NSƯT Kim Cương đã ngồi trút tâm sự hàng giờ, dường như bao nhiêu nỗi niềm gói chặt bấy lâu nay có dịp bày tỏ. Trông bà vừa hạnh phúc vừa cô đơn, quấn mình trong cái kén tằm chỉ muốn suốt đời nhả sợi tơ vàng. Căn phòng của má Bảy Nam vẫn được bà giữ nguyên vẹn, từ cái bàn đến cái giường, cả những chiếc áo bà ba của má Bảy vẫn được treo ngay ngắn trong tủ. Má Bảy như còn hiện diện, như còn níu kéo sân khấu... Và đó là hiện thân của một đời nghệ sĩ mê nghề cho tới phút cuối cùng. Một đời nghệ sĩ vinh quang lẫn cay đắng tột bậc.
Có rất nhiều má Bảy như thế trên sàn diễn. Bởi đã mang danh nghệ sĩ thì ít nhiều phải chịu chung một kiếp tằm, hễ nhả tơ là thăng hoa và đau đớn. Hình như rất ít người hiểu thấu cho đời họ phía sau cánh màn nhung... Đó là những cuộc đời vừa hạnh phúc vừa bạc bẽo. Bạc bẽo bởi luật đào thải tàn nhẫn của thời gian. Công chức càng làm càng lên bậc, nhưng đào kép khi qua tuổi thanh xuân rồi thì từ đào chánh thường tụt xuống vai phụ, làm chị, rồi làm mẹ, làm bà. Mà tuổi thanh xuân cũng qua rất mau, bởi nghệ sĩ hành nghề bằng chính bản thân họ, vừa là tác phẩm vừa là công cụ. Họ như que diêm cháy rực lên, sau đó thì vụt tắt. Đêm nào diễn là xong đêm đó, thành quả mỗi đêm chỉ sáng lên một lần. Qua đêm sau lại là một lần sáng tạo khác, thử thách khác, không giống nhau. Họa sĩ còn giữ lại bức tranh của mình, văn sĩ còn giữ lại quyển sách, nhưng nghệ sĩ sân khấu sáng tạo xong thì không thể giữ được tác phẩm. Có quay phim lại đi chăng nữa thì cũng không phải không gian, không khí sân khấu đó, không có cái hồn, không có sự giao thoa với khán giả. Cho nên mỗi đêm, nghệ sĩ đốt cháy mình rồi tắt lịm.
Đời đi hát cũng lắm gian truân. Nhất là thời xưa, dưới ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng phong kiến, thì chọn nghề hát nghĩa là chấp nhận áp lực từ vật chất tới tinh thần. Hầu như nghệ sĩ không có cuộc sống ổn định, tương lai bấp bênh, vì cứ phải rày đây mai đó. Nghệ sĩ Hữu Châu bùi ngùi nhớ lại tuổi thơ của mình ở nhà nội, chiều chiều cứ ra cửa mong ngóng cha mẹ đi hát ghé về thăm. Nghệ sĩ Hồng Nga cũng vậy, gửi mấy đứa con cho sư phụ, rồi khi gánh hát rã, mẹ con mới trùng phùng; khi xin được vào gánh mới thì phải chia tay con... NSND Năm Châu và nghệ sĩ Kim Cúc có đứa con đầu lòng ẵm theo gánh hát nay đau mai ốm. Ông bảo bà tạm nghỉ hát, mẹ con về nương náu quê nội. Nhưng đến khi con chết, ông lại ở rất xa, không thể về thấy mặt con.
Và chuyện chú Tư Hề rất giỏi trong gánh hát của má Bảy Nam, vợ lấy chồng khác, chú phải nuôi đứa con gái 4 tuổi. Buổi chiều nọ, con bé bị té sông chết, bầu gánh cho chú về chôn con, dù biết vai của chú không ai thay thế nổi. Nhưng chú nghĩ vé đã bán rồi, bao nhiêu khán giả mong đợi, bao nhiêu anh em trong gánh chờ lãnh lương nuôi cả gia đình. Thế là chú đưa thi thể con vào hậu trường, đặt nằm trong góc, lấy mền đắp lại, rồi hóa trang bước lên sân khấu, làm khán giả cười. Sáng hôm sau, chú lặng lẽ chôn con. Nghệ sĩ Kim Cương lúc đó còn nhỏ tuổi, cảnh tượng ấy ám ảnh bà cho tới bây giờ.
Hiện nay, đời sống nghệ sĩ đã cải thiện nhiều, có phần ổn định và bây giờ lại có cả một ngày sân khấu để tôn vinh nghề nghiệp, quả là điều đáng quý. Nghệ sĩ Lương Mỹ bộc bạch: “Chính vì vậy, phải tri ân những người đi trước đã chịu đựng đắng cay cho thế hệ sau kế thừa”. NSƯT Kim Xuân tiếp lời: “Và nghệ sĩ chúng tôi càng phải làm nghề nghiêm túc, để tôn trọng bản thân, tôn trọng tổ nghiệp, khán giả; cố gắng đem đến cái hay, cái đẹp cho cuộc đời...”
Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức lễ công bố ngày Sân khấu Việt Nam tại Hà Nội vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 18.9 (nhằm 11.8 âm lịch). Tại TP.HCM, Triển lãm Lịch sử sân khấu Việt Nam qua những chặng đường vàng son cũng sẽ được khai mạc vào sáng 19.9 (12.8 âm lịch) ở số 5B Võ Văn Tần. Tối cùng ngày, linh vị tổ nghề được rước từ nhà truyền thống Ban Ái hữu nghệ sĩ tới rạp Hưng Đạo. Tại đây, khán giả được thưởng thức nhiều trích đoạn sân khấu nổi tiếng như: Tô Ánh Nguyệt, Chiếc áo thiên nga, Nghêu Sò Ốc Hến... (Minh Ngọc) |
Tác giả: Hoàng Kim
Nguồn tin: Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc