Lá cờ thêu sáu chữ vàng

Thứ ba - 21/02/2012 04:31 3.050 0

Lá cờ thêu sáu chữ vàng

Tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vừa được xuất bản song ngữ Việt - Trung.

Sinh năm 1912 mất năm 1960, Nguyễn Huy Tưởng thuộc số các tác giả lớn có vai trò quan trọng cho việc xây dựng nền văn học mới ở Việt Nam, trước và sau mốc lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945. Trước 1945 - đó là tác gia tiêu biểu về đề tài lịch sử, qua các tiểu thuyết Đêm hội Long Trì (1942), An Tư (1943) và kịch Vũ Như Tô (1943). Sau 1945 - đó là người viết tạo được sự gắn bó mật thiết giữa cảm hứng thời sự và cảm hứng lịch sử qua kịch Bắc Sơn (1946), Những người ở lại (1948)… đến tiểu thuyết Bốn năm sau (1959), Sống mãi với thủ đô (1961). Ở cuối đời viết, vào nửa sau thập niên năm mươi, Nguyễn Huy Tưởng còn để lại một chùm truyện thiếu nhi đặc sắc, trong đó có Lá cờ thêu sáu chữ vàng (1960).

Chiến công hiển hách trong cuộc chiến chống Nguyên Mông của vương triều Trần - thế kỷ XIII - đó là đề tài đã đến với Nguyễn Huy Tưởng từ rất sớm, khi ông mới bước vào nghiệp văn khoảng nửa đầu thập niên bốn mươi; rồi trở thành đề tài ông theo đuổi suốt đời. Là người đam mê đề tài lịch sử và trong tư chất một nhà văn hoá chuyên tâm, Nguyễn Huy Tưởng dành nhiều thời gian và tâm huyết cho lịch sử vương triều Trần. Khởi đầu là chuyện về An Tư, một liệt nữ trong tiểu thuyết cùng tên (An Tư, 1943); và khép lại là chuyện về Trần Quốc Toản, người anh hùng nhỏ tuổi trong truyện Lá cờ thêu sáu chữ vàng (1960). Một phụ nữ và một thiếu nhi - đó là hai chân dung được chọn đưa vào cận cảnh, trong bối cảnh một cuộc chiến chống ngoại xâm vào loại dữ dội và khó khăn bậc nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Phạm vi miêu tả của truyện là cuộc chiến diễn ra lần thứ hai (1285) thời Trần Nhân Tông, khi nhà Trần phải chịu thất thủ Thăng Long; Trần Quốc Tuấn lui quân về Thanh Hoá; quân Nguyên gồm hai cánh: Thoát Hoan và Toa Đô cùng áp đánh cả hai mặt Bắc và Nam. Đây cũng là thời gian diễn ra hai sự kiện lịch sử lớn là Hội nghị Bình Than (cuối năm 1282) và Hội nghị Diên Hồng (đầu năm 1285), thể hiện tập trung ý chí và trí tuệ của toàn dân trong một quyết tâm Sát Thát. Là thời gian hội đủ những gương mặt tiêu biểu, tượng trưng cho khí phách của vương triều như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng… chung quanh Trần Nhân Tông; với sự bổ sung gương mặt Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, người thiếu niên chưa đến tuổi để được dự bàn việc nước, đã tự chiêu binh mãi mã đi đánh giặc… Về phía địch - đó là một loạt nhân vật từ sứ thần Sài Thung, thái tử Thoát Hoan đến viên dũng tướng Toa Đô. Còn có thể kể thêm những nhân vật cũng có vị trí trong cuộc chiến như anh em Thế Lộc, tướng Tống Triệu Trung sang theo quân Trần cùng đánh giặc Nguyên Mông, với thấp thoáng một nhân vật đầu thú là Trần Ích Tắc cam tâm đi hàng giặc… Một truyện với quy mô nhỏ nhưng bao chứa một lượng nhân vật khá lớn - trên cả hai phía!

Cuộc chiến thứ hai là cuộc chiến dữ dội và khó khăn nhất của vương triều Trần; do vậy mà thế giới nhân vật - kể cả chính và phụ đều có nhiều đất đai cho diễn biến nội tâm và hành động.

Số lượng nhân vật thì đông đảo, nhưng vị trí trung tâm vẫn là Trần Quốc Toản, với cách miêu tả vừa mở rộng vừa tập trung. Mở rộng biên độ cho sự thể hiện nhân vật, qua các quan hệ với mẹ, với người lão bộc, với gia binh, với người anh em thiểu số Thế Lộc, với các bậc quan gia; và tập trung trong sự chiếu rọi tư chất một thiếu niên tận trung với vua, với nước, mang trong mình ý chí quyết đánh, quyết thắng được hun đúc trong khí quyển một vương triều được lòng dân.

Nguyễn Huy Tưởng đã đưa nhân vật trung tâm Trần Quốc Toản cùng với lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng: Phá cường địch báo hoàng ân vào hai địa bàn chiến trận – đó là cuộc chiến diễn ra ở miền núi, với sự sát cánh cùng anh em Thế Lộc ở trại Ma Lục; và cuộc chiến diễn ra trên sông cùng với đại quân nhà Trần do Trần Nhật Duật chỉ huy, với Toa Đô… Trên hai không gian mang đặc thù cảnh quan của đất nước Việt Nam, hiện lên chân dung oanh liệt của một nhân vật lịch sử nhỏ tuổi xứng đáng là sự nối dài của Thánh Gióng trong cuộc chiến chống giặc Ân nhiều nghìn năm trước. Mở đầu truyện là giấc mơ của Toản bắt sống được tên sứ ngông nghênh, ngạo mạn Sài Thung; và kết thúc truyện là cảnh Toản cùng đại quân đánh bại Toa Đô trên sông, rồi lại tiếp tục cuộc rượt đuổi trên bộ với giọng văn tưng bừng, hào sảng.

Viết về Trần Quốc Toản, cũng như về các nhân vật lịch sử khác thuộc các vương triều từ nhà Trần trở về trước, tư liệu lịch sử để lại rất ít ỏi. Ách đô hộ hà khắc mang tính hủy diệt văn hóa kéo dài suốt 20 năm của nhà Minh đã tạo nên những mất mát lớn, những khoảng trống lớn cho lịch sử nước ta. Ngoài chuyện Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản tức khí vì bị coi là trẻ con mà bóp nát quả cam, chuyện chàng ra trận với lá cờ đề sáu chữ, cùng hai câu thơ trong Đại Nam quốc sử diễn ca:

“Hoài Văn tuổi trẻ chí cao
Cờ đề sáu chữ quyết vào lập công”

thì chân dung Trần Quốc Toản được Nguyễn Huy Tưởng dựng lên, căn bản bằng sức tưởng tượng và sáng tạo trong một cốt truyện phong phú giàu các chi tiết đặc sắc. Tức là bằng hư cấu nghệ thuật. Nhưng sự hư cấu ở đây tuyệt không gợi cảm giác giả mà hướng đến tính chân thực nghệ thuật, tức là một sự thực có thể đã diễn ra như thế.

Lá cờ thêu sáu chữ vàng được Nguyễn Huy Tưởng viết sau một quá trình cầm bút hai mươi năm. Cũng như L. Tolstoy với những trang cho thiếu nhi thật huy hoàng và trong trẻo vào cuối đời, Nguyễn Huy Tưởng đến với thiếu nhi khi đã là một tác gia hàng đầu về đề tài lịch sử, một cây bút tiêu biểu về Thăng Long - Hà Nội. Từ vị thế đó, và từ những tri thức và trải nghiệm sống, cộng với kinh nghiệm viết già dặn, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, cùng với Tìm mẹ, An Dương Vương xây thành ốc, Kể chuyện Quang Trung… đã trở thành những tác phẩm kinh điển viết cho thiếu nhi trong kho tàng văn học Việt Nam hiện đại.

Nhận xét về văn phong của Nguyễn Huy Tưởng trong mảng văn học cho thiếu nhi, nhà văn Nguyên Ngọc viết: “Ông viết kỹ từng câu, chọn từng từ, nương nhẹ như với những cánh hoa”. Nhận xét này thật đúng với tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng, cuốn sách được Nguyễn Huy Tưởng viết đi sửa lại nhiều lần để đạt tới một văn phong cổ kính, trang nhã mà vẫn rất giản dị, tự nhiên. Giáo sư - dịch giả Trung Quốc Chúc Ngưỡng Tu đã chọn dịch Lá cờ thêu sáu chữ vàng sau khi dự Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam, được tổ chức tại Hà Nội vào đầu năm 2010. Trước hết phải nói đây là một sự lựa chọn rất đáng hoan nghênh. Nhưng tại sao ông lại quyết định dịch cuốn sách thiếu nhi này, của Nguyễn Huy Tưởng, mà không phải một tác phẩm nào khác trong nền văn học Việt Nam nói chung mà chắc chắn đã được không ít nhà xuất bản, tác giả, dịch giả Việt Nam giới thiệu tại hội nghị quan trọng ấy? Phải chăng là do trong truyện có nhân vật Triệu Trung, một viên tướng nhà Tống không chịu hàng phục nhà Nguyên Mông, đã sang nương nhờ Đại Việt và cùng quân Trần tham gia vào trận chiến Hàm Tử chống kẻ thù chung? Nhưng nếu tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng không có được những phẩm chất văn học nổi trội mà một cuốn truyện, nhất là truyện cho thiếu nhi đòi hỏi, thì vị tất đã lọt được vào mắt xanh người dịch, và – điều này còn quan trọng hơn, được bạn đọc quan tâm một khi được dịch ra?

Phong Lê
Hà Nội xuân Nhâm Thìn – 2012
Nguồn: eVan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây