Lầu hoang: Kịch ma “mẫu mực”

Thứ năm - 27/05/2010 16:56 2.379 0

Gia Bảo trong vai thầy Tám

Gia Bảo trong vai thầy Tám
Thêm một vở kịch ma cho sân khấu giải trí ở TP.HCM có lẽ là điều chẳng còn “hot”, vì hình như “ma” hay yếu tố ma quái đã hiện diện ở tất cả các sân khấu rồi, có nhiều vở còn làm ăn phát đạt. Tuy nhiên, dù ra đời muộn hơn, nhưng "Lầu hoang" (KB: Nguyễn Quốc, ĐD: Bùi Quốc Bảo) của Kịch Gia Định, đang sáng đèn tại sân khấu Thế giới trẻ (125 Cống Quỳnh, Q.1) lại có lối tiếp cận khác, khi họ cố gắng tạo dựng một kịch bản giải trí theo kiểu mẫu mực và phức tạp hơn.

Cảnh 1 của câu chuyện bắt đầu từ lúc bác sĩ Tuấn từ Pháp về Cần Thơ thăm gia đình người bác ruột, biết vợ thứ 3 của bác Thành treo cổ tự tử; sau đó thì cả gia đình, rồi thầy pháp sư, bác sĩ Tuấn đều gặp hồn ma của người này hiện về. Cảnh 2 là về huyết thống của đứa con mà người chết để lại, bác sĩ Tuấn xét nghiệm và tìm ra sự thật của cả câu chuyện rất phức tạp, nhiều nghi án. 

Trong cảnh 1, vốn dài hơn một chút, cả sân khấu chìm ngập vào không khí ma quái, nghẹt thở, cao điểm là lớp diễn của thầy pháp sư cúng trừ tà gặp ma phải đột tử. Người xem, qua cách xử lý âm thanh, bài trí sân khấu và ánh sáng rất hợp lý, đã bị thu hút hoàn toàn vào “cảnh giới” này. Xem xong cảnh 1, rất khó để nhận biết vở diễn sẽ đi theo hướng nào, ma quái hoàn toàn, hay ma chỉ là cái cớ. Rồi sự thật về cái chết của Thủy (vợ thứ 3 của ông Thành) là do ai giết, vì không khí ghen tị, thù hận, thủ đoạn... trong gia đình đã cho thấy ai cũng có động cơ giết người. 

Đạo diễn, cùng với sự chỉ đạo nghệ thuật của NSƯT Trần Ngọc Giàu, đã khai thác một số thủ pháp mang tính đồng hiện, nên cấu trúc sân khấu rất chặt chẽ. Chỉ tiếc một điều, do tư duy ma dành cho cảnh 1, người dành cho cảnh 2, nên vở kịch gần như bị chia làm đôi. Nếu cảnh 1 với không gian ma quái bao trùm là “nhân”, thì cảnh 2 với sự éo le, phức tạp của gia đình là “quả”. Gọi vở này là kịch ma cũng chỉ đúng một nửa, mà gọi là bi kịch gia đình, cũng chỉ đúng một nửa - sự hấp dẫn dành cho phần 1, sự bất ngờ dành cho phần 2. 

Cũng xin nói thêm, nếu chỉ xét về góc độ giải trí thông thường, so với vở Người vợ ma (ĐD: Thái Hòa) chẳng hạn, thì Lầu hoang quá phức tạp về kịch bản. Người vợ ma với kịch bản đơn tính, chỉ chú trọng vào cách nuôi dưỡng cảm xúc bằng âm thanh và ánh sáng, khiến người xem liên tục sợ ma từ đầu đến cuối - rất phù hợp với nhu cầu giải trí bình thường. Trong khi Lầu hoang chỉ “cho” khán giải trí ở phần 1, còn phần 2 thì buộc họ phải suy nghĩ, động não - có lẽ sẽ khó phù hợp với số đông khán giả chỉ chọn giải trí. 


Hai ông cháu ngoài đời là Bảo Quốc và Gia Bảo trong vở diễn

Thủ pháp “cái chết” bất ngờ

Tất cả những câu hỏi mà kịch bản đặt ra, kiểu như: Cái chết của Thủy có oan khiên gì khiến cho cô không siêu thoát mà cứ ám ảnh gia đình này? Thủy tự tử hay bị một kẻ trong bóng tối sát hại? Bà Hai, bà Ba... vì ganh ghét và ghen tức đã lén lút giết cô? Hay ông Thành vì bị cô Thủy luôn viện cớ từ chối, lạnh nhạt nên đã tức giận và lỡ tay giết người? Hay Công, đứa con trai lớn trong gia đình, có mối quan hệ mờ ám với mẹ kế...? Tất cả đều đã được giải quyết bằng “cái chết” bất ngờ ở cuối vở diễn, khi cái nút được mở ra làm sáng tỏ mọi việc. Đây là một thủ pháp khá cổ điển và mang tính trường lớp của vở diễn này. 

Tính mẫu mực của vở diễn còn thể hiện ở việc xây dựng các mối quan hệ phức tạp giữa các nhân vật chính với tuyến chính câu chuyện, khiến khán giả cứ liên tục mơ hồ và nghi ngờ về thủ phạm của vụ giết người và cả nguồn cơn ma quái, làm cho căn lầu bị bỏ hoang. Thế nhưng, nằm ngoài tất cả các dự đoán, thủ phạm chính của việc hiếp dâm, giết người và tạo ra ảo giác ma quái lại chính là Ba Lương (do NSƯT Bảo Quốc thủ vai), khi ông quản gia này đã nuôi mối hận trả thù từ nhiều chục năm trước. Từ đầu cho đến cuối vở diễn, người xem thấy Ba Lương là nhân vật ít có động cơ giết người nhất, vì ông là kẻ ăn người ở trong nhà, tính tình lại hiền lành, thâm trầm. Thế nhưng vì nuôi mối thù bị ông Thành cướp vợ (chính là bà Ba, do Phi Thanh Vân đóng) và đem ông vào rừng thủ tiêu, nhưng thoát chết, ông quay về trả thù.

Văn Bảy
Nguồn: TT&VH

Gặp tác giả tạo dựng nên cơn sốt “Lầu hoang”

Đã rất thành công với nhiều kịch bản được công diễn tại các sân khấu TPHCM với bút danh Nguyễn Quốc, nhưng cái tên Bùi Quốc Bảo được nhắc đến nhiều khi Lầu hoang - vở kịch ma do anh viết kịch bản và đạo diễn tạo nên cơn sốt vé.Anh là tác giả của nhiều kịch bản tâm lý, hài… nhưng đến khi bắt tay vào dựng kịch thì anh lại xuất hiện bằng một vở kịch ma. Lựa chọn này là vì  đường đi còn rộng hay vì sở thích riêng?

Sở trường sáng tác của tôi là thể loại hài, tâm lý… nên chọn thể loại kinh dị là một cách làm mới cảm xúc sáng tác của mình. Tôi cũng thích xem các phim, truyện kinh dị tâm lý nên cũng muốn thử nghiệm viết và dàn dựng thể loại này cũng là cách giải tỏa niềm đam mê của mình. Cuối cùng, trong xu thế bão hòa của các thể loại kịch thì chọn lựa thể loại kịch kinh dị cũng là cách tôi tiếp cận khán giả nhanh và đúng lúc hơn. 


Tác giả của "Lầu hoang" - vở diễn đang tạo nên cơn sốt vé tại TPHCM

Theo anh, dựng kịch ma thì khó nhất là gì? Phải chăng là hiệu ứng sân khấu?

Theo tôi, cái khó đầu tiên là truyền được nỗi sợ hãi đến với khán giả vì xem kịch kinh dị mà không sợ là thất bại. Có nhiều cách để làm, chẳng hạn như hiệu ứng sân khấu, cách kể chuyện, diễn xuất của diễn viên, thắt nút các sự kiện… Các yếu tố khác, tôi có thể kiểm soát nhưng hiệu ứng sân khấu với kỹ thuật hạn chế thì quả là một thách thức quá lớn đối với tôi. Cái khó thứ hai là một vở kịch kinh dị không chỉ là truyền nỗi sợ hãi mà còn gây xúc động bởi thông điệp và nội dung của vở diễn. Hai sứ mạng này phải cân đối và hài hòa với nhau để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật thật sự. Với tôi, công việc “mix” này là khó nhất. 

Lần đầu làm đạo diễn, điều gì khiến anh lo lắng nhất? Và áp lực nào là lớn nhất?

Tôi lo lắng nhất là sự non nghề của mình làm hỏng công sức của tập thể. Áp lực lớn nhất với tôi là chính bản thân tôi. Vì tôi ít khi nào hài lòng với những gì mình làm. Thậm chí có phần “khắc nghiệt” với những tác phẩm của mình.

“Lầu hoang” tạo được một hiệu ứng tốt với khán giả, ở vào thời điểm sân khấu đang bị bão hòa, hài kịch đã cạn kiệt mà kịch tâm lý không có những tác phẩm gây xúc động mạnh mẽ. Nhiều người cho rằng, “Lầu hoang” như một cô hoa hậu đoạt vương miện trong lúc các người đẹp khác đang mải mê… kiếm đại gia. Anh có buồn chăng?

Như đã nói, tôi luôn “khắc nghiệt” với tác phẩm của mình nên Lầu hoang với tôi còn nhiều thiếu sót lắm. Nhưng khả năng của tôi chỉ đến đó mà thôi. Khi nhà hát báo tin vở Lầu hoang liên tục “cháy vé”, tôi vui nhưng luôn tự biết mình nên không ảo tưởng cũng như không đánh giá thấp mình so với đồng nghiệp. Tôi khó tính với bản thân và cũng khó tính với sáng tạo của người khác. 


Một cảnh của vở Lầu hoang

Mô típ của “Lầu hoang” không phải quá mới. Theo anh, nó hấp dẫn khán giả từ những yếu tố nào?

Điểm mạnh đầu tiên của Lầu hoang là các yếu tố “hỉ nộ ái ố” được cân nhắc liều lượng vừa đủ đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả. Có diễn viên trong quá trình tập đã “phê bình” là: “Anh tham quá, muốn đưa đủ thứ vào vở diễn của mình”. Nhưng cuối cùng khán giả được no nê các cảm xúc: cười, khóc, sợ hãi, căng thẳng, hồi hộp…

Điểm mạnh thứ hai là cấu trúc của vở diễn, nội dung được hé mở từng phần và gây bất ngờ ở kết thúc khiến khán giả bị lôi cuốn và phải luôn luôn dự đoán. Điểm mạnh thứ ba là các diễn viên tên tuổi và tài năng như chú Bảo Quốc, cô Đàm Loan, diễn viên điện ảnh Huỳnh Anh Tuấn, Phi Thanh Vân, Khương Ngọc, Lê Phương, Gia Bảo, Phi Nga… đã khắc họa những nhân vật rất độc đáo. 

Anh có nghe được những phản hồi của khán giả sau những xuất diễn đầu tiên?

Hầu như phản hồi đều là khen kịch bản tốt, ít có lời khen đạo diễn khiến tôi cũng khá hụt hẫng. Nhưng trước sự đón nhận của khán giả, tôi tự an ủi, dù sao mình cũng không làm tệ một kịch bản tốt. 

Khi dựng vở diễn, anh có ưu tiên chọn người quen? Hay anh chọn diễn viên hợp vai? Với tình hình chạy show của diễn viên hiện nay, để có dàn diễn viên ưng ý, có phải là một thách thức?

Tôi ưu tiên chọn diễn viên hợp vai nhưng điều đó là một thách thức như anh đã nói trong câu hỏi. Các diễn viên sân khấu hiện nay đang bị phim truyền hình “bắt cóc”. 

Thế giới trẻ là sân khấu khá năng động, luôn ưu ái những đạo diễn mới và cả những nghệ sỹ độc lập. Theo anh, đó có phải là môi trường lý tưởng?

Câu hỏi của anh cũng chính là câu trả lời. Mảnh đất màu mỡ này đang cần những hạt mầm tốt và ngược lại. Tuy nhiên sân khấu này cần “đốt cháy” giai đoạn non trẻ để trở thành một sân khấu chuyên nghiệp như tâm huyết của ban quản lý sân khấu. 


Phi Thanh Vân và Huỳnh Anh Tuấn trong một cảnh của Lầu hoang

Anh có thể chia sẻ những dự định mới trong công việc?

Tôi đang chuẩn bị triển khai một vở kịch kinh dị thứ hai mang tên Điện Thoại Nửa Đêm. Tôi rất hứng thú với thể loại kịch kinh dị vì khi khai thác nỗi sợ hãi, tôi nhận ra đây là một mê cung cảm xúc rất thú vị. Bên cạnh đó, tôi và nhóm Chia Sẻ Tầm Nhìn đã biên kịch hai bộ phim truyền hình Mẹ chồng nàng dâu và Vũ điệu tình yêu đang bấm máy và trong giai đoạn hậu kỳ. Thời gian này, chúng tôi đang hoàn tất những tập cuối của bộ phim truyền hình tuổi teen Hoàng tử xấu trai để kịp bấm máy vào tháng 6. Nhóm Chia Sẻ Tầm Nhìn là tâm huyết của tôi trong ba năm để đào tạo được khoảng 10 tác giả trẻ gắn bó với tôi. Nếu thu xếp thời gian được, tôi sẽ thi vào khoa đạo diễn điện ảnh năm nay.

Dương Bình Nguyên
Nguồn: Dân Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây