thừa thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông ở Nam bộ. Chùa được xây dựng gồm 3 phần: tiền đường, chánh điện và hậu tổ, tất cả nằm trên nền cao 1m, có diện tích 987m2. Mái lợp ngói hình vảy cá gồm 2 lớp mái cách khoảng. Mặt dựng được trang trí hoa văn rất đẹp. Trên bệ thờ của ngôi chánh điện, tượng Phật ngồi cao lớn, gương mặt nhân hậu như đang nhìn xuống phật tử bên dưới, chung quanh có hàng chục tượng lớn nhỏ làm bằng nhiều loại vật liệu với dáng vẻ khác nhau. Gian chánh điện được trang trí 9 bộ bao lam với những họa tiết và đường nét tinh xảo. Bộ bao lam trước bàn thờ chánh điện chạm lộng công phu với bộ "Cửu Long phún thủy" và đôi long trụ "Cá hóa rồng" sơn son thếp vàng óng ánh. Các bộ bao lam còn lại được chạm khắc mai điểu, song phụng chầu cuốn thư, mẫu đơn, chim trĩ và các họa tiết tứ linh, tứ quí, sen,…. Bên cạnh đó, nghệ thuật chạm khắc gỗ còn được thể hiện trên 12 tấm hoành phi nền là một tấm gỗ dày 20cm, trên chạm 2 đến 3 lớp với hoa văn được thể hiện công phu, sinh động, xung quanh chạm tứ linh, lưỡng long tranh châu… Đó là những tác phẩm khắc chữ nổi rất độc đáo, thực hiện bởi các đôi tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân chạm trổ cách đây trên 100 năm.

Cũng như bao chùa khác, Bửu Lâm cổ tự được trang trí những câu đối trên cột hoặc trên khánh thờ, ở các bàn thờ, các tấm liễn hoặc đôi long trụ. Nội dung câu đối toát lên triết lý nhà Phật và ca ngợi công đức của các vị hòa thượng. Tất cả sơn son thếp vàng óng ánh hoặc khảm ốc xà cừ làm cho uy nghiêm, rực rỡ nơi thờ phụng. Ngoài ra, chùa còn những tượng Phật cổ có niên đại thế kỷ XVIII - XIX cùng hàng trăm di vật quí hiếm khác.

Chùa Bửu Lâm là một di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc loại hình kiến trúc tôn giáo. Giá trị nghệ thuật của các tượng, nét đẹp kiến trúc của chùa cùng với các triết lý, tín ngưỡng được con người gởi gắm, thờ phụng khiến cho chùa Bửu Lâm như một bảo tàng văn hóa, làm kích thích óc tò mò, trí tưởng tượng của khách phương xa khi có dịp đến thăm Tiền Giang.

Tác giả: Lê Quang Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây