'Xe container lật trên cầu vượt Cát Lái do lỗi thiết kế'

Thứ bảy - 11/05/2013 00:46 795 0
"Việc thiết kế xe vừa leo dốc vừa vào đường cong quá gắt đã khiến lái xe phải cảnh giác cao độ mới không bị xô ngang ra thành cầu", thạc sĩ Phạm Sanh lý giải nguyên nhân xe container liên tục lật trên cầu vượt Cát Lái.

Theo thống kê của Công an quận 2 (TP HCM), có gần chục vụ lật xe container, thùng xe văng xuống đường trên cầu vượt Cát Lái kể từ khi công trình này được đưa vào sử dụng (15/8/2010). Sau tai nạn, nhiều biện pháp đã được triển khai, tuy nhiên tình hình vẫn không khá hơn khiến người dân rất bất an mỗi khi chạy qua cầu vượt này.

Vụ tai nạn đầu tiên xảy ra vào ngày 14/9/2010, đúng một tháng cầu vượt Cát Lái đưa vào vào sử dụng. Xe container chở gốm sứ xuất khẩu theo hướng từ xa lộ Hà Nội vào cảng Cát Lái đã bị lật nhào, đè lên thành cầu vượt. Gốm sứ bên trong bị hư hỏng gần như hoàn toàn. Tiếp đó sáng 24/6/2011, một container rơi từ trên xe xuống làm hư hỏng mặt cầu và rào chắn. Hơn một tháng sau, ngày 26/7/2011, xe container lưu thông trên nhánh A cầu vượt Cát Lái từ hướng xa lộ Hà Nội vào cảng đã bị rớt container.

Chiều 11/8/2011, xe đầu kéo chở container 40 feet khi chạy lên khúc cua cầu vượt Cát Lái bất ngờ bị lật ngang, làm cho thùng xe phía sau bị bể, keo nước chảy tràn trên mặt cầu gây trơn trượt. Một đoạn lan can cầu bị húc hư hỏng. Mới đây nhất ngày 7/5 lại lật container trên cầu vượt Cát Lái khiến người dân lo lắng về sự an toàn mỗi khi đi qua xa lộ Hà Nội. Vì đây là đoạn đường cửa ngõ vào trung tâm thành phố nên có mật độ xe cộ rất đông.

Hiện trường vụ lật xe container, thùng hàng bị văng xuống đường thứ 8 trên cầu vượt Cát Lái ngày 7/5 vừa qua. Ảnh: A.N.

Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Đội CSGT Công an quận 2 và cả ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở Giao thông Vận tải) cho rằng, về cơ bản độ cong của cầu vượt Cát Lái trong đô thị là đạt yêu cầu. Các xe container bị lật, văng thùng hàng thời gian qua là do tài xế chạy quá tốc độ cho phép, lấn mặt đường và không chốt gù thùng hàng.

"Chúng tôi đã tiến hành rất nhiều giải pháp để hạn chế tai nạn như sửa chữa mặt cầu, làm gờ giảm tốc, lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ, rồi cảnh báo khúc cong nguy hiểm. Và hiện tại cho lắp camera quan sát, theo dõi tốc độ các phương tiện tại khúc cua này", ông Thiết cho biết.

Theo đó, hệ thống camera quan sát gồm camera độ phân giải cao đặt trên trụ chiếu sáng của cầu vượt, cách mặt cầu 5 m và camera cố định quan sát làn xe. Hệ thống đo tốc độ phương tiện đặt trên trụ cố định cao hơn 10 m tính từ mặt đất. Dự án có tổng vốn hơn 1,6 tỷ đồng, sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 7.

Trong khi đó, theo thạc sĩ Phạm Sanh (ĐH Giao thông Vận tải), qua phản ánh của lái xe thì hầu hết cho rằng cầu vượt Cát Lái vừa dốc, vừa cong quá gắt nên rất khó điều khiển. "Cá nhân tôi cho rằng lỗi cơ bản là từ khâu thiết kế, trong đó gồm cả khâu thẩm định và phê duyệt thiết kế. Nếu có lỗi của lái xe thì cũng không phải là nguyên nhân chính", ông Sanh nói.

Ông Sanh phân tích, tai nạn xảy ra thường xoay quanh 4 nhóm nguyên nhân chính là do người lái, phương tiện, môi trường và công trình. Qua các vụ lật xe trên cầu vượt Cát Lái, có thể loại ngay nguyên nhân phương tiện và môi trường. Vậy chỉ còn 2 nguyên nhân còn lại là lái xe và công trình. Trong khi Sở Giao thông khẳng định do người lái, còn lái xe lại nghi ngờ do thiết kế công trình không đúng.

"Lỗi của người lái xe container chỉ là cái cớ, giống như giọt nước làm tràn ly nước đã đầy. Việc thiết kế xe vừa leo dốc vừa vào đường cong quá gắt đã khiến lái xe phải hết sức tập trung và cảnh giác cao độ mới không bị xô ngang ra thành cầu. Việc này vô cùng khó với các lái xe chở container (nặng từ 40 đến 50 tấn, dài 6 đến 12 m) khi leo dốc vào đường cong gắt", vị chuyên gia giao thông phân tích.

Theo ông Sanh, đơn vị thiết kế và cơ quan thẩm định đã không để ý tính toán cụ thể các thông số hình học của cầu vượt cho xe container. "Chỉ cần một vài vụ lật xe trên cầu là giới lái xe đã cảnh báo cho nhau ngay, làm gì phải chạy bạt mạng để lật xe liên tục. Hơn nữa nếu thiết kế hoàn toàn đúng thì Sở Giao thông cần gì phải giới hạn vận tốc xe", ông Sanh nêu quan điểm.

Xe container chạy trên cầu vượt Cát Lái đang là nỗi lo lắng và hiểm họa treo lơ lửng trên đầu người dân mỗi khi đi qua đây. Ảnh: T.L.

Cũng theo thạc sĩ Phạm Sanh, đây là cầu vượt nằm trong dự án vay vốn của Nhật và do tư vấn Nhật thiết kế, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thẩm định thiết kế các nút giao khác mức. Vì vậy, sự cố lật xe container trên cầu vượt Cát Lái vẫn là một hiểm họa lơ lửng trên đầu những người tham gia giao thông trên xa lộ Hà Nội. "Cơ quan quản lý không nên né tránh mà phải nhìn đúng bản chất vấn đề, đánh giá đúng nguyên nhân thì mới tìm ra cách khắc phục", ông Sanh nói.

Về phương án khắc phục, ông Sanh đề nghị nên mời các tổ chức tư vấn và chuyên gia hàng đầu (kể cả chuyên gia nước ngoài), nghiên cứu thêm mô hình mô phỏng để tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến tai nạn, từ đó đưa ra các kịch bản xử lý như cải tạo mở rộng, vuốt dốc, hoặc cấm xe container đi trên cầu. Việc mở rộng bán kính cong đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật không phải là quá khó bởi mặt bằng khu này đã có.

Tác giả: Hữu Công

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây