Chuyện của một đứa con “trót” có người cha nổi tiếng
Nếu có ai từng có cơ hội xem album ảnh của Dũng “khùng” từ bé đến giờ sẽ không khỏi bật cười về vẻ ngoài đã thay đổi đáng kể của anh. Vẫn nét mặt ấy, nụ cười đó, nhưng một Dũng “khùng” có vẻ hơi “tròn trĩnh” ngày hôm nay khác hoàn toàn với cậu bé Nguyễn Quang Dũng gày gò, nhỏ thó ngày xưa, và mái tóc dài lùm xùm, rập rạp chục năm về trước cũng khác xa cái đầu đinh đã làm lên thương hiệu Dũng “khùng” bây giờ. Vẻ ngoài của Dũng “khùng” đã thay đổi rất nhiều theo năm tháng, nhưng sự thông minh, cá tính, thậm chí “quái” tính trong con người Nguyễn Quang Dũng thì không hề thay đổi.
Khoảng 10 năm trước khi gặp Dũng “khùng”, người ta sẽ nói anh là con trai của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Bây giờ sự việc có thay đổi hơn một chút. Bây giờ họ nói Nguyễn Quang Sáng là bố của Đạo diễn Dũng “khùng”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng không bao giờ lấy làm buồn về điều đó, trái lại, ông hết sức tự hào về cậu con trai tài hoa, nổi loạn và “không giống ai” của mình.
Nguyễn Quang Dũng sinh năm 1978, là người con trai thứ hai của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Khác với người anh trai lớn hiền lành, học giỏi và theo đuổi ngành kiến trúc, Nguyễn Quang Dũng có cái chất nghệ sỹ của cha nên từ nhỏ đã có cái “ngất ngư” rất nghệ sĩ. Ngày bé, Nguyễn Quang Dũng học không giỏi, nếu không muốn nói là hơi kém. Suốt từ cấp 1 đến cấp 3, năm nào anh cũng chỉ xếp loại Trung bình, chỉ vừa đủ điểm để lên lớp. Một trong những môn học mà Nguyễn Quang Dũng học kém nhất lại chính là môn văn, vì anh thường xuyên viết sai chính tả nên thường xuyên bị điểm kém. Có lẽ với Dũng “khùng”, việc làm một bộ phim hay còn dễ hơn rất nhiều so với việc làm một bài văn để qua ngưỡng điểm 5. Học kém Văn là thế, nên cứ thỉnh thoảng, các cô giáo ở trường lại gọi nhà văn Nguyễn Quang Sáng lên “phê bình” cậu con trai Nguyễn Quang Dũng của ông, rằng “Bố là nhà văn mà sao con trai lại học dốt văn thế?”. Điều đó chưa bao giờ khiến Nguyễn Quang Sáng cảm thấy phiền hà, bực bội. Bởi Nguyễn Quang Sáng vẫn luôn nổi tiếng là một người bố tâm lý, cho phép con cái phát triển một cách tự do, theo những thiên hướng mà chúng có. Chính vì vậy, có lần, để chặn đứng việc cô giáo thường xuyên phê phán con trai mình học kém môn Văn, Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã nổi cáu với cô giáo của con trai và nói “Tại sao bố là nhà văn thì con lại không thể dốt văn”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng tâm sự, chỉ có duy nhất một lần ông tìm cách kìm hãm thiên hướng của cậu con trai, đó là khi ông thấy con trai lần lượt phổ nhạc hết thơ của Văn Cao đến Hàn Mạc Tử. Sợ cậu con trai 16 tuổi đầu của mình không thể cảm nhận được hết ý tứ trong đó, nên ông ngăn lại. Nhưng sau này ông lại thấy ân hận vì điều đó vì ông cho rằng, mình đã không cho con làm những điều nó thích,vào cái tuổi mà đáng lẽ ra hoàn toàn có quyền làm như thế.
Có cha là một nhà văn nổi tiếng, nên ngay từ nhỏ, Dũng “khùng” đã có cơ hội được tiếp xúc với những nhân vật nổi tiếng trong giới văn chương và nhiều lĩnh vực khác. Tất cả họ đều là những người bạn thân của Nguyễn Quang Sáng, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Văn Cao…Thêm vào đó, khi Nguyễn Quang Dũng còn nhỏ, mẹ anh thường xuyên bị đau yếu, nên 4 tuổi, Dũng “khùng” đã được bố đưa đi chơi khắp đây đó, du ngoạn nhiều nơi, ra vào những chỗ sang trọng cho đến những chỗ bình dân, gặp gỡ từ những nghệ sĩ nổi tiếng đến những con người rất đỗi bình thường ngoài xã hội. Có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc với những con người rất đỗi tài hoa từ khi còn bé, nên sẽ là không nói ngoa nếu nhận định rằng cá tính và cách suy nghĩ của Dũng “khùng” bị ảnh hưởng nhiều từ những người bạn tài hoa của bố.
Trước khi Nguyễn Quang Dũng trở thành một đạo diễn tài hoa, nổi tiếng và chết danh với cái tên Dũng “khùng”, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã từng tưởng rằng con trai mình sẽ thành một nhà thơ, hoặc một nhạc sĩ. Bởi ngay từ bé, Nguyễn Quang Dũng đã có những bài thơ đăng báo, thậm chí đã có một lần, khi còn rất nhỏ, Nguyễn Quang Dũng đã được vinh hạnh trở thành đồng tác giả với nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn trong nhạc phẩm Mẹ vắng nhà.
Câu chuyện trở thành đồng tác giả với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của Dũng “khùng” đến bây giờ vẫn là một giai thoại vui trong gia đình anh. Chuyện là ngày nhỏ, Dũng “khùng” thường thích nghêu ngao ca hát những bài anh tự nghĩ ra, tùy vào từng hoàn cảnh lúc đó. Một lần nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến nhà chơi, nghe cậu bé Nguyễn Quang Dũng vừa nô đùa, nghịch ngợm vừa hát vang: “Mẹ vắng nhà, em sang chơi nhà bạn í a. Em cầm cây đàn em hát, hát cho mẹ về với em…”. Thích thú bởi lời bái hát dễ thương, Trịnh Công Sơn đã chép lại rồi mang về phổ nhạc bài hát. Sau này, bài hát đó trở nên phổ biến, được nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam yêu thích. Còn cậu bé Nguyễn Quang Dũng cũng có những đồng tiền nhuận bút đầu tiên của đời mình, và hơn cả là quyền đồng sáng tác với Trịnh Công Sơn, điều mà không phải bất cứ nhạc sĩ nào hay nhà thơ danh tiếng nào cũng có thể làm được.
Kì vọng vào khả năng âm nhạc của con trai, nên đã có lúc, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã nghĩ rằng khi lớn lên, con trai ông sẽ trở thành nhạc sĩ. Chính vì vậy, dù khi đó, giống như nhiều văn nghệ sĩ khác, cuộc sống kinh tế còn rất thiếu thốn, khó khăn, nhưng ông đã bắt vợ đưa con đi học xướng âm, rồi mời cô giáo về dạy chơi piano tại nhà cho cậu con trai cưng của mình. Nhưng số phận có lẽ đã định cho Nguyễn Quang Dũng con đường để trở thành một đạo diễn, chứ không phải là một nhạc sĩ, nên dù được bố mẹ đầu tư rất nhiều, Nguyễn Quang Dũng cũng đành “ngậm ngùi” khiêm tốn thừa nhận rằng, anh là một “nhạc sĩ” không thành công trong “sự nghiệp âm nhạc” của mình. Ngày bé, đi học xướng âm, do nói ngọng nên Dũng “khùng” không bao giờ hoàn thành phần xướng âm của mình. Anh cũng thỉnh thoảng sáng tác nhạc cho một vài bộ phim. Nhưng những bài hát đó đều không gây được tiếng vang đáng kể. Đó chính là lúc, tự Dũng “khùng” nhận thức được rằng, mình sinh ra không phải trở thành một nhạc sĩ.
Trong những bài phỏng vấn trên báo chí, người ta vẫn thấy nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhắc về cậu con trai nổi tiếng của mình với niềm tự hào không cần dấu diếm. Người ta bảo con trai ông khác người. Ông nói, khác người mới hay. Người ta nói Nguyễn Quang Dũng ngông và hay gây sốc, Nguyễn Quang Sáng cho rằng đó là sự tự tin và bản lĩnh của một người dám nói những gì mình nghĩ. Sự thẳng thắn của Nguyễn Quang Sáng chính là lí do khiến nhiều người xì xào rằng anh ngông và thiếu khiêm tốn, bởi anh sẵn sàng đứng với báo chí và dám ca ngợi cũng như đảm bảo chắc chắn rằng bộ phim của mình sẽ hút khách. Ngay cả khi điều đó trở thành sự thật, biết rằng Dũng “khùng” nói không ngoa, thì người ta vẫn không thể quên đi được cái mặc cảm rằng Dũng “khùng” là một gã thiếu khiêm tốn.
Hai bố con Nguyễn Quang Sáng – Nguyễn Quang Dũng rất gắn bó với nhau. Ngày bé, vì vợ thường đau yếu liên tục, nên Nguyễn Quang Sáng thường dẫn con đi theo khắp nơi, giao du với bạn bè ông. Buổi tối về, hai bố con lại ngủ chung giường, trò chuyện đủ thứ. Sau này khi lớn lên, Dũng “khùng” vẫn coi bố vừa như một người cha đáng kính, vừa như một người bạn để anh có thể tin tưởng và giãi bày tâm sự những lúc khó khăn. Hai cha con cũng có thể cùng nhau trò chuyện cả ngày về nghệ thuật, về văn chương, nhạc họa, thơ phú mà khôngbao giờ thấy chán.
Khâm phục bố và thừa hưởng nhiều nét tính cách của bố, nên việc Nguyễn Quang Dũng yêu mến và thần tượng bố mình là điều không có gì khó lí giải. Chính người cha nổi tiếng là người đã dạy cho Nguyễn Quang Dũng trở thành một người dám nghĩ, dám làm, dám nói những điều mình thích, mình cho là đúng, mà không sợ điều đó có gây sốc hay gây dị ứng cho một ai đó hay không.
Khác với bố, mẹ tuy không có ảnh hưởng nhiều đến tính cách của Nguyễn Quang Dũng nhưng lại là người anh yêu thương và trân trọng nhất. Hai mẹ con khôn gbao giờ có thể trò chuyện, bàn luận về nghệ thuật, nhưng đổi lại, mẹ là người luôn biết anh thích gì, luôn nấu cho anh những món ăn ngon hợp khẩu vị anh, luôn ngóng đợi anh mỗi khi anh về muộn. Bất cứ đi đâu, làm gì, dù chẳng thiếu những lần ra vào nơi xa hoa, đắt tiền, ngôi nhà và người mẹ hiền vẫn luôn là tổ ấm của Nguyễn Quang Dũng, là nơi luôn cho anh cảm giác bình yên trước sóng gió cuộc đời, nơi anh luôn muốn trở về mỗi khi có cơ hội.
Trở thành đạo diễn: Con đường của sự tình cờ và định mệnh
Thấy cậu con trai của mình không định hướng rõ ràng, nên nhà văn Nguyễn Quang Sáng, dù nổi tiếng là một ông bố rất tâm lý và tôn trọng con, cũng đã có lần phải thốt lên: “Con có vẻ thiếu định hướng quá. Sau này con dự định sẽ làm gì?”. Khi đó, nhân lúc thấy tivi đang chiếu bộ phim Cánh đồng hoang do chính ba mình viết ra, Nguyễn Quang Dũng đánh liều trả lời: “Con sẽ làm đạo diễn. Bố viết kịch bản, còn con sẽ làm phim”. Câu trả lời mang tính đối phó của Dũng “khùng” không ngờ lại mở ra con đường định mệnh của cuộc đời anh. Năm Nguyễn Quang Dũng 18 tuổi, chuẩn bị tốt nghiệp cấp III, nhà văn Nguyễn Quang Sáng lại một lần nữa hỏi con trai: “Ý định trở thành đạo diễn của con thế nào rồi?”. Nhớ lại câu nói với bố trước đây, Nguyễn Quang Dũng tặc lưỡi và thi vào Khoa Đạo diễn của trường Sân khấu điện ảnh, trở thành sinh viên trẻ nhất của khóa Đạo diễn năm đó. Ngày ấy, để đặt chân vào Khoa Đạo diễn là một điều không hề dễ dàng, nhất là với một “kẻ ngoại đạo” như Dũng “khùng” – khi đó mới 18 tuổi, hoàn toàn không có khái niệm gì về nghề đạo diễn. Trong lúc tất cả những thí sinh đăng kí dự thi vào khoa Đạo diễn đều phải làm tiểu phẩm và diễn xuất thì Dũng “khùng” lại xách cây đàn lên và nghêu ngao hát. Chính vì thế, khi anh đậu vào lớp Đạo diễn và trở thành người trẻ tuổi nhất trong lớp, nhiều người ác miệng đã bàn ra tán vào, xì xào “nó vào được là nhớ cái bóng của người cha nổi tiếng”.
Chính bản thân Dũng “khùng” khi đó cũng không hề tự tin vào khả năng của mình, anh cũng nghĩ mình vào đây là nhờ “dựa hơi” bố, nhờ sự nhờ cậy của bố với bạn bè trong trường Sân khấu điện ảnh.
Không nhiều người đánh giá cao Nguyễn Quang Dũng thời điểm đó. Họ thậm chí còn không dám tin sau khi ra trường, Nguyễn Quang Dũng sẽ có cơ hội dù chỉ một lần trở thành đạo diễn phim. Ý thức được điều đó, và không muốn làm mất danh dự của bố, nên suốt mấy năm học, trong lúc các thành viên khác của lớp Đạo diễn đua nhau nghỉ học, thì Nguyễn Quang Dũng lại đi học cần mẫn, đầy đủ và cố gắng trau dồi mình. Anh tốt nghiệp khoa đạo diễn với tấm bằng đỏ và may mắn có được bộ phim đầu tay của TFS. Điều thú vị là bộ phim Con gà trống – bộ phim đầu tay của Nguyễn Quang Dũng lại do chính cha anh – nhà văn Nguyễn Quang Sáng là người viết kịch bản. Khi đó nhiều đạo diễn đã chùn tay vì cho rằng đây là một kịch bản khó. Nhưng ở tuổi ngoài 20, còn “ngựa non háu đá” và không biết sợ là gì, Nguyễn Quang Dũng đã xung phong nhận đạo diễn bộ phim đó và cuối cùng được ban giám đốc hãng phim TFS phê duyệt.
Nguyễn Quang Dũng tâm sự, trước khi làm bộ phim Con gà trống, anh nghĩ ra đủ ý tưởng để bộ phim mình làm có hiệu ứng tốt nhất. Nhưng để làm được điều đó, đỏi hỏi phải có một kinh phí lớn hơn rất nhiều so với kinh phí mà hãng phim cấp cho bộ phim. Thắc mắc, kiến nghị để xin thêm kinh phí không xong, khi đó Nguyễn Quang Dũng đã định từ bỏ cơ hội có bộ phim đầu tay của mình. Nhưng ngày hôm sau, sau khi tỉnh táo lại, nghe lời khuyên của các bậc cha chú, anh đã dẹp bớt cái tôi cá nhân của mình và ngộ ra một điều: Trước khi muốn làm đạo diễn giỏi và có được những gì mình muốn, mình yêu cầu, anh trước hết phải trở thành một đạo diễn.
Bộ phim Con gà trống không thành công như Nguyễn Quang Dũng mong đợi. Với một chàng đạo diễn nhiều cái tôi như anh, đó là sự thật bại. Nhưng sự thất bại đó hoàn toàn lý giải được, bởi công bằng mà nói, bộ phim đó vượt tầm khả năng của Dũng “khùng” thời điểm đó – một chàng thanh niên chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Cũng bởi bộ phim đó, Dũng “khùng” đã không có cơ hội được làm những điều mình muốn bởi những eo hẹp tài chính. Nhưng sau bộ phim đó, Dũng “khùng” đã học được nhiều điều, đã ý thức được điểm yếu, điểm mạnh của mình. Chính vì thế, mà ở những bộ phim sau này do anh làm đạo diễn, người ta thấy Nguyễn Quang Dũng không làm phim bằng những kịch bản do người khác viết nữa, dù người đó là bố anh hay bất cứ ai khác. Bây giờ anh làm những thứ do chính anh nghĩ ra, vì đó là những thứ anh thực sự hiểu và biết nên làm thế nào là tốt nhất. Những bộ phim do Dũng “khùng” làm từ Hồn Trương Ba, da hàng thịt đến Nụ hôn thần chết rồi Những nụ hôn rực rỡ đều mang tính giải trí cao và được khán giả yêu thích. Doanh thu của những bộ phim này cũng đều hết sức ấn tượng. Tuy còn nhiều lời khen chê từ các nhà phê bình điện ảnh, nhưng không ai có thể phủ nhận Nguyễn Quang Dũng là đạo diễn trẻ thành công nhất cho đến thời điểm này. Và điều quan trọng là anh luôn tự hào và hãnh diện với những gì mình làm được, bất chấp những lời ong tiếng ve phê phán những gì anh làm là “thừa giải trí, thiếu nghệ thuật”.
Bố anh – nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã dạy anh một điều cơ bản: Khi muốn kể một câu chuyện nào đó thì mình phải tin vào nó trước đã. Chính vì thế, Nguyễn Quang Dũng luôn tin vào những câu chuyện của mình, yêu thích nó, trước khi anh chuyển nó thành những thước phim cho khán giả màn ảnh rộng. Trong khi nhà văn Nguyễn Quang Sáng lấy thực tế mà ông quan sát được để làm chất liệu cho tác phẩm của mình, thì Nguyễn Quang Dũng lại lấy cảm hứng cho những bộ phim của anh từ những điều không tưởng. Nhân vật trong phim của Nguyễn Quang Dũng có thể là người trên thiên đường hay dưới âm phủ, là thiêu sứ hay là thần chết, nhân vật của anh cũng luôn làm được những điều kì diệu vượt ra ngoài khả năng của họ. Xem phim của Nguyễn Quang Dũng, khán giả có thể có những trận cười thoải mái với những tình huống dí dỏm và hài hước một cách nhẹ nhàng, giải tỏa bớt những căng thẳng của cuộc sống vốn đã quá bộn bề.
Những cá tính làm nên thương hiệu Dũng “khùng”
Đến giờ phút này, không ai có thể phủ nhận tài năng của Nguyễn Quang Dũng, người luôn đảm bảo sự thành công cho những phim mình tham gia. Nhưng người hâm mộ yêu mến anh, đồng nghiệp yêu mến anh, phụ nữ ngưỡng mộ anh không chỉ đơn giản bởi những lí do đó, mà còn nhiều hơn thế. Dũng “khùng” đại diện cho một lớp thanh niên thời đại dám nghĩ, dám nói, dám làm những điều mình thích, chơi hết mình và làm việc cũng hết mình, thích được khẳng định mình, được tôn vinh, được bước lên đỉnh vinh quang nhưng cũng không dễ ngủ quên trong sự hào nhoáng; Thích kiếm tiền nhưng không bao giờ trở thành nô lệ của đồng tiền. Dũng “khùng” duyên dáng, thông minh và hấp dẫn, một anh đạo diễn “khùng” nhưng vô cùng tỉnh táo, luôn biết tránh những “cái bẫy” mà truyền thông, dư luận cũng như mặt trái nghè nghiệp giăng ra cho mình.
Người ta có thể bắt gặp một Dũng “khùng” ở tại những khách sạn 5 sao đắt tiền nhất, ăn ở những nơi sang trọng nhất, nhưng không bao giờ bị những thứ xa xỉ đó ám ảnh, biến mình thành một kẻ tự phụ, hợm hĩnh. Là người không bao giờ thích những thứ nửa vời, mờ mờ ảo ảo, chấp chới giữa dòng, nên tóc Dũng “khùng” hoặc thật dài, hoặc thật ngắn. Phim của Dũng “khùng” hoặc bị chê tơi tả, hoặc được ca ngợi đến ngất trời. Cũng đừng có ai ngạc nhiên khi thấy Dũng “khùng” làm những việc mà người khác không dám làm hoặc không bao giờ nghĩ ra để mà làm.
Tài giỏi, thông minh, cá tính, nên tuy chưa hẳn xếp vào hàng đại gia dù Dũng “khùng” cũng kiếm được khá nhiều tiền, nhưng Dũng “khùng” vẫn khiến nhiều chân dài mê mẩn, ngưỡng mộ. Chính vì thế, không ngạc nhiên khi mà những mối tình của Nguyễn Quang Dũng cho đến thời điểm này đều là những chân dài xinh đẹp, cá tính và không ít tài năng… và cao hơn anh ít nhất 5cm, như anh vẫn từng tuyên bố trong những lần trả lời phỏng vấn rất “tưng hửng” của mình. Anh có thể thừa nhận một cách thẳng thắn: Vâng, tôi đang yêu. Nhưng đừng bao giờ hy vọng Dũng “khùng” sẽ lên báo chí chỉ đích danh tôi đang yêu cô này hay cô kia. Nếu có lời đồn đại anh với một chân dài xinh đẹp nào đó, anh sẽ hết lời khen ngợi cô gái đó, và dù lời đồn có đúng sự thật, anh chỉ cũng lấp lửng, ỡm ờ, để thiên hạ tha hồ mà đồn đoán, tha hồ mà tò mò, tha hồ mất thời gian thắc mắc xem tay này là người như thế nào. Để Dũng “khùng” còn có cơ hội lên báo để trả lời những câu hỏi về tin đồn trong bài báo tiếp theo. Đó chính là Dũng “khùng” – một trong những thương hiệu đạo diễn trẻ “có giá” nhất của Điện ảnh Việt hiện nay.
Ý kiến bạn đọc