Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ. Đờn ca tài tử là nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động. Đờn ca tài tử xuất hiện hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm 4 loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và độc huyền cầm (gọi là tứ tuyệt), sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm. Những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau. Họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục.
Những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nên các nhóm nhạc tài tử hợp lại với nhau thành các câu lạc bộ đờn ca tài tử mang tính bán chuyên nghiệp. Các nhà quản lý mong muốn, việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Đờn ca tài tử là văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ góp phần bảo vệ di sản văn hóa dân tộc ở tầm quốc tế, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng để giữ gìn và phát huy giá trị di sản, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước, thu hút khách du lịch góp phần tăng trưởng kinh tế.
Tính cho tới thời điểm này, nước ta đã có 4 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới gồm Nhã nhạc - Nhạc cung đình triều Nguyễn, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù. Hiện nay, hồ sơ Hội Gióng và hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ đang được UNESCO nghiên cứu thẩm định để vinh danh trong năm 2010 và năm 2011.
Tác giả: Mai An
Nguồn tin: SGGP
Ý kiến bạn đọc