Chờ nơi đầu dốc...

Thứ ba - 04/08/2009 02:01 3.495 0

Chờ nơi đầu dốc...

1. Nơi tôi ở là một căn phòng trọ rẻ tiền.

Căn phòng của tôi gồm ba người. Tôi và hai người khác. Một người làm công nhân cho một hãng nước ngọt. Một người tôi không biết rõ anh ta thế nào, và anh ta làm gì. Tôi không thích những lúc đủ ba người vì ba người cùng nằm xuống sàn là không thể nhúc nhích được.

Mùi mồ hôi thốc lên cùng mùi ẩm mốc đặc trưng. Tôi thích anh bạn công nhân vì anh này hay đem về phòng những chai nước ngọt, và tôi thì ghiền thứ đó. Nhưng anh ta còn đem cả mùi rượu và mùi nôn mữa. Ký ức của tôi về anh ta là hằng đêm bò lồm cồm vô mùng và chốc chốc lại ra nhà vệ sinh nôn ọe. Chúng tôi đã sống với nhau, dù không vui vẻ nhưng cũng chẳng buồn.

2. Tôi rớt đại học và cũng bắt đầu túa ra thành phố đi kiếm tiền, ôn luyện. Tôi làm bảo vệ. Năm thì mười họa cũng có tiền cho tôi uống nước ngọt. Tôi thích được làm việc như anh bạn của tôi, với mục đích có thể được uống nước ngọt thoải mái với giá ưu đãi hoặc hoàn toàn miễn phí hay chí ít cũng được uống thử những loại nước mới. Nhưng tôi làm bảo vệ cho một tiệm vàng. Tôi được nhận vì những ông bà chủ giàu xổi run rẩy khi tình trạng cướp tiệm vàng không có dấu hiệu dừng lại ở thành phố. Tôi chẳng làm gì nhiều mà cũng không cực nhọc, đứng đó, đi vòng qua vòng lại tiệm vàng, hóng hớt, lâu lâu nói chuyện với bà chủ tiệm không chồng.

Tôi có cảm giác, bà chủ thuê nhân viên bảo vệ để mua vui cho bà lúc vắng khách. Nhưng dù sao, tôi vẫn cảnh giác những tên hồ nghi, mang “phong thái” của tên tội phạm ăn trộm vàng. Nhìn ai, tôi cũng có cảm giác họ đang chuẩn bị ào vào cửa tiệm và vơ vét hết tiền vàng. Lúc ấy, tôi sẽ tung một cú đá tạt vào bụng và nhanh chóng khóa tay hắn ra sau lưng, giao cho công an phường. Thà bắn nhầm còn hơn bỏ sót. Với lại, tôi không muốn một sơ sảy nào, vì tôi không muốn phải ở đợ cho bà chủ suốt đời để trả nợ.

3. Ngày tôi lên thành phố, Loan tiễn tôi ra đầu dốc. Tôi không thể ở lại cùng Loan miệt mài trên cánh đồng phía trước đèo hoa keo. Mười tám tuổi, tôi có quyết định đầu tiên của cuộc đời. Ước mơ vào đại học vẫn nóng bỏng, thiêu đốt tim gan. Tôi phải đỗ đại học. Tôi phải là cảnh sát hình sự số một. Tôi nghe nước mắt chảy tong tong trên mặt Loan:

- Minh đi rồi nhớ mà về, Loan chờ Minh nơi con dốc.

Tôi nắm tay Loan, rất chặt. Hơi ấm tràn qua. Thanh long đang nở trắng vườn, một cảm giác nhẹ tênh lờn vờn gót dốc.

- Chừng nào Loan lấy chồng thì nói cho Minh nghe.

Tôi dứt tay ra, bỏ đi như một sự dứt khoát tuyệt đối. Không phải tôi không tin Loan. Trai chưa vợ làng tôi nhiều vô kể. Gái đến tuổi gả chồng cũng không phải là nhiều. Loan đẹp nhất làng. Tôi đứng tần ngần giữa hai sườn dốc. Đi hay về. Người con gái tôi yêu năm mười sáu tuổi. Sao Loan không bảo Minh ở lại, chứ!

4. Những ngày dài lê thê. Tôi bắt đầu chui vào căn nhà trọ và tập đánh gục những nỗi buồn đang vồ vập. Với mấy miếng võ được học từ bé, tôi đến công ty bảo vệ theo một mẩu rao vặt bên góc phải tờ báo với hy vọng được nhận.

Cái tít tuyển dụng làm tôi rất hy vọng: “Cần tuyển dụng gấp (không hạn chế số lượng)”. Những yêu cầu và quyền lợi cũng đáng phải quan tâm.

Yêu cầu, có hai yêu cầu:

Một, nam, nữ thanh niên có sức khỏe phù hợp với công tác bảo vệ.

Đáp ứng yêu cầu: Tôi không gầy sọc cũng chẳng béo múp míp đến nỗi chậm chạp. Dù sao tôi cũng đủ điều kiện để thi tuyển vào ngành công an, làm một anh cảnh sát tương lai mà.

Hai, tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên, lý lịch rõ ràng, không tiền án tiền sự.

Tôi đáp ứng yêu cầu nốt: Tôi tốt nghiệp trung học phổ thông với số điểm cao chót vót nhưng ngặt nỗi phong độ giảm sút khi đi thi đại học. Thành ra, bây giờ mới ngồi đọc cái bản rao vặt tuyển dụng nhỏ xinh này. Lý lịch rõ ràng, lý lịch ba đời nhà tôi quá rõ ràng. Rõ từ ông ngoại, bà nội, ba, chú, cô, cậu… đến anh chị em tôi. Một liệt sĩ, hai thương binh và gia đình nội tôi là gia đình có công với cách mạng. Một lý lịch để tôi tự tự hào.

Ưu tiên: Bộ đội, công an xuất ngũ, người đã qua công tác bảo vệ. Tôi chẳng thuộc diện nào cả. Mà cũng chẳng sao, chỉ là ưu tiên thôi mà.

Quyền lợi: Lương và những khoản thu nhập khác. Được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của luật lao động. Những quyền lợi làm tôi thích thú. Thích đến nỗi ngay sau đó, tôi tìm nhà sách và đọc cọp luật lao động.

Cuối cùng dù hơi rụt rè, lo sợ nhưng tôi vẫn được chọn và được đào tạo để trở thành một bảo vệ chuyên nghiệp. Tôi được học những kiến thức về pháp luật, một chút về nghiệp vụ của công tác bảo vệ. Thật khó khăn khi phải nuốt chúng vào bụng. Tôi có võ và vượt qua những bài học võ thuật một cách dễ dàng. Tôi được mặc đồng phục, quần tây học sinh, áo vàng, bên tay áo trái có logo của công ty bảo vệ Xyz…

Sau khóa học, tôi được công ty đẩy đến tiệm vàng. Lúc đến, bà chủ nhìn tôi, kỹ càng, soi mói và gật đầu cái rụp. Một nụ cười bí hiểm, có một chút gì đó làm tôi hơi rùng mình. Tôi cũng không ngờ mình lại đi làm bảo vệ. Tôi chỉ mường tượng những việc như rửa bát, bưng đồ ăn hoặc sang hơn một chút là dạy học… khi lên thành phố.

Bà chủ cũng có sở thích uống nước ngọt có ga. Tôi vui mừng vì điều này. Đây là điểm duy nhất tôi quý bà. Mỗi bữa trưa bà đều đãi tôi một chai, và bà là người rót. Bà uống bằng ống hút, còn tôi thì không. Tôi thích cầm ly và nốc ực ực. Nửa ly một lần. Bà nhìn tôi uống, cười.

5 Một ngày bám ở tiệm vàng, tôi mệt mỏi khi lật những trang sách ôn thi. Đầu nặng chịch, mệt lử. Với tôi, là đại học, đại học, tôi phải đỗ đại học. Tôi phải là cảnh sát hình sự số một. Tôi phải là sinh viên của trường Đại học Cảnh sát nhân dân, càng sớm càng tốt. Một buổi tối nữa, tôi úp sách lại và ngồi trên bậu cửa sổ căn nhà trọ. Một cảm giác tự vấn lương tâm và liêu xiêu ý chí. Cứ mãi như thế này, tôi sẽ vào phòng thi với cái đầu trống rỗng. Tôi lạnh run khi nghĩ đến điều này. Không biết Loan có đứng nơi đầu dốc hay là đã đi quán xá với đứa nào?

Anh công nhân về sớm, anh ấy đem về mấy chai nước ngọt và mấy miếng dán Happiness factory, loại mà người ta đang quảng cáo cho sản phẩm nước có ga trên đường. Tôi bắt đầu quan tâm đến căn phòng của mình.

- Chú lại nhớ nhà à? – Anh công nhân cởi đôi ba-ta ướt sũng và hỏi tôi. Cái giọng miền Bắc của anh làm tôi hơi khó chịu.

- Dạ, không - Tôi trả lời cho xong và chỉ quan tâm anh ấy có mời tôi uống nước ngọt hay không.

- Thế lại tình yêu, “tình báo” rồi, khì khì.

Tôi cười. Một kiểu cười trừ. Tôi bực tức khi anh ta ném toàn bộ số nước ngọt đem về vào góc tường. Anh này cũng khá dạn, trên người chỉ còn mỗi cái quần nhỏ mà để cửa phòng mở toang hoang, ai đi qua cũng mặc. Lúc ngủ anh ta cũng thế, nhiều lúc còn không mặc gì. Anh ta với người thứ ba trong phòng tôi  giống nhau chỗ này.

Người thứ ba trong phòng cũng về, nhưng hôm nay anh ta tỉnh, trên người không dính mùi rượu và mùi nôn mửa. Anh ta về là nằm ra sàn, trùm mền và khóc. Đúng là người bí ẩn. Anh công nhân cũng nằm nghỉ cho ca làm sáng mai. Tôi cũng muốn đi ngủ cho xong. Căn phòng chật chội. Chân tôi đạp phải mấy chai nước ngọt, bực tức. Tôi nhìn về phía người thứ ba vì lâu rồi anh này mới về trước khi tôi vô mùng. Tôi giật mình khi anh cũng nhìn tôi. Anh cười, một nụ cười hồn nhiên. Đêm ấy, chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều, rất khuya và hăng say. Anh công nhân cũng khát khao vào đại học nhưng rồi dính chân ở nhà máy nước ngọt đến tận bây giờ. Người thứ ba cũng lên thành phố với hừng hực lửa vào đại học. Nhưng sau, giấc mơ cũng bị bỏ quên dần và mất hút.

Tôi ngẫm nghĩ những ngày dài đã qua, phải chăng mình đã mệt lử với giấc mơ ngày đi mang theo. Sự bỏ bê, chán chường đang làm tôi muốn đầu hàng. Tôi ngụp lặn trong những suy nghĩ ngoài tầm với.

Tôi cố làm việc thật tốt trong những ngày cuối cùng của bản cam kết. Tiệm vàng không mất một phân. Bà chủ đã nài nỉ tôi ở lại vì từ lúc có tôi tiệm vàng ăn nên làm ra. Tôi chỉ chào bà và hứa sẽ quay lại thăm, cùng bà uống nước ngọt khi có dịp. Lúc ấy tôi sẽ mời và uống bằng ống hút như bà. Tôi muốn một kết thúc hợp pháp với công ty bảo vệ, suôn sẻ, chẳng ai moi móc, tiếc nuối gì.

Tôi đón xe về quê, đóng cửa và ôn bài. Tôi phải là cảnh sát hình sự số một.

Loan vẫn chờ tôi nơi đầu dốc…

Tác giả: Trần Minh Hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây