Dù phong tục tập quán gần như tương đồng với đồng bào dân tộc Dao ở tỉnh Điện Biên, nhưng người Dạo ở Huổi Só chưa bao giờ nhận dân tộc mình và dân tộc Dao làm một. Kể cả Bí thư Đảng ủy xã Huổi Só Phàn Quang Châu cũng nhận mình là người Dạo chứ không phải người Dao như ở nhiều nơi khác. Ông Châu bảo rằng, người Dạo ở đây còn nhiều phong tục lạ lùng lắm, chưa thể xóa bỏ được.
Bản Huổi Luông có 92 hộ người Dạo. Chuyện lạ lùng nhất của đồng bào nơi này là lấy vợ. Nhiều đàn ông trong bản Huổi Luông gọi thẳng việc lấy vợ là mua dâu, còn trưởng bản Tẩn A Cỏn không muốn nói thế. Ông nghĩ đơn giản hơn: “Mình lấy con gái của người ta về làm dâu thì phải cắm bạc trắng lại cho họ để làm tin thôi mà”. Nhưng dù thế nào thì trưởng bản Cỏn cũng xác nhận, với người Dạo, muốn lấy một cô dâu, nhà trai phải chuẩn bị ít nhất 30 đồng bạc trắng, tương đương với 30 triệu đồng. Vì thế mà có con gái thì sướng, còn đẻ con trai khổ lắm.
Người Dạo ở Huổi Luông thường không tự đi tìm vợ. Đa số đàn ông phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ trong chuyện xây dựng gia đình. Thậm chí nhiều lúc bố mẹ chọn cho cô nào cũng không được biết mặt. Ngày cưới, khi cô dâu cất chiếc quạt che mặt sang một bên thì chú rể mới lần đầu tiên nhìn thấy vợ mình. Người quen, người lạ, nhưng đã chọn rồi thì phải lấy, không được phép từ chối.
Trưởng bản Cỏn lấy vợ từ năm 18 tuổi. Vợ tên là Chàng Thị Tỉm, người cùng bản, hai người đã gặp nhau một vài lần, nhưng cũng phải đến ngày cưới thì ông Cỏn mới biết đó là vợ mà bố mẹ đã yêu hộ, cưới hộ cho mình. Trưởng bản sinh năm 1970, vợ sinh năm 1966, chồng kém vợ 4 tuổi, nhưng chẳng sao cả, bởi lấy vợ hơn tuổi cũng gần như là tục lệ của người Dạo ở đây. “Nếu được tự nhiên đi yêu thì yêu người trẻ chứ, bố mẹ yêu cho thì trẻ già gì cũng phải lấy thôi”, trưởng bản Huổi Luông tâm sự như thế.
Vợ trưởng bản bây giờ nhìn già hơn chồng rất nhiều, đặc biệt là những lúc bà mặc quần áo dân tộc, tóc vấn cao kiểu chia đầu thành hai phần. Nhưng với người Dạo, đã có con, có cháu đề huề rồi thì trưởng bản không bao giờ được phép bỏ vợ nên bà không cần lo lắng.
Trưởng bản Tẩn A Cỏn. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam. |
Chuyện vợ hơn tuổi chồng của người Dạo rất phổ biến. Bởi dường như lấy vợ cho con con trai người ta tính đến mục đích lấy về để đi làm nương rẫy quan trọng hơn hạnh phúc gia đình. Chính vì lẽ ấy mà con gái người Dạo rất có giá, đặc biệt là những cô gái khỏe mạnh.
“Nhà nào có con gái, nếu có người ưng bụng thì đem gả cho họ rồi nhận bạc, nhận lợn về. Lợn thì có thể ăn ngay, nhưng bạc thì nhà gái chưa được phép, phải đợi đến lúc nào con gái mình sinh đủ cho người ta hai đứa thì mới được tiêu thoải mái. Làm như thế là để đề phòng quá trình chung sống người ta không ưng con gái mình, họ trả về thì mình phải trả bạc lại cho họ. Nếu bị trả về, con gái mình chỉ được tính tiền công làm dâu thôi”, trưởng bản Cỏn phân bua.
Với vùng đói nghèo như Huổi Luông, lấy vợ là việc tốn kém nhất, lo lắng nhất trong đời đàn ông. Thành ra, những gia đình “đẻ đều” như nhà trưởng bản Cỏn (2 trai, 2 gái) thì được xem là hòa, chứ gia đình toàn con trai thì lo ngay ngáy, lỗ rất nặng. Gia đình Phàn Cỏng là một trường hợp “lỗ nặng”. Vợ chồng Cỏng sinh được 3 người con trai, hai thằng vừa đi lấy vợ. Thằng Phàn Lềnh lấy vợ ở bản Hắt Hiu, còn thằng Phàn Dôi lấy vợ ở ngoài trung tâm xã Huổi Só.
Cỏng phàn nàn, chỉ tiền mua dâu về làm vợ cho hai thằng con trai đã tốn mất 80 đồng bạc trắng. Ngoài ra, mỗi cô còn phải các thêm 60 cân lợn hơi để mời nhà gái ăn cơm nữa. Tốn kém quá, nhưng phong tục thế rồi, không thể làm khác được. Chưa hết, nhà Cỏng còn thằng con út nữa, sắp tới cũng phải kiếm vợ cho nó, nhưng chưa biết đào đâu ra tiền.
Không chỉ tốn kém trong chuyện lấy vợ cho con trai, người Dạo ở Huồi Sỏ còn tốn kém nhiều khoản khác nếu sinh quý tử. Theo phong tục, mỗi người đàn ông dân tộc Dạo kiểu gì cũng phải làm lễ đặt tên ma một lần trong đời. Nó nôm na như tên cúng cơm người ta vẫn thường gọi, tức không phải là tên do cha sinh mẹ đẻ đặt trong giấy khai sinh. Tên cha mẹ đặt cho thì dùng trong cuộc sống thường ngày, còn tên ma này là để “giao tiếp” với cõi âm.
Tên ma chỉ có đàn ông mới được đặt. Để đặt tên ma cần phải làm 3 loại lý. Ma bé thì làm lý một ngày, ma bình thường thì làm 3 ngày, còn ma lớn làm đến cả tuần. Nếu làm bình thường hoặc làm lớn, hai ngày đầu phải ăn chay, đến ngày thứ ba mổ lợn mời cả bản đến ăn uống thỏa thuê. Việc mổ lợn cũng theo thứ tự, ma bé 2 con, ma lớn ít nhất là 7 con, con nhỏ nhất cũng phải tầm 50 kg trở lên.
Nhà Vàng A Nhụy vừa làm lễ đặt tên cho hai đứa cháu ngoại. Ông Nhụy chọn lễ to. Thầy mo của bản tên là Phàn A Chải đến cúng xong, gia đình phải mổ 10 con lợn, mỗi con 70-90 kg, 8 xách rượu, mỗi xách 20 lít để mời dân bản ăn uống. Trong buổi lễ, phải mượn người hóa trang thế nào cho giống ma nhảy múa.
Suốt 7 ngày làm lễ, Vàng A Nhụy thống kê gia đình tốn kém hơn 200 triệu đồng. Sau lễ đặt tên ma cho hai đứa cháu thì ông bà ngoại cũng gần như kiệt quệ về kinh tế. Vậy mà chủ nhà vô cùng phấn khởi, vì trong thâm tâm người Dạo, sớm muộn gì cũng phải làm lễ đặt tên ma một lần trong đời nên tiền bạc không phải là vấn đề quan trọng. Họ chọn thời điểm 9-10 tuổi để làm là vì từ lúc đứa trẻ sinh ra thì gia đình bắt đầu phải lo gom góp tiền bạc. 9-10 năm tích cóp, chỉ phục vụ có một tuần lễ mà thôi.
Lễ đặt tên ma của người Dạo rất sòng phẳng, dù là người trong nhà. Bố làm lễ cho con thì con trai cũng phải làm lễ trả lại, kể cả khi ông bố đã chết rồi. Có những gia đình như trường hợp Lý A Lành, bố mất nhiều năm rồi mà anh em họ vẫn phải chạy vạy tiền nong để làm lễ trả nợ cho ông cụ.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc