Cũng nhân dịp này, Công ty sách Phương Nam giới thiệu Hồi ký Trần Văn Khê (2 tập, tái bản). Đặc biệt, sẽ có buổi gặp gỡ thân mật chúc mừng thượng thọ GS.TS Trần Văn Khê lúc 19 giờ tại Café sách Phương Nam (3 Nguyễn Oanh, Gò Vấp, TP.HCM).
Đầu những năm 1940, có 3 chàng sinh viên quê gốc Nam Bộ ra Hà Nội “du học”. Họ thuê chung một căn gác trọ ở phố Thể Dục cũ, đó là: Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ và Quách Vĩnh Chương. Nhà trọ của Trần Văn Khê cũng ở gần đó. Chiều ngày Tết tây (1.1.1943), Trần Văn Khê khăn áo chỉnh tề tới thăm và có ý mời ba anh bạn thân ra hiệu ăn bữa cơm đầu năm. Trời cuối đông ở Hà Nội vẫn còn lạnh buốt. Ba anh bạn vẫn còn nằm trùm chăn bông... Bỗng có tiếng gõ cửa, những người bạn nhờ Khê ra xem ai đến (vì chàng đang ăn mặc đàng hoàng). Cửa mở, Khê “tá hỏa tam tinh” khi trước mặt mình là một thiếu nữ yêu kiều diễm lệ: áo dài nhung đen, choàng “cape” trắng, tay đeo găng trắng, chân giày “mule” đen, vớ trắng. Tóc mai mấy sợi uốn cong trên má đào mơn mởn, miệng cười như hoa chớm nở... “Thưa cô, cô tìm ai?”. “Thưa, tôi đến tìm ông Lưu Hữu Phước ạ”. “Ông Phước đang bận, cô chịu phiền đợi một tí”. Khê trở vào thông báo cho các bạn biết là có “tiên giáng trần” muốn tìm anh Phước, mình sẽ ra cửa nói chuyện “câu giờ” để anh em mau thay quần áo, nghênh đón “tiên”.
Khi thiếu nữ vào trong nhà, nàng nghiêng đầu chào mọi người và nói lý do nàng đến đây: “Trường nữ Trung học Đồng Khánh chúng tôi định diễn Tục lụy của Khái Hưng mà ông Thế Lữ đã chuyển thành kịch thơ. Song ông Thế Lữ bảo nếu cứ ngâm thơ từ đầu chí cuối thì khán giả sẽ ngán. Ông bảo chúng tôi nên tìm ông Lưu Hữu Phước để nhờ ông phổ vài bài thơ trong vở kịch để vở kịch có hát, có ngâm... Tên tôi là Minh Nguyệt, thay mặt các nữ sinh trong ban kịch đến xin ông Lưu Hữu Phước giúp đỡ”. Nàng để tập kịch bản thơ Tục lụy lên bàn và nhìn Lưu Hữu Phước với nụ cười tươi như hoa nở: “Biết là làm phiền, nhưng ông Thế Lữ và cả chúng tôi đều nghĩ rằng ngoài ông ra không ai có thể làm được việc này. Ông cố lên một tí, ông nhé!”.
Chính vì câu nói thiết tha “ông cố lên một tí, ông nhé!” mà Lưu Hữu Phước bỏ cả ăn uống “đánh vật” với các bài thơ trong Tục lụy bằng cây đàn mandoline. Ba hôm sau, Minh Nguyệt trở lại thì đã có hơn mười bài thơ đã phổ nhạc. Nàng mừng rỡ: “Thế là mau hơn chúng tôi mong đợi. Ông Thế Lữ lại đưa thêm bài Khúc Nghê thường ông ấy mới làm xong. Đây là bài thơ mở đầu cho các nàng tiên vừa múa vừa hát”. Lưu Hữu Phước cầm lấy bài thơ, nhẩm đọc: “Phiêu phiêu gió reo trên ngàn/Trong veo suối hoa mơ màng/Gió êm đềm cuốn bay/Suối soi đường áng mây/Gió bay/Suối mây/Ca cầm say/Tưng bừng thay/Đời hoa chim gió/Đời hoa chim gió!”. Khi Minh Nguyệt vừa xuống cầu thang, chưa tới được chiếc xe tay đang chờ bên kia đường thì Lưu Hữu Phước đã phổ nhạc xong bài thơ và hát cho Trần Văn Khê nghe. Một kỷ lục về thời gian phổ nhạc!
Sau đó bà Hiệu trưởng trường Đồng Khánh tên là Brachet cấp giấy phép cho Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê và Quách Vĩnh Chương vào khu nội trú của trường để tập hát cho các nữ sinh trong ban kịch, họ gồm: Nguyễn Thị Dung (vai Nhã Tiên), Minh Nguyệt (vai Diễm Tiên), Minh Châu (vai Thi Tiên), Ngọc Dung (vai tiều phu), Lê Kim Xuyến (vai người đi săn)... Sau nhiều buổi tập, một hôm Trần Văn Khê tâm tình với bạn: “Phước có thấy cô Minh Nguyệt hay trêu Phước không?”. “Không, cô ấy vui tính, lúc nào miệng cũng cười. Chính vì nụ cười đó mà mình không thể từ chối việc phổ nhạc cả vở kịch. Và cũng nhờ nụ cười duyên dáng ấy mà mình sáng tác Khúc Nghê thường và những bài hát khác rất nhanh”.
Một hôm khác, nhân lúc bàn luận về các cô tiên, Trần Văn Khê khen Minh Nguyệt có duyên, vui tính lại múa rất khéo. Lưu Hữu Phước khẽ bảo: “Khê có biết rằng Minh Nguyệt đã đính hôn rồi không?”. “Ô. Cô ấy còn quá trẻ mà đã đính hôn rồi ư? Mà đính hôn thì có sao đâu, mình vẫn cứ tự nhiên như thường”. “ Không, cô ấy đã đính hôn thì mình phải nghiêm chỉnh với cô ấy hơn trước”. Đúng là Ông thần Lương Tâm! (Mai Văn Bộ và Trần Văn Khê thường trêu Lưu Hữu Phước là “ông thần Lương Tâm”).
Buổi diễn vở ca kịch Tục lụy vào ngày 23.1.1943. Vậy là từ ngày Lưu Hữu Phước bắt đầu phổ nhạc cho đến hôm diễn chỉ có ba tuần. Buổi diễn rất thành công nhưng khi bức màn nhung khép lại cũng là lúc những chàng trai không còn dịp nào nữa để ngắm nhìn các nàng tiên nói cười, lượn lờ...
Hè 1943, Lưu Hữu Phước và Trần Văn Khê trở về vùng Hậu Giang (miền Nam). Rồi Lưu Hữu Phước vào vùng kháng chiến, tập kết ra Bắc. Sau ngày 30.4.1975 ông mới trở lại Sài Gòn trong cương vị Bộ trưởng Văn hóa trong Chính phủ Cách mạng lâm thời. Trần Văn Khê từ Hậu Giang lên Sài Gòn rồi sang Pháp, đến năm 1976 mới về nước do Trung tâm Khoa học Pháp cử về theo lời mời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam để gặp gỡ, ghi âm về hát chèo, ca trù, quan họ... làm tài liệu và đĩa hát cho UNESCO. Đôi bạn “tri âm, tri kỷ” gặp lại nhau nhưng chỉ chú tâm đến việc sưu tầm tư liệu về âm nhạc dân tộc. Mãi đến năm 1978, Lưu Hữu Phước mới “sực nhớ”: “Mình có gặp Nhã Tiên, hiện nay là phu nhân của nhạc sĩ Hùng Lân. Mình cũng có gặp Diễm Tiên, gia đình cô này sống ở miền Nam từ chế độ trước nhưng nay đã định cư ở Canada. Khi nào Khê có dịp đi Canada thì nhớ tìm nàng và cho mình gửi lời hỏi thăm nhé”.
Tuy nhiên, dù sau đó Trần Văn Khê đã có khá nhiều dịp đến Canada nhưng “Tuyệt mù đã lạc dấu Tiên/Mênh mông đáy biển mò kim dại khờ”... Mãi đến đầu tháng 3.1996 (lúc này nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã mất từ năm 1989) Trần Văn Khê mới phát hiện được dấu tích của... “tiên” qua một người vốn là nữ sinh Đồng Khánh (Hà Nội), trong giai đoạn các chàng trai đến trường dạy múa hát. Bà này cho biết “Dung - Nhã Tiên đang ở Sài Gòn, Minh Châu - Thi Tiên đang sống ở Paris (Pháp), Minh Nguyệt - Diễm Tiên và Ngọc Dung - tiều phu ở Montréal (Canada) còn Xuyến - thợ săn đang ở Hà Nội”, bà còn cho Trần Văn Khê số của Minh Nguyệt.
Bốn tháng sau, Trần Văn Khê mới gặp lại Diễm Tiên - Minh Nguyệt trên đất Canada. “Tiên” đã ngoài bảy mươi mà mái tóc vẫn đen, vẫn thon thả, nhanh nhẹn, nước da vẫn trắng hồng và nụ cười vẫn luôn nở trên môi. Minh Nguyệt giở album ảnh kỷ niệm thời học ở Đồng Khánh, trong đó có bản nhạc Khúc Nghê thường do Lưu Hữu Phước chép tay rất đẹp, có câu đề tặng: Để kỷ niệm ngày 18 tháng Chạp năm Nhâm Thìn là ngày nàng Diễm Tiên xuống trần. Khuya ngày 12 tháng 4 năm Quý Tỵ - L.H.P”. Trần Văn Khê giải thích lời đề tặng của bạn mình (không ghi ngày Tết tây - lần gặp đầu tiên) như vậy là rất có cảm tình với Minh Nguyệt. Bà cũng thú thực: “Nếu như lúc đó các anh ngỏ ý chắc chắn chúng tôi đã nhận lời nhưng sao thấy các anh đạo mạo xa cách quá!”. “Chúng tôi phải nghiêm trang vì anh Phước bảo Minh Nguyệt đã đính hôn rồi!”. “Ối giời ơi! Có đính hôn gì đâu! Ông Th. thích mình nên bịa ra để “chặn đường” các anh đấy!”.
Cuộc tái ngộ sau 54 năm có quá nhiều hoài niệm...
Hà Đình Nguyên
(giới thiệu)
Nguồn: Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc