"Cho em xin lỗi chị Võ Thị Sáu"

Thứ hai - 24/08/2009 13:18 2.537 0

MC chỉ đẹp thôi không đủ

MC chỉ đẹp thôi không đủ
"Vì sao? Vì đồng hồ báo gần hết giờ quy định rồi mà em vẫn không thể nghĩ ra một lời nào nữa về chị". Cô bé giải thích một cách thật thà, tội nghiệp: “Do em bản lĩnh kém”. Đó là tình huống và lời xin lỗi có thật của thí sinh T. - vòng chung kết 4 cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình 2009 của Đài truyền hình TP.HCM.

Nhưng để tôi nói thế này coi đúng không, do em học thuộc lòng nên lúc “trả bài”, không phải trước cô giáo mà là trước hàng triệu người, quên một chữ là quên hết cả dãy đằng sau. Khi tiếng đồng hồ đếm lùi cứ như tiếng búa gõ, liên tục đóng vào đầu em từng nhát đinh, thì hồn vía em lên mây và... chỉ còn biết cười trừ.

Cứ dẹp “dẫn chương trình” qua một bên, chỉ nghĩ đến yếu tố “cuộc thi” thôi, thì tôi hoàn toàn có thể đồng cảm chuyện này. Lịch sử luôn là môn thi mà kết quả gây “sốc” nhất trong các kỳ thi đại học. Tốt nghiệp rồi, nhiều học sinh hỏi nhau: Những kiến thức (lịch sử) này còn biết dùng làm gì (đâu phải ai cũng đủ can đảm... đi thi Người dẫn chương trình truyền hình!)? Không có câu trả lời khả quan, thôi, “nhờ thầy cô giữ lại hộ luôn, em đi cho rảnh rang đầu óc”.

Nhưng lỡ đến một ngày muốn sử dụng tư liệu cũ (để đi thi Người dẫn chương trình truyền hình 2009, chẳng hạn) thì sao? Đã có internet - công cụ hỗ trợ tuyệt vời, 2 phút gõ là xong chuyện. Vậy mới có thơ biến tướng trong giới trẻ rằng: “Dân ta phải biết sử ta/ Nếu mà không biết thì... tra google”. Tra xong rồi sao nữa? Học thuộc lòng, sử dụng và lại bỏ. Lại tra, lại dùng và lại bỏ. Vòng quay ấy sẽ tiếp tục cho đến khi nào? Trả lời dễ ợt, đến khi nào Võ Thị Sáu, Nguyễn  Văn Trỗi, Nguyễn Thị Định, Đặng Thùy Trâm, Kim Đồng... không chỉ ở trong đầu mà ở trong tim mình thì được. Ở trong tim có nghĩa là yêu, là quý, là trân trọng. Tôi chưa thấy tình yêu nào xuất phát từ... học thuộc lòng cả.

Làm sao để gây dựng tình yêu vững bền thì giáo dục nước nhà vẫn đang loay hoay tìm phương cách, bên cạnh sự trợ sức của văn học, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, báo chí...

Và có cả cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình 2009 nữa.

Nhưng xin nói điều thẳng thắn này: HTV và cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình có thể giúp gì trong việc thay đổi thực trạng này khi thí sinh nói như con vẹt về những kiến thức lịch sử mà chỉ cần lên Internet tra năm phút là ra hết? Chương trình sẽ giáo dục gì cho hàng triệu khán giả xem đài qua lời của những “bộ máy phát thanh” mà chính nhà tổ chức phải “nín thở”  khi họ trích dẫn thơ về một anh hùng nào đó (lời của giám khảo, MC Quỳnh Hoa)? Xin lỗi, đó chỉ là trò thách đố nhau “tra internet giỏi” hay “ai học thuộc lòng giỏi” hơn.

Sự thực thì khán giả chờ đợi ở người dẫn chương trình sự truyền cảm trong ngôn ngữ, sự linh hoạt trong xử lý tình huống, sự thông minh, sắc sảo trong cách dẫn chuyện, và đặc biệt là một phong cách riêng biệt. Muốn như vậy, người dẫn chương trình phải thật sự là một mắt xích trong đường dây chương trình, phải là người chủ chương trình - là chủ mới biết dẫn khách (khán giả) đi đâu, xem gì, chờ đợi gì tiếp theo..., và quan trọng là phải là chính họ, nói những điều của họ, chứ không phải là một con vẹt trả bài kiểm tra kiến thức. Tất nhiên nếu muốn như vậy thì cách tổ chức thi thố phải khác, cách ra đề bài phải khác và cách nhìn nhận, đánh giá những  phong cách riêng phải khác! Còn nếu nhà đài nhân cuộc thi này có ý định kiểm tra kiến thức lịch sử của giới trẻ thì nên lường trước “tình huống nguy hiểm”, thấy thí sinh phát biểu “nguy hiểm” đề nghị đừng truyền hình trực tiếp. Mà đã có gan truyền hình trực tiếp thì đừng có “nín thở” làm gì...

Từ cuộc thi tìm kiếm những “ngôi sao” dẫn chương trình truyền hình mới (cũng tương tự Sao Mai - Điểm hẹn hay Vietnam Idol tìm “ngôi sao ca nhạc” vậy), “bỗng dưng muốn nhắc” một thực trạng của MC truyền hình mà người xem truyền hình bảo là “có họ cũng được, không có cũng chẳng sao”. Vì họ chỉ biết dừng lại ở “đọc giới thiệu” chứ không biết “dẫn dắt”. Mà giới thiệu thì tự thân nhiều chương trình bây giờ đã chẳng cần đến MC (các live show nhạc sĩ hay ca sĩ hiện nay đều làm thế). Trong các game show, họ xuất hiện một cách trơn tru đến phát... bực. Nói “lời chào trân trọng nhất”, “lời chúc sức khỏe nồng nhiệt nhất”, “lời chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong chương trình lần sau”... như một đống từ ngữ quăng ra cho đủ sóng.

Trong tình trạng chương trình truyền hình nhiều như... lô cốt ngoài đường, lại quá thiếu người biết “làm chủ”, chính MC truyền hình dễ dãi đã tự hạ giá nghề của mình từ “master” của một bữa lễ, bữa hội... (MC xuất phát từ chữ “master of ceremonies” - người làm chủ buổi lễ), thành người... lấp đầy chỗ trống, khi chỉ nói những câu mà chặt đầu, chặt đuôi, chặt luôn khúc giữa vẫn... còn thấy thừa, chỉ là “đãi bôi”, cảm thán một cách sáo rỗng.

Thôi, chẳng cần khuyên đi đâu xa để học hỏi. Chỉ cần chuyển kênh sang VTV6 - kênh dành cho Thanh thiếu niên của Đài truyền hình Việt Nam, sẽ được thấy một cách tuyển MC (trong serie chương trình Cầu Vồng) của “bọn trẻ” thông minh đến kinh ngạc. Bỏ đi cái lớp áo đạo mạo, nghiêm trọng của một cuộc thi truyền hình, giám khảo và thí sinh đến với nhau, trò chuyện một cách cởi mở để phát hiện ra nhau, họ cho nhau biết về kỹ năng, kiến thức, tình huống cần thiết của một MC truyền hình. Đó là gì? Là bạn phải ăn mặc làm sao? Bạn phải trang điểm thế nào? Bạn nên có sự chuẩn bị gì trước một chương trình? Thậm chí cả cách bạn phê bình, nhìn nhận, đánh giá một con  người, sự vật, hiện tượng...

Rồi BTC đặt bạn trước những tình huống để xem bạn sẽ làm gì khi đã cao giọng “và bây giờ là tiết mục” nhưng bên trong báo lại là khách mời chưa tới? Là bạn phải ứng xử thế nào nếu nhân vật của bạn tự nhiên khóc rống lên hay “hí hửng” như trẻ nhỏ vì lần đầu tiên lên tivi? Bạn phải phản ứng ra sao khi họ đột nhiên chỉ trích bạn “giới thiệu sai” trên truyền hình? Hay đang ở trong một chương trình chính luận nhưng đột nhiên khách mời đòi múa, đòi hát một bài...

Để chiến thắng tất cả những chướng ngại vật không được báo trước này, tất nhiên bạn không thể nào là một con vẹt được. Và tất nhiên, đó cũng chỉ là bước đầu để trở thành master (of ceremonies).

Còn khi nào trở thành “master” - MC đúng nghĩa, bạn phải nói giỏi như một... “con vẹt”, nhưng khác đám vẹt bán ngoài chợ ở chỗ phải khiến cho người ta nghe bạn với cảm xúc được nghe tiếng của một con họa mi, thán phục bạn với sự thông thái của một... con người học rộng hiểu cao... Đó là chưa nói đến, đôi khi, khán giả còn đòi hỏi bạn phải biết làm trò như một... “con khỉ” nữa.

Tác giả: Đỗ Duy

Nguồn tin: TTVH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây