Kịch kinh dị tiếp tục “hot”
Hiện nay, các vở diễn có yếu tố rùng rợn, ly kỳ đang thu hút khán giả. Theo đạo diễn (ĐD) Ngọc Hùng, quản lý sân khấu (SK) Thế Giới Trẻ: “Thiếu mảng diễn này, kịch Tết sẽ không đủ khẩu vị. Tuy nhiên, các vở kinh dị mùa Tết được dàn dựng xen lẫn với yếu tố hài hước cho phù hợp với số đông khán giả. Nếu năm ngoái chỉ có SK kịch Hồng Vân “thăm dò” thị trường kịch Tết bằng vở Giếng lạ thì mùa Tết năm nay có đến năm vở mang yếu tố kinh dị được dàn dựng.
Ngoài SK kịch Hồng Vân tiếp tục cho “ra lò” hai vở kịch kinh dị mới: Trăng Máu và Căn hộ 404; SK Thế Giới Trẻ có Ngôi biệt thự bí ẩn (TG Vương Huyền Cơ - ĐD Tiểu Bảo Quốc); hai trong số ba vở của Kịch Sài Gòn cũng mang yếu tố kinh dị ngay từ cái tên: Hồn trinh nữ (TG: Nhã Ca - ĐD Đoàn Bá) và Ma rừng (TG: Ngô Thu Ý - ĐD: Mai Trần). Riêng vở Ngôi biệt thự bí ẩn được xây dựng với hình thức kinh dị-hài, có nội dung châm biếm, phê phán mê tín dị đoan. Anh Mạnh Tràng, quản lý SK Sài Gòn cho biết: “Hài kịch nhẹ nhàng, dí dỏm vẫn là điểm nhấn chính cho kịch mùa Tết này; chỉ có một vài chi tiết của kịch bản và thủ pháp của ĐD trong dàn dựng có thể khiến khán giả giật mình, nhưng sau đó sẽ thư giãn ngay bằng những tiếng cười dí dỏm”.
“Bình cũ rượu mới”
Bốn vở kịch Tết được làm lại từ những kịch bản cũ cũng là điều chưa có tiền lệ của các mùa Tết trước. SK Hoàng Thái Thanh làm lại hai vở từng rất ăn khách: Trầu cau (TG: Thanh Hoàng) và Ngôi nhà không có đàn ông (TG: Ngọc Linh). Trong bản dựng mới, vở Trầu cau đổi thành Tơ duyên thuở trước, được ĐD Ái Như dàn dựng theo phong cách hài kịch tâm lý xã hội. Sau những tiếng cười dí dỏm, vở diễn còn hoài niệm về những giá trị văn hóa tốt đẹp đang dần bị mai một. Sự xuất hiện của Guillaume Faugere (người Pháp), giảng viên ngành truyền thông đa phương tiện trường Arena trong vở cũng hứa hẹn sẽ là một trong những điểm nhấn, mang đến sự thú vị cho khán giả.
Ngôi nhà không có đàn ông cũng khoác “áo mới”: Không cần đàn ông. Vẫn giữ nguyên tứ kịch, tuyến nhân vật, tình tiết của kịch bản cũ, vở diễn được ĐD Trần Minh Ngọc thêm một số chi tiết để từ chính kịch, “chuyển hóa” thành kịch tâm lý nhẹ nhàng, phù hợp với gu kịch Tết. Vở có mặt các diễn viên NSƯT Kim Xuân, Trương Minh Quốc Thái, Kim Hiền, Trí Quang…
SK 5B cũng làm lại một kịch bản của NSND Năm Châu đã từng được SK kịch Sài Gòn dàn dựng trước đây: Những kẻ độc thân. Những câu chuyện không bao giờ cũ về các mối quan hệ trong xã hội được ĐD Công Ninh thổi thêm những yếu tố thời sự với lời cảm thán: “Tiếp cận với những điều mới mẻ thật không đơn giản”.
Dù không thành công trên SK 5B, nhưng vở Kẻ nói dối đa tình (TG: Ray Coony) vẫn được mang về SK Thế Giới Trẻ để bổ sung vào kịch mục Tết. Chỉ giữ bản dựng của ĐD Kim Eui Sung và diễn viên Ngọc Trinh trong vai Mai Trinh, còn lại được “thay máu” bằng đội ngũ diễn viên mới: NSƯT Bảo Quốc, Khương Ngọc, Tiểu Bảo Quốc, Hoàng Phi…
Bên cạnh đó, trên mười vở hài kịch của các SK như: Hồn Trương Phi da Hàn Tỷ, Tình yêu chạy trốn, Tấm da hổ, Tơ duyên (Idecaf), Gia đình siêu quậy (Thế Giới Trẻ), Bí mật cô phụ dâu, Đảo thiên đường (5B), Choáng (Hồng Vân), Quán Bô đón tết, Tình thắm duyên quê (Nhà hát kịch TP)… cũng đang sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khán giả.
Tác giả: Thảo Vân
Nguồn tin: Phụ Nữ
Ý kiến bạn đọc