Mùa săn cá nục

Chủ nhật - 26/07/2009 09:50 3.651 0
Làng Nục mấy đời nay nổi tiếng về nghề săn cá nục. Người làng Nục kéo lưới, đi thúng chai tà tà, đến mùa săn cá nục mới làm thiệt. Lúc ấy mới đưa ghe lớn đi khơi. Mấy mùa giông nổi, cá nục vẫn theo ghe về bờ đều đều. Cái nghề đã đi từ trong ruột làng Nục đi ra...
Minh họa: Tuấn Anh
Minh họa: Tuấn Anh

Cá nục làng Nục, con nào con nấy mập tròn. Con mắt tươi trong, lao láo, nhìn là muốn thịt. Mình mẩy bóng lưỡng, cứng ngắc, gân xanh rõ mồn một. Mấy ngày khơi ròng mà vẫn nằm giãy đành đa đành đạch... Một mùa khơi xa, là làng Nục tưng bừng tiệc cá nục. Cá nục hấp cuốn bánh tráng, rau xà lách, chấm nước mắm tỏi ớt là ngon bá cháy. Thịt cá ngọt sớt như là ăn đồ sống. Cá nục kho nước dừa, cơm dừa cứng cậy. Cá nục nướng ăn với cơm cháy thơm phức. Mắm cá nục chiên, lấy cà tím chấm. Một miếng cà ăn đậm đà đến ba chén cơm. Nước mắm nhĩ cá nục cũng đâu thua gì nước mắm nhĩ cá cơm, cũng ngọt lự, cũng thắm tình mùi biển quá trời. Chó mèo làng Nục cũng có phước, ăn xương cá, đầu cá nục thay cơm thừa chán chê.

Gió thổi mạnh, tính lưng lửng năm là đến mùa săn cá...

Đêm trước ngày khơi, làng Nục đỏ đèn. Một người một công một chuyện, chu đáo cho buổi sớm mai. Cụ già thì vá lưới. Mấy miếng lưới đợt khơi vừa rồi, cá dữ cắn nát bét, không vá kỹ, cứng cáp là cá nục chui đi hết trơn. Đàn bà thì đi mua thịt thà, rau gạo, đường muối, than cộ, rượu đế, thuốc lá, thuốc nhức đầu, sổ mũi... Con gái thì đi mua đá bào ủ cá nục, bánh ngọt, kẹo, sữa, cà phê... Con nít don don thì cầm can đi xách nước ngọt... Nói chung là đủ để sống đầy đủ trong những ngày lênh đênh nước biển. Đàn ông, con trai thì không rượu chè trai gái, ngủ sớm để sức cho chuyến ghe đi lâu lắm mới về...

Vô mùa cá nục là dân làng Nục “hành quân” qua mấy cái làng xã lân cận lùng tàu dừa tươi. Tàu dừa xanh ngắt, lá tươi là hút bọn cá nục ghê lắm. Cá nục mê lá dừa như trai mê gái đẹp, gái mê trai giỏi giắng, đa tài. Nhác thấy tàu dừa lửng lửng giữa đường bơi, cá nục rủ chui vô cả đàn làm ổ, ăn chơi quẫy nước, đâu biết phận mình long đong. Cái mùi tàu dừa như mùi nước hoa hàng hiệu, ngửi một lần là muốn ngửi lần thứ hai, thứ ba, cả đàn cá nục cùng mụ mị. Thả tàu dừa, đợi dăm ba cữ rượu đế, cà phê là phắng lưới kéo cá mệt nghỉ. Quăng cá vô hầm đá lạnh, nhổ neo về đất liền... Chiều chiều, xe Đa-su chở tàu dừa xanh lè đường vô làng. Biển xanh lá dừa cũng xanh, cả làng Nục xanh tươi. Mấy cây dừa tới mùa săn cá nục là cụt lủn, chẳng còn xum xuê dưới bóng trăng. Chẳng nghe lá dừa xào xạc trong gió đêm, cũng buồn... Hồi nhỏ, Giang hay đu xe Đa-su theo ba má đi mua tàu dừa. Tới lúc don don, Giang đi xách nước ngọt cho ba đi khơi. Bây giờ, tối nay, Giang phải đi ngủ sớm, lấy sức cho mùa săn cá nục đầu tiên của đời nghiệp ngư. Hơn ai hết, Giang hạnh phúc, hồi hộp cho cái ngày được ra biển lớn, quẫy đạp sóng biển và lặn ngụp trong dòng hải lưu mát lạnh. Giang không biết ở dưới đấy, biển có còn xanh?

Là dân biển, lại là dân làng Nục nên Giang ra dáng nhà nòi kinh khủng. Nhìn cái dáng nó đặc mùi biển: Da rám đến xám quắt lại. Bắp tay, bắp dế to tê, cứng ngắc. Nó cởi trần, phô bộ ngực nở vòng cung, chắc như cạp thúng chai. Bụng thon gọn những múi cơ, đầy đủ sáu múi. Nhìn người nó chắc nịch, chẳng sợ sóng lớn, bão giông. Tóc nó vàng khè, xoăn cứng. Nó cao hơn hết những đứa cùng tuổi trong làng Nục. Nó trở thành “người trong mộng” của cả chục (có đầu đuôi) đứa con gái trong làng. Nó ở phố, chắc nó làm người mẫu sẽ kiếm cả ghe tiền cát-sê, chẳng cần đi khơi. Có hôm, xem diễn thời trang trên ti vi, nó bảo, tướng tá nó còn đô hơn cả tướng tá thằng người mẫu nam kia nhưng làm cái nghề đi qua đi lại đó sao vui bằng đi săn cá? Nó cũng là một tay bơi lặn không có đối thủ nào cứng cơ để so đo. Nó bơi một sải tay bằng thằng con trai bình thường bơi một sải rưỡi, còn con gái thì độ cỡ hai sải. Nhìn cái mặt nó hay nhìn người ta bằng cặp mắt lăm lăm đủ biết nó là một thằng ngang bướng, tính thẳng như ruột ngựa.

Nó nghỉ học vào giữa năm lớp chín. Lúc ấy, trường cấp hai bị triều cường lên đánh sập. Nó không chịu đi học ở trường khác vì trường đó quá xa làng Nục. Còn nó, không thể xa làng Nục quá nửa ngày. Nó xếp sách vở vô thùng mì tôm, đẩy vào góc nhà và chạy ra với biển. Ba má nó còn bồi thêm, khỏi đi học thì khỏi tốn tiền sách vở cho mày. Cuộc đời bút nghiên của nó chấm dứt đột ngột và đấy tình yêu với biển như vậy. Đi làm chứng minh nhân dân nó khai, trình độ văn hóa: tốt nghiệp lớp tám...

Giang yêu con Ngân, cũng là con của một nhà trong làng Nục. Mấy đêm, hai đứa rủ ra bờ kè xếp bằng mấy bao tải cát biển nói chuyện khuya lơ khuya lắc. Đám trẻ con đi rình về mách lại là hai ổng bả còn nắm tay nữa kìa, ghê lắm. Hai ổng bả có ôm không? Một đứa cao hứng hỏi. Không biết, mà không cần biết, mà hỏi chi dậy, bà ghen, bà yêu ông Giang hả. Đám trẻ nói té tát, cong bụng cười làm một đứa con gái nhà đầu làng Nục đỏ mặt, lặn biến mất. Giang quá rành sáu câu vọng cổ cái trò ma lanh, rình rình của tụi con nít. Ngày xưa, cỡ đó nó cũng là trùm đi rình người ta nắm tay nhau. Bây giờ, nó phải nắm tay con Ngân để mấy đứa nhỏ ma lanh còn có cái để rình...

Đêm trước ngày đi biển một ngày, Giang rủ Ngân đi quán cà phê. Mấy cái quán cà phê dạo này mọc như nấm mèo, nấm mối. Mấy bà chủ, cái mặt ai cũng non choẹt. Đi bưng bê cà phê trên phố về rồi về nhà xin tiền mở quán với mấy năm kinh nghiệm thương trường và những ngọt bùi - đắng cay trong nghề. Chẳng có một mống ông chủ nào vì đi khơi hết trọi, thì giờ đâu đi phố kiếm tiền như bọn con gái. Tới chiều chiều, các quán mở nhạc lình xình, loại nhạc của mấy cái ông đang làm mưa làm gió gì đấy: Anh yêu em muôn kiếp, trời sinh chúng ta là một đôi, không một cản ngăn, chia lìa, trái tim anh đau như xát muối... Vậy mà thành “hit” làng Nục. Con nít thuộc còn hơn mấy bài thơ phải học thuộc lòng  trong sách ngữ văn.

- Ngày mốt Giang đi biển rồi hả?

- Ừ, tui đi, tui đi hơi lâu đó Ngân!

- Tui gửi chai dầu, có nhức đầu thì thoa vô liền. À, coi chừng trúng sóng biển, mửa ra ghe thì khổ...

- Có nhớ tui không?

- Chút ít...

- ...

- Chỗ đông người, hỏi kỳ quá ta ơi.

- Hì, hì...

Sáng ngày khơi. Bờ biển đông nghịt người, toàn là người làng Nục. Bãi cát bị giẫm nát bởi dấu chân ngang dọc. Biển vỗ ầm ầm. Đàn bà, con gái, con nít phẩy nón tiễn ghe đi vừa vui vừa man mác buồn. Ghe làng Nục xa dần, người ở lại đứng khấn vái một mùa đi săn thuận buồm xuôi gió, bão giông đừng nổi, cá về đầy ắp ghe...

Một cái thường lệ, mùa săn cá nục vô vụ là làng Nục trống hoác đàn ông đàn ang, chỉ còn mấy đứa con trai don don, bé nhỏ, tung tăng sóng cát. Cũng phải, cánh đàn ông theo ghe đi săn hết ráo, đâu còn mống nào lờn vờn ở làng. Cánh đàn bà, con gái ở nhà cũng vô công rỗi nghề. Đi dọc một lượt làng Nục, mấy bà ngồi trước hàng ba ngóng ngóng xa xăm thấy ớn. Dựa cột nghe cải lương, ca nhạc hết buổi đi chợ nấu cơm. Chiều, quét sân sướng, nhà trong nhà ngoài, cho con bú. Tối, rủ nhau ra đầu đường ăn ổi chấm mắm ruốc. Có bữa, thêm cữ giựt mình khi nghe tin bão xa, cơn bão số n... Lúc này đây, làng Nục thê lương, nẫu ruột. Gió biển ngoài kia rít lên nặng trịch. Ngân nhìn cái cảnh làng Nục mà ớn lạnh, u buồn. Một, hai năm nữa Ngân cũng ngồi dựa cột, nghe cải lương, ca nhạc, ngóng tin chồng trở về từ khơi xa lắc. Lòng Ngân như nổi sóng...

Ngày khơi đầu tiên, Giang mải mê nhìn trời cao, biển rộng thênh thang. Sóng biển lăn tăn yên ả như làng Nục trở chiều. Giang ngồi bệt trên mũi ghe, gió thổi tốc, luồn vào trong mấy sợi tóc cong cứng của Ngân, tràn vô lồng ngực, man mác da thịt, bồi hồi. Giang thấy ở biển một tình yêu mê muội, linh thiêng như một tín đồ ngoan đạo. Giang yêu biển như Giang yêu Ngân. Giang tin rằng, sẽ không có một sự lựa chọn giữa biển và Ngân. Vì Ngân và biển là một...

“Được rồi!”, một người trong ghe hô to. Động cơ ghe rền rền dần rồi im bặt. Ghe dừng hẳn, xung quanh là một màu xanh bát ngát của biển, trời. Giang nhảy xuống biển, lặn sâu theo lời cha kêu. Giang lanh như một con cá nục. Một cảm giác chạy xoẹt trong người. Cái tố chất đi săn cá nục hình như đã có trong người Giang lâu lắm rồi giờ mới lộ ra. Chốc lát, nó đã ngoi lên, mặt tỉnh queo, cười tươi rói: “Chỗ này thả được đó cha!”. Nó vừa chui lên ghe, người trong ghe đã thả tàu dừa xuống dưới, gọi cá nục về làm ổ.

- Con lặn xuống coi cá về nha cha?

- Dại nè, nước động cá đi hết ráo, còn cá đâu mà kéo hả!

Ngày mai là thả lưới rồi. Mẻ lưới đầu tiên. Giang không biết mình có nặng vía không? Mùa săn này mà thất, le que mấy con là coi chừng Giang phải đi cúng để cho vía nhẹ đi... Tối, trong ghe ai cũng cụng rượu đế mồi khô mực. Giang lại ra nằm ngửa trên mui ghe. Đêm nay, trăng lại sáng choang. Gió biển tấp vào ghe liên miên, lạnh cóng nhưng Giang thích cái cảm giác hứng gió như thế này. Giang nhớ đến Ngân. Đêm trăng, mà không đi săn cá thì có lẽ Giang và Ngân đã đi dạo biển, ngắm trăng hoặc ra quán cà phê nghe nhạc lè nhè, uống cà phê đen nhỏ giọt...  Mấy ông nhậu say, còn lấy đũa khua vào chén đất lốc cốc, hát nhạc ì èo những ca khúc một thời vang bóng, tình ca của dân nhậu... Ngày mai kéo cá lên rồi, sắp đưa ghe vô bờ, Giang lại được thấy Ngân.

Chuyến đầu tiên của mùa săn cá nục trúng lớn. Cá nục kéo lên, đổ oằn cả một đầu ghe. Giang cười rạng rỡ, tương lai mình sẽ trở thành “thợ” săn cá số một làng Nục. Tiếng ghe nổ bạch bạch, ngược về đất liền, ngược về làng Nục nơi có những người đàn bà đang mòn mỏi chờ chồng con từng ngày mà hao gầy. Không một cơn bão...

Ngày ghe về, bờ biển lại đông nghịt như hồi tiễn ghe đi. Người trong làng gồng gánh từng hàng ra bờ đón ghe, gánh cá. Ngày này, thương cá đâu đâu kéo về đông đen, ngã giá sát rạt. Buôn cá nục làng Nục lời to là cái chắc. Làng Nục lại rộn rịp, mở tiệc cá nục mừng được mùa khơi. Nhậu nhẹt tưng bừng. Cá nục mùa này nhìn ngon mắt quá. Ghe nhà này so ghe nhà kia sát từng con cá. Nhà nào được được là nổ banh trời. Giang nhảy phóc từng mũi ghe xuống bến đậu, liếc liếc tìm Ngân, xa cách ngót nghét chục bữa trời chớ đâu có ít. Có thương mới nhớ dữ...

Mấy mùa săn cá nục nối tiếp nhau...

Giang đã rành sáu câu vọng cổ việc đi khơi. Lứa của Giang đang là lứa “thợ săn” chủ chốt của làng Nục. Nó luôn tự hào vì điều đó vì là ước vọng của nó từ lúc còn cầm can xách nước ngọt cho cha đi khơi. Mùa săn này về, nó sẽ làm đám cưới với Ngân. Nó sẽ sắm cho Ngân một đôi bông bằng vàng, rủ Ngân lên phố mua đồ cho nhà riêng của hai đứa. Một căn nhà nằm lưng lửng ở làng Nục. Ngôi nhà nhìn ra sẽ thấy biển, thấy làng Nục yên ắng đến thèm một tiếng động mỗi lúc vô mùa săn cá. Một hạnh phúc sắp nảy nở gần bờ biển. Trên mặt Giang, căng tràn niềm vui, an lành. Cuộc tình của Giang và Ngân không gợn một cơn giông...

Đợt săn cuối cùng của mùa săn năm nay kết thúc...

Giang về nhà, tắm rửa sạch sẽ, xà bông thơm phức, thay cái áo sơ mi mới coóng. Giang soi gương hai ba lượt rồi đi qua nhà Ngân. Đêm nay sóng vỗ mạnh... Ngân không còn ở làng Nục. Ngân gửi lại cho Giang một bức thư: “Giang hãy đi tìm một người khác, kiếp này chúng ta không thuộc về nhau dù biết rằng anh rất yêu em...”. Bức thư như bài hát lè nhè buổi chiều ở quán cà phê trước ngõ...

Ngân đã bỏ đi trong một buổi chiều sóng gió hú ầm ầm, buổi chiều như mọi buổi chiều ở làng Nục mỗi mùa săn cá nục. Ngân sợ mình sẽ là một hình nhân nhỏ bé của những buổi chiều như thế: Ngồi dựa cột, nghe cải lương, ca nhạc, ăn ổi chấm mắm ruốc chờ chồng...

Giang không ngờ, có một ngày mình lại có sự lựa chọn giữa Ngân và biển. Nó biết rằng, mình là người của biển, của làng Nục. Muôn đời vẫn thế. Ngân và biển không còn là một...

Gió lại thổi mạnh, lại lưng lửng năm, lại đến mùa săn cá...

Đêm trước ngày khơi, làng Nục lại đỏ đèn...

Tác giả: Trần Minh Hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây