Phim tết mà!

Thứ bảy - 30/01/2010 22:17 2.037 0

Cảnh trong phim "Những nụ hôn rực rỡ"

Cảnh trong phim "Những nụ hôn rực rỡ"
Bốn phim tết với hình thức thể hiện rất khác nhau chuẩn bị ra rạp. Màn bạc Tết Canh Dần sẽ rất “mượt mắt” với những cảnh quay đẹp, người đẹp, âm nhạc tưng bừng, tình huống hài vui nhộn... Phim tết mà!

Chẳng còn nghi ngờ gì nữa về thành phần diễn viên, các ngôi sao người mẫu, ca sĩ, diễn viên hài kịch... quy tụ thật rôm rả trên màn ảnh. Ai diễn hài có duyên nhất, đẹp nhất, “hot” nhất trong năm thì sẽ trở thành nhân vật chính trên màn bạc. Diễn xuất nhiều khi chỉ là yếu tố phụ, chủ yếu là cái tên phải bán được vé. Phim tết mà!

Thoại trong phim được viết sao cho tự nhiên, giản dị nhất, ngôn ngữ đời thường, gây cười càng nhiều càng tốt. Các tác giả tự hào vỗ ngực là có khả năng “bẻ gãy” truyền thống thoại khô cứng, khuôn sáo trong đa số những bộ phim Việt Nam trước đây. Phim Việt “lấy lòng” người xem, làm được việc này nhờ biết lắng nghe ý kiến của khán giả. Không có khán giả thì rất nguy hiểm, nhà đầu tư sẽ chẳng còn vốn liếng, tinh thần đâu mà làm nữa. Phim tết mà!

Doanh thu phim tết năm nào cũng tăng, cho thấy các đạo diễn xoa, vuốt khán giả như vậy là hiệu quả rồi, người ta chỉ lấy làm hồ nghi liệu những người sáng tạo có còn làm đúng thiên chức sáng tạo và đào sâu, nhìn rộng ra cho nghề nghiệp của mình? Hỏi là hỏi vậy thôi, câu trả lời thì nghe mãi rồi, rằng tôi làm phim cho khán giả, không làm cho báo chí, không làm cho nhà lý luận phê bình, không làm cho ban giám khảo liên hoan phim... Dấu hiệu lặp lại của những đạo diễn được tung hô là “biết làm phim bạc tỉ” (chứ không phải là làm phim hay) có phải là sự trả lời cho tư tưởng: phim tết mà?

Để kéo khán giả, chưa bao giờ phim ảnh được quảng cáo dữ dội như vậy. Trước khi phim ra đời, chưa biết đến chất lượng phim thế nào, trên các trang báo mạng đã có cả chục bài viết, hình ảnh về một bộ phim, được chuyển biến hình thức: hậu trường phim, hình ảnh trong phim, phỏng vấn đạo diễn, diễn viên chính, diễn viên phụ... Họp báo, ra mắt các phim đều được tổ chức rầm rộ, chuyên nghiệp chẳng thua kém gì các liên hoan phim lớn. Có lẽ nhờ vậy mà kéo khán giả đến rạp ngày càng nhiều, doanh thu mỗi năm đều tăng so với năm trước. Chẳng ai bất ngờ gì cả, vì là phim tết mà!

Có phim xem xong khán giả có người tặc lưỡi, cau mày: vậy mà cũng là phim à? Cứ như gom danh hài lại tấu trên màn ảnh vậy, cứ như trẻ con bày trò ra chơi vậy. Nhưng nhiều người cũng cười xòa: phim tết mà!

Báo viết có khi phim chỉ đạt bốn mà nói thành... năm. Có lỗi với khán giả nhưng vì tinh thần ủng hộ phim Việt nên thông thường cũng xí xóa những hạt sạn, những cái chưa được. Chẳng ai làm cái việc tàn nhẫn (hay dại dột) mà đi so sánh phim tết của Việt Nam với những tác phẩm giải trí của nước ngoài, vì trong giới nhà báo cũng có nói với nhau quan điểm này: phim tết mà!

Đã bảy năm kể từ ngày phim thị trường bùng phát trở lại (sau Gái nhảy vào năm 2003), có được bao nhiêu phim kiểu này đạt chất lượng? Đẳng cấp và hình thức nâng tầm được bao nhiêu? “Giải trí” mà chúng ta vẫn ra rả nói với nhau có đồng nghĩa với xem chân dài, danh hài... hay có gì khác hơn không? Những cuộc chơi chỉ dừng lại ở 10-20 ngày ở các rạp chiếu bóng tại các thành phố lớn trong nước rồi kết toán lời lỗ, hay phải biết nghĩ đến hướng đi nào dài hơn, thị trường nào khác nữa?... Chẳng lẽ trả lời cho tất cả những câu hỏi này, chúng ta chỉ nhìn nhau rồi nhún vai, mình làm phim tết mà!

Tác giả: Đỗ Duy

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây