Ngôi nhà trên cây

Thứ hai - 18/03/2013 19:24 5.587 0
1. Nghe tiếp tân báo có khách tìm, tôi khoác thêm áo gió vào người, rồi xuống phòng khách. Vừa đẩy cửa bước vào, một người đàn ông thấp đậm, da dẻ hồng hào, mặc áo khoác, đầu đội mũ bê rê, tiến về phía tôi, chìa tay, vồn vã:
Minh họa: Văn Nguyễn
Minh họa: Văn Nguyễn
- Đến hôm nay mới được gặp lại cậu, mình cứ mong mãi.

Quái, gã này là ai, ai mà lại mong gặp một thằng đực rựa như mình? Gương mặt này, giọng nói này, tôi cố vắt óc nhớ thì gã nói tiếp:

- Không gặp mặt nhau nhưng mình thường gặp cậu trên trang báo, trang sách. Mình không bỏ qua bất kỳ tờ báo nào có đăng truyện cậu, còn sách cậu, mình đọc không sót quyển nào. Cậu viết được cái dữ dội của chiến tranh bằng ngòi bút chân thành như đời lính bọn mình...

À, hóa ra, hắn cũng từng là một thằng lính. Hắn đọc văn mình và khoái văn mình, như thế là đủ. Hắn là ai không còn đáng bận tâm nữa.

- So với những người từng mặc áo lính viết về chiến tranh, mình thích đọc cậu nhất...

Hắn nói một lèo như cái máy đang đọc đĩa, nghe sướng rân cái lỗ tai. "Khen cho nó chết!", nhà văn Nguyễn Khải đôi lúc cũng dùng chiêu độc này. Chất nicotine từ miệng lưỡi hắn cũng khiến mũi tôi phập phồng, cái đầu thì gục gặc. Khơi mào, dẫn dắt, hắn lại là kẻ chủ động kết thúc buổi gặp mặt:

- Tài văn của cậu có nói cả tuần cũng không hết được - Hắn xoa xoa lòng bàn tay vào nhau - Mình có một đề nghị tha thiết như thế này: Mình có một khu du lịch sinh thái cách đây khoảng 50 cây số. Ở đó bọn mình vừa uống rượu, vừa bình luận văn chương lại vừa được nghe chim hót vượn kêu suối chảy...

- Thế thì còn gì bằng - Tôi hào hứng cắt ngang lời hắn.

- Vậy thì chiều ngày kia, tức ngày cuối tuần, mình sẽ đưa xe đến đón cậu.

- OK, sẵn sàng - Tôi nắm tay hắn, vừa siết, vừa lắc.

- Cậu có thể rủ thêm những người bạn cùng trại viết, chọn những nhà văn càng nổi tiếng càng vui.

Chờn chợn khi nghe hắn nói "chọn những nhà văn càng có tiếng càng vui" nhưng đang hứng, tôi "ô kê" luôn. Phấn chấn ra mặt, hắn mở bóp, dúi vào tay tôi cả một xấp danh thiếp.

Khi tiễn hắn ra chiếc ô tô do hắn tự lái, tôi còn siết tay hắn thêm lần nữa.

2. Chiều thứ sáu, đúng ngày hẹn với Nguyễn Dũng, giám đốc khu sinh thái, trời lại đổ mưa. Mưa từ đêm. Mưa lê thê suốt ngày. Nằm trên khu đồi thoai thoải của vùng cao nguyên, khu nhà trại sáng tác nép mình dưới hàng thông cao vút, càng cách biệt và vắng lặng. Chăn trùm đến ngực, nhìn gió mưa bay xiên xiên ngoài cửa sổ và khoảng trời xám xịt, thấy ái ngại cho chuyến du hí trong gió mưa sụt sùi, tôi cầm điện thoại lên. Nhìn trời mưa lần nữa, tôi bấm điện thoại gọi cho tay giám đốc khu sinh thái. Tôi vừa "a lô", Dũng nhận ra tôi và nói ngay:

- Mình đang cho xe đến đón cậu đây. Cậu bảo mọi người xuống phòng khách, 20 phút nữa khởi hành.

- Nhưng... mưa thế này...

Hắn cười lớn:

- Nhà văn cựu chiến binh mà sợ mưa sao?

- Nhưng đi cùng có hai nhà văn tiểu thư...

- Có là công chúa quen ở cung điện đi nữa cũng sẽ mê tít nơi mình đưa quý vị đến. Các vị chắc chưa lần nào được ngủ trong ngôi nhà trên ngọn cây?

- Ngủ trên ngọn cây? - Tôi hỏi lại.

- Phải, nếu muốn - hắn bật cười ha hả - cậu có thể... mây mưa trên ngọn cây!

Câu nói của hắn như liều kích dược xuyên qua da. Đang bủn nhủn như con mèo ướt, tôi tốc chăn, vươn vai, ưỡn ngực ngồi dậy, lẹ làng bước xuống giường, làm vội mấy động tác thư giãn, đầu óc mường tượng lung tung. Từng ngủ bờ, ngủ bụi, ngủ nóp, ngủ võng, ngủ nhà tranh, nhà tường, ngủ ở phòng khách sạn từ không sao cho đến nhiều sao, nhưng tôi chưa một lần biết đến cái cảm giác ngủ trên ngọn cây giữa đại ngàn. Vội mặc thêm áo len, khoác thêm áo giả da, nhét bao thuốc lá vào túi, tôi đến gõ cửa gọi mấy người bạn chuẩn bị xuyên rừng.

3. Dũng đón chúng tôi bằng chiếc xe Jeep có tài xế lái. Trên xe còn có một cô gái trẻ măng, xinh tươi như bông hoa rừng. Dũng bảo cô gái chào các chú các cô và giới thiệu, đó là cô con gái nuôi của hắn. Cánh chúng tôi có năm người, ba nam, hai nữ. Khi lên xe, Dũng xếp Khôi, Thái, hai nhà văn nam ngồi băng ghế sau cùng. Tôi, hai nhà văn nữ, Giang và Bích cùng ngồi băng giữa. Dũng kéo cô con gái nuôi cùng hắn ngồi ghế trước cạnh tài xế. Thấy vậy, tôi dợm leo ra băng ghế sau định nhường chỗ cho cô gái thì hắn ngăn lại và đặt cô con gái nuôi ngồi vào lòng mình rồi quay lại phía sau, nói:

- Các cậu phải ngồi cho thoải mái, đường đi dằn xóc lắm đấy!

Đúng như Dũng nói. Sau mươi phút chạy bon bon trên con đường nhựa, chiếc Jeep giảm tốc độ, men theo con đường đất đá khúc khuỷu gồ ghề lần lượt hiện ra sau bụi cây, lùm cây, hàng cây. Con đường hẹp mỗi lúc một gập ghềnh khó đi. Nhiều chỗ, nhiều đoạn mặt đường bị mưa lũ xoáy lở biến dạng thành những trũng như vũng trâu, vũng voi. Tài xế điều khiển vô lăng khéo tay nhanh mắt như một diễn viên xiếc, tránh được những pha hiểm, suýt bị sa lầy. Chiếc Jeep tiến tới một đoạn lại trở lui rồi rồ máy rướn tới, rướn tới, mệt lử rồi thả lỏng, lại trở lui rồi lại trườn tới. Cứ thế, nó như một chiến binh dai sức và lão luyện, bất kể thời tiết xấu và địa hình hiểm trở, vẫn lừ lừ luồn lách, kiên trì tiến tới phía trước.

Chúng tôi mệt nhừ vì dằn xóc và va đập. Tay giám đốc, quả là một ông bố bảo bọc con, cứ khư khư ôm chặt cô con gái trong lòng. Hai kiều nữ cạnh tôi miệng lưỡi rứ ré mỗi khi bị nhồi xóc, va chạm. Hai mày râu phía sau cũng luôn mồm ứ á. Tài xế và hai bố con tay giám đốc, có lẽ do quen đường, quen chịu đựng nên giữ được trầm tĩnh. Trầm tĩnh cả trên những đoạn đường cheo leo mà chiếc Jeep phải liều lĩnh len lách giữa một bên vách đá và một bên là vực sâu.

4. Hơn bảy giờ tối chúng tôi mới đến được khu du lịch sinh thái. Mưa vẫn chưa dứt, lúc rỉ rả, lúc xối rào rào. Tôi ê ẩm nhấc người ra khỏi xe trong tiếng mưa, tiếng suối, tiếng chim chóc, tiếng côn trùng nghe như một bản hòa âm mở lớn. Mỗi người giương một chiếc dù (lấy từ trên xe), lúi húi bước dọc theo lối mòn dẫn đến khu nhà đỏ quạch ánh đèn trước mặt. Hết lối mòn, chúng tôi bước lên chiếc cầu ván được nối dài, nằm dưới những tàng cây rậm rạp sẫm màu đêm. Những ngôi nhà sàn vách lá lần lượt hiện ra trong ánh đèn dầu. Biết mọi người đang đói và lạnh nên Dũng đưa tất cả đến thẳng nhà ăn, ngôi nhà đang bùng bùng ánh lửa.

Một bếp lửa đang cháy đặt giữa nhà ăn, củi lửa nổ tí tách. Một người đàn bà mặc xà rông, chân trần đang lúi húi cời than nướng khoai, nướng bắp. Mùi khoai nướng bắp nướng dậy lên, mời mọc, cồn cào. Trong ánh lửa bập bùng và dưới ánh sáng của ngọn đèn măng sông, ngọn đèn duy nhất được treo mắc trên vách nhà, ngoài cánh chúng tôi đang lục tục kéo vào và lần lượt ngồi xuống sàn nhà quanh một cái mâm thức ăn đồ uống thịnh soạn đã dọn sẵn, còn có một đoàn khách Tây. Đoàn gồm một người đàn ông tóc bạc mang kính trắng, một người đàn bà trẻ tóc nâu gương mặt thanh tú và hai đứa bé, một trai một gái cùng một thông dịch viên có chiếc mũi khoằm khoằm. Khi tất cả đã ngồi vào chỗ, giám đốc khu sinh thái nói với thông dịch viên:

- Nhờ anh giới thiệu cho hai đoàn quen nhau - Rồi hắn đưa tay về phía cánh chúng tôi, quay mặt lại phía các vị khách Tây, nói - Xin giới thiệu với các vị khách quý, đây là những nhà văn nổi tiếng và là những người bạn thân thiết của tôi.

Người thông dịch vừa dứt lời, người đàn ông đẩy gọng kính trên sống mũi rồi lần lượt đưa tay siết chặt tay từng nhà văn được Dũng giới thiệu "rất bốc", như tôi là "một nhà văn sống sót sau chiến tranh và viết về chiến tranh bằng máu của chính mình". Người đàn bà trẻ, không rõ hào hứng vì những lời lăng xê lên tới ngọn cây của tay giám đốc về từng thành viên của đoàn hay vốn là một người yêu thích văn chương, đã vội đẩy hai đứa con ra khỏi lòng mình, chồm dài người về phía cánh nhà văn, đưa bàn tay trắng mềm cho từng người, rối rít bằng tiếng Việt ngọng líu:

- Han hanh han hanh han hanh...

5. Hai đoàn khách mon men làm quen nhau. Phía khách Tây, đó là một gia đình người Pháp. Người bố trở lại Việt Nam sau ba mươi năm từng đến và làm việc tại Việt Nam trong một trung tâm khoa học nghiên cứu về thực vật, cô gái thì theo bố đến xứ sở mà cô chỉ biết qua sách báo và phim ảnh. Người bố không nói về mình mà nói nhiều về Maria, cô con gái. Ông nói Maria mê vùng đất Tây nguyên Việt Nam qua những bức ảnh của bố mang về và đặc biệt là từ những quyển sách của Jacques Dourner. Đến Việt Nam lần này, cha con ông muốn lần theo trang sách của nhà dân tộc học từng gắn bó cả cuộc đời mình với Tây nguyên bằng những chuyến xuyên rừng, bắt đầu từ chuyến dã ngoại này. Sau ly rượu gặp gỡ, mỗi người nhanh chóng nhồi thức ăn vào cái dạ dày rỗng. Khi cái bụng lưng lửng, rượu cũng đã mềm môi, chuyện trò lại càng rôm rả.

Không chịu thua kém ông bố Tây, tay giám đốc kéo cô con gái nuôi ra khỏi bếp lửa (cô đang cùng người đàn bà dân tộc nướng khoai, nướng bắp), nói về công lao của mình khi nhặt cô bé mồ côi thảm thương như miếng giẻ rách, về nhà được vợ chồng hắn nuôi dạy và cho ăn học tử tế. Hiện cô gái đang học ngành du lịch tại một trường đại học ở Sài Gòn. Trúng ngày cuối tuần nên hắn mua vé máy bay cho con gái về đây đón các vị khách quý. Cô con gái cúi mặt khi nghe cha nói, đôi má bắt lửa, ửng hồng. Những ngón chân cô gái bấm bấm vào đôi dép nhựa màu cam (thay cho đôi giày cao gót khi cô bước lên xe). Cái màu cam nơi đôi bàn chân trắng xinh của cô gái cũng ánh lên màu củi lửa.

Cái màu củi lửa ấy cũng loang loáng trong đôi mắt xanh của Maria. Cô kéo chiếc áo khoác rộng thùng thình trùm cho cả hai đứa con đang ôm chân mẹ. Trong ánh lửa bập bùng, trông Maria hao hao nàng chuột túi hồng hào, đầy đặn và quyến rũ. Vẻ quyến rũ của giống loài biết chở che, bao bọc. Vẻ đẹp ấy như có sức thôi miên. Tôi bảo tay giám đốc chuyển cho tôi chai Cognac. Chẳng mấy chốc, tôi trở thành một "chủ xị" đúng nghĩa, tức không chỉ biết rót rượu mà còn biết khêu được sự hứng khởi nơi mỗi người.

Lửa từ bếp lửa, từ rượu, từ đôi má ửng hồng của cô gái con nuôi, từ đôi mắt xanh ấm rực của Maria, từ những câu chuyện kể của Dourner về rừng và đàn bà... tất cả tạo nên sự hưng phấn khó tả. Hai nữ văn sĩ, vẻ rã rượi bèo nhèo đã bay biến. Bích cầm ly rượu tôi đưa, uống cạn, chúc miệng ly xuống và bất ngờ ứng khẩu thành câu chữ na ná thơ: "Lửa quanh ta. Lửa trong ta. Lửa rừng thiêng. Lửa nguồn cội. Lửa từ những linh hồn không ngủ...". Tôi cắt lời Bích, chêm vào:

- Lửa từ những linh hồn không ngủ vì rượu ngon và đàn bà đẹp!

- Những linh hồn không ngủ vì rượu ngon và đàn bà đẹp! - Cánh đàn ông gào lên.

Người phiên dịch lặp lại câu đó bằng tiếng Pháp. Maria chồm tới đưa ly cụng ly tôi cùng một câu nói với ánh mắt ấm hơn lửa. Tay phiên dịch lặp lại ngay:

- Maria nói: "Những linh hồn không thể ngủ trước những tâm hồn quá đẹp!".

Mọi người lại cụng ly và cạn ly vì "triết lý" của Maria và có lẽ, còn vì tâm hồn không thể không đẹp ẩn chứa nơi cô.

Rượu vào lời ra. Khôi, nhà văn hóm hỉnh hào hứng đọc bài thơ của Aragon bằng tiếng Pháp và lếu láo chữa "Đôi mắt của Elsa" thành "Đôi mắt của Maria". Maria và ông bố chăm chú lắng nghe. Sau tràng vỗ tay dành cho bài thơ và người đọc thơ, dường như ai cũng muốn thể hiện cảm xúc của mình. Giang thoát khỏi dáng vẻ e dè, choàng lại khăn cổ, sau vài giây ngập ngừng, cô cất tiếng hát: "Tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi, mây mờ buông xuống núi đồi, và trong lòng mưa hơn cả ngoài trời...". Thái hứng chí vỗ nhịp bằng tay, bằng vẻ mặt như đang "rút tơ lòng". Rồi tất cả cùng vỗ nhịp, hòa theo cảm xúc dâng lên trong lòng người lữ khách si tình.

Sau khúc hát Nụ cười sơn cước, tiếp tục những lượt rượu. Và tranh nói. Người nói nhiều nhất lại là tay phiên dịch, mà lại nói về mình. Càng nói càng hăng. Nhiều đoạn cao hứng, anh ta nói tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Câu chuyện và cách diễn đạt của anh ta lôi cuốn. Do mê cô bồ trẻ mà anh ta không "di tản" cùng gia đình trước ngày 30.4.1975. Và cũng để cung phụng người đẹp mà anh ta trở thành một tay phụ bếp. Khôn khéo luồn lách, anh ta trở thành bếp chính và quản lý luôn việc chi tiêu của bếp ăn ở một nông trường. Do "mổ máy" vào từng phần ăn của cả ngàn miệng ăn, chỉ sau vài năm, anh ta tích cóp được cả túi vàng. Rồi sau ba lần vượt biên không thành, chán ngán, cô bồ ôm vàng theo kẻ khác. Mất bồ, mất vàng, anh ta không chúi đầu vào bếp núc củi lửa nữa, mà chọn nghề thông dịch, như anh ta nói, để được đi đây đi đó và tận hưởng một cách thư thái những thứ do trí óc miệng lưỡi đem lại chớ không phải do lòng tham mà có được.

Bụng no, rượu cạn, hào hứng mấy cũng vơi dần, cơn buồn ngủ bắt đầu kéo tới. Mọi người lần lượt được người hướng dẫn của khu du lịch đưa đến chỗ nghỉ. Riêng tôi, Dũng kè sát như sợ tôi trượt ngã hoặc bị thú rừng tha mất. Đưa tôi đến trước một ngôi nhà có lu nước đặt trước cửa và mấy giò lan treo lủng lẳng, hắn lấy gáo múc nước mưa trong lu, đưa lên miệng hớp một ngụm to, phùng má súc sùng sục, phun mạnh ra, rồi nói:

- Mình nghỉ ở đây. Còn cậu, theo mình đến được nơi này mà không leo lên ngôi nhà trên cây làm một giấc thì phí lắm.

Tôi thấy váng vất đầu óc:

- Tớ đi trên sàn nhà còn không vững làm sao leo cây được?

- Mình có cách.

Tôi lờ mờ thấy Dũng và một người nữa, hình như cũng là người hướng dẫn khi nãy, vóc dáng cao to, lực lưỡng, dùng một sợi dây thừng quấn qua ngực tôi (tôi cũng lờ mờ đón, sợi dây chắc có công dụng như dây bảo hiểm cho bọn xiếc trên không) khi họ đưa tôi đến một gốc đại thụ xù xì nằm gần lối đi. Rồi bằng cách công kênh và lôi kéo, họ đẩy tôi lên từng bậc thang trên chiếc cầu thang bám dọc theo thân cây dẫn lên ngôi nhà trên cao.

Trầy trật, ê ẩm mình mẩy một lúc tôi cũng chui tọt vào bên trong cánh cửa của ngôi nhà hẹp như cái chuồng và chuồi người trên chăn nệm êm ái. Trước khi khép cánh cửa lại, tôi còn nghe Dũng nói:

- Có cần gì muốn gì thì gọi cho mình.

"Tớ chỉ cần ngủ", tôi muốn trả lời như vậy, nhưng không kịp mở miệng. Cơn buồn ngủ lập tức vùi tôi vào chăn nệm.

6. Tôi ngủ một giấc không biết trời trăng mưa gió gì cả cho đến khi hơi lạnh xộc vào da thịt rồi len dần vào xương cốt. Nằm cong như con tôm kho tàu, hai đùi kẹp chặt đôi tay nhưng cái lạnh vẫn không giảm đi.

Co ro, chịu trận trước cái lạnh trên lưng chừng, trong tôi lại cồn lên cơn ham muốn hơi ấm và da thịt đàn bà. Người tôi nghĩ đến trước tiên, quái lạ, lại không phải là vợ mà là nàng chuột túi xinh đẹp tình cờ gặp được hồi tối. Tôi nhớ lại hình ảnh nàng lúc cười lúc nói bên ánh lửa. Lúc nàng chồm dài người bắt tay từng người. Lúc tôi nắm bàn tay trắng muốt mềm mại của nàng. Bàn tay nõn nà đến thế, mềm mại đến thế ắt hẳn thân thể nàng phải tuyệt cú mèo. Tôi liều lĩnh sục sạo và... chạm phải hai đứa con nhỏ của nàng. Hình ảnh xoắn xuýt ba mẹ con nàng tách tôi ra khỏi cơn thèm thuồng bất chợt. Khi cái rộn rạo nguôi đi, tôi lại nghĩ đến vợ mình đang vò võ chờ chồng trong ngôi nhà trên mặt đất mà hai vợ chồng chung lưng đấu cật, chật vật vắt óc vắt sức mới tạo dựng được. Tôi tìm nhiều cách xoay trở, cố nối lại giấc ngủ. Nhưng càng cố, lại càng tỉnh.

Mưa đã tạnh. Trong ran ran tiếng côn trùng, tiếng gió nghe thật rõ. Ve vuốt. Rượt đuổi. Lúc lả lơi, xào xạc. Lúc như có trận chiến quyết liệt. Răng rắc, gãy đổ. Lào rào. Rền rĩ. Lúc lại nghe như tiếng hú. Rất nhiều tiếng hú. Dường như có cả những tiếng hú giông giống tiếng gọi của kẻ lạc rừng...

Tiếng hú gọi xốc tôi ngồi dậy. Rồi đâu đó, từ những cánh rừng của ký ức, tiếng hú gọi dội về.

Rồi không chỉ là tiếng hú gọi âm âm núi rừng mà còn cùng với âm thanh của nó là những gương mặt. Rất nhiều gương mặt. Vừa mờ nhòe, vừa rõ nét, vừa lặng lẽ u buồn, vừa tếu táo vui nhộn. Vừa gần như có thể chạm được nhau, lại vừa xa cách, chập chờn, ẩn hiện. Có cả gương mặt của những thằng bạn mãi mãi ở tuổi đôi mươi, có thằng chưa một lần biết đến nụ hôn và da thịt đàn bà, đã vĩnh viễn nằm lại nơi những cánh rừng.

Và, dường như những gương mặt trẻ măng đó đã kéo tôi tuột xuống mặt đất.

Khi chạm chân lên mặt đất ẩm ướt, tôi ngước nhìn ngọn cây mà ở đó tôi vừa trải qua một cảm giác lạ thường. Ngôi nhà sẫm đen dưới ánh trăng mờ mờ xuyên qua cành lá.

Rừng đêm đã lác đác tiếng chim. Tiếng suối nghe cũng thật gần. Không phải là tiếng róc rách róc rách quen thuộc của bản nhạc rừng mà là tiếng nước tuôn chảy rầm rào. Khát cháy cổ họng và thèm người trò chuyện, tôi lò dò lần về căn nhà riêng của Nguyễn Dũng.

Bước từng bước, tôi triệu hồi ký ức, hy vọng tìm thấy người đồng ngũ này.

Căn nhà không khó tìm. Trong ánh sáng của ngọn đèn dầu đặt trong cái lồng gỗ, gáo nước thả lềnh bềnh trong lu nước mưa đầy đến miệng. Mấy giò lan đung đưa nhè nhẹ. Hương lan rừng cũng nhè nhẹ tỏa hương.

Chân tôi chợt khựng lại trước chỗ lu nước khi nghe âm thanh gồng gào rượt đuổi cùng tiếng thở dồn dập của cặp đôi đang hối hả kéo nhau lên đỉnh tình.

Trước khi quay gót trở lui, đập vào mắt tôi là đôi dép nhựa màu cam mà cô con gái nuôi mang lúc tối, nằm ngay ngắn trước bậc cửa.

Cơn gió chợt ào tới. Rừng cây rùng rình chuyển động. Trong ánh trăng mờ xuyên qua cành lá, ngôi nhà trên ngọn cây trông chênh vênh và mong manh như cái tổ chim.

Phú Lợi, ngày 22.2.2013


Tác giả: Bích Ngân

 Từ khóa: bích ngân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây