Những ngày cuối tháng 12 vừa qua, khi hai vở kịch vừa ra mắt: Nhà Ô-sin (đạo diễn NSND Lê Khanh), Lời thề thứ 9 (đạo diễn NSƯT Chí Trung) gây xôn xao dư luận với những khán phòng chật kín khán giả, có người nói, đó là nhờ kịch bản mang hơi thở cuộc sống, tay nghề dàn dựng ổn, và đặc biệt là sự tò mò háo hức của người xem về một lứa đạo diễn mới, vốn là những gương mặt diễn viên được yêu thích trên sân khấu kịch Hà Nội. Nhưng, có người lại bảo, một phần là nhờ hiệu ứng của những tấm băngrôn quảng cáo phủ ngập phố phường Hà Nội suốt hai tháng qua. Chí Trung không chỉ rải băngrôn, anh còn tận dụng tất tật các trang mạng, đặc biệt là Facebook, để hô hào khán giả gần xa ủng hộ. Khoan nói đến chất lượng tác phẩm, rõ ràng, kế hoạch truyền thông bài bản của Chí Trung đã kéo về cho sân khấu xã hội hoá của anh không ít người xem.
Một cách tiếp thị khác, từ nhiều năm nay, series kịch hình thể, kịch tương tác mang đề tài xã hội của đạo diễn trẻ Như Lai đã thực hiện hàng trăm xuất diễn miễn phí cho sinh viên các trường đại học. Có nhiều lý do để miễn phí, trong đó, một nguyên nhân quan trọng là: “nuôi” khán giả. Đây cũng chính là cách thức nhà hát Tuổi Trẻ đã tiến hành từ hơn mười năm trước khi nhà hát dành nhiều xuất diễn miễn phí cho thiếu nhi, với mục đích “nuôi” khán giả. Chỉ tiếc là, mô hình đầu tư cho tương lai ấy vẫn chưa được các đơn vị khác học tập.
Nhìn lại sân khấu kịch một năm qua, dù hãy còn những bộn bề, nhưng, đã thấy loé lên hy vọng. Rằng, đã được đặt đúng chỗ, trong tay những người trẻ!
Tác giả: Hương Lan
Nguồn tin: SGTT
Ý kiến bạn đọc