Có một miền nhớ đòi lên tiếng

Thứ năm - 18/08/2011 21:52 3.891 0

Bìa tập thơ "Lặng im lên tiếng"

Bìa tập thơ "Lặng im lên tiếng"
"Lặng im lên tiếng" là tập thơ thứ 6 của nhà thơ sinh ra ở miền đất phù sa đầu nguồn sông Hậu, Lê Thanh My. Và tôi tự hỏi, có gì hàm chứa trong sự lặng im ở giọng thơ đa cảm, vân vi nhiều nỗi Lê Thanh My? Câu thúc nào để sự lặng im ấy, có vẻ như kìm nén lâu rồi, đã đến lúc đòi lên tiếng? Giải nén tiềm thức? Những ẩn khuất của nỗi niềm thân phận hay tiếng nói phản kháng của những ức chế?

Thật đặc biệt, Lặng im lên tiếng hiện lên điệp trùng nỗi nhớ. Dường như nỗi nhớ chính là động lực tình cảm đang đòi cất lên tiếng nói của nó, đòi bày tỏ điệu tâm hồn đa cảm, da diết, mong manh về những kỷ niệm, những mối giao cảm đất và người qua từng dấu chân, dòng chảy thời gian mà Lê Thanh My lưu giữ và kìm nén. Hơn cả sự lặng im, ấy là nỗi buồn, có một nỗi buồn thế sự, luôn vương víu tình người, lên tiếng. Dĩ nhiên rồi, kỷ niệm luôn như khói sương phảng phất của nỗi buồn.

Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt bài thơ Lê Thanh My nói về nỗi nhớ: Nỗi nhớ Trà Sư, Thêm một mùa thu trong nỗi nhớ, Nơi nhớ anh, Đỉnh nhớ, Trên cánh đồng nỗi nhớ, Nhớ…và hàng chục câu thơ về nhớ ở ít nhất hơn hai mươi bài thơ khác nhau, là một tổ hợp nhớ đa tầng, một điệp khúc của hình thái tình cảm đặc biệt của con người muốn được bộc bạch, như một giải nén tất yếu của tâm hồn lãng đãng phiêu du, nhưng trĩu nặng ưu tư; lại dùng dằng, bịn rịn với biết bao gặp gỡ, chia xa…trở đi trở lại ở nữ thi sĩ thượng nguồn sông Hậu này. Có thể nói, đây là tập thơ của Nỗi nhớ lên tiếng thì đúng hơn.

Hãy bắt đầu từ, “Người mang cho tôi hơi thở tình đầu”, ta thấy gì trong nỗi nhớ Lê Thanh My: “Từng sợi heo may đan chéo vào nhau/Nỗi nhớ luồn da thịt/Trên ngực áo mùa đông” (Trên ngực áo mùa đông). Heo may, vô hình, vốn là thi cảm buồn se sắt, nhưng hiện lên như sợi đan mùa đông lạnh lẽo, có thể nhìn được, chạm vào được. Còn nỗi nhớ, thì luồn vào da thịt, như mũi kim đan lách vào từng tế bào xúc giác, mà người thơ từng nếm trải, cả niềm hứng khởi lãng mạn, tất nhiên rồi, lẫn nỗi buồn chia xa của tình đầu. Nỗi nhớ ở đây như mũi kim cất giấu trong tâm thức, nhưng vẫn len lỏi bền bỉ trong nhiều trạng huống tình cảm Lê Thanh My, dệt lên một tấm thảm đẹp và buồn của thời gian và đời sống của chị.

Ở một bóng hình lẩn khuất, phiêu du khác, nỗi nhớ như sương khói, ảo hình, gợi một cách tài tình về một sự thiếu, sự khuyết của cái miền nhớ lạ lùng kia: “Nhớ người/rủ vạt áo sương/Tìm trong phô phất/bụi đường gió bay/Muộn chiều/nép bóng chờ ai/Nửa ta/và nửa hình hài dở dang/Khuyết trăng/mây cũng võ vàng/Hồn ta/phơi giữa gió ngàn/gầy mong” (Miền trăng khuyết). Một buổi sáng ở Sài gòn, một cái thời rong ruổi ngày xưa, một trận mưa bong bóng, một bờ cỏ rối, những đắm đuối mùa thu, một buổi chiều tà…nghe,“Mùa sẽ trôi đi/ Tình trôi đi/ Chỉ cảm xúc chiều nay ở lại/ Em cầm trong tay nỗi nhớ gì?”. Cái nỗi nhớ gì ấy cứ thế gọi nhau, dào lên như mùa màng tươi tốt của cánh đồng: “Nỗi nhớ cùng tôi dắt díu gọi nhau về/Tôi biết tìm đâu bóng người trên cỏ” (Trên cánh đồng nỗi nhớ). Cái bóng của tình yêu, cái bóng của tâm hồn lãng mạn, mà tưởng như nhìn vào một bờ cỏ, rặng cây, con đường, chiếc lá mùa thu trút xuống nào cũng hiện lên những hình bóng của “ngày xưa” ấy!

Dù viết ở tận vùng cực Bắc Mèo Vạc, Khau Vai, về Mưa giữa lòng Hà Nội, về Ánh mắt Trà Vinh của miền Tây, hay lãng đãng Bất chợt giữa ngàn mây…thì Lê Thanh My vẫn xoay quanh trục nhớ, trục anh-em, trục thời gian chợt hiện và quá vãng lẩn quất, đan xen, hoài vọng. Ở cái trục tần số nhớ và sợi dây liên cảm ấy, Lê Thanh My đã “leo” lên tận Đỉnh nhớ. Có ai hình dung ra cái đỉnh nhớ ấy không nhỉ? Nghĩa là, chị ở một vị trí tột cùng tri giác, cảm xúc để nhìn xuống Cánh đồng nỗi nhớ của cuộc đời mình. Như một cánh chim chao liệng trên đôi cánh của tình yêu, qua những vùng ký ức điệp trùng sương khói thực hư.

Âm hưởng của của cái miền sương khói bịn rịn và xa ngái ấy rất tập trung, thống nhất ở cả tập thơ. Nó là những tập hợp từ làm nên Nỗi nhớ và  là đường link sâu chuỗi cảm hứng sáng tạo của Lặng im lên tiếng, là bởi, dù: “Con đường này em đi/ Con đường này anh đi/ Ta không dẫm vào nhau/Mà những bước chân in đầy trong tiềm thức” (Cho một điều thật). Dường như tâm thức ấy chi phối mọi khoảnh khắc thời gian, ngay cả khi trái gió trở trời: “Biết làm gì khi trời chợt nắng chợt mưa/Lòng ta trót vương miền cỏ rối”. Cái miền cỏ rối Lê Thanh My quả đa phức, không rành mạch và khó gỡ của một hồn thơ đa mang, bận bịu nỗi người.

Ngay cả khi viết về dòng sông, mà sông cũng là mảng thơ khá tập trung của chị, những bài về sông này đặt tập trung ở đầu tập thơ, như ý tưởng bắt đầu mở ra dòng chảy cảm xúc, kỉ niệm, cũng là hình tượng gần gũi, thân quen của miệt quê, thì những dòng chảy miệt sông Hậu ấy cũng là cái cớ để chuyển tải tâm tình trong những mối quan tâm khác nhau, vốn rất “nặng nợ” của đời thơ Lê Thanh My: “Thiên hạ lây laát rằm/Em khuyết trăng tháng chạp/Đêm nằm gọi phù sa vấn đáp/Ơi mùa màng đi đâu?” (Dòng trôi). Hay: “Sông cứ rộng dài/Người thì xa mãi…/Ta có một đời để mong để ñôïi/Sông đến bao giờ thôi chảy sông ơi!” (Hỏi sông).

Thực ra, khi thốt lên cái niềm sông cứ rộng dài, mà người thì xa mãi, người thơ đã biết sông không bao giờ thôi chảy. Tiếng lòng thảng thốt “Sông đến bao giờ thôi chảy sông ơi” chỉ là muốn giãi bày, như một tiếng kêu than của nhớ mong da diết, của những vọng âm trầm mặc, gần đấy mà xa lắc cõi người, thời gian vô tình cứ biền biệt mang đi, về những chân trời góc biển xa xăm, bất định nào đó. Nó chính là niềm tâm sự và cảm khái của cõi thế, của sự còn sự mất mỗi đời người.

 Nỗi nhớ là phương thức tái tạo cảm hứng, về những gì đã đi qua. Lê Thanh My đã đào sâu nỗi nhớ của mình, trên những tầng bậc khác nhau của đời sống tình cảm, đến nỗi tôi phải thốt lên, nhớ gì mà nhớ lắm thế. Có lẽ, cũng vì cái niềm hoài vọng của dòng sông nhớ dạt dào, trầm lắng, nhiều dấu ấn cố hương ấy đã bám sâu vào tâm hồn chị, cùng âm hưởng tự sự trữ tình, với những cô liêu, đìu hiu, sương hồ, xa ngái…như từ tận thuở nào vẫn cứ gọi nhau về trong đời sống hiện đại, giữa những người làm thơ trẻ, đã rất khác bây giờ.

Nhưng có lẽ cũng vì thế mà thành điệu cảm và sự “nhập thế” của thơ Lê Thanh My? Đọc xong Lặng im lên tiếng, dù ở mảng thơ nào, tôi cứ nao nao cái dòng chảy ăm ắp niềm cảm thương, day dứt: “Dòng mãi trôi qua đôi bờ mắt đỏ/Một nửa đời em/Ngơ ngác/Và trông” (Dòng sông trước mặt). Còn ngơ ngác, còn niềm trôi đỏ mắt, còn những câu thơ đa cảm gọi nhau về, thì còn những con sóng tương tư, vẫn vỗ mãi một bờ sông Hậu.

Tác giả: Trần Quang Quý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây