Chọn đề tài quá nhạy cảm cho phim mới của mình, liệu lần này anh sẽ mang những màu sắc mới nào vào phim?
Phim lần này khai thác đề tài mại dâm đồng tính nam, tất nhiên là nhạy cảm rồi nhưng quan trọng là cách làm. Với vấn đề này chắc chắn mình phải tự tin, thận trọng. Kịch bản lần này tôi đã viết trong thời gian rất lâu và kỹ nên không có gì lo lắng. Phim sẽ sâu hơn một chút, là sự pha trộn giữa nghệ thuật và thương mại.
Cái tựa phim quá dài: Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt. Một chiêu gây tò mò để câu khách?
Đúng là quá dài, có bài báo còn nhận xét là tên phim dài và... dở nhất trong điện ảnh VN. Tôi chỉ muốn nó khác hẳn và gây tò mò, cũng hay hay. Đôi khi những cái dở nhưng độc đáo, nhưng tuyệt vời (cười).
Phim anh làm lâu nay vẫn gặp nhiều ý kiến trái chiều. Có vẻ như anh chấp nhận cách làm phim không giống ai?
Phim nào tôi làm cũng bị “chửi” cả. Từ Những cô gái chân dài đến Bỗng dưng muốn khóc… Dư luận trái chiều nhưng quan trọng là mục tiêu mình đặt ra đã đạt được. Như phim Ngôi nhà hạnh phúc, dù bị chửi nhưng về mặt quảng cáo thì chưa có phim nào vượt qua và tôi chấp nhận, tự tin là mình đã thành công. Tôi làm phim thương mại nên lợi nhuận, bán vé là điều đầu tiên mình quan tâm. Còn không thể chiều lòng được tất cả mọi người. Quan trọng là mình hài lòng với tác phẩm của mình. Tôi chơi một trò chơi nghiêm túc và hết lòng. Nhiều khi chính những cái dở trong phim của tôi lại ăn khách, nhiều người chửi nhưng tò mò vẫn muốn xem. Có thể tôi chưa đủ tài năng, sức mình chỉ tới đó nên không thể chiều lòng tất cả.
Nhưng dư luận rất quan trọng, anh không quan tâm thì có “sống” được lâu dài?
Người ta có ý kiến là đã tạo ra hiệu ứng, còn hơn họ không nói gì. Tất nhiên được khen vẫn thích hơn bị chê. Ngay những người trong nghề cũng nói Vũ Ngọc Đãng không biết làm phim, cứ giỡn giỡn, chơi chơi, nhạc hay, hình đẹp ráp lại thành phim. Tôi thấy bình thường. Làm phim cái quan trọng là cảm xúc, nhiều khi đi theo cảm xúc nhân vật quá lại bỏ rơi bố cục câu chuyện. Nhưng tôi không tính toán quá nhiều, nhạc phim không đến nỗi, quay đẹp, diễn viên diễn tốt là đủ. Tôi làm phim đôi khi như giỡn chơi.
|
Anh không sợ sự “giỡn chơi” của mình làm cho phim Vũ Ngọc Đãng sẽ nhàn nhạt sao?
Phim của tôi không có sự khốc liệt, dữ dội, sâu sắc nhưng lại ngọt ngào, dễ nhớ và nhớ rất lâu. Chẳng hạn, cảnh chạy bộ trong Đẹp từng centimet, tôi cho rằng đến 10 năm sau chắc không có phim nào có cảnh đẹp như vậy. Phim của tôi không có bàn tay của đạo diễn thò vào quá nhiều, còn dấu ấn là cái không khí, tinh thần của phim, sự nhẹ nhàng, lãng mạn. Phim mới này cũng sẽ như vậy, nếu không người ta sẽ không nhận ra mình nữa.
Nghe nói phim mới anh vẫn tiếp tục cộng tác với Lương Mạnh Hải. Một gương mặt cũ - anh có nghĩ rằng sẽ gây nhàm không? Hay có sự ưu ái nào cho “gà nhà” của mình?
Hải sẽ đóng vai thứ chính, còn nam chính là một người mới, hoàn toàn vô danh, không tên tuổi. Thật ra Hải chỉ tham gia có 3 phim của tôi nhưng chắc vì cậu ấy chỉ đóng phim tôi làm nên mọi người mới thấy nhàm. Tôi không quan trọng ngoại hình của diễn viên, cũ hay mới mà là tài năng, tinh thần của họ. Làm đạo diễn thì phải có những diễn viên ruột, có một ê-kíp riêng để mỗi khi ra trường quay không cần phải làm quen, không có sự cãi nhau vì quá hiểu nhau… Quan trọng là thay đổi phong cách quay, tạo ra những kiểu đẹp khác, đến khi nào chán nhau thì sẽ không làm nữa.
Mối quan hệ của đạo diễn và diễn viên nghe nói cũng có nhiều chuyện phức tạp?
Tôi làm việc với diễn viên rất đơn giản, thoải mái. Có thể mối quan hệ của tôi với họ giống như cha với con. Đương nhiên trong quá trình làm phim phải có tình cảm với nhau, tôi không thích một diễn viên nào thì không thể làm việc được. Một diễn viên mà mình ghét thì chắc chắn vai diễn đó sẽ thất bại.
Vậy có bao giờ anh ghét một diễn viên nào đó chưa? Giữa ghét và yêu với anh có dễ dàng không?
Cũng có vài trường hợp nhưng ghét chỉ 2 ngày thôi rồi cố gắng vượt qua khoảng thời gian đó để làm cho xong rồi sau đó không hợp tác nữa. Người làm nghệ thuật như tôi thì cảm xúc mãnh liệt lắm, dễ yêu dễ ghét. Nên nhiều khi không hiểu sao mình có cảm tình dễ thế và ngược lại.
May mắn khi được là chính mình
Làm phim về đồng tính nam, kịch bản cũng do anh viết. Vậy anh làm thế nào để trở thành “người trong cuộc” vì để khai thác hết về giới tính thứ ba cần rất nhiều kinh nghiệm?
Tôi nghĩ mình có cảm xúc, cảm nhận và chính kiến riêng về vấn đề đó thì sẽ làm được. Đâu nhất thiết phải giết người thì mới viết về chuyện giết người được… Tôi nghĩ quan trọng là mình hiểu về giới đó như thế nào. Còn cách nào là bí mật của tôi, khi xem phim mọi người sẽ biết. Kinh nghiệm thì cũng có thể là của mình nhưng cũng có thể của người khác, mình nghe kể lại. Có nhiều cách để tiếp cận một vấn đề. Với vấn đề nhạy cảm, mình có bản lĩnh thì làm không thì chạy.
Vậy cách nhìn của anh về giới đồng tính nam như thế nào?
Tôi cảm thấy giới tính nào cũng bình thường và đáng tin cậy. Trời kêu ai nấy dạ, không ai chọn giới tính cho mình được. Có những người chỉ lén gật đầu chứ không dám dạ. Người ta có quyền sống theo giới tính của họ, đó là chuyện riêng tư.
Liệu giới tính của Vũ Ngọc Đãng có như vậy không?
Câu hỏi này nhiều người cũng hỏi nhưng tôi không quan tâm, cũng không bực bội. Người làm nghệ thuật dễ bị đồn thổi, có những người thấy may mắn khi được gọi là “gay” vì được sống là chính mình.
Người ta biết nhiều đến Vũ Ngọc Đãng qua phim anh làm nhưng trong cuộc sống riêng tư anh có vẻ rất kín tiếng?
Cũng không nên nói nhiều đến chuyện đời tư vì nếu bán đời tư của mình trên báo thì khác nào trần truồng trước thiên hạ rồi.
Nghe nói anh đã từng làm mẫu nuy, đó cũng là cách trần truồng trước thiên hạ?
Tôi quan niệm cơ thể con người chỉ là vỏ bọc cho tâm hồn, là ngôi nhà cho linh hồn trú ngụ nên làm mẫu cho người ta vẽ là bình thường. Mình cảm thấy thoải mái, tự tin với cơ thể mình thì đâu có gì. Trong những trường hợp cho phép khỏa thân, mình cảm thấy thích hợp thì sẵn sàng thôi. Cái quan trọng là cái đầu mình có thoáng không, mà thoáng phải văn minh nữa. Khỏa thân vì mục đích đàng hoàng thì có gì xấu. Nhưng nói thật, mặc áo ba lỗ, quần short chạy ngoài đường thì tôi không làm được, mắc cỡ lắm.
Nghe nói 10 năm nay anh vẫn sống một mình, có cảm thấy cô đơn không?
Lúc trước còn là sinh viên cũng sống chung với vài người, nhưng sau tách ra dần, tôi sống một mình quen rồi. Vừa rồi tôi bị bệnh nằm một mình 10 ngày, cũng chẳng để ai biết, đôi khi cũng không cần làm phiền người khác, vậy rồi cũng qua.
Cảm ơn anh đã trò chuyện cởi mở.
Thu Thủy - Diễm Thư
(thực hiện)
Nguồn: Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc