Guitar cho ta gồm 10 ca khúc của Lê Minh Sơn, trong đó có cả những sáng tác mới và cũ. Bên cạnh đó là 10 bản hòa tấu cho guitar mà Lê Minh Sơn sẽ biểu diễn cùng các ca sĩ Thanh Lam, Tùng Dương và Hà Linh.
* Mỗi lần xuất hiện, Lê Minh Sơn đều đãi đằng khán giả bằng những nhạc phẩm ấn tượng, Guitar cho ta lần này ngoài chuồn chuồn, châu chấu và kiến lửa, anh đãi khán giả món gì?
- Món Lê Minh Sơn.
* Là...?
- Nghiêm túc đấy, tôi thấy bây giờ có nhiều nhạc sĩ lắm, nhiều đến nỗi ra đường là gặp nhạc sĩ, trong đó có những người nửa nốt nhạc không biết nhưng vẫn cứ sáng tác như thường, thế nên muốn có khán giả phải trui rèn rất nhiều.
Nếu năm 2000, Lê Minh Sơn chỉ có Chuồn chuồn ớt và Bên bờ ao nhà mình rồi sống bằng ảo tưởng với ánh hào quang ấy thì không thể có một Lê Minh Sơn như bây giờ. Mười năm qua tôi vẫn học tập, làm việc để cho ra đời những sản phẩm âm nhạc đều đều với 11 live show, hơn chục CD. Đó chẳng phải đã tạo thành một “sản phẩm” mang tên Lê Minh Sơn hay sao?
* Và khán giả chẳng nên sốt ruột?
- Với nghệ thuật chẳng nên sốt ruột. Ca sĩ Thanh Lam được gọi là nữ hoàng nhạc nhẹ từ khi mới 19 tuổi. 20 năm qua cô ấy vẫn cống hiến hết mình cho nghệ thuật và không ngừng học hỏi để giữ được phong độ như ngày nay.
Ca sĩ Tùng Dương từ khi được khán giả biết đến cách đây bảy năm đã không dừng lại với những hào quang của mình mà tiếp tục thể nghiệm trong nhiều chương trình khác nhau, nên đến giờ cái tên Tùng Dương vẫn “hot”. Theo tôi, đó là những tài năng. Tuy nhiên nếu không biết chờ đợi để tài năng kịp chín thì chúng ta chẳng thể có được những gì tinh túy của nghệ thuật.
Những ai từng thưởng thức món sushi của người Nhật đều biết rằng nó rất ngon, thế nhưng để có được món ngon như thế phải trải qua nhiều năm và nhiều trải nghiệm để đúc rút những gì tinh túy nhất.
Ở Việt Nam cũng thế, chúng ta có nhiều món ngon, nhưng chúng ta không biết chăm chút để đạt được đến mức tinh túy. Ví dụ như món canh cá rô, để làm đúng cách thì cá rô phải được nướng rồi nấu canh chứ không phải luộc như bây giờ. Thế nên tôi sẽ chăm chút những sản phẩm của mình để khán giả được thưởng thức nhiều món ngon khác nhau từ vốn văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc.
* Sau live show, anh có làm đĩa của chương trình để những người không thể đến được Nhà hát lớn cũng có thể thưởng thức Lê Minh Sơn?
- Tôi không bao giờ làm đĩa như thế. Đơn giản là với đĩa, 10 lần nghe thì cả 10 lần đều giống nhau, nhưng trên sân khấu thì khác, lần này biểu diễn không thể giống lần trước. Tôi muốn dành chương trình cho những người thích nhìn Lê Minh Sơn chơi đàn, mỗi lần mỗi khác nhau. Và muốn xem Lê Minh Sơn biểu diễn, khán giả phải mua vé. Thế nên khán giả chính là nhà tài trợ cho mỗi chương trình và CD của Sơn.
* Chính vì lý do này mà Lê Minh Sơn đã từ chối doanh nghiệp tài trợ?
- Tôi không nhận tài trợ không phải vì kiêu căng, mà có lần tôi đã bỏ qua nửa tỉ đồng vì giữa tôi và người tài trợ không thống nhất. Âm nhạc của tôi không có quá nhiều người thích nên ai yêu quý thì thật đáng trân trọng, tôi không thể vì nửa tỉ đồng mà treo logo của họ lên phông sân khấu và để những máy quay phim của nhà tài trợ che hết tầm mắt của những người đã bỏ ra từ 300.000 đến 1 triệu đồng để nghe và xem chương trình.
Tôi biết ơn và yêu quý những khán giả ấy, họ đến thật sự vì yêu mến chứ không phải vì tấm vé mời của một nhà tài trợ nào đó rồi đứng lên giữa chương trình. Là nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp, tôi đo được lòng khán giả ngay trong lúc biểu diễn.
HOÀNG ĐIỆP thực hiện
Nguồn: Tuổi Trẻ
Ý kiến bạn đọc