Tối 29/12, tại Nhà hát lớn Hà Nội diễn ra Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (30/12/1957 - 30/12/2012). Các nhạc sĩ có dịp gặp gỡ, ôn lại chặng đường cha ông xây dựng nền âm nhạc cách mạng và sự củng cố, xây dựng, nối tiếp mạch nguồn của các lớp đi sau.
Hội nhạc sĩ Việt Nam ra đời từ năm 1957, tiền thân là Ðoàn Nhạc sĩ Việt Nam. Kể từ khi thành lập, Hội trở thành nơi quy tụ các thế hệ nhạc sĩ để cống hiến cho âm nhạc những tác phẩm có giá trị, góp phần bồi dưỡng tâm hồn con người Việt Nam và cốt cách dân tộc thời đại Hồ Chí Minh. 55 năm qua, các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã và đang kế thừa truyền thống dân tộc, phát huy trí tuệ tài năng để viết nên những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Trong đó, nhiều ca khúc đã sống mãi trong lòng người, trở thành những bài ca đi cùng năm tháng.
Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân. Ảnh: Đình Toán |
Ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - đánh giá, qua hai cuộc kháng chiến, âm nhạc đã thành vũ khí sắc bén cổ vũ đồng chí, đồng bào. Nhạc sĩ là chiến sĩ, làm khơi dậy phong trào "tiếng hát át tiếng bom", "hát cho đồng bào tôi nghe", góp phần thiết thực trong công cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. Các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã đồng hành cùng đất nước trong chiến tranh bằng những xúc cảm tinh tế của âm nhạc. Nhiều tác phẩm đã trở thành những dấu son vĩ đại như "Tiến về Hà Nội" của Văn Cao, "Giải phóng Điện Biên" của Đỗ Nhuận, "Như có Bác trong ngày đại thắng" của nhạc sĩ Phạm Tuyên... Nhiều ca khúc không còn là của nhạc sĩ nói riêng mà trở thành tài sản của quốc gia, dân tộc.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, cho biết lễ kỷ niệm 55 năm là lúc để nhìn lại những thành quả của Hội nhạc sĩ Việt Nam và phát huy sự đoàn kết, chủ động, sáng tạo, viết tiếp bản hòa ca đồng hành cùng dân tộc.
Các nhạc sĩ, chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam các thời kỳ. Ảnh: Đình Toán. |
Tại Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Hội nhạc sĩ Việt Nam, chương trình âm nhạc mang tên "Âm nhạc Việt Nam đồng hành cùng dân tộc" đã tái hiện cả chặng đường âm nhạc cách mạng. Mở màn là liên khúc hợp xướng “Từ thuở hồng binh” gồm các tác phẩm: "Cùng nhau đi hồng binh" của nhạc sĩ Đinh Nhu, "Lên đàng" của Lưu Hữu Phước, "Tiến về Hà Nội" của Văn Cao, "Giải phóng Điện Biên" của Đỗ Nhuận, "Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi" của Huy Du. Những ca sĩ kỳ cựu của làng nhạc cách mạng như ca sĩ Lan Anh, NSND Quang Thọ, ca sĩ Việt Hoàn, Anh Thơ, Mỹ Linh tới những thế hệ trẻ đang kế tục như Thái Thùy Linh, Tạ Quang Thắng nối tiếp trên sân khấu, làm sống lại cả một hành trình âm nhạc vẻ vang, hào hùng.
Tác giả: Song Ngư
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc