Tác phẩm của Phong Điệp, Nguyễn Việt Hà ra mắt ở Pháp

Thứ bảy - 21/12/2013 01:57 4.596 0
"De-lete", cuốn sách vừa được xuất bản tại Pháp mang đến tác phẩm nổi bật của hai gương mặt văn chương đương đại Việt Nam - Phong Điệp và Nguyễn Việt Hà.

Cuốn sách được Emmanuel Poisson tuyển dịch sang tiếng Pháp, nằm trong tủ sách Văn học Việt Nam đương đại tại Paris. Emmanuel Poisson là giáo sư chuyên về sử học Việt Nam. Ông đã sống và làm việc 6 năm tại Viện Viễn Đông Bác cổ Hà Nội và là tác giả cuốn Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam - bộ máy hành chính trước thử thách (1820 - 1918) xuất bản năm 2006. 

body1-8864-1386563279.jpg

Bìa cuốn De-lete - sách tập hợp các tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Việt Hà và Phong Điệp.

Bằng những am hiểu về lịch sử và văn chương Việt Nam, Emmanuel Poisson tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu của hai gương mặt viết truyện ngắn và tạp văn đương đại Việt Nam để đưa vào De-lete. Cuốn sách gồm 8 tạp văn của Nguyễn Việt Hà (Người ở Hà Nội, Chọn chồng, Bia của một thời, Bạn vong niên, Đàn ông ăn sáng, Thiếu phụ hồi xuân, Ăn chay, Khi đàn ông không đọc) và 9 truyện ngắn của Phong Điệp (De-lete, Ngôi nhà hoang vắng, Ma mèo, Kẻ dự phần, Bức chân dung duy nhất, Bạn cũ, Từ độ cao tầng 18, Dốc gió, Tiếng ru). 

Giải thích cho việc chọn tác phẩm của hai tác giả có nhiều khác biệt: một nam, một nữ; một sinh ra trong chiến tranh, một sinh ra sau chiến tranh; một nổi danh trong lĩnh vực tạp văn còn một thành công với truyện ngắn, Emmanuel nói: “Tôi chọn hai tác giả này chính vì sự khác nhau của họ. Cả hai cùng phác họa cuộc sống ngày hôm nay trong xã hội Việt Nam nhiều chuyển động, nhưng Nguyễn Việt Hà thiên về lối sống thời thượng thị thành (như mốt ăn chay của lớp trưởng giả, tình bạn của con giai phố cổ, thú ăn sáng của dân Hà thành xưa nay…), còn Phong Điệp thường hướng về những kẻ thấp kém, tật nguyền (những đứa trẻ đi xe đẩy trong Ma mèo, cô gái tự kỷ trong Tiếng ru, người đàn bà xấu xí trong Bức chân dung duy nhất…”.

Emmanuel cho biết thêm, ông chọn hai gương mặt Phong Điệp và Nguyễn Việt Hà còn bởi mục đích giới thiệu cho độc giả Pháp một nền văn học Việt Nam đa thanh, đa dạng. Vì thế, trong De-lete, độc giả gặp hai thể loại dường như đối lập nhau: tạp văn của Nguyễn Việt Hà nằm giữa văn học và báo chí, còn truyện ngắn của Phong Điệp thì thuần hư cấu. 

Các bài tạp văn của Nguyễn Việt Hà được chọn dịch đều hấp dẫn bởi giọng điệu hài hước, giễu nhại với những câu rông dài, xen vào đó là những kiến thức tân cổ đông tây sử dụng điêu luyện. Trong khi đó, các truyện ngắn của Phong Điệp lại khiến người đọc quay quắt bởi những nguyên liệu thô sống trong một tác phẩm hư cấu, với những câu ngắn, nhanh, dữ dội.

Nguyễn Việt Hà bằng cái nhìn chiêm nghiệm của người ngoài cuộc (dù anh cũng là một "con giai phố cổ"), còn Phong Điệp lại là "kẻ dự phần" cùng rung cảm, đau khổ với nhân vật (mặc dù đó là nhân vật hư cấu). Đọc Nguyễn Việt Hà thấy anh nhẩn nha bao nhiêu, thì lại thấy Phong Điệp trực diện, cụ thể bấy nhiêu. 

Cuốn sách De-lete nằm trong tủ sách Văn học Việt Nam đương đại của Nhà xuất bản Riveneuve, Pháp. Tiêu chí lựa chọn tác phẩm của tủ sách này là những sáng tác phải thể hiện những vấn đề của cuộc sống hôm nay qua lối viết chủ quan, sáng tạo. 

Người đưa ra ý tưởng và xây dựng tủ sách là tiến sĩ văn học Đoàn Cầm Thi. Tủ sách có mục tiêu giới thiệu văn học đương đại Việt Nam ra thế giới, cụ thể hơn là các tác phẩm phải hấp dẫn được giới chuyên môn và nghiên cứu Pháp. Qua một năm hoạt động, tủ sách đã xuất bản 5 đầu sách: T. mất tích (Thuận), Khmer Boléro (Đỗ Kh), Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà), Thang máy Sài Gòn (Thuận), De-lete. Năm 2014, tủ sách sẽ xuất bản thêm loạt tác phẩm của các tác giả đương đại Việt Nam như Thoạt kỳ thủy (Nguyễn Bình Phương), Song song (Vũ Đình Giang), Giữa dòng chảy lạc (Nguyễn Danh Lam), Blogger (Phong Điệp), Sài Gòn chủ nhật (Đỗ Kh), Paris 11 tháng 8 (Thuận).

Tác giả: Hiền Đỗ

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây