Sau 30 năm theo nghề, Kim Tử Long xứng đáng được ghi nhận là một trong những ngôi sao sân khấu cải lương ưu tú, với nhiều vai diễn để đời như: Lục Vân Tiên trong vở Lục Vân Tiên (HCV Triển vọng Trần Hữu Trang 1992, Mai Vàng 2003), Nhân trong vở Đôi bờ (HCB Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2003), Thi Sách trong vở Tiếng trống Mê Linh (Mai Vàng 2002)…
Được sự ủng hộ từ gia đình, Kim Tử Long, từ một cậu thanh niên với tên thật là Hoàng Kim Long, đã khăn gói theo học khóa đào tạo diễn viên sân khấu của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, dưới sự dẫn dắt, chỉ bảo của người thầy - NSND Phùng Há.
Nói về người thầy đầu tiên trong sự nghiệp của mình, NSƯT Kim Tử Long bồi hồi nhớ lại: “Được học với NSND Phùng Há là một diễm phúc, vinh dự lớn lao đối với một thanh niên mới bước vào nghề như tôi lúc bấy giờ. Chính Má Bảy là người đã đặt nghệ danh Kim Tử Long cho tôi với mong muốn tài năng được bay cao, bay xa; là người truyền cho tôi ngọn lửa cháy bỏng của niềm đam mê nghệ thuật cải lương, đặc biệt là cải lương tuồng cổ”.
30 năm trôi qua, Kim Tử Long hiện là tên tuổi khó có thể thay thế trong làng nghệ thuật cải lương nước nhà. Anh chia sẻ: “Tôi mừng vì dù sân khấu cải lương đang gặp khó khăn, nhưng tôi vẫn có thể sống trọn với nghề. Hằng ngày, tôi vẫn đi hát đều đều cho các đài phát thanh, truyền hình, các chương trình, tụ điểm”.
|
“Nhưng với cải lương chính thống, tôi chỉ có thể diễn mỗi tháng đôi ba lần. Các vở cải lương chính thống thì ít, rạp thì chỉ còn mỗi rạp Hưng Đạo, vì vậy, cơ hội đến với sân khấu này của chúng tôi ngày càng giảm đi”, anh tiếp lời.
Đau đáu với sự phát triển của cải lương chính thống, cải lương tuồng cổ, NSƯT Kim Tử Long thời gian qua đã cố gắng thực hiện khá nhiều chương trình sân khấu như Chuyên đề sân khấu Hoài niệm trong tôi, vở cải lương hài Của trời cho…
Khán giả còn nhìn nhận một bước chuyển lớn của Kim Tử Long, khi từ một chàng kép đẹp, thì nay, anh sẵn sàng biến hóa trong những vai lão, vai hài, và thể hiện mình trong vai trò mới là đạo diễn (với các vở Trạng mèo cưới vợ, Turip và cây đèn thần, Em ơi đừng khóc nữa, Vợ là tất cả...).
Kim Tử Long cho biết: “Đối với một người nghệ sĩ như Kim Tử Long, việc đóng vai diễn nào, kép chính hay kép phụ, vai trẻ đẹp hay già lão, đều không thành vấn đề. Cái quan trọng nhất là mình thể hiện thật tốt vai diễn của mình. Với tôi, mỗi môn nghệ thuật đều không có đỉnh điểm mà người nghệ sĩ mỗi ngày đều phải tự trau chuốt mình để đem lại nhiều sắc thái mới, cách diễn mới súc tích hơn, chín chắn hơn!”.
Một trong những kế hoạch lớn của Kim Tử Long dành cho sự nghiệp cải lương trong thời điểm bây giờ đó là hình thành một đoàn cải lương chuyên về tuồng cổ, dự kiến ra mắt vào cuối năm nay tại rạp Đại Đồng.
|
Nói về kế hoạch này, NSƯT Kim Tử Long chia sẻ: “Kim Tử Long cũng như các anh chị em, các bạn đồng nghiệp đều mong muốn có một nơi để mình có thể diễn các tuồng tích kinh điển của sân khấu cải lương, để ôn lại, diễn lại những vai diễn vang danh của lớp nghệ sĩ đi trước - những người đã truyền cho thế hệ tiếp bước như chúng tôi một niềm đam mê không bao giờ phai dành cho nghệ thuật cải lương!”.
Bên cạnh kế hoạch lớn đó, Kim Tử Long còn theo đuổi một vai trò không kém phần quan trọng, đó là tiếp sức, góp phần hình thành một thế hệ nghệ sĩ trẻ kế thừa cho nền cải lương và sân khấu trong nước.
|
Hai trong số những “học trò” thân thiết nhất của anh đó là con gái Kim Phụng (sân khấu kịch) và con gái nuôi Bình Tinh (sân khấu cải lương). Và anh luôn đặt kỳ vọng rất lớn vào lớp thế hệ trẻ này, cùng họ gìn giữ và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Tác giả: Hiền Nhi
Nguồn tin: Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc