Đội cứu hộ mèo ở Hà Nội

Thứ tư - 10/04/2013 20:17 905 0
Trong căn phòng chật hẹp trải đầy giấy báo, hai con chó phốc và 5 con mèo thi nhau ngồi lên đùi Dung. 'Sở thú' này của Dung là nơi cưu mang những vật hoang hoặc bị ngược đãi gần một năm nay.
Dung cưng nựng 'các con' khi vừa đi làm về.

Vừa thấy Lương Ngọc Dung dắt xe vào nhà, hai chú phốc tên Tun và Siu chạy từ trên gác xuống đón. Con mèo màu lông loang lổ chạy theo rồi đứng trên cầu thang nhìn xuống. Một chú mèo khác béo ục ịch đang khoanh tròn trong chăn ấm ở góc nhà chạy ra dụi đầu vào cô chủ. Gần đó, con mèo vàng vừa được mang về mấy hôm vẫn bị nhốt trong lồng sợ hãi kêu toáng. Cô chủ gọi bầy chó, mèo là các "con" xưng "mẹ" rồi vỗ về cưng nựng từng con. Căn phòng dưới tầng trệt đầy mùi chó, mèo trở nên náo nhiệt.

Yêu thích chó mèo và thương những con vật bị đánh đập, bỏ rơi, một nhóm bạn trẻ ở Hà Nội đã thành lập trạm cứu hộ hồi tháng 6/2012. Ban đầu họ gặp nhau trên diễn đàn, sau thấy cần có hành động cụ thể, trạm cứu hộ ra đời. Do số lượng mèo nhận được lớn, lại chưa có trụ sở nên các thành viên trong nhóm cứu hộ của Dung phân chia nhau mang về nhà mình chăm sóc. Mỗi người sẽ cưu mang 2 con mèo. Hiện tại, căn nhà 4 tầng rộng rãi của Dung thuê chung cùng 3 người bạn trở thành trạm cứu hộ. Trong nhà cô bây giờ có thằng Rừng, con Bông, thằng Tun, con Siu và hai chú mèo chưa được đặt tên.

Trạm có bốn nhóm, chia làm hai mảng chính: cứu hộ và tuyên truyền. Hễ nhận tin ở đâu có mèo bị tai nạn hay ổ mèo con vừa sinh bị vứt ra đường, các tình nguyện viên lại đến đón rồi mang về trạm. Sau đó, chúng được đưa tới phòng khám thú y để thăm khám hoặc điều trị nếu bị bệnh. Tiêu chí của trạm là mang lại mái ấm cho những con vật bị bạo hành, bỏ rơi. Bởi vậy, chó, mèo sau khi được các foster (người nuôi dưỡng) chăm một thời gian sẽ được giao cho chủ mới. Trước khi giao, người nuôi sẽ phải qua vòng "phỏng vấn" xem có đủ điều kiện không.

Nhóm của Dung từng nhiều lần giải cứu thành công con mèo bị nhốt vào bao tải, thậm chí bị đổ rượu vào mồm. Có hôm 12h đêm, nhận điện thoại báo có con mèo gặp nạn, cô lại đi đón "bé" về, cho ăn rồi sưởi ấm. Không ít lần trưởng nhóm cứu hộ này day dứt vì không thể cứu được những "em" chó, mèo bị mang bán cho nhà hàng. Ánh mắt của bầy chó nhìn qua lồng sắt khiến cô khóc suốt từ nhà đến nơi làm việc.

Những chú mèo được giải cứu được đưa về chăm sóc tại phòng trọ của Dung. Sau khi khỏe mạnh, chúng sẽ được tìm cho chủ mới.

Cô gái người Nam Định chia sẻ, mỗi con vật đều có một câu chuyện và số phận riêng. Củ Măng là con mèo đầu tiên Dung nhận chăm sóc kể từ khi tham gia trạm cứu hộ. Củ Măng lông trắng tinh, hai màu mắt khác nhau, hai chân sau bị liệt do tai nạn giao thông. Được đưa đi chữa trị vài nơi nhưng không khỏi, chủ nhà đành gửi gắm Củ Măng vào trạm. Bị liệt nên mèo rất yếu, di chuyển bằng cách lết. Dung cho hay, những con bị liệt sẽ không tắm toàn thân mà phải lau khô, hai tuần mới tắm một lần bằng nước trà xanh.

Có nhiều kinh nghiệm chăm sóc mèo nhưng cô gái 25 tuổi vẫn cảm thấy stress khi nhận được những con mèo bị liệt hoặc tai nạn. Cứ đi làm về là cô lại tất bật lấy oxy già rửa, bôi cồn đỏ và rắc kháng sinh để khô vết thương rồi dùng xi lanh bơm thuốc vào mồm cho mèo liệt uống. Nhiều con phải lôi vào trong nhà tắm, đóng kín cửa, xối nước, xoa xà bông rồi xả.

Theo Dung, mèo sữa khó nuôi nhất và giống như chăm con mọn. Một ngày phải cho chúng ăn 7 lần, mỗi lần cách nhau 2-3 tiếng. Có lần cô phải ở cả đêm trong toilet để cho mèo con ăn trong khi mèo mẹ gào rú đòi con bên ngoài. Lần nhận được một ổ mèo bé còn nguyên nước ối đặt trong hộp giấy vứt ngoài đường, Dung phải đem chúng đi gửi những gia đình có mèo đẻ.

Với những con vật từng chăm sóc, Dung bị ám ảnh khi chúng chẳng may qua đời. Hôm đó, cô mang cá rán về cho "các con" nhưng Củ Măng không ăn và ra đi trong đêm. Dung đã khóc thương như mất đi người bạn thân. Cô cũng từng để tang trên avatar một tuần khi con cún bị tật 4 chân tõe ra 4 hướng tên Bom chết vì mắc bệnh "sida". Lúc còn sống, Bom không đứng được, vệ sinh một chỗ. Sau khi được bác sĩ châm cứu, Bom phục hồi nhanh và đứng được. Không may, Bom mắc loại virus làm suy giảm hệ miễn dịch và chỉ cầm cự được một tuần thì chết.

Thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo nên Dung bị viêm xoang mãn tính. Cô thừa nhận trên người lúc nào cũng có lông, mùi của chúng. Giẻ lót thay cho chúng thường xuyên nhưng không xuể nên cô phải lót giấy báo trong phòng. Mỗi lần bố mẹ lên thăm, Dung phải "giải tán" các em sang nhà bạn.

Những chú mèo mới đưa về hoặc cần cách ly sẽ được nhốt vào trong lồng sắt có thắp đèn sưởi, đủ đồ ăn, nước uống.

Từng có thời gian đưa chó, mèo về nhà chăm sóc như Dung nhưng Nguyễn Minh Hạnh, trưởng nhóm truyền thông của trạm, đành phải nghỉ vì bố mẹ không đồng ý. Dù không có điều kiện chăm nhưng khi nhóm cứu hộ cần, Hạnh vẫn tới đưa đón các em chó, mèo đi khám hoặc mang về trạm.

Hạnh cho hay, ngoài 7-8 thành viên trụ cột, trạm còn có 100 tình nguyện viên tập trung ở Hà Nội. Số ca trạm xử lý trong một tháng dao động 5-15 trường hợp. Chi phí hoạt động của trạm cứu hộ hiện tại chủ yếu dựa vào nguồn đóng góp của các thành viên và tấm lòng hảo tâm.

Tuy nhiên, số tiền này không đủ cho những lần khám chữa bệnh cho chó, mèo. Một tháng, chi phí đến bác sĩ cho các "em" mèo khoảng 5 triệu (đã được các phòng khám thú y giảm một nửa). Vì thế trạm cứu hộ mong muốn có thêm nhiều sự ủng hộ để có được một địa điểm chăm sóc những con vật đáng thương.

Bình Minh

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây