“Tôi đã rong ruổi hơn một năm để thực hiện đĩa nhạc này, từ làm việc với nhạc sĩ Vincent Nguyễn đến các nghệ sĩ Đức để có được một album có chất lượng thu âm cao. 4/6 tác phẩm trong album như Con cò, Li ti, Đồng hồ treo tường, Sáng nay đều đã khẳng định chất lượng tại Bài hát Việt. Những bài khác, kể cả hòa tấu của Sebastian Parche cũng là để nối dài ý tưởng âm nhạc của chúng tôi trong dự án này. Âm nhạc điện tử kết hợp với dàn nhạc giao hưởng là một việc rất mới mẻ, ít nhất là với tôi, nên việc thực hiện Li ti cho tôi những cảm giác khác trong hành trình sáng tạo…”.
* Thời gian qua, không ít nghệ sĩ đã xem âm nhạc điện tử như một cứu cánh trong cảnh bế tắc sáng tạo, nhưng cũng có những người tìm về với unplugged, anh nghĩ sao?
- Tôi tôn trọng tất cả mọi khuynh hướng và nhiều người vẫn thích làm, thích nghe những điều mộc mạc, thích sự tinh tế của các nhạc cụ unplugged. Một tiếng kèn clarinet do những nhạc công khác nhau biểu diễn trong không gian, thời gian khác nhau có sức hút khác nhau và là cái không thể tìm lại. Đó chính là sức hấp dẫn. Tuy nhiên electronica cũng có những điểm quyến rũ riêng từ sự hiện đại, mạnh mẽ. Thêm sự góp mặt của dàn giao hưởng, nó có thể mở ra những không gian sáng tạo mới, mang đến cho khán giả những trải nghiệm có thể chưa từng biết của âm nhạc đương đại. Tôi vẫn chưa đi hết con đường của mình mà vẫn còn muốn khám phá.
* Âm nhạc Tùng Dương trước nay vẫn đầy ma mị và dường như không dành cho số đông. Làm một album dễ nghe hơn phải chăng là cách Tùng Dương đại chúng hóa bản thân?
- Không ai có thể bắt khán giả phải thích mình. Có những dòng nhạc dành cho số đông, nhưng có những tiếng hát chỉ dành cho một lượng công chúng nhất định. Đến hôm nay, Tùng Dương đã có được khán giả cho riêng mình và tôi hài lòng với điều đó. Tất nhiên, tôi sẽ vẫn tiếp tục tìm kiếm khán giả qua những chuyến đi ở Việt Nam, ra cả nước ngoài, nhưng điều đó không giống như việc phải từ bỏ bản thân hay cố gắng chiều lòng mọi khán giả theo kiểu dễ dãi.
* Sự chín chắn có cái hay của nó, nhưng tinh khôi cũng có giá trị riêng. Có bao giờ bạn tiếc nuối một Tùng Dương của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”?
- Nếu so với cái thuở mới vào nghề, mọi thứ còn bỡ ngỡ thì hôm nay tôi đã nhiều trải nghiệm hơn, đã hoàn thiện hơn ở nhiều thứ. Có thể tôi sẽ không hát lại hoặc nói như bạn là không thể hát lại những ca khúc từng giúp mình thành công như Ôi quê tôi, Yêu, Quê nhà… bằng cảm xúc của cái thời ngây thơ ấy, nhưng tôi vẫn là tôi. Qua nhiều năm, tôi vẫn đi theo con đường mình đã chọn và luôn trân trọng thuở ban đầu. Nếu hỏi có tiếc không thì tôi không tiếc, vì đó là cái tất nhiên phải đến, phải đi. Nhưng tôi vẫn nhớ để luôn ý thức rằng mình đã từng có gì và phải tiếp tục như thế nào.
* Cảm ơn Tùng Dương
Phạm Thành Nhân (thực hiện)
Nguồn: Phụ Nữ
Ý kiến bạn đọc