Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần 8: Nhà văn Việt Nam “thương lượng với thời gian”

Thứ hai - 02/08/2010 13:14 3.428 0

Trang web của Hội Nhà văn Việt Nam

Trang web của Hội Nhà văn Việt Nam
Chưa đến ngày đại hội chính thức (diễn ra trong ba ngày từ 4 đến 6-8-2010), nhưng từ 1-8 các nhà văn ở nước ngoài và ở xa (TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long) bắt đầu có mặt tại Hà Nội.

Không khí cũng bắt đầu nóng lên với các tham luận gửi về đại hội, được đăng tải trên một số diễn đàn và website cá nhân của các nhà văn.

"Vì sự hưng thịnh đất nước, vì phẩm giá của con người" là tên gọi của báo cáo tổng kết của ban chấp hành Hội Nhà văn và cũng là tiêu chí của kỳ đại hội sẽ diễn ra tại hội trường Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ðây là lần đầu tiên Hội Nhà văn VN tiến hành đại hội toàn thể với tất cả 922 hội viên. Do đặc thù dấu ấn cá nhân trên từng sản phẩm sáng tạo là rất rõ, khác với các hội khác (ví dụ sân khấu và điện ảnh, mỗi tác phẩm đòi hỏi rất nhiều người), vì vậy Hội Nhà văn là hội văn học nghệ thuật duy nhất được tổ chức đại hội toàn thể - chủ tịch hội - nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết.

 

Đánh giá nhiệm kỳ vừa qua, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng ban chấp hành hội đã làm được nhiều việc nhằm đẩy mạnh sáng tác, lý luận, phê bình; đã đầu tư chiều sâu cho nhiều tác giả, tác phẩm; đã góp phần để việc liên kết, xã hội hóa văn học ngày một có hiệu quả... Đặc biệt, ban chấp hành hội đã tham gia xét giải thưởng quốc gia, kết quả có một nhà văn được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 49 nhà văn được tặng Giải thưởng Nhà nước. Trong khoảng thời gian từ 2005-2010, đã có 2.000 tác phẩm văn học được ấn hành.

Tính đến chiều 2-8, có 95 tham luận của các nhà văn gửi tới tham gia các diễn đàn trong khuôn khổ đại hội. Nhiều nhà văn, trong các tham luận và trong trả lời phỏng vấn các phương tiện thông tin đại chúng, đã thẳng thắn phát biểu quan điểm của mình: hội nhà văn mới chỉ làm tốt vai trò chăm sóc đời sống vật chất cho hội viên - như một hội ái hữu, chứ chưa tròn vai trò hội nghề nghiệp (Nguyễn Thị Minh Thái).

Trong tham luận chính thức gửi đại hội, nhà văn Tô Nhuận Vỹ - nguyên tổng thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên - cũng đặt vấn đề: "Khi đất nước mạnh mẽ đổi mới, người người nói chống bao cấp, ngành ngành nói chống bao cấp. Và tới giờ chuyện chống bao cấp, chống "xin - cho" dù còn nhiều nơi xộc xệch nhưng cả nước đã tiến một bước dài. Riêng văn học nghệ thuật, riêng Hội Nhà văn là "ngoại lệ"?

Khoảng mươi năm trước, ngoài Hội T.Ư, chỉ có vài chi hội (hội) các nơi. Nay thì đã có mười mấy chi hội và hội nhỏ, ở "vùng sâu vùng xa" cũng có. Ðã là tổ chức thì phải có đại hội, tổng kết, chương trình hoạt động, nhiều hội lẻ hội nhỏ có cả khuôn dấu, tài khoản lại nhất bộ nhất bái ngửa tay xin tiền Nhà nước, xin tiền đóng thuế của dân.

Dĩ nhiên, thành lập hàng trăm hàng ngàn hội lẻ đó đều có lý chính đáng. Nhưng cộng tất cả những cái lý nhỏ đó thì không ra một cái có lý to mà thành một cái đại vô lý là cả hệ thống nhà văn, cả hệ thống văn học nghệ thuật đang theo đường hướng bao cấp triệt để hơn xưa nhiều".

Ý kiến của các nhà văn cũng đề nghị đặt ra vấn đề tại diễn đàn đại hội: Tại sao văn học VN vẫn chưa có tác phẩm lớn, xứng tầm thời đại? Chỗ đứng của nhà văn ở đâu trong một xã hội đang có quá nhiều sự xáo trộn về thang giá trị như hiện nay?

Một vấn đề nóng bỏng cấp thiết nữa mà nhiều hội viên đặt ra là Hội Nhà văn VN tuy đông, 922 người, nhưng có đến 70% trong số đó độ tuổi trên 60, không còn sức khỏe, độ nhanh nhạy trước những diễn biến mới của đời sống, cũng có nghĩa độ tuổi đẹp nhất cho sự sáng tạo đã trôi qua. Tuy sáng tạo là không có tuổi, nhưng thực tế vấn đề của họ đang là "thương lượng với thời gian" - như tên một tập thơ nổi tiếng của ông chủ tịch hội, hơn là tập trung cho sáng tác.

Trong khi đó khá đông nhà văn trẻ trên dưới 30 tuổi lại chỉ thích sinh hoạt với nhau trong một nhóm đồng chí hướng, không quan tâm đến hoạt động của hội và không muốn vào hội.

Thực tế đó cũng gây khó khăn cho việc Hội Nhà văn muốn có một ban chấp hành mới với tiêu chí: có uy tín trên văn đàn, trẻ, khỏe, nhiệt tình công tác hội. Ðến thời điểm hiện tại, danh sách đề cử và ứng cử ban chấp hành đã lên tới 325 người. Với lượng ứng cử viên quá lớn như vậy, thật khó chọn được15-17 người có số phiếu quá bán như dự định.

Tác giả: Việt Hoài

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây