"Cánh đồng bất tận" lên phim nhiều áp lực

Thứ bảy - 30/01/2010 21:33 2.063 0

"Cánh đồng bất tận" lên phim nhiều áp lực

"Cánh đồng bất tận" - câu chuyện cảm động về những phận người bé nhỏ vùng đất miền Tây Nam Bộ của nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư làm xôn xao văn đàn những năm gần đây. Từ trang sách, câu chuyện được tái hiện trên sân khấu kịch và bây giờ nó bước thẳng vào điện ảnh.

Bộ phim "Cánh đồng bất tận" vừa bấm máy xong những cảnh cuối cùng, là sản phẩm của Công ty BHD và Hãng phim Việt, dưới sự chỉ huy của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Đây chắc chắn sẽ là bộ phim làm khán giả hồi hộp, và cả tò mò chờ đợi nhất trong năm mới 2010.

Áp lực tác phẩm văn học hay

Người ta vẫn thường nói, làm phim từ một tác phẩm văn học hay là đụng vào "con dao hai lưỡi". Thuận lợi ở chỗ danh tiếng của tác phẩm đã có sẵn rồi. Nhưng khó khăn lại cũng chính ở chỗ thuận lợi ấy. Công chúng có quyền dồn lên vai người đạo diễn rất nhiều đòi hỏi khác nhau, vì họ đã thuộc và yêu mến các nhân vật của câu chuyện từ văn bản tác phẩm văn học. Làm thế nào để những độc giả của sách khi làm khán giả của phim sẽ không thất vọng chính là câu hỏi lớn đối với người đạo diễn điện ảnh.

Thực tế "Cánh đồng bất tận" trên sân khấu kịch ở thành phố HCM đã không làm hài lòng khán giả như mong muốn. Mặt khác, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng khi trở thành tác phẩm điện ảnh đã thất bại. Nên, với Nguyễn Phan Quang Bình, quyết định thử sức với "Cánh đồng bất tận" là một quyết định mạo hiểm, là đối mặt với nhiều khó khăn và hoài nghi.

Khó khăn đầu tiên rất dễ hiểu, Nguyễn Phan Quang Bình chưa phải là một "thương hiệu" đảm bảo cho sự thành công của một bộ phim truyện nhựa có bối cảnh sông nước miền Tây với nhiều nét văn hóa độc đáo, quyến rũ như "Cánh đồng bất tận". Đây mới chỉ là phim truyện nhựa thứ 2 của anh chàng đạo diễn gốc Bắc còn khá trẻ, sau "Vũ khúc con cò" và "39độ yêu" đồng đạo diễn. Không ít ý kiến tỏ ra lo ngại rằng sự "bất tận" của "cánh đồng" sẽ trở nên quá sức đối với Nguyễn Phan Quang Bình.

Song, lựa chọn cách khôn ngoan là im lặng, vị đạo diễn trẻ tuổi này âm thầm chuẩn bị cho bộ phim ít nhiều mang ý nghĩa "để đời" đối với chính mình. Ngay sau khi "Cánh đồng bất tận" xuất hiện trên mặt báo, Quang Bình cùng nhà văn Ngô Thảo đã lặn lội về tận Cà Mau để ký hợp đồng nhượng bản quyền với Nguyễn Ngọc Tư. Nhà văn Ngụy Ngữ được mời vào công việc chuyển thể kịch bản, còn Nguyễn Hồ, người đã từng làm biên kịch cho phim "Cánh đồng hoang" nổi tiếng năm xưa chịu trách nhiệm "phả" vào đó toàn bộ hơi hướng, mùi vị, "hồn cốt" đậm đặc Nam Bộ, như không gian truyện của Nguyễn Ngọc Tư.

Sau 6 lần đi khảo sát bối cảnh, lang thang khắp các vùng đất Tây Nam Bộ, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều trí thức, nhà văn nhà báo, tìm hiểu văn hóa, con người nơi đây, chứng kiến những số phận, những cảnh đời như gia đình Út Võ, cô gái điếm tên Sương, những đứa trẻ như Nương, như Điền... cảm thấy mình đã "hòm hòm" vốn liếng kiến thức về văn hóa vùng đất này, Nguyễn Phan Quang Bình mới quyết định lựa chọn ê kíp làm "Cánh đồng bất tận".

Một danh sách những gương mặt "đáng nể" được lựa chọn: giám đốc hình ảnh Nguyễn Tranh, "tay máy vàng" Lý Thái Dũng, họa sĩ thiết kế Mã Phi Hải, nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan, âm nhạc Quốc Trung, chuyên gia dựng phim người Mỹ F.Martin Wiesinger. Bên cạnh đó là một dàn sao Việt rất được yêu mến: Dustin Nguyễn, Đỗ Hải Yến, Tăng Thanh Hà...

Nguyễn Phan Quang Bình cho biết, tác phẩm văn học nổi tiếng là áp lực đối với cả đoàn làm phim, nhưng anh khẳng định vẫn làm theo cách của mình: "Chúng tôi không copy nguyên văn câu chuyện, chúng tôi thêm nhiều chi tiết, logic để nhân vật dày dặn hơn. "Cánh đồng bất tận" giàu chất điện ảnh, nhưng để chuyển thành một kịch bản điện ảnh thì phải rất dày công.

Nhà biên kịch Ngụy Ngữ đã phải mất nhiều thời gian để "thêm da, đắp thịt" cho từng nhân vật cụ thể. Tính cách nhân vật cũng được khắc sâu thêm, nhưng vẫn phải đảm bảo tính logic. Trong phim có những cảnh "sex", nhưng đó là "sex tâm lý" chứ không phải sex hình thể. Tôi muốn kể câu chuyện giản dị về những con người học cách tha thứ để sống dễ chịu hơn. Dù biết rất khó, nhưng tôi chờ đợi sự đồng cảm của độc giả cuốn sách dành cho bộ phim của mình".

Áp lực muỗi

Tưởng như đùa nhưng câu trả lời phỏng vấn của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình nói về khó lớn lớn nhất đối với đoàn làm phim "Cánh đồng bất tận" là muỗi, lại là sự thật. Phim trường "Cánh đồng bất tận" nằm ngay trên vùng kênh rạch chằng chịt thuộc các tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, những vùng đất mà người dân nơi đây vẫn truyền miệng nhau câu thơ "Muỗi như sáo thổi, đỉa lền bánh canh". Trong 45 ngày quay phim ròng rã trên sông nước, nỗi ái ngại lớn nhất của cả đoàn chính là việc... chiến đấu với muỗi.

"Ba cùng" với đoàn làm phim, nhà văn Ngô Thảo kể lại: "Rất nhiều phương tiện được huy động để xua muỗi. Dưới chân các ngọn đèn pha là những cây quạt gió lớn. Một đèn pha thấp đặt gần quạt thổi phồng một tấm lưới vợt lớn dài đến 4-5m để nhốt muỗi. Mấy tấm màn tuyn cái hồng, cái xanh căng lên ở mấy góc làm nơi tạm trú cho các diễn viên và đạo diễn. Nhưng vào bên trong mới thấy muỗi đã tập kết từ bao giờ, như từ đất sinh ra. Mùi dầu tràm, mùi các loại hương liệu chống muỗi bay ngào ngạt cả không gian. Mấy cậu phụ trách âm thanh phải chui vào tấm màn xanh di động tranh thủ ăn cơm hộp mà một tay vẫn cầm vợt xua muỗi.

Phim có cảnh yêu đương giữa ông Võ (Dustin Nguyễn đóng) và cô gái điếm Sương (Hải Yến đóng) nhưng đạo diễn và các cộng sự chật vật không thể hài lòng với hình ảnh vì muỗi. Nếu để diễn viên diễn trong màn thì không đúng với chất "hoang dã" của bộ phim, dùng quạt mạnh xua muỗi sẽ gây tiếng động, dùng khói phủ sẽ làm mờ ống kính, còn phun thuốc diệt muỗi đậm đặc thì nét khó chịu chắc chắn sẽ hiện trên gương mặt diễn viên... Dưới mặt nước là khu tập kết của nhiều "sư đoàn" muỗi đói. Nó đeo, bám, áp sát, xông xáo, liều lĩnh, táo bạo, quyết liệt, ngoan cố dai dẳng và không ngừng được bổ sung, tiếp ứng".

Vì phim ghi tiếng trực tiếp nên ngay cả khi bị muỗi "mục kích" chui vào miệng, vào mũi, đoàn làm phim cũng không ai được kêu. Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình tâm sự: Để có được những cảnh quay ấn tượng, cả đoàn làm phim đã phải ngâm nước phèn, chịu muỗi đốt ngày qua ngày...

Khổ cực hơn… nông dân

Bối cảnh phim nằm ở nơi xa lắc xa lơ, lại mênh mang sông nước. Từ đầu tới cuối phim, câu chuyện chỉ tập trung vào cuộc đời lênh đênh của 4 nhân vật. Đời sống các nhân vật chủ yếu diễn ra trên chiếc thuyền nhỏ, với miên man cánh đồng và những đàn vịt đông đúc. Khổ cực hơn cả nông dân là cảm nhận chung của cả đoàn làm phim. Các diễn viên chính Dustin Nguyễn, Đỗ Hải Yến đã phải mất nhiều ngày tháng tập luyện cho quen với cảnh sông nước, phải học chèo thuyền, đi lại trên thuyền, lội bùn lầy, ngâm mình trong nước phèn...

Dustin Nguyễn tâm sự, để nhập vai ông Võ, anh đã phải chịu bầm dập nhiều ngày, chỉ để tập cho được cách chèo ghe, bắt cá, làm mộc, dựng nhà, lùa vịt... để hóa thân vào vai một người nông dân Nam Bộ thực sự.

Còn Đỗ Hải Yến thì ngay buổi đầu tập chèo thuyền đã bị ngã lộn. Vai cô gái điếm Sương của Yến cứ phải lội sình và giẫm gai, nhiều đến nỗi càng về những ngày cuối những vết thương trên người cô đã quá thật khiến cho nhân viên hóa trang của đoàn phim không cần phải "động tay" nhiều.

Các phương tiện kỹ thuật hiện đại phải dùng xà lan để chở vào phim trường. Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình vóc người vốn gầy nhỏ, gần như bị lút đi trong khung cảnh mênh mông của trời nước, của cánh đồng. Cũng lội bùn, giẫm gai, tất bật để chỉ đạo diễn xuất, vất vả hơn cả một người nông dân, anh kỹ lưỡng trong từng cảnh quay, từng góc máy để có được những thước phim ưng ý nhất.

Dưới những dàn đèn chiếu sáng công suất lớn, đoàn làm phim làm việc hàng ngày tới 2-3h sáng với một niềm say mê và hứng khởi hiếm có, dù rằng trông ai hình như cũng gầy và đen sạm đi. Không chỉ diễn viên, lội bùn là công việc quen thuộc với mọi thành viên của đoàn làm phim. Có thể nói rằng, đây là một trong những bộ phim vất vả nhất mà họ trải nghiệm trong cuộc đời.

Bộ phim "Cánh đồng bất tận" phải mất hàng năm nữa mới ra mắt khán giả, nhưng ngay sau khi kết thúc những cảnh quay cuối cùng, Nguyễn Phan Quang Bình đã thấy một "hình hài" rõ rệt đứa con tinh thần của mình. Về mặt hình ảnh, anh hoàn toàn yên tâm là mình đã lột tả được những vẻ đẹp độc đáo, ấn tượng nhất của vùng đất miền Tây Nam Bộ, đúng như không gian mà độc giả đã gặp trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư.

Để có cảnh cánh đồng lúa chín vàng, đoàn làm phim đã phải thuê trồng hàng chục ha lúa từ trước đó mấy tháng. Rồi đàn vịt hàng ngàn con đã được nuôi và huấn luyện từ trước cho quen với cảnh nhiều người và ánh đèn chiếu sáng. Nhưng Nguyễn Phan Quang Bình vẫn tiếc là "trong 100 phút của phim không thể khắc họa được nhiều hơn những cảnh sắc đẹp mê hồn của vùng đất phương Nam này".

Nói về các cộng sự, đạo diễn hoàn toàn hài lòng vì họ đã toàn tâm toàn ý và tâm huyết với bộ phim, đã làm việc thậm chí là quên mình, thậm chí phải chịu những hy sinh không nhỏ cho nghệ thuật. Anh mong muốn rằng "Cánh đồng bất tận" sẽ là một bộ phim không phải thương mại nhưng vẫn có khán giả.

So với truyện của Nguyễn Ngọc Tư, phim "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Phan Quang Bình sẽ có một kết thúc với những hình ảnh tươi sáng. Anh muốn bằng cách đó, "giải thoát" khán giả khỏi những ám ảnh mà tác phẩm văn học đã tạo ra. Đạo diễn cũng sẽ để cho đôi mắt các nhân vật của mình ở phần cuối phim trở nên nhẹ nhàng và thanh thoát hơn, với một không gian mở có pha chút buồn nhưng đẹp, như sự tìm về cái Thiện của những phận đời éo le, phiêu dạt trên sông nước...

Tác giả: Vũ Quỳnh Trang

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây