Lại nhớ tóc dài

Thứ sáu - 07/12/2012 01:56 2.609 0
(Đọc Màu tự do của đất tập thơ Trần Quang Quý, NXB Hội Nhà văn, 2012)

Lại nhớ tóc dài là tên một bài thơ của tập "Màu tự do của đất", tôi đọc lại và ngẫm, câu thơ “Có sợi nào khoả vũng cô đơn?”. Hình ảnh một vũng cô đơn không ai thay thế khỏa lấp, kể cả một sợi tóc, cực nhỏ; nó hướng nội tâm, và sợ chính tâm trạng mình không hiểu nổi về sợi tóc dài của mình. 

Hiển nhiên, đó là góc nhìn của nhà thơ về mái tóc của người đàn bà, để nói về “năm tháng dẫu lùi xa, ta còn có một con đường tóc”. Con đường tóc chính là con đường ký ức đẹp của mỗi đời người, khắc họa những lời hứa nhưng rất có thể là lời hứa suông, bởi “có sợi tóc đã đóng băng lời hẹn”, như một niềm đắng đót còn treo phía trời xa. Hoặc khi cúi xuống khoảnh khắc gặp gỡ để cách chia, chỉ cách nhau một sợi tóc, mà xa xót: “Ta gặp tóc mà ta vắng tóc”. Tóc đấy mà xa lạ. Câu thơ này có sức lay tỏa cả bài. Nhưng cả tập thơ Màu tự do của đất, Trần Quang Quý hướng tới khát vọng lớn hơn thế, đó là sải cánh trong sáng tạo thi ca, bắt đầu tự mặt đất, nơi“đất xa ta từ tầng sâu ý thức/và gần ta ngay dưới bàn chân”.

Không một ai trên cõi nhân gian này đã đi mà chân không chạm đất. Thơ Trần Quang Quý vẳng lên cả “những dấu chân thăm thẳm vô hình”, rồi ngờ trong cõi thực và ảo của những “giọt người” kia“cũng có thể chỉ là vô nghĩa những giọt sương”. Từ đất, Trần Quang Quý nhìn ra nhiều tầng nhiều lớp đất, ý nghĩa, lịch sử, và dằng dặc những phận người. Đất là thế, còn đây cao nguyên đá Mã Pí Lèng, đã mọc ra những “con đường dài hơn mọi kiếp phận”. Và ở đó, đá núi lại là vương quốc phì nhiêu “đánh thức tự do búp tủa lên trời”. Những ngọn núi nhọn hoắt của cao nguyên đá đánh thức tư duy của ông, vượt khỏi cao nguyên, đó là tự do “chắt tiếng người rót giữa mơ xanh”.

Không khựng lại ở điệp khúc đá, đây là một Cao Bằng mê dụ người đọc hơn:“Tôi đi suốt buổi chiều không ra khỏi một đôi mắt lạ/cởi suốt buổi chiều vẫn eo lưng/Cao Bằng, cứ thế Cao Bằng…”. Trần Quang Quý không mượn men rượu, càng không mượn đàn Tính, câu thơ của ông chếnh choáng Then, “điệu Then dắt tôi qua cổng trời Trà Lĩnh”. Sau điệu Then Cao Bằng mới đích thực là một thứ men của tâm hồn cô lắng: “đất gieo ta/say những men người!”.

Bìa tập thơ "Màu tự do của đất"

Nhà thơ ca ngợi đất, đá rồi cũng vẫn quay về với Người thôi, cái thứ men người từng khuynh đảo bao số phận, nó dắt ta lên đỉnh vinh quang, nó cũng nhấn ta chìm xuống mép vực. Giống như một lữ khách, Trần Quang Quý đi nhiều, lúc thấy ông đang rỗng phổi ở cao nguyên đá, lại thấy ông tới đất Mũi, còn dám cao giọng: “Tôi nhốt biển Cà Mau trong ngực/nghe ướt đầm tái sinh”. Tái sinh tự do cả trong bùn biển, trong mênh mang rừng đước rừng tràm. Ai ghé qua đất Mũi cũng có thể cảm được cái tự do phiêu dạt cuối trời. Từ biển Cà Mau, hay một bình minh trên sông Hằng vạm vỡ của lục địa ấn, đã thấy ông “rửa tinh sương trong muôn vẻ mặt người/có thể nào khác trong thế giới còn nhiều nước mắt?”. Hỏi sông Hằng hay hỏi những ngôi nhà lúp xúp dưới sự khổ nghèo, để nhìn cõi thẳm tinh thần của sự tồn sinh: “Sữa của trời xanh/sữa đất đai huyền bí/rót nhân từ từng cuống họng châu thổ”.

Ở một góc nhìn khác về màu tự do, Trần Quang Quý viết không ở giọng điệu như từng thấy ở tập thơ “Siêu thị mặt”. Ông hướng đến nỗi người, giữa những gương mặt nhạt nhẽo, và nhìn trực diện cái sự tẻ nhạt, dẫn con người ta đến “bán lẻ một cái nhìn/mặc cả một ngày mai ảo ảnh”. Tôi chưa thấy ai mặc cả ảo ảnh, nhưng đã thấy nhiều người mua danh giả, bằng giả, chức phận giả…cũng tràn lan trên mặt đất của ta. Thơ ông không chỉ tốc ký, ghi nhận về sự sống nhạt của không ít mặt người, Trần Quang Quý còn “tốc ký” sự sống nhạt dẫn đến thảm họa cả ánh trăng, đến mức mê hoang: “Chúng toan bao vây đánh úp tâm hồn tôi, biến tôi thành đồng lõa”.

Nhà thơ thức tỉnh một nhân cách phải sống - Người hơn; sẽ không chỉ tiêu dao thời gian cho cách sống tẻ, tầm thường của bao người không biết làm gì cho qua thời gian của một viên chức quèn. Không hiếm người vẫn chưa thoát khỏi cái chuẩn mực của hành chính sự nghiệp, những gương mặt nhạt vẫn sống nhạt, xảo trá, và ẽo ợt hàng ngày đi qua chúng ta, gậm nhấm chúng ta, bao vây chúng ta. Trong tư duy hướng ngoại, khi nhìn biển, nhìn cao nguyên sông suối, Trần Quang Quý cũng vẫn mong manh tin rằng: “Em hiện ra, hiện ra cứu rỗi/đưa anh ra khỏi vẻ lấp lánh những ngôi sao quen lặp lại thiên hà”.

Bài “Một chấm nhân gian”, viết cho nhà thơ D.K.M, thơ ông ấm lại lòng người, bè bạn, với “ngọn lửa gầy u uẩn khói quê…”, và cảm “cánh hoa đang mở ra những vệt sáng mệt mỏi”. Làm sao nhà thơ biết được vệt sáng mệt mỏi? Vì những mất mát là có thật, bạn thơ vẫn còn để lại một chấm nhân gian, cái chấm nhân gian bị bỏ sót bên trời. ở Cổ Ngư một lát cắt, ông mô tả sự buồn, cũng thật lạ, “tôi đi rỗng ngày buồn/nhặt vết nhân gian/rắc trên đường thu se sẽ gió”. Và bàn chân vẫn bước đi mải miết phía ngày không định. Thơ ông dằn vặt khi Cổ Ngư đang mất dần dáng vẻ xưa, ký ức sẽ nấc lên thôi vì cổ kính rêu phong, phong vị văn hóa Cổ Ngư sẽ chỉ còn là hoài niệm. Đọc Trần Quang Quý, còn thấy tư duy của một nhà báo năng động, ngổn ngang chất liệu thời sự, thế sự; nhưng với thơ, ông phân thân rất rành rẽ. “Có những điều giản dị” đấy, cơ mà “được sống thật không dễ/nói thật dễ gì hơn?”. Từ bước ngựa phi trên thảo nguyên, từ những lúc ông đã từng ngã ngựa, mà nhìn ra “có con đường mở cả chân trời/có con đường chỉ quanh quẩn chân người”. Và ngộ, “nghe sự thật bong ra khỏi vai diễn/nghe cội rễ tự nhổ khỏi đất cằn những ngày nhạt”.

Tôi thích bài Chiếc đinh; “milimet” đi vào thơ không dễ dàng, tôi cho rằng đây là bài thơ công phu nhất, khó viết nhất của Trần Quang Quý. Ông như muốn tổng kết nỗi đau, và để dồn nén nỗi đau, đem thi ca hóa thân vào chiếc đinh treo tường. Người đóng đinh đau hơn chiếc đinh, hay chiếc đinh quằn quại đau hơn đòn thù nhân tình thế thái? “Có một nỗi đau còn lớn hơn nhiều nỗi đau mà chiếc đinh cắm xuống”. Dồn nén cảm xúc tới cạn kiệt để chuyển tải nỗi người phát hiện nỗi đau đinh.

Màu tự do của đất vẫn tiếp tục là bước tiến mới về cảm xúc, ý tưởng và giọng điệu. Cái “giọng” trong bài Giọng cũng đáng đọc lại lắm: “Có con đuờng ngọng cả bàn chân/có đôi mắt ngọng nhìn sự thật”, và có kẻ “ngọng huyên thuyên vào cả diễn đàn”. Cuối cùng, là giọng thơ hồ nghi, rất bất ngờ, trong cái giọng ngọng nghịu đang phô diễn của đời sống thì, “không biết giọng kia ngọng thật hay vờ?”.

Có rất nhiều câu hỏi trong đời người đặt ra, nhưng bài thơ “Giọng” của nhà thơ, sau những khát vọng tự do, ông nghe hay nhìn cuộc đời và thế sự từ sâu thẳm bên trong cái vỏ hình thức, đặt ra những câu hỏi không dễ đáp.


Tác giả: Hoàng Việt Hằng

Nguồn tin: VanVN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây