Tấm ảnh

Thứ tư - 20/11/2013 11:00 7.196 0
Bà cụ nằm trên bộ ván, thân hình gầy tọp, đôi mắt sâu hóm mệt mỏi, chiếc miệng móm há ra mệt nhọc. Bà cố thều thào:

- Vợ thằng Út… tới… chưa?

Biết ý, người con dâu cúi sát xuống tai bà, giọng run run:

- Nó qua tới liền à má!

Anh con trai nóng lòng chạy ra chạy vào mong ngóng đứa em dâu nhưng không thấy bóng dáng đâu, anh thất vọng quay vào.

Bà cụ thở khò khè. Anh cầm quạt, quạt lấy quạt để như muốn đem luồng sinh khí cho bà mẹ. Lòng anh quặn đau khi nghe mẹ cứ bệu bạo:

- Vợ th..ằ..ng…Út.

Anh lại chạy ra ngõ, bước qua cây cầu tre, nhìn ra bờ ruộng. Mắt anh bổng sáng lên khi thấy người phụ nữ mặc chiếc áo bà ba màu hoa cà thấp thoáng ngoài rặng trâm bầu. Dáng chị tất tả. Chẳng mấy chốc đã tới gần. Anh nóng nảy giục:

- Lẹ đi! Má trông thím lắm!

Người phụ nữ không nói không rằng, bươn bả đi vào nhà. Quên cả lột nón, chị bước đến cạnh người bệnh, khẽ gọi:

- Má! Má!

Bà cụ mở bừng mắt, đờ đẫn nhìn mặt chị giây lát, giọng nói nhẹ như hơi thở:

- Co..n..Út.


 Minh họa: Lê Duy

Bà nấc lên mấy tiếng trong cổ họng. Bàn tay gầy guộc cố nhấc lên để nắm lấy bàn tay người con dâu út, vợ của thằng con mà bà thương nhớ nhất đời.

Cô con dâu bóp chặt bàn tay bé nhỏ xương xẩu, cố ngăn dòng lệ đang tuôn trào. Giọng chị nghèn nghẹn:

- Má! Má ráng khỏe nhen má. Con có đem hình anh Út qua cho má nè!

Chị móc trong túi ra tấm hình 4x6 đưa gần mắt bà, nói lớn:

- Con đem họa cho má một tấm rồi.

Bà mẹ gật đầu. Bà cố nhướng đôi mắt lờ đờ nhìn. Bà muốn nhìn cho được hình ảnh thằng con trai út lần cuối cùng. Từ lúc nó hy sinh đến nay bà không có một kỷ vật nào về nó. Thằng Hai, thằng Ba mất đi cũng còn được cái ba lô hay đôi dép. Chỉ có nó là không để lại dấu tích gì cho bà, bà càng thương nhớ, đớn đau.

Bà đem chút tàn lực còn lại để nhìn cho rõ mặt con. Người thanh niên trong ảnh nhìn bà mỉm cười. Nó mặc đồ bộ đội coi khác hẳn ở nhà. Trong phút giây, bà như quên thần chết đang đứng kề, bàn tay quờ quạng yếu ớt cầm tấm ảnh đặt lên mặt mình như muốn hôn con trước khi vĩnh biệt cõi đời. Ôi! Sao bà nhớ đôi mắt sáng, nhớ cái miệng rộng hay cười, nhớ từ bàn tay bàn chân, nhớ cái áo cái quần nó thường mặc, nhớ tánh tình hiếu thảo của nó…

Bà thều thào gọi con trong cổ họng đã nghẹn cứng. Bà mãn nguyện như đã gặp được con. Bà hy vọng sẽ gặp nó với các anh nó nơi chín suối cho thỏa lòng mong nhớ bấy lâu. Tay chân lạnh, tim đập nhẹ dần, bà thở hắt ra mấy hơi rồi tắt lịm.

Hai người con dâu cúi đầu, không muốn để tiếng khóc lọt ra. Anh con trai đứng dưới chân mẹ liên tục bóp những lóng xương được bọc làn da đã tái lạnh.

- Má! Má! Cô con dâu kêu lên đau đớn. Má đi rồi anh Tư ơi!

Bàng hoàng, người con trai gục xuống xác bà mẹ kêu khóc thê thiết:

- Má ơi…bỏ con sao má ơi…

Tiếng khóc đau đớn của người đàn ông như gào thét. Tim anh thắt lại. Người mẹ tảo tần, nhân hậu của anh đã ra đi. Người đã cực khổ nuôi mấy anh em anh trong những ngày bom đạn. Hai ông anh theo du kích địa phương lần lượt hy sinh năm Mậu Thân 1968, thằng Út theo bộ đội mới được hai năm thì bị B52 bừa mất xác trong khu rừng miền Đông. Má anh đau khổ mỏi mòn, bà không có bệnh gì rõ nhưng ngày một yếu gầy.

- Anh à! Em qua kêu chị Hai với dì Ba nghen.

- Ờ! Anh ngưng khóc. Sực nhớ mình là chủ nhà, chủ của ngôi nhà đang có tang. Anh sửa lại dáng nằm cho bà mẹ rồi bảo em dâu:

- Thím vuốt mắt cho má đi. Sao thím qua trễ quá để má trông đợi mấy ngày nay.

Nghe anh chồng trách nhưng chị không trả lời. Anh đâu biết hết nỗi khổ của chị. Thằng con nuôi của chị bị bệnh thương hàn mấy ngày nay. Một mình với miếng vườn nhãn hai công và thằng con nhỏ bên cù lao Tân Phong khiến chị tất bật quanh năm. Con bệnh chưa bớt lại nhận tin bà mẹ chồng đau nặng. Mượn mẹ ruột đến săn sóc cho con, chị bươn bả qua tới thì không còn kịp nói gì với mẹ chồng - người mẹ mà chị thương yêu không khác gì mẹ ruột.

- Sao anh không nhắn em sớm hơn?

- Má mệt thình lình, mới hồi sáng còn ăn được chén cơm. Mấy ngày nay bà biểu rước thím qua chơi mà tụi tui mắc nhổ cỏ lúa chưa đi được.

- Tội nghiệp má. Chị sụt sùi. Má trông má đợi tấm hình mà em thì cứ lần lựa. Em tưởng má còn sống lâu. Ai dè…Má ơi!

- Thôi thím vuốt mắt cho má đi rồi đắp mặt lại. Thím khóc quá má đi không đành.

Chị đưa tay vuốt mắt bà mẹ chồng. Đôi mắt hơi hé mở khép kín theo bàn tay.

Chị lấy chiếc khăn trắng đắp lên mặt mẹ rồi phụ người anh chồng giăng chiếc mùng vải phủ lên người mẹ. Xong xuôi, chị ra sau bếp nhóm lửa nấu nước châm trà chuẩn bị đãi khách. Ngọn lửa đã cháy bùng trên bếp. Chị ngồi thụp xuống cạnh bồ lúa khóc một mình, khóc như đứa trẻ.

Chị khóc bà mẹ chồng. Từ nay không còn ai để chị núm níu để an ủi cõi lòng đơn lạnh mà mấy chục năm qua chị đã âm thầm cam chịu. Những lần đến chơi với bà, trò chuyện và giúp đỡ những chuyện lặt vặt như thể chị còn được làm dâu, làm vợ người chị yêu thương.

Chị khóc chồng. Người chồng mà chị không khi nào nguôi quên, dẫu rằng hai người sống với nhau chưa đầy một năm. Vậy rồi anh đi, đi biền biệt không biết nơi nao mà kiếm mà tìm. Năm 1974, chị chỉ được miếng giấy báo tử. Chị nhớ thương anh chỉ biết ôm ấp một kỷ vật duy nhất là cặp gối thêu của người bạn tặng ngày cưới. Hai mái đầu đặt lên đó chỉ được vài lần.

Những lần khác ngủ chung với anh ở rừng, ở cứ. Chị giữ cặp gối trong chiếc bọc ni lông dày như muốn ủ lại hơi ấm của chồng - hơi ấm nồng nàn, say đắm mà chị chỉ được gần gũi có bấy nhiêu ngày. Đôi chim vẫn âu yếm rỉa lông nhau trên cành mai. Bốn chữ “Trăm năm hạnh phúc” vẫn tươi màu chỉ đỏ. Còn chị, hạnh phúc của chị như trái chín trên cành, ngọt ngon rồi rơi rụng.

Bao lần chị ao ước có một đứa con hay ít ra cũng có một tấm ảnh anh để chị nhìn cho đỡ nhớ. Và trời đất không phụ lòng chị. Nhân tình cờ đến thăm một người bạn cũ của anh, chị nhìn thấy tấm ảnh anh chụp một tháng trước lúc hy sinh. Chị xin tấm ảnh anh, mừng còn hơn ai cho vàng. Chị định họa lớn làm hai khung, một gởi cho mẹ chồng, còn một đặt lên bàn thờ. Từ nay bàn thờ nhà chị sẽ ấm cúng vì có anh ngồi đó. Anh nhìn chị mỉm cười, động viên an ủi chị những khi chị quá cô đơn…

Ngoài cầu tre có tiếng người nói xôn xao. Họ hàng, khách khứa đã đến. Chị vội đứng dậy, châm ấm nước đã sôi tự lúc nào vào bình trà.

- Má ơi! Má đi rồi sao má ơi!

Tiếng bà chị chồng khóc ở nhà trên nghe não nuột. Chị bưng bình trà đi lên, chào cô bác họ hàng đã đến chật nhà. Người chị chồng giở tấm khăn đắp mặt mẹ rồi gục xuống khóc ngất.

Hồi lâu, chị ngẩng lên nhìn người em dâu, nói giọng tức tưởi:

- Sao qua trễ quá vậy Út?...

Vật vã một hồi, chị hỏi:

- Có đem hình nó qua hôn?

- Dạ có!

Chị vội cầm lấy, nhìn chăm chú tấm ảnh rồi áp vào ngực nấc lên:

- Em ơi! Má thương má nhớ em mà gầy mòn. Ba mươi năm rồi, năm nào đám giỗ của em má cũng khóc hết nước mắt. Em đi đâu mà biền biệt!...

- Đâu đưa hình nó cho tao coi.

Giọng bà dì nghẹn ngào. Nhìn tấm hình, bà mếu máo:

- Nó giống thằng cha nó, cái miệng cười tới mép tai. Dì nhớ bữa con đi, con cho dì chai dầu xanh để dành cảm cúm. Sao con đi luôn không trở lại thăm dì!…

Mọi người xúm quanh, chuyền tay nhau xem tấm ảnh, những đôi mắt rưng rưng, đỏ hoe. Họ nhớ tới người thanh niên hiền lành, ít nói, hay làm, dạt dào tình làng nghĩa xóm.

Chị cất tấm ảnh vào túi rồi cùng mọi người lo tẩn liệm mẹ. Vị sư già đã đến cùng với đoàn lễ nhạc. Tiếng mõ gõ, tiếng cầu kinh ê a, tiếng chuông tiếng trống gióng lên từng hồi, ngân nga trong không trung khiến chị buồn vô hạn.

Bước qua cây cầu nhỏ, chị bươn bả quay về.

Rặng trâm bầu lào xào trong gió. Nắng chiều đã nhạt trên mấy thửa ruộng ven đường. Chị nhìn từ gốc cây ngọn cỏ, từ bờ đê đến con đường làng lòng dậy lên tình cảm thiết tha.

Mẹ chồng đã mất nhưng chị sẽ vẫn đi lại chốn nầy như thuở trước - thuở chị mới quen anh. Bất giác, chị sờ tay lên túi áo xem chừng tấm ảnh còn hay mất. Chị sẽ mang nó theo suốt bên mình để nghĩ rằng lúc nào cũng có anh bên cạnh mà lòng nguôi đi nỗi quạnh hiu.

Tác giả: Kim Quyên

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây